Theo các chuyên gia nông nghiệp, thiệt thòi lớn nhất của nông sản Việt Nam là khi xuất khẩu ra thị trường thế giới lại không được mang thương hiệu Việt vì chúng ta chưa biết cách xây dựng và giữ thương hiệu.

Là một đất nước nông nghiệp, với nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, thế nhưng sản phẩm nông sản của Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn nông sản trong nước được xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, các DN nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Điều này làm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản giảm đáng kể, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Gạo, cà phê, hạt điều, chè là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, đứng top đầu thế giới. Tuy nhiên, các mặt hàng này chủ yếu ghi điểm ở số lượng xuất khẩu, còn về thương hiệu thì hầu như vô danh.

xay dung thuong hieu san pham nong san kho cung phai lam
Các chuyên gia nhận định, để tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế, cần tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng thương hiệu cho nông sản. 

Đơn cử như sản phẩm chè, hiện có tới 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam. Lý do là phần lớn chè của chúng ta được xuất khẩu ở dạng thô, rời, chưa được chế biến và gia công. Sau khi nhập về, các DN nước ngoài mới chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ và bán dưới nhãn chè của nhiều nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc... Hoặc là cà phê, dù chúng ta là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê, trong đó đứng đầu thế giới về cà phê robusta, song thực tế, tại thị trường nước ngoài, vẫn chưa có thương hiệu cà phê của Việt Nam theo đúng nghĩa. Lý do là cà phê nước ta chủ yếu chỉ bán hạt cho các nhà rang xay lớn trên thế giới, sau đó họ chế biến, đóng hộp với thương hiệu của họ để bán cho người tiêu dùng với giá gấp nhiều lần giá mua vào. Đây là một điều bất hợp lý nhưng dễ hiểu vì cà phê Việt Nam chưa có thương hiệu và việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cà phê vẫn còn bỏ ngỏ.

Hiện tại, việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam mới dừng ở mức khuyến khích. Nhiều địa phương và DN chưa thực sự thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập. Bên cạnh đó, hàng nông sản của Việt Nam còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khó kiểm soát… Khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường… cũng là những yếu tố cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Sự thành công của việc xây dựng thương hiệu nông sản có thể kể tới như bưởi tôm vàng vốn là một trong những trái cây đặc sản của huyện Đan Phượng. Loại cây này được trồng trên đồng đất Đan Phượng từ năm 1995 và phát triển đến nay được gần 400ha. Chủ tịch Hội nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết: Năm 2012, sản phẩm bưởi tôm vàng Đan Phượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Từ khi có thương hiệu, bưởi tôm vàng của huyện đã cung cấp cho nhiều siêu thị, giá bán cao và ổn định, trung bình từ 35.000 đến 60.000 đồng/quả.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu, ĐH Thương mại cho rằng: “Trên thị trường nước ngoài, người ta chỉ biết đến đó là sản phẩm của Việt Nam, người ta không biết đến sản phẩm đó do DN nào cung ứng ra thị trường. Đây chính là một bất lợi. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản của Việt Nam rất cần phải có một đầu mối chung, đó chính là khai thác được thế mạnh của thương hiệu quốc gia gắn với các chỉ dẫn địa lý. Đây là một trong những định hướng mà rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã làm”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản trong xu thế hội nhập và ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại như hiện nay, cần phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, nhất là thương hiệu các mặt hàng nông sản. Trước mắt, cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, đảm bảo các mặt hàng này phải đáp ứng được các yếu tố chính như khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh. Bên cạnh đó, để các sản phẩm nông sản Việt đi xa hơn nữa, tiếp cận được các thị trường khó tính trên thế giới, xây dựng thương hiệu chính là yếu tố quyết định cho “tham vọng tiến xa” của nông sản Việt. Bởi vậy, các DN Việt Nam cần phải chú trọng đầu tư vào khâu xây dựng thương hiệu cũng như bảo vệ bằng được thương hiệu mà mình đã gây dựng.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/xay-dung-thuong-hieu-san-pham-nong-san-kho-cung-phai-lam-152478.html

Theo Pháp luật xã hội