Cảnh báo liên tiếp nhiều vụ tử vong vì thạch

Vụ bé K. 21 tháng tuổi suýt tử vong vì hóc thạch rau câu vừa xảy ra ở Nghệ An khiến các nhiều bậc cha mẹ hoảng hốt.

Bé K. được các y bác sĩ cứu sống. Ảnh BVCC

Bé K. được các y bác sĩ cứu sống. Ảnh BVCC

Đây không phải là tai nạn hy hữu mà đã có nhiều trường hợp trẻ tử vong vì ăn thạch xảy ra. Chúng ta không khỏi giật mình khi thời gian gần đây có không ít trường hợp trẻ bị tắc thở do ăn thạch.

Ngay thời điểm đầu năm, vào ngày 28/2/2019, cũng tại Nghệ An, một cháu bé 1 tuổi ở xã Nghĩa Bình bị tử vong do hóc thạch rau câu. Trước đó, cuối tháng 12/2018, một bé trai 11 tháng tuổi (phường Nghi Hòa - thị xã Cửa Lò) cũng tử vong do bị hóc thạch rau câu…

Liên tiếp nhiều vụ trẻ nhỏ bị hóc thạch rau câu và tử vong khiến chúng ta đau lòng, nhưng điều đáng ngạc nhiên là nhiều cha mẹ không để ý đến tai nạn này.

Chị Minh Nga, (Xã Đàn, Hà Nội) cho biết, chị thường cho con gái 2 tuổi ăn thạch rau câu bằng cách tháo miếng ni lông trên nắp viên thạch ra rồi cho con cầm. Bé sẽ dùng tay bóp cho thạch lọt vào miệng. “Đọc báo thấy có ca tử vong vì thạch vọt mạnh bít đường thở, tôi mới cảm thấy sợ khi lâu nay để con ăn loại thạch này”, chị Nga nói.

Anh Thanh Ngọc (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) chia sẻ, trước đây anh thường mua sản phẩm này vì nó nhiều màu sắc, bắt mắt, trẻ nhỏ rất thích và giá cả cũng rẻ. Mỗi lần về quê chơi, túi quà cho các cháu không thể thiếu món thạch. Đám trẻ rất thích thú chia nhau món quà, mở nắp thạch, cho vào miệng hút hết nước rồi bóp cho thạch “nhảy tọt” vào miệng.

“Những vụ trẻ bị hóc thạch và tử vong gần đây khiến tôi rất sợ, dù biết các cháu thích nhưng trong túi quà về quê tôi không dám mua gói thạch nào”, anh Ngọc cho hay.

Thạch rau câu mềm, to, dễ bít chặt đường thở

Từng cấp cứu những vụ tương tự, ThS.BS Trần Thị Thu Loan, nguyên Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM, bác sĩ điều trị cấp cao Khoa Nhi & Nhi sơ sinh, Bệnh viện FV cho biết: "Hóc dị vật, đặc biệt là thạch rau câu ở trẻ nhỏ vô cùng nguy hiểm. Bởi, dị vật cứng còn có thể văng ra khi trẻ ho, nhưng thạch rau câu mềm, to, dễ bít chặt đường thở".

Thạch rau câu mềm, to, dễ bít chặt đường thở của trẻ khi bị hóc. Ảnh minh hoạ

Thạch rau câu mềm, to, dễ bít chặt đường thở của trẻ khi bị hóc. Ảnh minh hoạ

“Nếu hóc dị vật cứng nhỏ, trẻ có cơ may sống sót cao hơn vì dị vật này có thể rớt vào đường thở nhưng không bít hết. Nhưng khi ăn thạch rau câu to, mềm, trẻ sặc sẽ bị bít chặt đường thở, không ho ra được. Việc gắp cục thạch ra cũng rất khó bởi nó rất trơn”, ThS.BS Loan nói.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng biết cách sơ cứu để giúp trẻ nôn ói dị vật, nhiều người đã thò tay móc họng làm dị vật lọt sâu thêm, hoặc luống cuống ôm trẻ tới bệnh viện, khi tới nơi trẻ đã tím tái, tử vong vì nghẹt thở.

