Hoàng Anh Gia Lai không còn "sức" để đầu tư?

Được biết, lý do dự án bị thu hồi là nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án. Trước đó, theo BCTC quý I/2016, doanh thu từ bò thịt đã đóng góp 62,5% tổng doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Hoàng Anh Gia Lai tại Kon Tum có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.600 tỷ đồng.

Dự án có quy mô đàn bò ban đầu là 35.700 con bò sinh sản (gồm bò cái sinh sản và bò đực để lai tạo giống), sau đó sẽ nâng lên 111.880 con, gồm bò sinh sản và bò vỗ béo.

Quy trình chăn nuôi của dự án là khép kín và áp dụng công nghệ cao và cơ giới hóa vào chăn nuôi.

 Dự án nuôi bò với tổng vốn 1.600 tỷ của Hoàng Anh Gia Lai đã bất ngờ dừng lại

Khi công bố về dự án này, ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc HAGL cho biết dự án kỳ vọng sẽ có đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh Kon Tum, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động.

Chăn nuôi bò đang "ăn" quá sâu vào lợi nhuận?

Trước đó, vào năm 2014, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), Chủ tịch HĐQT HAGL đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò thịt và bò sữa.

Đàn bò thịt của HAGL được nhập từ Úc qua đường biển về cảng Quy Nhơn rồi chuyển lên trang trại tại Gia Lai. Được nuôi trong các chuồng bò, đầu tư xây dựng kiên cố.

Trang trại bò Gia Lai là 1 trong 5 trang trại của HAGL, được đầu tư theo quy trình khép kín. Đàn bò thịt tính đến nay vào khoảng 32.000 con, và khoảng 10.000 con bò sữa.

Sau 9 tháng đầu tư xây dựng, nhiều trang trại bò của HAGL đã hoàn thành đồng bộ, quy mô với công nghệ tiên tiến, hiện đại theo mô hình khép kín.

Tính đến tháng 6/2015, HAGL đã nhập về Việt Nam 86.700 con bò từ Úc.

Giá cổ phiếu HAGL hiện tại đã cách xa giá trị sổ sách ban đầu 18.780 VND/cổ phiếu

Theo kế hoạch, Dự án đầu tư trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Kon Tum sẽ được rót vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng để tiếp tục mở rộng kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò thịt bò sữa, tuy nhiên, đối mặt với tình hình tài chính không mấy "khả quan" như hiện tại của HAGL thì dự án này đã phải dừng lại.

Theo BCTC quý I/2016, doanh thu quý I/2016 HAGL đạt 1.972 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng trong kỳ tăng 923 tỷ đồng so với cùng kỳ 2015. 

Trong đó, doanh thu bán bò phát sinh trong quý là 1.233 tỷ đồng - khoản doanh thu này chưa phát sinh trong cùng kỳ 2015.

Giá vốn cũng tăng 992 tỷ so với cùng kỳ 2015. Trong đó, giá vốn bán bò phát sinh trong quý là 1.100 tỷ đồng.

Từ đó có thể nhận thấy doanh thu từ chăn nuôi bò đã mang lại cho HAG khoảng 133 tỷ đồng trong quý đầu năm.

Tuy nhiên, doanh thu từ bán bò lại chỉ chiếm 6,7% tổng doanh thu 3 tháng đầu năm, trong khi giá vốn bán bò lại chiếm tới 65,6% giá vốn hàng bán của công ty trong 3 tháng đầu năm và "ăn" quá sâu vào phần lợi nhuận mà công ty đạt được.

Do đó mà lợi nhuận sau thuế quý I/2016 của HAG chỉ thu về vỏn vẹn 1,59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước con số này là 258,6 tỷ đồng.

Không lâu trước khi UBND tỉnh Kon Tum ra văn bản thống nhất thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động Dự án của HAGL thì Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu nợ cho Tập đoàn này.

Tuy nhiên không phải toàn bộ khoản nợ của HAGL sẽ được tái cơ cấu.

Được biết trước đó, các ngân hàng là chủ nợ của HAGL đã họp và có văn bản kiến nghị NHNN cho phép được giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi một số khoản nợ.

BIDV - chủ nợ lớn nhất của HAGL - cũng nhận định tập đoàn này gặp khó khăn về thanh khoản chứ không mất khả năng trả nợ. Nếu bán toàn bộ các dự án cao su với tổng diện tích hơn 50.000ha dọc biên giới VN - Lào, HAGL hoàn toàn đủ khả năng trả được nợ.

Theo Vân Hà (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam