Lễ cúng rằm tháng Giêng rất quan trọng, bởi vậy mà ông bà xưa mới có câu: "Lễ quanh năm không bằng rằm tháng giêng."

Vậy rằm tháng Giêng là ngày gì?

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười).

Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn Tết bù...

Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên Tiêu

Nguồn gốc ngày rằm tháng Giêng

Có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng. Vào dịp rằm tháng giêng, bà con nông dân khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, nên tối ngày 15/1 âm lịch là thời điểm ra đồng ruộng tập trung cỏ khô, lá khô, châm lửa tiêu hủy sâu bọ.

Một số ý kiến khác cho rằng Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Vào ngày này, chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Bởi vậy, những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đến đức Phật.

Theo truyền thống Phật giáo Nam tông, Rằm tháng Giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Ngày này đức Phật thông báo giáo Pháp đã được thiết lập vững vàng và ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa. Lúc đức Phật ở Trúc Lâm tịnh xá (thành phố Ràjagaha), 1250 vị thánh Tăng tự tập trung về ngồi vây quanh đức Phật lắng nghe bài kinh Giải Thoát Giáo.

Cũng có ý kiến cho rằng, ngày Rằm tháng giêng còn là ngày vía Thiên quan, trong dân chúng đây là dịp lên chùa cúng dâng sao giải hạn (hoặc cúng tại nhà), giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.

Bởi vậy, đêm Rằm tháng Giêng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, thấm đẫm chất nhân văn ở cả thành thị lẫn nông thôn, đâu đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ.

Theo Minh Chuyên (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam