Ngày 6/1, thông tin xuất hiện loại dầu cá ăn thủng miếng xốp ở Quảng Ngãi đang khiến không ít người tiêu dùng hoang mang lo ngại, bởi đây là sản phẩm được bày bán và sử dụng rất nhiều từ người già đến trẻ nhỏ.

Trước thông tin trên, TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trường Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đơn vị cấp phép lưu hành các loại thực phẩm đã chính thức lên tiếng trả lời báo chí.

TS Phong cho biết, ngay sau khi biết thông tin trên, cá nhân ông đã trực tiếp gọi điện cho Chi cục trường Chi Cục ATVSTP Quảng Ngãi để yếu cầu điều tra làm rõ thông tin.

Theo báo cáo của Chi cục trường Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi, thực phẩm chức năng Omega3 này của một người dân được tặng. Người dân này này chính là người nhà của 1 đồng chí Chi cục Quản lý Thị trường Quảng Ngãi.

Bởi vậy, người dân đã mang đến Chi cục 2 lọ dầu cá omega-3 và làm thử nghiệm bằng cách nhỏ vài giọt dầu cá vào tấm xốp dày 5cm thì chỉ trong vòng 10 phút, mặt xốp từ bị bào mòn rồi bị xuyên thủng, trong khi thử với loại dầu cá khác không có hiện tượng bào mòn.

Chi Cục trưởng Chi Cục ATTP Quảng Ngãi cho biết, thử nghiệm này làm với mục đích để cảnh tỉnh cho người dân.

Hình ảnh dầu cá ăn mòn miếng xốp

Mặc dù thử nghiệm nhằm mục đích cảnh tỉnh người dân, nhưng theo TS Phong, thông tin mà Chi Cục Trưởng Chi Cục ATTP Quảng Ngãi cung cấp trên truyền thông sáng 6/1 không có độ xác thực về nguồn gốc của sản phẩm Omega 3 sẽ gây hoang mang cho người dân.

Do vậy ông Phong đã chỉ đạo Chi Cục Trưởng Chi Cục An toàn Thực phẩm Quảng Ngãi thanh tra và báo cáo rõ sản phẩm này thuộc nhà sản xuất hay nhập khẩu nào, hiện nay sản phẩm đang lưu hành trên thị trường như thế nào? Cần làm rõ vấn đề này bởi sản phẩm có thể vẫn còn nhiều tại chính nơi sản xuất và rất có thể đang được tiếp tục đưa ra thị trường tiêu thụ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Đồng thời ông Phong cũng cho biết, nếu đây là hàng xách tay, hàng trôi nổi hoặc mua ở nơi khác phải báo cáo về Cục ATTP để kiểm tra ngay nơi bán.

"Theo đánh giá chủ quan của tôi, nếu đã là hàng giả sẽ giống thật 100%, chỉ khác là không có công dụng. Còn trường hợp hàng giả chưa dùng đã phát hiện ăn mòn xốp thế này thì chưa kịp bán đã bị bắt. Nên cái này rất khó", TS Phong cho biết.

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết, trước thông tin trên người tiêu dùng nên bình tĩnh. Bởi việc dầu cá omega 3, ăn mòn xốp không đồng nghĩa với việc chất này có thể ăn mòn các loại vật liệu khác và hoặc gây hại cho con người.

Cũng theo vị chuyên gia này, muốn có thông tin chính xác để cảnh báo tới người tiêu dùng thì trước hết cần phải có kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng thì mới kết luận được.

Dầu cá Omega 3 ăn mòn xốp là hoàn toàn bình thường

Rất nhiều chia sẻ cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc để tìm hiểu xem việc dầu cá ăn mòn xốp ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào. Thậm chí ngay cả các chuyên gia dinh dưỡng cũng không rõ vì sao nó lại có thể ăn mòn được xốp và đang loay hoay tìm cách trấn an người tiêu dùng để tránh hoang mang gây ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp.

Tuy nhiên, PGS Trần Hồng Côn – giảng viên khoa Hóa học trường Đại học Tự nhiên Hà Nội cho biết trên Infonet.vn, việc dầu cá ăn mòn xốp là hoàn toàn bình thường.

PGS Côn cho biết bản thân ông cũng ngỡ ngàng vì từ tối qua ai cũng lo lắng về loại thực phẩm chức năng này. Thậm chí, có người còn khẳng định ăn nó nhiều có thể thủng dạ dày. Đây là do người tiêu dùng không hiểu về mặt hóa học của nó.

PGS Côn giải thích, xốp là một dạng polime, giống như những chai lọ khác đựng nước uống. Nhưng khi sản xuất người ta đúc nó thành hạt xốp. Thành phần của hạt xốp có tới 90% là không khí nên nó rất xốp nhẹ. 

Thành phần hóa học của nhựa Polime này hòa tan tốt trong các dung môi hữu cơ, đặc biệt là trong các dung môi phân cực, ít phân cực như benzen, toluzen. Các ester ít phân cực, dễ hòa tan này có trong dầu cá.

Bản chất dầu cá và Omega 3, 6, 9 được chiết xuất từ gan cá hoặc từ mỡ cá. Trong khi đó, thành phần gan cá, mỡ cá chứa nhiều ester ethyl. Không chỉ dầu cá làm tan xốp mà ngay cả các loại dầu thực vật như dầu ô liu các thành phần của nó có khả năng làm mềm hoặc hòa tan polime xốp nhưng việc hòa tan sẽ chậm hơn. 

Khi ta cho các loại dầu này vào hộp xốp nó sẽ làm mềm và hòa tan xốp. Còn khi lấy miếng xốp cho vào benzen, touluzen sẽ bị hòa tan ngay lập tức; Dầu hỏa, xăng cũng hòa tan nhưng hòa tan rất chậm.

Về mặt hóa học, PGS Côn cho biết thành phần của dầu cả rất phức tạp, nếu là dầu cá thực chất được sản xuất từ mỡ cá, gan cá không được pha chế cái gì thì nó có cả loại ester ethyl, axit béo mạch dài, mạch ngắn, axit béo no và chưa no, có một vài thành phần omaga còn chủ yếu là dầu mỡ. 

Còn nếu dầu cá thử mà không ăn mòn xốp PGS Côn cho biết có thể cần xem lại thành phần hóa học của nó như thế nào. Có thể, nó đã được pha chế khác đi./.

Theo Nhật Linh (Tổng hợp)/ Gia đình Việt Nam