Trao đổi vớiZing.vn, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV lọc - hóa dầu Bình Sơn, cho biết các chuyên gia, kỹ sư đang hỗ trợ lập phương án để nhà máy Bio Ethanol Dung Quất hoạt động trở lại.

"Lực lượng chuyên gia, kỹ sư của nhà máy lọc dầu Dung Quất đang hỗ trợ Công ty CPNhiên liệu Sinh họcDầu khí miền Trung (BF) xử lý những vấn đề tồn tại, lập phương án tái khởi động nhà máy Bio Ethanol Dung Quất", ông Nguyên nói.

 

Vị này cũng thông tin việc Bộ Công Thương thực hiện lộ trình thay thế 100% xăng RON 92 bằng xăng sinh học E5 trên phạm vi cả nước từ 1/1 là điều kiện thuận lợi để nhà máy Bio Ethanol Dung Quất tái khởi động đạt 100% công suất (100 triệu lít Ethanol mỗi năm). Việc này sớm khắc phục những khó khăn vướng mắc, nâng dần hiệu quả kinh tế.

Dự kiến đầu quý II, nhà máy này hoạt động trở lại,sớm đưa xăng sinh học E5 đưa ra thị trường tiêu thụ.

"Để xử lý dứt điểm tồn đọng, chúng tôi sẽ ký kết hợp tác với những doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực nhiên liệu sinh học. Khi nhà máy đạt tối đa công suất, kinh doanh có lãi thì chúng tôi trả dần các khoản nợ thuế và nợ vay cho các ngân hàng", ông Nguyên cho biết thêm.

Trước đó, tháng 12/2017, Bộ Công Thương từng thông tin về việc khôi phục nhà máy nhiên liệu sinh học Bio Ethanol Dung Quất, một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương, vào quý I/2018.

Tháng 9/2009, BF khởi công xây dựng nhà máy Bio Ethanol Dung Quất với gần 1.900 tỷ đồng.

Nhà máy có công suất thiết kế 100 triệu lít Ethanol mỗi năm, đưa vào vận hành thương mại vào tháng 2/2012. Thế nhưng từ khi đưa vào hoạt động đến nay, nhà máy không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn.

Các chuyên gia phân tích nguyên nhân thua lỗ là do giá bán Ethanol trên thị trường thấp hơn 2.000 đồng mỗi lít so với giá thành sản xuất. Nhà máy hoạt động cầm chừng dẫn đến chi phí tiêu hao nguyên liệu càng tăng. So sánh giữa giá thành sản xuất và giá bán mỗi lít Ethanol ra thị trường hiện nay chênh lệch khá lớn.

Nhà máy buộc phải "đóng cửa" từ tháng 4/2015, nhưng BF vẫn đều đặn trả lương hàng tháng cho gần 220 kỹ sư, công nhân. Đến tháng 3/2016, khi chi tiêu hết nguồn vốn đầu tư lưu động, BF tạm dừng trả lương cho người lao động.

Năm 2016, dư nợ vay đầu tư của doanh nghiệp này tại PVCombank, Vietcombank và Oceanbank tương đương 1.000 tỷ đồng. Chỉ riêng tạiQuảng Ngãi, mỗi năm, doanh nghiệp phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh này khoảng 70 tỷ đồng (lãi suất ưu đãi doanh nghiệp đầu tư 7% mỗi năm). Khoản vay này đã bị chuyển sang nợ nhóm 5 (nhóm có nguy cơ mất vốn) trong quý IV/2015, do chủ đầu tư không còn nguồn thanh toán.

Trước tình hình này, BF kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giải pháp khoanh nợ và chuyển xếp lại nhóm nợ để có thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng giá rẻ khi thị trường có dấu hiệu phục hồi.

Theo ngaynay.vn