Phó Chủ tịch tỉnh muốn sửa cả Quyết định 1942?

Trong khi những tranh cãi về việc tuyển dụng tại trường THPT chuyên Lam Sơn vẫn chưa có hồi kết khi tại cuộc họp báo thường kỳ của tỉnh Thanh Hóa (hôm 10/12), ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục giao cho Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn làm Chủ tịch hội đồng xét tuyển viên chức.

Trong khi đó, các căn cứ từ Quyết định 1100/2017/QĐ-UBND ngày 12/4/2017 về việc phân cấp quản lý bộ máy biên chế và Quyết định 1942/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 7/6/2017 ban hành tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh thì phủ nhận ý kiến trên của vị Phó Chủ tịch tỉnh.

Về việc này, ông Quyền lý giải tại cuộc họp báo: “Một văn bản (chỉ Quyết định 2977), một chủ trương không nhất thiết phải bị điều chỉnh bởi một văn bản quy phạm pháp luật (chỉ văn bản 1942) mà nó bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác, trong đó có nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012.

Theo đó, Nghị định này nói rõ, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thực hiện hoặc phân cấp tổ chức thực hiện việc tuyển viên chức cho đơn vị sự nghiệp thuộc quyền quản lý; Quyết định hoặc ủy quyền tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển.

Nếu thực hiện theo Quyết định 1942 thì trái với nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012. Do đó, việc tuyển dụng viên chức năm 2018-2019, UBND tỉnh tiếp tục giao cho Hiệu trưởng trường chuyên Lam Sơn làm Chủ tịch hội đồng tuyển dụng”, ông Quyền nói và cho biết thêm, UBND đã giao Sở Nội vụ và Sở Tư pháp tham mưu để sửa Quyết định 1942 theo Nghị định 29.

Họp báo

Cuộc họp báo thường kỳ quý III/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh tư liệu của An Nguyên).

Không đồng quan điểm trên, một số ý kiến tại cuộc họp báo cho rằng, việc giao cho Hiệu trường THPT chuyên Lam Sơn là Chủ tịch hội đồng xét tuyển viên chức sẽ không khách quan, trái quy định.

“Với một trường có bề dày thành tích như trường Lam Sơn thì việc tuyển phải rất chặt chẽ, thận trọng, khách quan, công bằng. Vậy xin hỏi, nếu giao chức Chủ tịch Hội đồng xét tuyển là Hiệu trưởng trường chuyên Lam Sơn, trong đó các thành viên trong ban giám khảo hoàn toàn là giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn thì việc xét tuyển liệu có đảm bảo tính khách quan, công bằng hay tiêu cực không? 

Nếu giao cho Hiệu trưởng trường trường Lam Sơn làm chủ tịch hội đồng xét tuyển thì trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn trực thuộc Sở Giáo dục hay thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa? Việc này có trái quy định 1942 không? 

Từ những phân tích trên, cá nhân tôi khẳng định, nếu giao việc tuyển dụng viên chức cho trường THPT chuyên Lam Sơn sẽ không khách quan, không đúng quy định.

Nếu lấy lý do cho rằng, Lam Sơn là “trường đặc thù” nên việc tuyển dụng cũng phải “đặc thù” thì tại sao một số trường khác cũng có tính đặc thì lại ít được quan tâm?”, nhà báo Cao Ngọ, Báo Du lịch nêu ý kiến, đồng thời ông còn quả quyết: "Chưa thi tuyển viên chức ở trường Lam Sơn nhưng tôi đã biết có người đã trúng tuyển!?".

Trước đó, có dư luận nói rằng, cứ ứng cử viên trường THPT Quảng Xương 1, Đại học Hồng Đức dự tuyển vào trường THPT chuyên Lam Sơn gần như trúng tuyển 100%. Liệu có khuất tất, hay ưu ái nào trong việc xét tuyển hay không?

