Vì sao nhiều trẻ không thích gần gũi bố mẹ?

Đa số trẻ khi còn nhỏ tỏ ra rất thích gần gũi bố mẹ nhưng theo thời gian trưởng thành, trẻ trở nên xa cách và khó hòa hợp với bố mẹ hơn.

Tiến sĩ Clive Keevil - Hiệu trưởng trường Quốc tế Úc có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục. Tiếp xúc với nhiều phụ huynh, ông nhận thấy phần lớn cha mẹ gửi con đi học đều mong muốn nhà trường sẽ giáo dục và truyền đạt cho con mọi kiến thức cần thiết trong cuộc sống. Song trên thực tế, cha mẹ mới là người ảnh hưởng tích cực đến thành công sau này, tạo động lực cho con trẻ cắp sách đến trường và luôn trong tư thế sẵn sàng học hỏi.

Khi con cần tâm sự, bày tỏ ý kiến thì phụ huynh thường không lắng nghe hay chỉ nghe qua loa. Mặt khác, khi con có lỗi sai, cha mẹ thường không kiên nhẫn để con giải thích lí do mà chỉ la mắng, phạt hay đánh đòn. Con bạn chỉ nhận lỗi vì sợ nhưng trong lòng sẽ có sự bất mãn, tâm lí không phục. Hành động thiếu sự lắng nghe này là nguyên nhân khiến con xa cách với cha mẹ.

gan-gui

Kiểm soát quá mức làm con mất sự riêng tư và hay đề phòng bạn (Ảnh minh họa)

Ngày nay, nhiều phụ huynh bận rộn với công việc mà ít dành thời gian cho con. Trẻ thiếu tình cảm, sự gần gũi và dạy dỗ của cha mẹ sẽ cảm thấy xa lạ và giữ khoảng cách với bạn. Đây cũng là nguyên nhân khiến con xa cách với cha mẹ thường gặp.

Khi bước vào độ tuổi dậy thì, tính cách và suy nghĩ của trẻ có sự thay đổi lớn. Đây là thời kì mà con có suy nghĩ riêng, thích khẳng định cái tôi và tự do. Nhiều phụ huynh không hiểu rõ vấn đề nên ép buộc và cấm đoán trẻ.

Sự cấm đoán, quản thúc và gò bó suy nghĩ cá nhân lên con khiến trẻ cảm thấy bị thiếu tôn trọng, “ngạt thở”, tự ti và cáu gắt với phụ huynh. Tác hại là trẻ có tâm lí đối phó, sợ hãi và né tránh giao tiếp với cha mẹ. Lạm dụng quyền hạn của người lớn để ra lệnh và áp đặt lên suy nghĩ của con là một trong nhiều nguyên nhân khiến con xa cách với cha mẹ.

Cách làm tăng sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái

Mỗi trẻ đều có những điểm khác biệt cần được khuyến khích và đánh giá cao. Những học sinh tự tin sẽ thể hiện thái độ học tập tích cực và cố gắng thử thách những điều mới lạ. Vì vậy, trẻ nên xây dựng lòng tin vào bản thân, hãnh diện và tự hào về những đóng góp nhỏ bé của mình cho gia đình, bạn bè và xã hội. Cách cha mẹ thể hiện yêu thương sẽ giúp trẻ phát triển những đức tính này và thành công trong môi trường học đường cũng như cuộc sống.

Tiến sĩ Clive Keevil nhấn mạnh, đối với trẻ nhỏ, không có gì quý giá hơn khi được sống trong tình thương yêu và chăm sóc tận tình của cha mẹ. Những lời nói và hành động của phụ huynh luôn in dấu trong tâm trí chúng. Cha mẹ có thể chia sẻ để trẻ cảm thấy bản thân quan trọng, bằng cách thường xuyên nói lời "yêu con". Hàng ngày, hãy lắng nghe con kể chuyện, ôm và trao nụ cười trìu mến, tạo không khí gia đình ấm cúng và gắn kết các thành viên khi trò chuyện hay vui chơi cùng nhau. Tiếng cười giòn rã sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, vui tươi và lạc quan hơn.

Theo Giadinhvietnam.com