Ngân hàng đã nắm bắt sự việc

Theo tìm hiểu của phóng viên (pv), con tàu chở container mang tên VNL RUBY vốn là tài sản của Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), thế chấp cho Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Đông Bắc để vay vốn. Tuy nhiên, khi Vinalines không thể thanh toán, VDB Đông Bắc thông qua Chi cục Thi hành án dân sự quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) bán đấu giá tàu VNL RUBY để thu hồi vốn. Công ty Cổ phần Đấu giá và Thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long) là đơn vị được lựa chọn để tiến hành đấu giá tàu VNL RUBY.

Tuy nhiên, xung quanh cuộc đấu giá tàu VNL RUBY còn rất nhiều vấn đề, khi có đến 7 đơn vị tham gia đấu giá phản ánh Công ty Thăng Long đã có sự thiếu minh bạch trong công tác bảo vệ hòm phiếu và niêm phong hòm phiếu, dẫn đến việc xuất hiện đơn vị thứ 8 là Công ty CP vận tải và xếp dỡ Hải An trúng đấu giá vào ngày 26/4, dù không có mặt trong buổi bỏ phiếu ngày 24/4/2019.

Phiên đấu giá 26/4 do Công ty Thăng Long chủ trì có nhiều điểm chưa hợp lý

Phiên đấu giá 26/4 do Công ty Thăng Long chủ trì có thực sự minh bạch?

Trao đổi với pv, đại diện của VDB Đông Bắc cho biết đã nắm bắt được tình hình. Thậm chí ngay sau buổi đấu giá ngày 26/4, VDB Đông Bắc đã gửi công văn đến Công ty Thăng Long, yêu cầu giải thích rõ về vụ việc cũng như đề nghị hủy bỏ quyết định đấu giá và tiến hành đấu giá lại để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, trả lời VDB Đông Bắc lại là sự bất hợp tác từ Công ty Thăng Long.

Đại diện VDB Đông Bắc cho biết toàn bộ quá trình đấu giá, từ những bước đầu tiên thì VDB Đông Bắc đều không được Công ty Thăng Long hỏi bất kỳ ý kiến trong bất kỳ việc gì mà chỉ trực tiếp làm việc với cơ quan thi hành án và được gửi các công văn, thông báo. Cho đến ngày 26/4, VDB Đông Bắc mới cử 2 đại diện đến tham dự phiên đấu giá tàu VNL RUBY.

Qua trao đổi về số lượng các đơn vị tham gia đấu giá, VDB Đông Bắc cho hay ngày 24/4, đơn vị này được cơ quan thi hành án gửi thông báo có 9 đơn vị tham gia, tuy nhiên chiều ngày 25/4 thì lại nhận được công văn là có 8 đơn vị tham gia. Đến 9h30 ngày 26/4, ltrong phiên đấu giá thì mới được một số đơn vị cho biết chỉ có 7 đơn vị tham gia bỏ phiếu đấu giá ngày 24/4. 7 đơn vị này bao gồm: Công ty TNHH sản xuất dây đồng Phúc Kiên, Công ty CP sản xuất và thương mại thép HPS, Công ty TNHH vận tải biển Ngôi Sao, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thái Anh, Công ty Minh Chí, Công ty TNHH thương mại SHT và Công ty TNHH thương mại du lịch và bất động sản Phú Vinh (gọi chung là 7 đơn vị).

Đồng thời có mặt trong phiên đấu giá, đại diện VDB Đông Bắc xác nhận sự việc 7 đơn vị trên yêu cầu có sự giám định về hòm đựng phiếu đấu giá. Tuy nhiên, khi 7 đơn vị này đưa ra yêu cầu thì Công ty Thăng Long lại không trả lời về việc có mời cơ quan giám định hay không mà chỉ thực hiện việc bóc niêm phong hòm phiếu và công bố kết quả trúng đấu giá của Công ty Hải An.

 

Công ty Thăng Long khiếu nại VDB?