Còn quá nhiều băn khoăn

Đây là năm thứ hai liên tiếp, UBND tỉnh Thanh Hóa giao trọng trách Chủ tịch Hội đồng xét tuyển cho Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn theo Quyết định số 2977. Thế nhưng, xung quanh câu chuyện này, có rất nhiều vấn đề băn khoăn về tính minh bạch, khách quan trong việc thực hiện quy trình xét tuyển viên chức tại cơ sở giáo dục này.

Thứ nhất, Quyết định 1942 về việc tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh là văn bản được hiện thực hóa bằng chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, trong đó lấy căn cứ từ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Đồng thời Quyết định 1942 cũng là căn cứ để ban hành quyết định 2977 về việc phê duyệt phương án tuyển dụng giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn.

Như vậy, một quyết định, hay nói đúng ra là văn bản (văn bản con) chỉ mang tính chất hướng dẫn chi tiết về việc tuyển dụng viên chức của trường THPT chuyên lam Sơn không thể "điều chỉnh" được một văn bản quy phạm pháp luật (văn bản "mẹ" - Quyết định 1942), trong khi nó (Quyết định 2977) lấy căn cứ ban hành là Quyết định 1942.

Đến thời điểm hiện tại, Quyết định 1942 do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký ban hành vẫn còn hiệu lực hoặc chưa bị thay thế, sửa đổi. Điều này đồng nghĩa với việc Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc” và “Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện” chứ không phải Hiệu trưởng trường Lam Sơn. Vậy thì chẳng có cớ gì Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn được "ngồi" vào ghế Chủ tịch Hội đồng xét tuyển như Quyết định số 2977 (Quyết định này có nội dung trái với Quyết định 1942) đã nêu. 

Hay nói cách khác trong khi Quyết định 1942 vẫn còn hiệu lực, chưa sửa đổi nhưng tỉnh đã ban hành Quyết định 2977 có nội dung trái với Quyết định trên thì việc tỉnh giao quyền tuyển dụng, thực hiện tuyển dụng viên chức trực tiếp cho Hiệu trưởng THPT chuyên Lam Sơn trong 2 năm qua là không đúng quy định. Đây có phải cách làm theo kiểu "tiền trảm hậu tấu" của người có thẩm quyền, trách nhiệm? 

Mặt khác, việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao việc tuyển dụng viên chức cho trường THPT chuyên Lam Sơn như Quyết định 2977 trong hai năm học gần đây, đồng thời đề nghị sửa Quyết định 1942 (Quyết định do Chủ tịch UBND tỉnh ký dựa trên chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy) có phải hợp thức hóa cho vi phạm trong việc tuyển dụng tại trường THPT chuyên Lam Sơn? Kết quả tuyển dụng đó liệu có hợp pháp không khi văn bản 2977 trái với Quyết định 1942?

Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Thứ hai, theo quy định tại tại Điều 4: Cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo, Thông tư liên tịch số: 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (...) thì các trường THPT trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Điều này cũng đồng nghĩa các cơ sở giáo dục thuộc cơ cấu bộ máy tổ chức của Sở Giáo dục và không loại trừ trường THPT chuyên Lam Sơn phải tuân thủ quy định về tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong đó nói rõ: Chủ tịch hội đồng tuyển dụng viên chức là Giám đốc Sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Dư luận có thể chấp nhận lý giải của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa rằng, trường THPT chuyên Lam Sơn là một trường “đặc biệt” của tỉnh, cho nên việc tuyển dụng viên chức cũng phải đưa ra những tiêu chuẩn, điều kiện "đặc biệt" để chọn được những người tài.

Thế nhưng, cái gọi là “đặc biệt” này không có nghĩa rằng, trường THPT chuyên Lam Sơn được phép phá vỡ các nguyên tắc cơ bản trong việc tuyển dụng viên chức nói chung trong đó có Quyết định 1942.     .

Vậy thì lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chẳng có cớ gì lại ban hành một Quyết định được cho là hết sức “đặc biệt” về việc tuyển dụng viên chức chỉ dành riêng cho trường THPT chuyên Lam Sơn, trong khi các trường khác thì không.

Bài 3: Trường chuyên Lam Sơn phớt lờ cảnh báo, hậu quả nhãn tiền

Theo An Nguyên/Đô Thị Mới