Để chuẩn bị cho đợt khuyến mãi dành cho khách hàng tới đây, trên fanpage ở Facebook của mình, nhà mạng Vinaphone đã đưa lên một bức tranh nhằm mục đích quảng cáo.

Cụ thể, ngày 11/8, VNPT VinaPhone sẽ triển khai chương trình khuyến mại miễn phí cho toàn bộ thuê bao VinaPhone trả sau từ phút thứ 2 đến phút thứ 10 của các cuộc gọi nội mạng VinaPhone và gọi đến mạng cố định VNPT phát sinh trong ngày 11/8/2015.

Theo dự kiến, sẽ có hàng triệu thuê bao VinaPhone sẽ có cơ hội sử dụng tối đa 2,5 tỷ phút miễn phí để chào mừng sự kiện ra mắt Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone.

Hình poster quảng cáo của VNPT Vinaphone: Các

Hình poster quảng cáo của VNPT Vinaphone: Các "thượng đế vừa lái xe vừa thỏa sức alo".

Hình poster quảng cáo của VNPT Vinaphone: Các

Hình poster quảng cáo của VNPT Vinaphone: Các "thượng đế vừa lái xe vừa thỏa sức alo".

Nhà mạng khuyến mại khủng – điều này cũng không có gì để bàn. Tuy nhiên, bức hình quảng cáo lại đăng một nội dung hết sức phản cảm, đáng phê phán. Trong poster quảng cáo có hình ảnh các “thượng đế”  từ đi bộ, đi xe máy, đến lái ô tô đều đang thỏa sức… alo cùng nhà mạng này.

Những người lái xe được thể hiện trong bức tranh gồm cả nam cả nữ đều chỉ lái xe bằng một tay, còn một tay để sử dụng điện thoại.

Thậm chí, một người đàn ông trong bức tranh này còn được vẽ, không đội mũ bảo hiểm và vừa lái xe máy vừa sử dụng điện thoại. Ngoài ra, còn có hình ảnh người đàn ông vừa lái ô tô vừa nghe điện thoại.

Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải trên trang facebook VNPT-VinaPhone, rất nhiều người đã bày tỏ quan điểm phản đối hình ảnh quảng cáo lố bịch và có phần coi thường pháp luật này.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, trong khi rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc do việc vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại hay các vụ cướp, giật điện thoại... liên tục xảy ra thì bức tranh với thông điệp "thỏa sức alo" của Vinaphone đang hàm ý "khuyến khích"?

Một số ý kiến khác lại bày tỏ, phải chăng bức tranh này đang thể hiện thông điệp vừa đi xe, vừa có thể "thỏa sức alo" với mạng Vinaphone?

"Tôi cho rằng, dù là biếm họa thì cũng không thể chấp nhận được.

Bức tranh này chẳng khác nào một sự cổ súy cho việc vi phạm giao thông cả. Và đã là một poster đưa lên cả fanpage của nhà mạng thì không còn là chuyện nhỏ nữa.

Tôi đề nghị, cần có biện pháp để xử lý, chấn chỉnh và phải có lời xin lỗi của Vinaphone", thành viên Phạm Tuấn Anh chia sẻ.

Nhiều độc giả khác cũng đặt câu hỏi, không hiểu với cách quảng cáo trên của Vinaphone, nhà mạng này có lường được những tác động xã hội họ gây ra hay không?

Chỉ vì mục tiêu thu hút thêm khách hàng, họ đã cổ súy cho việc vi phạm quy định an toàn giao thông. Trong khi trung bình mỗi ngày đang có khoảng 30 người Việt Nam tử vong vì tai nạn giao thông và hàng trăm người khác phải gánh chịu thương tật.  

Không quan tâm đến tính mạng của những “thượng đế” mà mình đang phục vụ, Vinaphone liệu có thuyết phục được khách hàng? 

Đến hơn 14h chiều 8/8, bức tranh đã được gỡ bỏ khỏi fanpage của Vinaphone.

Đến hơn 14h chiều 8/8, bức tranh đã được gỡ bỏ khỏi fanpage của Vinaphone.

Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 9.000 người chết vì tai nạn giao thông. Trong số đó, nguy cơ tai nạn giao thông từ việc nghe điện thoại khi tham gia giao thông cao gấp 4 lần bình thường.

Ngoài ra, theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi lái ô tô hoặc các phương tiện tương tự như ô tô, với mức từ 600 - 800 ngàn đồng; từ 60 - 80 ngàn đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), hoặc các phương tiện tương tự như xe máy; từ 50 - 60 ngàn đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy.

"Rất mong Vinaphone sớm có điều chỉnh trong cách làm quảng cáo của mình. Là một doanh nghiệp lớn có uy tín, thiết nghĩ, Vinaphone nên có đóng góp nhiều hơn để chung tay cùng xã hội giảm thiểu những nỗi đau tai nạn giao thông chứ không nên cổ súy tình trạng vừa lái xe vừa nghe điện thoại - một thực trạng có thể khiến có thêm nhiều người thiệt mạng mỗi ngày" - một người bình luận.

Đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng nhấn mạnh, trong bức tranh này có nhiều hành vi vi phạm giao thông và sẽ liên lạc với phía Vinaphone để yêu cầu kiểm tra, xử lý.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện của nhà mạng Vinaphone cho biết, sẽ kiểm tra lại thông tin về bức tranh quảng cáo cho chương trình khuyến mãi khủng trên fanpage của mình.

Đến hơn 14 giờ chiều nay (8/8), khi chúng tôi truy cập lại fanpage của Vinaphone trên Facebook thì thấy bức tranh này đã được gỡ bỏ.

Tuy nhiên, khi liên hệ lại với đại diện của phía Vinaphone thì chưa nhận được lời giải thích nào về việc này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.

Theo quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì người điều khiển phương tiện xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được phép sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

Cụ thể, khoản 3, Điều 30 Luật giao thông đường bộ quy định:

“3. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:

c) Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính”

Ngoài ra theo điểm b, khoản 4 Điều 30 Luật này cũng quy định người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy cũng không được phép sử dụng ô khi tham gia giao thông.

Về mức xử phạt vi phạm hành chính:

Trong trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sử dụng ô, điện thoại đi động; thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính thì sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng.

Theo đó, tại điểm h, khoản 1, Điều 6 tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định:

“1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người đang điều khiển xe sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; người ngồi trên xe sử dụng ô”

Điểm h, khoản 1 Điều 8 Nghị định này cũng quy định:

Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ sử dụng ô, điện thoại di động; người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô thì sẽ bị phạt tiền từ  từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng.

Quý Dương (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online