Tự xưng lương y để kiếm lời

Thời gian gần đây, nhiều kẻ tự xưng là lương y bốc thuốc chữa bệnh, bán những “bài thuốc gia truyền” hoặc phương thuốc lạ do mình sáng chế để kiếm tiền trên nỗi lo âu của những người mang bệnh đã bị truyền thông, báo chí bóc mẽ chiêu trò lừa đảo.

Một số cái tên có thể kể đến như Phòng khám Đông y Nguyễn Thị Hường giả mạo Đài truyền hình Việt Nam; Lương y Nguyễn Thùy Dung với cam kết chữa khỏi hoàn toàn viêm gan B mạn tính; hay gần đây nhất là sự “quay trở lại” của “Thần y” Tạ Văn Định với bình xịt đa năng chữa được cả độc chó dại cắn, rắn cắn...

"Thần y" giả mạo Tạ Văn Định

Tất cả những vụ việc lương y, thần y giả mạo trên đều có sự góp mặt, quảng cáo của “truyền thông bẩn”. Thông tin về các “lương y” này được đăng tải hàng trăm bài quảng cáo trá hình dưới dạng những chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp có phần bí hiểm. Cá biệt, có những “thần y” xuất hiện ở nhiều tờ báo khác nhau, rồi lại đăng chéo lên các trang mạng xã hội, từ đó tạo nên hiệu ứng truyền thông không nhỏ.

Tại sao có những kẻ chẳng hề qua đào tạo ngành y lại nhận mình là lương y và bỏ công sức, tiền của ra để quảng bá hình ảnh? Câu trả lời chỉ có một chữ: Tiền.

 

Với các mác “phương thuốc gia truyền” được các lương y, thần y này sử dụng, khó ai có thể biết được thành phần thực sự của những sản phẩm này là gì, nếu không phải là người hiểu biết rõ về dược liệu. Điều kỳ lạ thay, cái mác “phương thuốc gia truyền” này được sử dụng bởi cả những lương y, thần y mới hành nghề thuốc được... vài năm hay vài tháng, trong khi những thế hệ trước đó có thể chưa bao giờ hành nghề y.

Đặc điểm chung của các “phương thuốc gia truyền” này là thường được gói lại, hoặc chế thành nước thuốc hay dạng viên nén có giá trị gấp 5, 10 lần trị giá thực sự. Tuyệt nhiên, người bệnh không thể mua chỉ một vài viên hay vài gói nhỏ, mà phải theo chỉ dẫn của lương y, thường là phải mua với số lượng lớn, bỏ ra vài chục đến hàng chục triệu đồng.

Nhiều chiêu trò đánh lừa người bệnh

Để tăng thêm tính xác thực, trong các bài viết quảng cáo, giới “truyền thông bẩn” đưa ra các nhân chứng được lương y, thần y chữa khỏi bệnh đều có địa chỉ và số điện thoại kèm theo. Thế nhưng, trên thực tế, dù có hàng chục “lương y” được lăng xê trong các bài viết khác nhau nhưng rốt cục, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một vài bệnh nhân.

Đơn cử, số điện thoại 0165.4631.xxx, trong bài viết lăng xê “lương y” Triệu Thị Mấy (Thanh Hoá) có biệt tài chữa vô sinh ở báo Đ, thì người bệnh tên là Trang ở Hà Nam nhưng trong bài lăng xê “lương y” Tặng Thị Mụi (Thanh Hoá) trên báo P, lại tên là Thu ở Thái Bình. Trong bài viết ca ngợi lương y Triệu Thị Mế lại tên là Hoa ở Nam Định, tri ân “lương y” Tặng Thị Sệnh lại là Thảo ở Hòa Bình….

Bằng khen giờ còn đáng tin?

Bằng khen giờ còn đáng tin?

Nhằm củng cố thêm niềm tin của người bệnh, những lương y, thần y này cũng không ngại trưng ra những tấm bằng, những khen thưởng chẳng rõ có được các cơ quan có thẩm quyền đã kiểm nghiệm, xác thực hay chưa. Nhiều người đặt ra nghi vấn, liệu rằng những lương y, thần y này có bỏ ra một số tiền để mua bằng, từ đó sử dụng tấm bằng như một hình thức đánh bóng bản thân, kiếm thêm nhiều tiền hơn nữa?

Trên hết, để tình trạng những lương y, thần y giả mạo này thuyên giảm, thì trách nhiệm của đội quản lý thị trường, công an địa phương và đặc biệt người dân là không nhỏ. Người dân cần nâng cao dân trí, tỉnh táo trước những thông tin mình được biết, không để những thông tin sai sự thật bị đồn đoán sâu rộng.

Theo Minh Đỗ/ Đô Thị Mới