Nghỉ hưu cùng trong năm thì điều kiện tuổi hưởng lương hưu giống nhau

 Bộ LĐ - TB&XH đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Theo đó, quy định chi tiết lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu theo Điều 169 của Bộ luật Lao động (sửa đổi). 

Việc này tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định của pháp luật lao động về tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu và quy định pháp luật khác có liên quan.

Tại khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường kể từ năm 2021, với lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết hơn theo bảng thể hiện theo từng năm đủ tuổi nghỉ hưu (từ năm 2021) sẽ được áp dụng đối với những người lao động cụ thể theo tháng, năm sinh. 

Theo đó, việc quy định tuổi nghỉ hưu đảm bảo nguyên tắc: người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu trong cùng một năm thì điều kiện về tuổi hưởng lương hưu giống nhau.

Cụ thể, đối với lao động nam sinh từ tháng 1/1961 đến tháng 9/1961 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi ba tháng. Lao động nam sinh từ tháng 10/1961 đến tháng 6/1962 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2022 và tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi sáu tháng…

Đối với lao động nữ sinh từ tháng 1/1966 đến tháng 8/1966 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2021 và tuổi nghỉ hưu sẽ là 55 tuổi bốn tháng. Lao động nữ sinh từ tháng 9/1966 đến tháng 4/1967 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2022 và tuổi nghỉ hưu sẽ là 55 tuổi tám tháng…

Tuổi nghỉ hưu không vượt quá 65 tuổi với nữ vào năm 2035

Lao động nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, gồm: người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá năm tuổi so với quy định.

Dự thảo Nghị định cũng quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn được thực hiện theo lộ trình tương tự (từ năm 2021), áp dụng đối với những người lao động cụ thể theo tháng, năm sinh. 

Đó là người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.

Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. 

Tuổi nghỉ hưu cao hơn cũng được tăng lên tương ứng, không vượt quá 67 tuổi đối với nam vào năm 2028 và không vượt quá 65 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Việc quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện: khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng, đủ sức khỏe và không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền.

Ngoài việc quy định về tuổi hưu, dự thảo Nghị định còn quy định về điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động hưởng lương hưu trước ngày 1/1/2021 và người lao động hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2021 trở đi. 

Cũng như, quy định điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 219 của Bộ luật Lao động.

Theo Báo Dân Sinh