Trái với phát ngôn ngày 3/5/2019 của ông Lê Thế Hiệp - đại diện Công ty Thăng Long rằng Công ty Thăng Long không hề cấm các đơn vị quay hình, chụp ảnh tại phiên đấu giá thì đại diện VDB Đông Bắc cho biết trong thực tế, ngoài một số cơ quan truyền thông được phép ghi hình thì các đơn vị tham gia đều bị cản trở với quy định cấm sử dụng điện thoại, cấm quay phim chụp ảnh do Công ty Thăng Long đề ra. Do đó, việc quay phim, chụp ảnh của các đơn vị đa phần chỉ thực hiện được trong một thời gian ngắn khoảng vài phút mà thôi.

VDB Đông Bắc cũng cho biết khi gửi công văn yêu cầu Công ty Thăng Long giải trình về vụ việc ngày 26/4 thì Công ty Thăng Long lại gửi ngược... đơn khiếu nại, cho rằng VDB Đông Bắc đã có hành vi vi phạm pháp luật, gây cản trở Công ty Thăng Long trong việc tổ chức thực hiện bán đấu giá? Trong đơn khiếu nại, Công ty Thăng Long cũng "ám chỉ" việc VDB có động cơ, mục đích khác liên quan đến phiên đấu giá này, bởi một số đơn vị trong 7 đơn vị phản đối kết quả đấu giá là do VDB giới thiệu đến mua hồ sơ?

Đại diện VDB Đông Bắc cũng khẳng định ông Lê Thế Hiệp vốn không có mặt trong phiên đấu giá, thậm chí còn có đơn vị đã gọi điện cho ông Hiệp, yêu cầu ông có mặt để xác minh việc chỉ có 7 đơn vị trong ngày 24/4 nhưng cũng không thấy ông Hiệp xuất hiện.

Cho đến hiện tại, Công ty Thăng Long chưa thể đưa ra được sao kê ngân hàng chứng minh trong tài khoản của mình có số tiền đặt cọc của Công ty Hải An cho đến trước ngày 26/4 - thời điểm mở phiên đấu giá.

Công ty Thăng Long cho rằng VDB  Đông Bắc có mục đích khác liên quan đến phiên đấu giá?

Được biết, trong công văn do VDB Đông Bắc gửi Công ty Thăng Long có yêu cầu áp dụng Khoản 3 Điều 43 Luật Đấu giá 2016, quy định rõ về việc mở hòm phiếu đấu giá như sau: “Nếu không còn ý kiến nào khác về kết quả giám sát thì đấu giá viên tiến hành bóc niêm phong của thùng phiếu.” Tuy nhiên, Công ty Thăng Long cho rằng VDB Đông Bắc áp dụng theo điều khoản này là sai vì: Công ty đấu giá (Công ty Thăng Long) không có nghĩa vụ phải thông báo về số phiếu và số người tham gia đấu giá; khách hàng không thể đếm được có bao nhiêu phiếu trong thùng và thùng phiếu đã được niêm phong đúng quy định, vẫn còn nguyên vẹn niêm phong.

Đồng thời, Công ty Thăng Long khẳng định: “các khách hàng tham gia đấu giá ngay tình không phản đối việc mở niêm phong đã chứng kiến sự nguyên vẹn của thùng phiếu”. Trong thực tế, 7 đơn vị phản ánh về niêm phong của hòm phiếu và phản đối kết quả giám sát, ngay cả đại diện VDB Đông Bắc cũng xác nhận có sự phản đối này lại có thể "đổi trắng thay đen" thành "ngay tình không phản đối"? Ngay cả Biên bản mở niêm phong hòm phiếu cũng đã có ý kiến của các đơn vị tham gia đấu giá là không đồng tình với phương cách thực hiện của Công ty Thăng Long.

Khi tiếp nhận sự phản ánh từ các đơn vị tham gia đấu giá và muốn nắm rõ sự việc, thay vì hợp tác, giải trình thì Công ty Thăng Long lại kiện ngược VDB Đông Bắc? Phải chăng, Công ty Thăng Long đang có điều khuất tất muốn che dấu?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin, làm rõ sự việc ./.

Theo Minh Đỗ/ Đô Thị Mới