Gửi tới Quốc hội báo cáo mới nhất về dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, thay mặt Chính phủ, nhận uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thông tin cụ thể về việc công trình bị đội vốn “khủng”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008 là gần 8.800 tỷ đồng tương đương 553 triệu USD. Trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc là 1,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD) với lãi suất 3%/năm và vốn vay ưu đãi bên mua cũng của nước này là 250 triệu USD (lãi suất 4%/năm). Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là gần 134 triệu USD.

Đến thời điểm Chính phủ hoàn thành báo cáo (21/10/2015), dự án phải điều chỉnh vốn rất lớn, với tính toán của tư vấn TEDI, được Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng thẩm tra là 868 triệu USD, tăng 315 triệu USD.

Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc phải tăng thêm trên 250 triệu USD. Đáng chú ý, trong khoản này, riêng các chi phí thuộc hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc đã đội lên hơn 248 triệu USD. Chỉ gần 2,2 triệu USD là thuộc chi phí dự phòng tăng thêm. 

Phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam phải điều chỉnh tăng thêm gần 65 triệu USD (tương đương 2.000 tỷ đồng). Chi phí giải phóng mặt bằng cũng khiến tổng mức đầu tư đội thêm 63 triệu USD (tương đương 1.900 tỷ đồng).

Như vậy, phần lớn trong tổng số tiền vốn bị đội lên của dự án (248/315 triệu USD) nằm ở các chi phí thuộc hợp đồng với tổng thầu EPC (Trung Quốc).

Đại diện Chính phủ nêu rõ, những lý do phải điều chỉnh vốn sau khi các hợp đồng để thực hiện dự án đã chốt ký là do thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu depot; bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6; điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ; thay đổi vị trí bãi đúc dầm; công tác nghiệm thu thiết bị, đoàn tàu và vận hành chạy thử dự án; Kinh phí giải phóng mặt bằng (bao gồm cả di dời công trình hạ tầng kỹ thuật) thay đổi; do trượt giá…

Đường sắt trên cao đoạn giao cắt ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (Ảnh: Zing).

Đường sắt trên cao đoạn giao cắt ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (Ảnh: Zing).

Đánh giá về quá trình thực hiện dự án, Chính phủ nhận định, dự án từ khi khởi công đến nay gặp nhiều khó khăn (như GPMB chưa kịp thời, năng lực của Chủ đầu tư Dự án trước đây là Cục Đường sắt Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, năng lực của tổng thầu EPC và tư vấn giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu, Dự án phải sử dụng đồng thời nhiều hệ thống quy trình, quy phạm thiết kế, định mức, đơn giá…).

Đến nay, nhiều biện pháp đã được thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát chất lượng và giá thành công trình. Bộ GTVT rà soát, kiên quyết thay thế các Nhà thầu phụ yếu kém về năng lực, kinh nghiệm đang tham gia thực hiện Dự án để bổ sung, thay thế bằng các Nhà thầu phụ có năng lực, kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công.

Chủ đầu tư cũng yêu cầu thay thế Giám đốc điều hành của Tổng thầu, Tư vấn giám sát bằng những nhân sự có năng lực, kinh nghiệm để điều hành Dự án. Yêu cầu Tổng thầu bổ sung nhân sự có năng lực, kinh nghiệm để điều hành Dự án.

Bộ GTVT còn buộc lãnh đạo của Tổng thầu Trung Quốc sang ở tại Việt Nam để trực tiếp điều hành Dự án. Hiện nay, Tổng thầu EPC đã cử một Phó tổng Giám đốc sang Việt Nam để trực tiếp điều hành và đã bổ sung thêm 2 công ty con sang Việt Nam để tham gia thi công.

Lãnh đạo Bộ GTVT đồng thời yêu cầu Tổng thầu phải kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành cho các Nhà thầu phụ để đảm bảo năng lực tài chính cho các đơn vị tham gia thực hiện Dự án.

Sai phạm của Tổng thầu Trung Quốc tại dự án

Cũng liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, cuối tháng 9 vừa qua, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã có kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động tại Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, đơn vị tổng thầu thi công toàn bộ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH chỉ rõ nhiều quy định của pháp luật lao động chưa được Tổng thầu thi công tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Ví dụ: Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc chưa báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động cũng như tình hình tai nạn lao động 6 tháng, hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương.

Hợp đồng lao động chưa thỏa thuận cụ thể quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động (không thỏa thuận nội dung bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp); áp dụng mức lương tối thiểu thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (có 20 người chỉ được trả 3 triệu đồng/tháng); chưa trả lương những ngày người lao động chưa nghỉ theo quy định. Đồng thời, đơn vị này chưa đóng bảo hiểm cho 28 người thuộc diện phải tham gia; chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Đáng lưu ý, Tổng thầu chưa kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với 8 máy, thiết bị thuộc danh mục máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định; chưa khai báo với Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định.

Doanh nghiệp cũng chưa lập phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và tổ chức diễn tập các phương án xử lý khi xảy ra sự cố đối với máy, thiết bị trong hồ sơ kỹ thuật, biện pháp thi công theo quy định.

Theo kết luận, tổng số người đang làm việc tại công trình đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông là 168 người, trong đó có 86 người Trung Quốc và 82 người Việt Nam./.

Đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành khối lượng thi công 419/419 trụ cầu khu gian, 112/112 trụ nhà ga, 81/112 xà mũ các nhà ga (khoảng 72%), cơ bản hoàn thành toàn bộ tầng 2, tầng 3 ga mẫu La Khê, toàn bộ 420 cọc khoan nhồi nhà ga Cát Linh, đục được 608 và lao lắp 494 trên tổng số 806 phiến dầm đơn giản. Trên công trường, 180 m cầu sông Nhuệ đúc hẫng cũng đã hoàn thành, thảm xong hạng mục đường tránh Quốc lộ 6.

Bộ GTVT cũng đã ký 2 hiệp định vay vốn, tổng số 419 triệu USD cho dự án và giải ngân được 3.960 tỷ đồng (tương đương 195 triệu USD), đạt 47% tỷ lệ vốn ODA đã vay. 

Xem xét việc đội vốn 726 triệu USD của tuyến metro số 2 TP.HCM

Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản gửi đề nghị Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến về kiến nghị của UBND TP.HCM tăng mức đầu tư tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) giai đoạn 1 từ 1,34 tỉ USD lên 2,07 tỉ USD.

Dự án này được UBND TP.HCM phê duyệt ngày 11/10/2010, sau đó điều chỉnh ngày 30-5-2013 với tổng mức đầu tư 26.116 tỉ đồng (tương đương 1,3475 tỉ USD), trong đó vốn đối ứng của ngân sách TP là 326,5 triệu USD, còn lại là vốn vay ODA.

Theo UBND TP HCM có hai nguyên nhân chính dẫn đến tăng TMĐT của dự án là do trượt giá vì dự án lùi tiến độ và do thay đổi thiết kế nền tảng của dự án. 

 

Theo Nhật Linh (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam