Gần đây, liên tiếp xảy ra những biến chứng nặng nề sau khi tiêm filler nâng mũi tại các cơ sở không đủ tiêu chuẩn khiến nhiều người lo ngại. Không ít trường hợp đã bị biến chứng nặng nề, hoại tử mũi, mù mắt vì tiêm filler tại các cơ sở không đảm bảo. 

Nói về vụ việc vừa xảy ra gần đây, PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận một nữ bệnh nhân 18 tuổi bị biến chứng đau nhức, sưng tím, mắt phải mờ dần sau khi tiêm chất làm đầy (filler).

Sau khi thăm khám, bác sĩ Hùng chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch trung tâm võng mạc gây mù mắt phải. Hiện nữ bệnh nhân vẫn được điều trị tại khoa Mắt nhưng khả năng cải thiện thị lực không khả quan.

Nữ bệnh nhân này được người chồng không học ngành y nhưng đi học tiêm filler ở một cơ sở thẩm mỹ tư nhân và mua filler với giá 1,2 triệu đồng về thực hành tiêm cho vợ. Sau khi tiêm, bệnh nhân đau nhức, mờ mắt phải.

Filler (hay còn gọi là chất làm đầy) là gì?

Theo các bác sĩ, filler là hợp chất có cấu tạo từ acid hyaluronic. Một số loại filler được dùng trong thẩm mỹ phổ biến có thể kể đến như: Estylane, juvederm và radiess.

Những thành phần khác có thể gặp trong các chất làm đầy là: Collagen, acid lactic, calci poly-L-hydroxylapatite.

những ca biến chứng vì tiêm filler vào mũi.

Những ca biến chứng vì tiêm filler nâng mũi.

Filler được dùng để tiêm vào da, tạo khối mô dày dưới nếp nhăn nhằm mục đích là làm phẳng da hay tăng thể tích một bộ phận nào đó của cơ thể trong thời gian ngắn như các vùng cần nâng độn như một số vùng ở mặt (mũi, gò má, môi, thái dương, quai hàm, cằm); ngực; mông; tạo hình đường cong mà không cần phẫu thuật...

Đây chính này là giải pháp thay thế cho silicon lỏng đã bị cấm từ năm 1990. Sau khi tiêm filler có hiệu quả trong vòng từ 4-6 tháng, sau đó nếu muốn duy trì làm đẹp thì người được tiêm cần tiếp tục tiêm tiếp. Vì vậy, chi phí làm đẹp cho phương pháp này tương đối cao.

Vì sao tiêm filler lại gây mù mắt?

Khi tiêm filler, có thể gây biến chứng như hoại tử vùng tiêm, mù mắt vĩnh viễn hay nguy hiểm hơn cả là nhồi máu não là bởi kỹ thuật viên tiêm nhầm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch, từ đó dẫn đến hoại tử vùng mô mà mạch máu bị tắc nuôi dưỡng.

Ngoài ra, việc tiêm quá liều, chẳng hạn như khi tiêm nhiều hơn 1cc ở vùng sống mũi, 0.3cc vùng đầu mũi đã có thể gây căng da, chèn mạch máu gây thiếu máu các cơ quan lân cận làm hoại tử mũi.

Riêng với trường hợp bị biến chứng gây mù mắt, mặc dù không phải tiêm filler vào mắt nhưng khi tiêm chất này vào vùng mũi có thể dẫn đến phù nề, chèn ép gây hoại tử tại chỗ và ảnh hưởng đến vùng xung quanh, gây tắc động mạch trung tâm võng mạc, tăng nhãn áp, gây mù lòa.

Những vị trí tiêm có thể gây biến chứng mù mắt là: Tiêm filler sống mũi và rãnh mũi má; tiêm vùng rãnh cau mày và những nếp nhăn trán; tiêm filler vùng thái dương và da đầu.

Cũng theo các chuyên gia, bên cạnh biến chứng gây mù mắt thì khi tiêm filler tại vị trí nào, nếu kỹ thuật tiêm không đúng cũng có thể gây biến chứng tại vị trí đó.

Tương tự như vậy, việc tiêm filler để nâng ngực hay  độn mông có thể chất này chèn ép gây tắc mạch, vỡ mạch, chèn ép các mô gần vùng tiêm, gây tắc tuyến sữa, biến dạng tuyến sữa... dẫn đến biến chứng tím bầm quanh vùng được tiêm và hoại tử.

Nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây biến chứng. Trường hợp xảy ra khi quy trình tiêm không thực hiện nguyên tắc vô khuẩn.

Mỗi loại filler lại được chỉ định dùng cho mỗi vùng khác nhau, do vậy, nếu sử dụng sai loại cũng có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường.

Những lưu ý để tránh biến chứng khi tiêm filler

Để tránh những biến chứng khi tiêm filler, các bác sĩ đưa ra một số lời khuyên với các chị em có nhu cầu làm đẹp.

Đầu tiên, mọi người nên tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định làm đẹp bằng filler để tránh biến chứng có thể xảy ra vì việc xử lý sau khi biến chứng xảy ra rất phức tạp, chi phí điều trị cũng là con số không nhỏ.

Bên cạnh đó, bạn phải chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn tuyệt đối.

Một lưu ý đặc biệt quan trọng đó là, bạn nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa thẩm mỹ và đã được cấp phép để thực hiện thủ thuật. Người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc chuyên khoa da liễu, được đào tạo về tạo hình thẩm mỹ và da liễu, phải hiểu rõ về các chất làm đầy, kỹ thuật và chỉ định tiêm, đồng thời biết rõ quy trình xử lý tác dụng không mong muốn nếu xảy ra.

Theo Linh San/Đô thị mới