Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Chính sách khi đã đưa ra thì phải được áp dụng rộng rãi, không có sự phân biệt vùng miền. Hiện tại, ngành ngân hàng ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo không phát triển, thậm chí nhiều nơi phải giải thể.

Phần lớn các ngân hàng tập trung phát triển ở các thành phố, đô thị, nơi có mật độ dân số lớn, độ cạnh tranh cao, nhu cầu nhân sự ở đây cũng đòi hỏi lực lượng lớn. Vì thế, đưa ra thông tin tuyển dụng như thế là nhắm vào thành phố, đô thị chứ không phải vùng sâu, vùng xa hay hải đảo”.

Nói về các chính sách ưu tiên trong tuyển dụng đối với cả nhà nước lẫn tư nhân, chuyên gia kinh tếCao Sỹ Kiêm cho rằng tất cả phải chấp hành đúng theo những quy định của nhà nước. “Cơ quan nhà nước càng phải chấp hành nghiêm túc. Còn đối với những trường hợp ngoại lệ, có thể có vài ngành tự đặt ra việc tuyển con em để tạo truyền thống cho ngành nhưng mức độ chiếu cố, ưu tiên vừa phải, tốt nhất là hạn chế để đảm bảo tính công bằng”.

“Việc tạo thành một văn bản quy định có tính chất công khai và số điểm cộng ưu tiên quá cao như như thế vô tình làm cho cơ hội tham gia của nhiều người không còn, quyền bình đẳng không được thực thi.

Chưa kể đến việc, khi đã có sự ưu tiên sẽ xảy ra trường hợp nhân viên thuộc con em trong ngành sẽ không có sự xuất sắc, chí tiến thủ bằng những người được tuyển dụng một cách sòng phẳng. Chọn nhân sự cho xã hội là chọn người tài. Điều này là rất quan trọng”, ông Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.

Nói về hiện tượng nhiều nhân viên ngân hàng vi phạm pháp luật trong nhiều năm gần đây, chuyên gia kinh tế này cho rằng, điều này một phần nguyên nhân là do lựa chọn nhân sự không chuẩn. Chất lượng cán bộ tuyển dụng đi xuống sẽ khiến sức cạnh tranh thị trường giảm, ảnh hưởng đến công tác cán bộ.

Trước những giải trình mới đây của Agribank, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc lý giải như thế là không đúng và sẽ càng gây tranh cãi trong dư luận.

Trước những giải trình mới đây của Agribank, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc lý giải như thế là không đúng và sẽ càng gây tranh cãi trong dư luận.

Nguyên thống đốc ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay nhiều ngân hàng đang đối diện với vấn đề khủng hoảng nhân sự nghiêm trọng. “Hoạt động ngân hàng đang co lại trong khi trách nhiệm lại cao. Ngày xưa, ngành ngân hàng có tiếng là lương cao, phúc lợi tốt.

Nhưng hiện nay lợi thế đó không còn. Ngân hàng hiện nay giống như doanh nghiệp, muốn vào rất nhiều nhưng cơ hội phúc lợi không cao.

Người có kinh nghiệm thì chạy ra hết còn người chưa có kinh nghiệm thì lại chạy vào. Việc tuyển dụng nếu không khéo, không áp dụng những chính sách lựa chọn công tâm, minh bạch dẫn đến việc chọn nhầm người thì khả năng ngân hàng đối mặt với nhiều nguy cơ khủng hoảng (trong đó có khủng hoảng nhân sự) càng tăng”.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, để xử lý khủng hoảng, mỗi ngân hàng lại có một kế hoạch riêng, nhưng xử lý đến đâu, theo hình thức nào vẫn phải tuân thủ theo quy định pháp luật. “Trong khi cung - cầu đang mất cân đối thì chúng ta phải căn cứ vào đào tạo, chất lượng, trình độ, năng lực để tuyển dụng. Bởi vì phải có trình độ thì mới phát triển được”.

Xung quanh câu chuyện tuyển dụng đặc biệt của Agribank, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đặt ra câu hỏi: Lãnh đạo Agribank đã dựa vào cơ sử luật pháp nào để đưa ra quyết định tuyển dụng này? “Không một nhà tuyển dụng nào (kể cả nhà nước lẫn tư nhân) có quyền kỳ thị những người không thuộc “Con em cháu cha”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

“Tuyển dụng gì mà lại ưu tiên, và lại ưu tiên cộng những 30 điểm thì cơ hội nào cho người khác nữa? Rõ ràng, cả người đưa ra lẫn người thực thi quy chế này đều đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.

Họ không chỉ phải xóa bỏ nội dung tuyển dụng này mà còn cần phải xin lỗi nhân dân. Nếu đã thu nhận những trường hợp “con cháu” thì cần phải bỏ đi và thực hiện quy chế tuyển dụng lại từ đầu”.

“Agribank hay bất cứ một cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân nào cũng cần phải xây dựng một lộ trình tuyển dụng chuyên nghiệp, công bằng, phải có chỉ tiêu, điều kiện rõ ràng.

Phải cho người đến tuyển dụng biết rằng, cơ quan đang tuyển dụng trên cơ sở nào, vào vị trí nào và phải có bằng cấp gì? Có như thế mới đảm bảo được chất lượng nhân sự - yếu tố quyết định sự thành công của cơ quan, doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích.

Bàn về tình trạng ưu tiên con em cháu cha trong một số bộ ngành cơ quan nhà nước, một chuyên viên quản lý (xin được giấu tên) tiết lộ, hiện tượng này là có thật. “Tuy nhiên những thông tin như thế chỉ được lưu hành nội bộ và người ngoài khó có thể biết được, cơ hội của người ngoài thi tuyển vào các đơn vị này cũng rất ít”.

Về phía Agribank, ngay sau khi ngân hàng này phát công văn giải trình đến các cơ quan báo chí với nội dung “tiếp tục gây tranh cãi”, dù báo Gia đình Viêt Nam đã gửi lại những phản hồi mong được giải đáp, nhưng lãnh đạo Agribank vẫn chưa có động thái trả lời.

Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc./.

Theo Kỳ Trinh / Gia đình Việt Nam