Phải làm làm việc với cường độ cao, thời gian dài khiến sức khỏe đội ngũ thầy thuốc trực tiếp điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại miền Trung ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhưng với sự tham gia và tăng cường của Tổ tâm lý được điều động vào, các thầy thuốc yên tâm làm việc.

Suốt những ngày qua, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng cùng hàng trăm cán bộ Y tế được tăng cường giúp địa phương này sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Ngoài các tổ chuyên môn có trách nhiệm thực thi nhiệm vụ tại những bệnh viện đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, Đội xét nghiệm, Đội điều tra – giám sát, Đội điều trị, Đội truyền thông thì Bộ Y tế còn điều động những bác sĩ tâm lý sát cánh cùng TP Đà Nẵng.

Bác sĩ San chia sẻ với cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Y tế Hòa Vang.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói: "Việc tham gia của chuyên gia tâm lý trong phòng chống dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp là rất cần thiết vì khi tinh thần hoảng loạn sẽ tạo sự hoang mang cho xã hội. Vì thế nếu ổn định được tâm lý sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng có hại cho xã hội. Do vậy bên cạnh công tác truyền thông thì việc ổn định tâm lý người dân cũng hết sức quan trọng không chỉ bằng các bác sĩ mà còn bằng các thông tin cũng như các hành động để làm người dân an tâm và tin tưởng hơn trong công tác phòng chống dịch".

Được trò chuyện với Bác sĩ nội trú Bùi Văn San (Khoa Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai) – thành viên của Tổ tâm lý trực chiến tại TP Đà Nẵng trong suốt những ngày qua mới thấy được tầm quan trọng ổn định tâm lý đối với các thầy thuốc trong cuộc chiến thầm lặng này.

Bác sĩ Bùi Xuân Tùng nói chuyện với các đồng nghiệp tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Bác sĩ nội trú Bùi Văn San nói: "Do tình hình dịch bệnh xảy ra bất ngờ, mọi người phải cách ly, tâm lý lo lắng căng thẳng sợ lây lan không chỉ xảy ra ở người dân mà y, bác sĩ cũng rất lo lắng. Chúng tôi hiểu rằng, đội ngũ thầy thuốc những ngày thường đã làm việc căng thẳng nay dịch bệnh xảy ra nên phải gồng mình để làm việc. Mất ngủ thường xuyên kèm lo lắng trong công việc dẫn đến tâm lý căng thẳng, nếu không giải tỏa được sự căng thẳng này sẽ rất nguy hiểm".

Theo bác sĩ San, sau khi nắm bắt được "bệnh" của đồng nghiệp, những chuyên gia tâm lý sẽ nhẹ nhàng đến "bắt chuyện". Ban đầu là những hỏi han, sẻ chia công việc để nắm được "bệnh lý" của đồng nghiệp. Bước kế tiếp mới bắt đầu "kê đơn".

"Thực ra nói điều trị tâm lý nghe nặng nề quá. Chúng tôi là những đồng nghiệp với nhau nên hiểu rõ công việc và áp lực trong nghề nên cùng nhau trò chuyện, sẻ chia và tâm sự để vơi đi những căng thẳng, giúp công việc đạt hiệu quả tốt nhất", bác sĩ Bùi Văn San chia sẻ.

Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ

Những ngày qua, ngoài bác sĩ San còn có bác sĩ Bùi Xuân Tùng cùng "đi dạo" tại nhiều bệnh viện để chia sẻ với các đồng nghiệp nơi đây. Từ bệnh viện C Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang (Đà Nẵng), Bệnh viện Điện Bàn (Quảng Nam), tất cả đều chung tay xông vào trận chiến đầy cam go, thử thách.

Chuyên gia tâm lý Bùi Văn San cho rằng, ngoài việc trò chuyện, sẻ chia…thì việc giải tỏa tâm lý dễ đạt hiệu quả nhất là các bác sĩ nên có tư thế ngồi lúc nghỉ ngơi.

Bác sĩ nội trú Bùi Văn San (khoa Tâm Thần – Bệnh viện Bạch Mai).

"Giải lao chúng tôi hướng dẫn mọi người một số tư thế ngồi cho thật thoải mái, từ đó khuyên bảo các thầy thuốc suy nghĩ, hướng đến những điều tốt đẹp như đang chơi đùa cùng với vợ con hay là nghĩ tới những trận thi đấu thể thao mình yêu thích… Lúc đó sự căng thẳng sẽ vơi đi phần nào", bác sĩ Bùi Văn San chia sẻ.

Theo các chuyên gia tâm lý đến từ Bệnh viện Bạch Mai, bất cứ người nào, làm nghề gì cũng sẽ có nguy cơ dẫn đến tâm lý căng thẳng khi có sự cố. Nhưng điều quan trọng nhất là phải biết điều tiết tâm lý, giúp đầu óc luôn trong trạng thái tốt nhất: "Không chỉ là các đồng nghiệp mà ngay đến bản thân chúng tôi nếu với cường độ làm việc cao, thời gian cách ly ít giao tiếp lớn, sự lo lắng sự lây lan dịch bệnh…như trong thời gian qua ở Đà Nẵng chắc chắn sẽ có sự căng cẳng tâm lý".

Không chỉ "giải nhiệt" tâm lý cho đồng nghiệp, những chuyên gia tâm lý còn trực tiếp gặp gỡ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện để sẻ chia, động viên họ vững tin sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

"Sau những cuộc nói chuyện thấy người bệnh vui vẻ, lạc quan hơn. Đây cũng là một cách điều trị bệnh trong lĩnh vực tâm thần mà chúng tôi áp dụng rất hiệu quả. Đúng như cha ông hay ví một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", bác sĩ Bùi Văn San vui vẻ nói.   

Theo Lê Bảo – Minh Thùy/Gia đình & Xã hội