Hạ Lũng là làng hoa nổi tiếng bậc nhất ở TP Hải Phòng. Chẳng ai biết rõ làng hoa được hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng từ khi họ sinh ra, ngoài câu hát ru ầu ơ của bà, của mẹ thì hương sắc của các loài hoa đã thấm nồng cả vào trong giấc ngủ. Từ thuở bé thơ, họ đã thấy các bậc sinh thành quanh năm suốt tháng “ăn ngủ cùng hoa”. Hoa Hạ Lũng khoe sắc suốt bốn mùa, thế nhưng vào dịp Tết lại càng thêm rực rỡ.

Cứ vào cuối tháng 9 âm lịch hàng năm, những người trồng hoa lại tất bật xuống giống, chuẩn bị hoa cho dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Mỗi năm có ba vụ hoa chính và hoa Tết là một trong ba vụ mang lại nguồn sống và là niềm tự hào của người dân Đằng Hải. Hiện nay, làng hoa Hạ Lũng chủ yếu trồng hoa cúc, xe kẽ vào đó là hoa dơn, thạch thảo, hoa hồng… nhưng với số lượng ít hơn. Những người trồng hoa lâu năm ở đây cho biết, để có được một mùa hoa bội thu, khâu chọn giống là quan trọng nhất. Chọn được giống tốt, giống chuẩn là coi như đã thành công một nửa. Số còn lại phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và kỹ thuật chăm sóc của riêng từng hộ.

Trao đổi với PV, chị Minh - người có 30 năm kinh nghiệm trong nghề trồng hoa cho biết, gia đình chị có một mẫu đất trồng hoa cúc và hoa hồng, các giống cây này chị phải cất công chọn lựa và đặt từ trong Đà Lạt. Để trồng một vụ hoa cúc mới, trước tiên người làm nghề phải cày xới đất cho tơi sau đó đánh thành từng luống, cây con được cẩn thận đặt vào đất theo tỉ lệ khoảng cách phù hợp không được quá thưa hoặc quá dày. Khoảng một tuần đến mười ngày sau khi xuống giống, cây sẽ được thắp điện chiếu sáng về đêm, điều này giúp cây phát triển tốt hơn, chống lại được nhiều loại sâu bệnh.

xuan ve tren nhung lang hoa dat cang
Ảnh tư liệu.

Năm nay, nhiều nhà vườn dự báo, thời tiết thuận lợi hứa hẹn hoa cúc sẽ đơm bông, khoe sắc đúng dịp Tết đến xuân về. Chị Hà (42 tuổi) cho biết, vụ hoa Tết năm nay gia đình chị trồng 20.000 gốc hoa cúc. Năm ngoái, hoa chị bán tại vườn cho thương lái là 7 nghìn đồng/ bông. “Chưa biết sức mua và giá cả thế nào, nhưng cứ bán được như vụ Tết 2018 là vui lắm rồi” - chị Hà chia sẻ.

Hoa cúc trồng ở làng hoa Hạ Lũng cho bông to, nhiều cánh, màu sắc đẹp nên cứ đến dịp Tết, các thương lái từ Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Quảng Ninh… lại đến tận vườn thu mua. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ có thu nhập từ 10-20 triệu đồng; nhiều gia đình trồng với số lượng lớn cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng/vụ hoa Tết. Từ nghề trồng hoa, mỗi năm người dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Rời làng hoa Hạ Lũng, chúng tôi đến với làng hoa đào Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng. Tại đây, mặc dù tất bật với công việc tuốt lá, tỉa cành cho cây đào, nhưng những nụ cười tươi rói vẫn luôn rạng ngời trên gương mặt của những người làm nghề.

Để có được những gốc đào đủ đầy lộc và hoa, dáng đẹp thế hiếm cung ứng ra thị trường dịp Tết, ngay từ đầu năm, người dân đã phải mua cây giống về ươm trồng, cắt tỉa rồi uốn tạo dáng tạo thế cho cây. Không giống như các loại hoa Tết khác có thời gian sinh trưởng ngắn, dễ chăm sóc, hoa đào đòi hỏi người trồng phải kiên trì bám đất bám cây.

Muốn cho đào nở hoa vào đúng vào dịp Tết thì phải chú trọng hơn ở việc ngắt lá, tỉa cành đúng thời điểm, kịp thời điều tiết quy luật để cho hoa nở theo ý muốn, không để đào nở quá sớm hay quá muộn. Làm được điều này người chăm sóc đào sẽ phải thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết xem những ngày cuối năm diễn biến thế nào. Nếu 2 tháng cuối năm thấy thời tiết rét đậm nhiều thì sẽ ngắt cành sớm hơn, còn ấm nhiều thì ngắt lá muộn hơn, thời gian được phép dao động từ 45- 60 ngày tùy vào thời tiết của từng năm.

Bên vườn đào 80 gốc của gia đình, chị Hạnh đang nối những đoạn dây để tưới nước cho cây. Chị cho biết, chị theo nghề trồng đào Tết cũng đã được hơn 30 năm. Những gốc đào to trong khu vườn nhà chị tuổi đời dao động từ 20 -50 năm được truyền lại từ thời bố mẹ. Thường thì giống đào không ưa nước, nhưng năm nay, thời tiết có vẻ ấm hơn mọi năm nên cách vài ngày chị lại phải tưới nước cho cây một lần để đảm bảo cây không bị khô héo.

Trồng hoa đào phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết và quan trọng hơn cả là kỹ thuật của người trồng. Nói việc trồng hoa đào cũng tỉ mỉ như việc chăm sóc con thơ trong nhà, quả thật không sai chút nào: các động tác chăm sóc phải hết sức nhẹ nhàng để không làm gẫy cành, xước thân hay rụng mắt, đặc biệt là khi cây bắt đầu ra nụ. Khâu chăm bón cuối cùng này là khâu khá quan trọng để quyết định người trồng hoa biết mình có thắng lợi trong thu hoạch hay không.

Bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, các thương lái từ Nghệ An, Thanh Hóa đã ra tận vườn “xí phần” hoa đào. Họ đặt cọc tiền cho những cây đã chọn, chỉ chờ đến Tết là đánh gốc chuyển đi. Không chỉ có các thương lái từ tỉnh xa, các cơ quan đoàn thể trong TP Hải Phòng cũng đã xuống vườn sớm để chọn mua đào trưng Tết. Những năm gần đây, chất lượng hoa đào của làng hoa Đồng Dụ cũng đã được những người chơi hoa trên Thủ đô Hà Nội ưa chuộng. Những gốc đào cổ thụ được bán hoặc cho thuê với giá 40- 50 triệu đồng/ gốc, những cây nhỏ hơn được bán với giá 3 - 4 triệu đồng tùy loại.

Chị Hạnh cho biết: Để thuận tiện cho việc chăm sóc và trông coi đào, chúng tôi dựng lên những chiếc lán như thế này. Cả một năm dầu dãi nắng mưa, đến ngày gần được thu hoạch, những người làm nghề lại càng phải tăng cường chăm sóc cho cây hơn nữa.

“Ăn cùng cây, ngủ cùng cây, vui buồn cùng cây là vậy”. Chị cũng cho biết thêm, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Nhờ trồng đào mà kinh tế của gia đình chị khấm khá lên, chị đã có thể lo cho con cái ăn học đàng hoàng và xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp.

Ước mong mưa thuận gió hòa, thời tiết thuận lợi để hoa đơm bông kết nụ đúng dịp Tết Kỷ Hợi 2019 là nguyện ước chung của những người trồng hoa trên các làng hoa của Hải Phòng. Hy vọng, sau một năm dãi nắng dầm sương, vất vả trăm bề, các nhà vườn sẽ có được một mùa hoa rực rỡ sắc màu.

Ngọc Dũng

 

Theo phapluatxahoi.vn