Việt Nam ở nhóm dẫn đầu về thúc đẩy tài chính bền vững - Ảnh 1

34 quốc gia thành viên của SBN hiện đang nắm giữ mức tài sản ngân hàng trị giá 42,6 ngàn tỉ đô la Mỹ, chiếm 85% tổng tài sản ngân hàng của toàn nhóm thị trường đang phát triển. Tuy môt số quốc gia thành viên thịnh vượng hơn các thành viên khác, tất cả đều đã và đang có những bước tiến đáng kể nhằm thúc đẩy tài chính bền vững.

“Việt Nam, cùng với 7 quốc gia khác - Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Colombia, Indonesia, Mông Cổ, và Nigeria - được đánh giá ở trong nhóm dẫn đầu khi đã triển khai những cải cách qui mô lớn, ban hành các chính sách và quy định căn bản để tăng cường tài chính bền vững và bắt đầu có cơ chế đo lường kết quả thực hiện”, SBN đánh giá.

“Đây là một bước tiến quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến 2030,” ông Ethiopis Tafara, Phó Chủ tịch IFC chuyên trách Pháp chế, Rủi ro Tuân thủ và Phát triển Bền vững nhận định. “Báo cáo cho thấy các quốc gia dù ở nhóm thu nhập trung bình hay thu nhập thấp cũng đều có thể thực hiện những cải cách tài chính bền vững hiệu quả.

Chỉ trong một thời gian ngắn, SBN đã cho thấy các thành tựu đáng khích lệ khi các cơ quan quản lý ngành ngân hàng, các cơ quan hoạch định chính sách khác, các hiệp hội ngân hàng, các hiệp hội ngành nghề và các tổ chức phát triển cùng phối hợp hành động trong lĩnh vực tài chính bền vững.”

Báo cáo cung cấp những chỉ tiêu đánh giá khả thi và các công cụ chính sách để các quốc gia dù ở quy mô và giai đoạn phát triển nào cũng có thể áp dụng. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy việc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và đẩy nhanh tiến trình cải cách.

Báo cáo này sử dụng phương pháp tiếp cận mới-  đánh giá dựa trên kết quả đã được 34 quốc gia thành viên của SBN thống nhất – đây cũng là một thành tựu đáng ghi nhận bởi nó sẽ tạo nền tảng cho việc đánh giá những tiến bộ cải cách trên phạm vi toàn cầu.

Đối với Việt Nam, báo cáo đánh giá cao nội dung toàn diện của Chỉ thị về Thúc đẩy Tăng trưởng Tín dụng Xanh và Quản lý Rủi ro Môi trường và Xã hội – Chỉ thị 03 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành vào năm 2015. Chỉ thị này nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh và khuyến khích tất cả các tổ chức tín dụng cân nhắc các rủi ro về môi trường và xã hội trong các giao dịch cấp vốn.

Chỉ thị cũng đưa ra một mẫu biểu báo cáo giúp các tổ chức tín dụng cung cấp số liệu định lượng hàng quý cho NHNN, bao gồm cả các đánh giá về rủi ro môi trường và xã hội của các khoản tín dụng, các sản phẩm tài chính khác và các dòng vốn xanh. Chỉ thị này hiện mới chỉ có hiệu lực đối với ngành ngân hàng, nhưng có thể được xem xét mở rộng áp dụng cho các dịch vụ tài chính khác như bảo hiểm và quản lý quỹ đầu tư.

Báo cáo cũng ghi nhận các chương trình đào tạo về các bảng kiểm hướng dẫn đánh giá rủi ro MTXH cho mười ngành kinh tế rủi ro cao do NHNN thực hiện trong những năm qua đã cung cấp những hướng dẫn hiệu quả đến các tổ chức tín dụng và nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục các hỗ trợ này của NHNN đối với các tổ chức tín dụng.

Để thúc đẩy dòng tín dụng xanh, mới đây NHNN đã ban hành danh mục các dự án xanh và hướng dẫn báo cáo thống kê về tín dụng xanh. Những cải cách tiếp theo như tạo cơ chế ưu đãi tài chính đối với tài trợ các dự án xanh cũng đang được NHNN triển khai.

“Đây là báo cáo đầu tiên cung cấp được một bức tranh toàn diện về các nỗ lực chính sách của Việt Nam trong tiến trình thúc đẩy tài chính bền vững,” bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành Kinh tế NHNN chia sẻ. “Chúng tôi cũng đánh giá cao việc báo cáo chỉ ra được những trọng tâm NHNN nên xem xét trong thời gian tới để cải cách hơn nữa trong lĩnh vực tài chính bền vững này.”  

Theo baodansinh.vn