Chia sẻ trong trường hợp cháu bé 21 tháng tuổi vừa may mắn được cứu sống do hóc thạch, bác sĩ Nguyễn Hữu Toàn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Phổi Nghệ An nhấn mạnh: "Các dị vật khác có hình góc cạnh thì có nhiều cơ hội cứu chữa khi vẫn có oxy lọt qua các khe hở. Riêng thạch là hình tròn, nhẵn sẽ bịt chặt ngay đầu đường thở nếu không biết cách sẽ dẫn đến ngưng thở và tử vong.

“Đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi thì phản xạ đường thở chưa hoàn thiện rất dễ hóc, nhất là thạch thường có hình tròn, trơn nên việc cho trẻ ăn thạch cần hạn chế”, BS Toàn nói.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở đâu?

Sau những vụ việc đau lòng như trên xảy ra, trong tương lai những vụ hóc thạch vẫn sẽ tiếp tục tái diễn vì đây là món ăn ưa thích của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều người lớn không lường hết được nguy cơ trẻ bị hóc, nghẹn bởi đồ ăn này.

Câu hỏi đặt ra là, trẻ nhỏ tử vong vì món ăn này, chắc chắn nhà sản xuất có biết và có nghe thấy. Nhưng cho đến nay, chưa thấy một doanh nghiệp nào lên tiếng về vấn đề này.

Trẻ nhỏ rất dễ hóc, nghẹn đường thở bởi dị vật, nhất là với món ăn yêu thích như thạch. Ảnh minh hoạ.

Trẻ nhỏ rất dễ hóc, nghẹn đường thở bởi dị vật, nhất là với món ăn yêu thích như thạch. Ảnh minh hoạ.

Trước nguy cơ mà các bác sĩ phân tích như trên, họ vẫn vô tư sản xuất mặt hàng này mà không hề có một dòng cảnh báo nào trên sản phẩm. Thậm chí, họ cũng không thay đổi mẫu mã, ví dụ như hình dáng viên thạch sẽ không phải là hình tròn, hình trụ; viên thạch sẽ có những khía sâu xung quanh để không còn là khối tròn nhẵn, dễ bít chặt đường thở.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng, nhà sản xuất họ sẽ “chẳng dại gì” thay đổi mẫu mã vì điều đó sẽ phải thay đổi dây chuyền, gây tốn kém; họ cũng “chẳng dại gì” lên tiếng, coi như vô can trước những vụ trẻ gặp tai nạn hóc nghẹn, nguy hiểm chết người bởi ăn thạch.

Tuy nhiên, nhiều người cũng ngạc nhiên phản ánh tới Báo GĐ&XH rằng, sau bao nhiêu vụ như vậy nhưng chưa có một cơ quan chức năng nào có ý kiến, Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng không có bất cứ một động thái tích cực nào.

“Phải chăng chúng tôi phải tự bảo vệ mình và con trẻ bằng cách không cho ăn đồ ăn này, hoặc làm cách nào đó ăn cho an toàn khi mua nó?”, bạn đọc Minh Quang (số 55, ngõ 20, Mỹ Đình, Hà Nội) bức xúc nói.

“Đứng trước những vụ việc mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ mà nhà sản xuất không một chút động lòng, không suy nghĩ, trăn trở và tìm ra giải pháp loại bỏ nguy cơ này. Tôi cho rằng, như vậy là họ thiếu trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh”, chị Hà Anh (ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Hà Nội) nêu ý kiến.

Theo Luật An toàn Thực phẩm ban hành năm 2010, tại Điều 2 có nhấn mạnh: “An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người”.

Tại Điều 3 - Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm có mục 3 quy định: “Quản lý an toàn thực phẩm phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng”.

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thạch xem quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm này như thế nào để có sự điều chỉnh và cần có chế tài rõ ràng để xử lý, khi sản phẩm không đảm bảo an toàn.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-chau-be-bi-hoc-thach-rau-cau-suyt-chet-o-nghe-an-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-san-xuat-o-dau-20190626003512137.htm

Theo báo Gia đình & xã hội