Đáp ứng nhu cầu chi tiêu

Trái với dịch vụ vay thế chấp, dịch vụ CVTD hiện nay nở rộ và rất được các khách hàng có thu nhập vừa và thấp ưa chuộng. Một trong những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người lựa chọn hình thức vay tiêu dùng từ các CTTC bởi thủ tục đơn giản, chỉ cần giấy tờ tùy thân (CMND và hộ khẩu hoặc bằng lái xe) với thời gian giải ngân “siêu tốc”, thậm chí chỉ trong vòng 30 phút. Đặc biệt, các công ty cũng đưa ra nhiều mức lãi suất để khách hàng có thể lựa chọn tùy theo các loại giấy tờ mà mình có thể cung cấp để chứng minh thu nhập và khả năng trả nợ, như bảng trả lương hàng tháng, hóa đơn điện, nước…

Nằm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, các CTTC hiện đang tập trung chủ yếu vào 3 dòng sản phẩm “hot” là cho vay mua xe máy, mua sắm đồ điện tử gia dụng và cho vay tiền mặt. Các sản phẩm này đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu chi tiêu, mua sắm của khách hàng. Tất cả các khoản vay, kể từ 1-2 triệu đồng tới vài chục triệu đồng đều được đáp ứng nhanh gọn.

Là một khách hàng thường xuyên lựa chọn phương thức mua hàng trả góp thông qua các CTTC, anh Nguyễn Minh Khang (26 tuổi, nhà ở Quận 4, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi vay trả góp để mua điện thoại với mức hàng tháng phải trả hơn 800.000 đồng. Trước kia, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ vay trả góp vì sợ thủ tục phức tạp và ngại khoản tiền đóng hàng tháng. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, tôi thấy mức trả hàng tháng rất phù hợp với thu nhập của mình. Vay ở Home Credit vô cùng tiện lợi, chỉ cần CMND và bằng lái xe là đã có được món hàng mong muốn. Vay không thế chấp, thủ tục, giấy tờ lại nhanh chóng, thì lãi suất như hiện nay là điều dễ hiểu. Nếu đi vay tín chấp ở ngân hàng, lãi suất vay cũng xê xích như thế”.

Hình thức cho vay tiêu dùng (CVTD) đã được các công ty tài chính (CTTC) quan tâm phát triển mạnh, đem lại nhiều thuận lợi và hài lòng cho khách hàng.

Tiềm năng của thị trường CVTD là rất lớn

Trong những năm qua, hoạt động CVTD tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là các CTTC. Thực tế, trong 7 năm qua, tổng dư nợ CVTD ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Về thị phần, dư nợ CVTD mới chỉ chiếm khoảng 8,02%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, cho thấy hoạt động này còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Hơn nữa, CVTD ở Việt Nam được hưởng lợi từ mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, dân số trẻ, năng động, nhu cầu tiêu dùng lớn, hệ thống TCTD ngày càng phát triển, đa dạng hóa hoạt động theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ CVTD năm 2015 đã tăng trưởng rất mạnh so với cuối năm 2014. Cụ thể, tính đến tháng 9/2015, tổng dư nợ CVTD đã tăng tới 31,49% so với thời điểm 31/12/2014, trong khi 9 tháng đầu năm 2014 mới chỉ tăng 13,14%.

Tiềm năng phát triển của thị trường CVTD ở Việt Nam là rất lớn, bởi với số dân trên 90 triệu người, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi và là thị trường “khổng lồ” cho lĩnh vực CVTD phát triển. Nếu chỉ 1/9 dân số, tức khoảng 10 triệu người có khoản vay tiêu dùng với mức vay bình quân 50 triệu đồng thì tổng quy mô của thị trường CVTD cũng đã đạt mức 500.000 tỷ đồng, quả là một con số rất ấn tượng!

TS.Nguyễn Thị Kim Thanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, sự phát triển của các hoạt động CVTD cho thấy, hoạt động này không chỉ có ý nghĩa đối với từng cá nhân, mà nó còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội.

Theo Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Minh Phong, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn tiềm năng, nhiều người dân chưa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính. Trong khi đó, thực tế, có nhiều yếu tố để có thể kỳ vọng vào phân khúc thị trường này.

“Việt Nam hiện có hơn 90 triệu dân, dự báo sẽ đạt tới 100 triệu dân vào năm 2025. Đó là con số hết sức thuận lợi cho kênh tài chính tiêu dùng. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia đang phát triểnvà có tốc độ tăng trưởng ổn định ở khu vực Đông Nam Á”, nhấn mạnh điều này TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: Khá nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế mà Việt Nam vừa đạt được với các quốc gia có nền kinh tế phát triển, chắc chắn sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan cho nền kinh tế trong nước. “Khi nền kinh tế phát triển ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm,thu nhập cho người lao động tăng lên kết hợp với yếu tố dân số trẻ tập trung nhiều ở khu vực thành thị sẽ thúc đẩynhu cầu mua sắm và tiêu dùng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho vay tiêu dùng” – ông Phong nói.

Mặt khác, việc Chính phủ tiếp tục có nhiều nỗ lực trong cải thiện các thủ tục hành chính, thuế quan cùng với tình hình an ninh chính trị ổn định cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm phát triển và thu hút các nhà đầu tư mới, trong đó có đầu tư vào lĩnh vực CVTD.

Soi vào tốc độ phát triển rất nhanh trong vài năm trở lại đây của các kênh tài chính tiêu dùng trong hệ thống ngân hàng và sự ra đời của hàng loạt công ty tài chính với rất nhiều dịch vụ đa dạng chúng ta cũng đã nhận thấy rõ ràng tiềm năng của thị trường này./.

Theo Nguyễn Quân / Gia đình Việt Nam