Ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, dự kiến nửa cuối năm, nhu cầu điện tiếp tục tăng khoảng 10%. Trước đó, 6 tháng đầu năm, điện thương phẩm tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ. Công suất phụ tải tháng 4, 5, 6 tăng mạnh do ảnh hưởng của nắng nóng.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự báo sản lượng điện thương phẩm đến năm 2020 theo các phương án cơ sở là 235 tỷ kWh và phương án cao là 245 tỷ kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân trong giai đoạn 2016-2020 của các phương án tương ứng là 10,34%/năm và 11,26%/năm.

viet nam co nguy co thieu dien tu sau nam 2020
Việt Nam có nguy cơ thiếu điện trầm trọng từ sau năm 2020

Các năm 2019-2020 dự kiến đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW, trong đó: các nhà máy nhiệt điện than là 2.488MW, các nhà máy thuỷ điện là 592 MW, còn lại các dự án năng lượng tái tạo khoảng 3.800 MW. Hệ thống có thể đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc.

Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020.

Cũng theo Bộ Công Thương, các năm 2021 – 2025, dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu nhưng hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam.

Mức thiếu hụt tại miền Nam sẽ tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025.

Tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành cả giai đoạn 15 năm 2016-2030, dự kiến khoảng 80.500MW, thấp hơn so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.200MW. Trong đó chủ yếu thiếu hụt trong các năm từ 2018-2022.

Nguyên nhân chủ yếu khiến thiếu hụt điện đó là nhiều dự án nguồn điện trong giai đoạn này bị chậm sang giai đoạn 2026-2030 và hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam.

Do đó dẫn đến tình trạng hệ thống điện từ có dự phòng về nguồn điện 20-30% trong các năm 2015-2016, đến năm 2018-2019 hầu như không còn dự phòng và sang giai đoạn 2021-2025 xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện.

Trước tình trạng trên, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho biết theo đề xuất của các nhà đầu tư, tổng công suất điện mặt trời đã khoảng 25.000 MW, điện gió khoảng 16.500 MW.

Ông Kim cũng nói thêm về việc cung cấp điện đến năm 2020 về cơ bản đáp ứng nhưng tiếp tục tiềm ẩn một số rủi ro, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan. Các tình huống này có: nhu cầu phụ tài cao hơn dự báo, lưu lượng nước hồ về các hồ thủy điện kém, thiếu hụt nguồn nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện.

Tổng công suất nguồn bổ sung mỗi năm là 4.500 MW đến 5.000 MW với nhiệt điện và khoảng 15.000 MW với điện tái tạo. Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng điện sản xuất cần bổ sung là 26,5 tỷ kWh/năm. Nhưng hiện nay, nhiều dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ nên dự kiến sản lượng thiếu hụt vào năm 2021 lên đến 6,6 tỷ kWh, đến 2022 là 11,8 tỷ kWh và năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh. Đến nay, trong số 62 dự án công suất lớn đang hoặc dự kiến triển khai, 15 dự án đạt tiến độ, 47 dự án chậm hoặc chưa xác định tiến độ.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Điều tiết điện lực, từ tháng 10/2019, Nhà máy khí Cà Mau sẽ hết quyền lấy khí. Do đó, nguồn chạy dầu sẽ phải huy động thêm hơn 500 triệu kWh với chi phí tăng thêm 2.500 - 3.500 đồng/kWh. Thủy điện cũng gặp khó do vừa đảm bảo vận hành và xả nước cho hạ du. Điện than cũng không còn nguồn mới, việc đảm bảo cung cấp than cho điện cũng đang gặp khó khăn.

Bộ Công Thương đánh giá: Trường hợp dự án nhiệt điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023, tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024-2025 sẽ trầm trọng hơn.

Nguồn: https://tbck.vn/viet-nam-co-nguy-co-thieu-dien-tu-sau-nam-2020-42529.html

Theo tbck.vn