Theo đó, thời gian giải ngân tái cấp vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cân đối chung về nguồn vốn, tập trung vốn tín dụng đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Như kế hoạch ban đầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng tái cấp vốn khi giải ngân hết số tiền (khoảng 30 nghìn tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 01/06/2013).

Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế khẳng định: Thời hạn chấm dứt giải ngân gói 30.000 tỷ là 1/6/2016 - đúng 36 tháng sau khi triển khai chương trình này.

Tức là các hợp đồng vay được ký trước thời điểm nêu trên, nhưng giải ngân sau sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi.

Gói hỗ trợ vay vốn 30.000 tỷ đến nay về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra

Vụ này cũng bác bỏ thông tin khách hàng vay vốn gói 30.000 tỷ đồng (giải ngân trước 1/6) chỉ được ưu đãi trong 3 năm đầu tiên, thời gian còn lại chịu lãi suất vay thương mại thông thường.

"Phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước được hưởng lãi suất vay ưu đãi trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (tối đa 15 năm)", Vụ này khẳng định.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, gói hỗ trợ vay vốn 30.000 tỷ đến nay về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, chính sách này đã phát huy tác dụng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến thị trường bất động sản, thị trường đã phục hồi và phát triển khởi sắc.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ nên có tính chất thời điểm, không kéo dài sự hỗ trợ cho một đối tượng.

Về vấn đề ngân hàng đưa thông tin về gói 30.000 mập mờ, Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế cho biết: "Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra tra ngay, yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo và có biện pháp xử lý phù hợp."

Theo Vân Hà (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam