Tác động từ thẻ vàng của thị trường EU khiến XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường này giảm gần 28% đạt 8,1 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay. Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu (NK) mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. XK sang Tây Ban Nha và Hà Lan tăng lần lượt 45,7% và 37,8% trong khi XK sang Italy giảm 48,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong tổng cơ cấu mực, bạch tuộc XK của Việt Nam, bạch tuộc chiếm ưu thế với 53,1%, còn lại mực chiếm 46,9%. Việt Nam vẫn chủ yếu XK các sản phẩm mực, bạch tuộc sống/tươi/đông lạnh (chiếm tỷ trọng 73%), các sản phẩm chế biến vẫn chưa nhiều (27%).

xuat khau muc bach tuoc tang truong tot 2 thang dau nam
Xuất khẩu mực, bạch tuộc 2 tháng đầu năm tăng trưởng dương.

Trong tổng cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc XK, bạch tuộc khô/muối/ sống/tươi/đông lạnh (HS 03) tăng trưởng mạnh nhất 50%; bạch tuộc chế biến (HS 16) giảm mạnh nhất 27% so với cùng kỳ năm 2018.

Hàn Quốc vẫn là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 43% tổng XK mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường. Đây là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top 5 thị trường NK lớn nhất mực, bạch tuộc của Việt Nam. Hai tháng đầu năm nay, XK mực, bạch tuộc sang thị trường này tăng 38,5% đạt 38,5 triệu USD. Nhu cầu tiêu thụ ổn định cộng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng XK ổn định của mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường này.

Nhật Bản, thị trường NK mực, bạch tuộc lớn thứ 2 của Việt Nam, NK hơn 22 triệu USD mực, bạch tuộc từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Dự báo XK mực, bạch tuộc của Việt Nam trong các tháng tới sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng dương.

Tùng Linh

Theo tbck.vn