Sau nhiều năm bôn ba xa quê hương với nhiều công việc khác nhau, đầu năm 2018 anh Hồ Xuân Phước (SN 1979, thôn Cương Trung A, xã Tiến Hóa,Tuyên Hóa – Quảng Bình) quyết định về quê làm giàu bằng nghề trồng nấm sạch. Thời gian trồng nấm chưa được 1 năm nhưng thành quả hiện tại thành công ngoài mong đợi, đều đặn mỗi ngày, anh Phước bỏ túi tiền triệu từ trại nấm.

Từ bỏ công việc ‘nhà nước’ về quê trồng nấm

Đầu năm 2018, "Phước trại nấm" là địa chỉ dần trở nên quen thuộc và nổi tiếng trong vùng Tuyên Hóa – Quảng Bình. Trại nấm của anh Phước trở nên nổi tiếng cũng chẳng phải vì quy mô lớn hay có gì "khác người" mà nổi tiếng về cách làm ăn hiệu quả, sản xuất nấm an toàn tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong vùng lân cận.

48261413_210992393169094_8584480357196234752_n

Anh Phước bên trang trại nấm cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày của gia đình

Anh Phước vốn là lái xe cho văn phòng UBND tỉnh Bình Phước, còn vợ anh, chị Trần Thị Tý (SN 1984) là công chức kế toán ở Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Bình Phước. Hai vợ chồng có công việc, thu nhập ổn định, có nhà ở khang trang tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Năm 2018, sau khi ăn tết xong, người dân trong vùng ngạc nhiên khi thấy cả nhà anh Phước vẫn ở nhà nội mà chưa vào lại miền Nam như mọi năm. Hỏi thăm mới rõ, anh chị đã quyết định bỏ hẳn công việc ổn định để về quê lập nghiệp bằng nghề trồng nấm bào ngư xám.

Anh Phước chia sẻ, ngay khi trình bày ý tưởng với gia đình nội ngoại, ai cũng "than trời", từ hết khuyên nhủ động viên đến ra mặt giận dữ. Nhưng với quyết tâm về lập nghiệp làm giàu trên quê hương, hai vợ chồng xin nghỉ việc, bán nhà ở Bình Phước rồi về quê.

"Không phải tôi tự dưng bỏ ngang công việc ổn định để về quê, trước đó, khi có ý tưởng, tôi đã trồng thử nghiệm nấm để thử xác suất thành công với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của quê mình.

Về vấn đề kỹ thuật, từ những năm 2000, khi mới chân ướt chân ráo vào miền Nam, nhờ kinh nghiệm mấy năm làm việc ở trại nấm của Đồng Nai, tôi đã nắm bắt, học hỏi được kỹ thuật trồng nấm, từ khâu vô meo, lên giàn cho đến hấp thanh trùng...", anh Phước cho biết.

Sau khi về quê, anh Phước tìm đọc và đi thực tế tham quan nhiều trang trại nấm lớn ở các tỉnh miền Nam để học hỏi thêm. Đến đầu năm 2018, anh bắt đầu gây dựng mô hình trồng nấm trên khoảng đất gần 2000m2 của bố mẹ.

Mô hình kinh tế tiên phong ở huyện miền núi nghèo

Đưa chúng tôi tham quan trại nấm, anh Phước chia sẻ: nấm bào ngư xám là thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc,tuy nhiên đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ. Để tạo môi trường phát triển tốt, cần cung cấp đủ nước, độ ẩm nhà nấm và bảo quản đúng kỹ thuật. Làm nấm bào ngư xám đơn giản, phôi được cấy trong các bịch ni-lon (dùng để cấy giống, nuôi ủ phôi từ 30-35 ngày), bên trong chứa giá thể là chất dinh dưỡng của phôi, được làm từ mùn cưa của cây cao su. Mùn cưa được ủ từ 1 - 2 tháng, sau đó sàng lọc kỹ và cho vào máy trộn cho đều.

Sau khi trộn xong thì đưa vào máy đóng bịch và bỏ vào lò hấp thanh trùng với nhiệt độ khoảng 98oC, trong vòng 10 - 12 tiếng đồng hồ để khử sạch. Anh Phước cũng chia sẻ, nấm bào ngư xám là thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc, dễ tiêu thụ với giá ổn định cao. “Tuy nhiên, yêu cầu cao đặt ra là cần cung cấp đủ nước, độ ẩm nhà nấm và bảo quản đúng kỹ thuật thì mới thành công”, anh Phước nhấn mạnh.

48360216_299135667375885_2915683877974441984_n

Khu vực sản xuất trong trang trại nấm của gia đình anh Phước

Sau hơn 1 năm sản xuất, anh Phước đã tự nghiên cứu và thành công trong việc lên phôi nấm. Trước đó, mỗi lần sản xuất, anh phải nhập phôi nấm từ các trang trại ở tỉnh Đồng Nai. Với việc sản xuất và chủ động được phôi nấm đã tạo cho anh chủ động, giảm chi phí trong quá trình sản xuất. “Nhờ chủ động được phôi nên hiện trại của tôi có hơn 2 vạn bịch nấm bào ngư xám. Mỗi bịch cho thu hoạch từ 10 - 12 lứa nên quy trình sản xuất được quanh năm”, anh Phước chia sẻ.

Cũng không giấu diếm, anh Phước cho biết, mỗi ngày trại nấm thu hoạch ít nhất là 40 kg nấm bào ngư xám. Giá bán ra thấp nhất cũng được 50 ngàn đồng/kg. Đều đặn mỗi ngày gia đình có thu nhập từ bán nấm khoảng 2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi cũng được hơn 1 triệu. Nấm thành phẩm hàng ngày được nhập lại cho thương lái hoặc gia đình tự mang đi các chợ trong vùng để bán hoặc có người đến mua sỉ. Người tiêu dùng đã quen nên không bao giờ ế.

Với mô hình sản xuất theo hướng sạch, an toàn, trong thời gian tới, gia đình anhPhước đang vay thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất và trồng thêm các loại nấm khác, như: nấm mèo đen, nấm rơm... để đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời đăng ký nhãn hiệu và mở rộng thị trường.

Đánh giá về mô hình trồng nấm của anh Phước, ông Cao Văn Trúc – Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa-phấn khởinói: “Đây là mô hình kinh tế mà chúng tôi đánh giá cao, không những mang thu nhập cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 đến 5 lao động trong địa phương. Sắp tới chúng tôi sẽ cho triển khai nhân rộng mô hình kinh tế này trên địa bàn”.

Theo Giadinhvietnam.com