Nguồn gốc của nhẫn cưới 

Nhẫn cưới là một trong những vật không thể thiếu được khi hai người kết hôn với nhau. Tùy theo từng điều kiện, hoàn cảnh và xu hướng thời đại mà nhẫn cưới được lựa chọn bằng những chất liệu khác nhau như: bạc, vàng, bạch kim ...

Nhẫn cưới được coi là biểu tượng của sự gắn kết vĩnh cữu và hạnh phúc tròn đầy. Nó có nguồn gốc từ cách đây 4.800 năm vào thời Ai Cập cổ đại. Vào thời kỳ Hy Lạp cổ đại, nhẫn cưới được thiết kế bằng sắt vì đó là biểu trưng cho sự bền vững theo thời gian. Tuy nhiên, về sau nó đã được thay thế bằng nhiều chất liệu khác nhau như vàng, bạc…

Nhẫn cưới là biểu tượng thiêng liêng của mối quan hệ vợ chồng.

Nhẫn cưới là biểu tượng thiêng liêng của mối quan hệ vợ chồng.

Khi nhẫn cưới được mang vào tay thì sự ràng buộc, gắn kết giữa hai con người xa lạ trở nên bền chặt, không điểm dừng và luôn bất diệt. Đó cũng chính là sự mở đầu cho đời sống hôn nhân lâu dài bao gồm cả những ràng buộc về mặt pháp lý và xã hội. 

Ý nghĩa của ngón tay đeo nhẫn 

Người Châu Âu quan niệm rằng có một sự liên kết giữa ngón áp út bàn tay trái và trái tim. Họ tin có một mạch máu tình yêu giữa sự liên kết này và đó là lý do họ luôn mang nhẫn đính hôn ở ngón áp út của tay trái.

Trong khi đó, người Hy Lạp cổ đại lại cho rằng, có một tĩnh mạch ở ngón áp út liên kết với nhịp đập của con tim và họ gọi đó là vena amoris - tĩnh mạch tình yêu. Do đó, khi muốn cùng ai đi hết trọn cuộc đời, cần mang nhẫn vào ngón áp út của họ.

Ngoài ra, vì ngón áp út được cho là ngón tay yếu ớt nhất nên việc mang nhẫn sẽ tạo thêm sức mạnh để vợ chồng vượt qua mọi thách thức vật chất và tinh thần trong cuộc sống.

Có rất nhiều quan niệm khác nhau, song nhẫn cưới được đeo phổ biến nhất là ở ngon áp út bàn tay trái.

Có rất nhiều quan niệm khác nhau, song nhẫn cưới được đeo phổ biến nhất là ở ngon áp út bàn tay trái.

Khác với quan niệm trên, người Trung Quốc lại cho rằng mỗi một ngón tay trên cơ thể người đều là biểu trưng cho sự gắn kết với một người thân. Cụ thể, ngón cái là bố mẹ, ngón trỏ là anh em, ngón giữa là bản thân, ngón áp út là bạn đời và ngón út là con cái.

Khi hai lòng bàn tay chập vào nhau, ngón giữa gập lại, các ngón khác đều có thể dễ dàng tách rời nhau chỉ riêng ngón áp út là không thể.

Từ sự sắp đặt của tạo hóa này, người ra ngẫm ra rằng trong cuộc đời mỗi người bố mẹ không thể đi cùng bạn đến hết đời, anh em có thể cách xa bạn khi đã lập gia đình và con cái cũng có con đường riêng khi trưởng thành. Sau cùng chỉ có mỗi người bạn đời là người ở lại với bạn đến cuối đời.

Việc đeo nhẫn cưới

Việc đeo nhẫn cưới là biểu tượng cho sự gắn kết vĩnh cửu giữa hai người.

Ngày nay việc đeo nhẫn cưới ở ngón tay nào và bàn tay nào đã không còn là một quy định chung. Mỗi người tùy theo sự thuận tiện của bản thân hoặc ngay cả vì sở thích cá nhân có thể đeo nhẫn cưới ở bất cứ ngón tay nào tùy thích.

Tuy nhiên, dù có sự khác biệt này chăng nữa thì hầu hết truyền thống mang nhẫn cưới ở ngón tay áp út bên bàn tay trái đối với nữ vẫn luôn là một biểu tượng rõ nét nhất cho sự gắn kết vĩnh cữu trong hôn nhân mà rất nhiều người lựa chọn cho dù họ thuộc nền văn hóa nào.

Trang Bùi (tổng hợp)/ Theo Ngay Nay Online