3,82% là tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2020. Khi con số này được Tổng Cục Thống kê chính thức công bố cuối tuần qua, không ít người bất ngờ, bởi trong các kịch bản tăng trưởng kinh tế được đưa ra trước đó (dù kém lạc quan nhất) tăng trưởng GDP quý I cũng được dự báo ở mức trên 4,2%.

Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay sẽ bằng 0. Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc IMF còn nói rằng, đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái và thậm chí, mức độ còn tồi tệ hơn năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như vậy, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, việc kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm là “thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh”.

Tương tự, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, bức tranh kinh tế quý I vẫn “tương đối khả quan”, mặc dù đã có sự suy giảm cho với thời kỳ trước. “Kinh tế Việt Nam thường quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước, nên mức tăng trưởng này không đáng lo ngại lắm”, ông Hiếu nói.

Dù nhìn ở góc độ lạc quan nhất để thấy rằng, nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng, song rõ ràng cũng phải thừa nhận, mức tăng trưởng 3,82% của quý I/2020 là rất thấp, thấp nhất trong các quý I từ năm 2011 đến nay, thậm chí chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2018. Câu hỏi đặt ra là, năm 2020, nền kinh tế sẽ tăng trưởng như thế nào?

Theo ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Tổng Cục Thống kê đã liên tục cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Ban đầu, các phương án được đưa ra là khi dịch được khống chế trong quý I hoặc quý II, nhưng bây giờ, các giả thiết phải “đẩy lùi” dịch sang kết thúc vào quý II hoặc quý III/2020.

“Ở cả hai kịch bản, tăng trưởng GDP đều chỉ trên 5%, nếu dịch kéo dài hết quý III, thì vẫn tăng trưởng trên 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1. Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm, nếu kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 5% đã là thành công rực rỡ”, ông Lâm nói.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng của cả 3 khu vực kinh tế trong quý I, khó có thể kỳ vọng kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong năm nay. Thậm chí, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, sang quý II, kinh tế sẽ còn khó khăn hơn.

Sang quý II, khi nhiều nước đã thực hiện biện pháp “bế quan, tỏa cảng”; ngay cả ở Việt Nam, lệnh đóng cửa các cửa hàng, các dịch vụ không thiết yếu cũng sẽ được thực hiện tới giữa tháng 4 có thể sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam trong quý II và cả năm.

“Rất muốn lạc quan, nhưng với tình hình hiện tại, khó có thể lạc quan. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần có liều thuốc riêng cho kinh tế Việt Nam”, ông Hiếu nói.

Hiện tại, để cứu nền kinh tế, các nước đều có các gói cứu trợ. Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ, mà Nghị quyết số 11/NQ-CP là ví dụ điển hình. Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thêm chính sách, nhằm vực dậy nền kinh tế khi dịch bệnh qua đi.

Theo Quốc Trung/Reatimes