Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, liên quan đến đề xuất sửa giá điện bậc thang, bất cứ quy định nào đưa ra mà không hợp lý thì dù mới đưa ra, nếu cần thiết sửa thì vẫn phải sửa trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả, phù hợp thực tiễn của Việt Nam.

“Về dự thảo danh mục Bí mật Nhà nước của ngành, Bộ Công Thương đã đưa ra danh mục có 2 mặt hàng điện và xăng dầu. Tuy nhiên, đây không phải là giá mặt hàng này mà là phương án tính toán để trình các cấp có thẩm quyền trước khi công bố. Hiện nay giá xăng đã theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng đây là mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân, dễ gây ra lạm phát kỳ vọng ảnh hưởng đến đời sống. Tương tự như vậy với giá điện. Vì thế, Bộ muốn đưa 2 nhóm hàng này vào danh mục Bí mật Nhà nước trước khi công bố giá chính thức" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Về căn cứ, Bộ Công Thương căn cứ vào Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước đã được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2018 và có hiệu lực từ 1/7/2020, quy định việc lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước... có hiệu lực từ 1/1/2019. Triển khai luật này, Thủ tướng giao trách nhiệm cho các bộ trong chủ trì xây dựng danh mục bí mật nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Ngoài ra, việc lập danh mục mới các bí mật nhà nước trong ngành Công Thương căn cứ vào Quyết định số 106 về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật trong ngành Công Thương được Thủ tướng ban hành năm 2008. Bộ Công an cũng đã ban hành quyết định về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Công Thương nhằm quy định về việc bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành.

 

Vì sao điều chỉnh giá điện và giá xăng dầu vào danh mục Bí mật Nhà nước? - Ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh: “Hiện nay mặt hàng xăng dầu được điều hành theo kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước, có nghĩa là ngân sách không bỏ tiền ra để điều hành xăng dầu. Tuy nhiên, trong Nghị định 83 của Chính phủ đã đưa ra Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), theo đó mỗi lít xăng, dầu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ trích ra 300 đồng đưa vào Quỹ. Quỹ này được dùng để chi sử dụng trong các dịp lễ, Tết, các khoảng thời gian nhạy cảm… mà giá xăng, dầu thế giới tăng cao sẽ lấy ra bù vào. Trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu trên thế giới xăng rất cao, 4 tháng đầu năm 2019 giá dầu thô biến động tăng cao, ngày 23/4 vừa qua đã đạt mức giá cao nhất trong 6 tháng gần đây, tăng 28,85-32% so với đầu năm 2019. Giá thành phẩm xăng dầu tháng 3 so với tháng 4/2019 cũng tăng 8,5% và liên Bộ Công Thương-Tài chính đã phải sử dụng đến Quỹ BOG. Có thể thấy, vừa rồi giá xăng dầu vẫn tăng nhưng nếu không sử dụng Quỹ sẽ còn tăng nhiều hơn”.

Bên cạnh đó, việc sử dụng Quỹ BOG giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát CPI, chỉ số GDP cả năm đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước. Chính vì thế, thời gian vừa qua khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh ta đã phải chi sử dụng Quỹ BOG rất nhiều. “Từ 1/1/2018 chúng ta đã đưa xăng E5 RON92 vào thay thế cho xăng RON92. Năm 2018, xăng E5 RON92 đã tiêu thụ 3,118 triệu m3 tương đương khoảng 42% lượng xăng tiêu thụ trên toàn quốc. Tuy nhiên 3 tháng đầu năm 2019 theo số liệu báo cáo, lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ khoảng 740.000 m3 tương đương khoảng 38% tổng lượng xăng, như vậy là có giảm. Về việc kinh doanh xăng E5, hiện nay mức thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 RON92 được tính bằng 95,1% mức thuế so với xăng khoáng RON92. Tôi đồng tình rằng mức này chưa hợp lý nhưng ta không thể tính cơ học như vậy mà phải đánh giá dựa trên mức độ khí thải xăng E5 thải ra. Còn hiện nay ta chỉ đang so sánh mức thuế của xăng bình thường là 4.000 đồng/lít, thuế xăng E5 chỉ 3.800 đồng/lít như vậy không thể khiến người dân lựa chọn xăng E5 được khi họ còn nhiều băn khoăn về chất lượng xăng E5, kiểu “chưa bốc bằng” xăng khoáng” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương đánh giá rất cao sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tuyên truyền người dân sử dụng xăng E5. Trên thế giới còn đã sử dụng đến xăng E10, E20 mà ta xăng E5 còn chưa đạt 40%. "Sáng nay họp Ban Chỉ đạo Điều hành giá, chúng tôi cũng đưa ra việc này và đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa về thuế môi trường với xăng E5 tạo sự cách biệt về giá giữa 2 loại xăng để khuyến khích người dân sử dụng. Đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT cũng quy hoạch các vùng để phát triển xăng E5, Bộ GTVT phối hợp các nhà sản xuất kinh doanh xe để người dân an tâm sử dụng loại xăng E5", ông Hải nói.

Theo baodansinh.vn