Dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, các đơn hàng bị ngừng trệ. Tuy nhiên với quy mô dân số 97 triệu người, trị trường nội địa Việt Nam vẫn rất tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác vượt qua khó khăn sau đại dịch.

Tiềm năng lớn từ thị trường 97 triệu dân

Số liệu khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, đại dịch Covid-19 đang làm các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Trên 80% được hỏi cho biết, doanh thu của họ năm nay sẽ suy giảm mạnh. Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, số doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50%, chiếm khoảng 60% và doanh thu giảm từ 20-50% chiếm khoảng 29%. Các doanh nghiệp đang phải xoay sở để tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu doanh thu giảm kéo dài, chắc chắn sẽ không thể bù đắp cho chi phí hoạt động.

Đứng trước tình hình này, ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng cần thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp để hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, khai thác hết tiềm năng của thị trường nội địa.

Doanh nghiệp ngành gỗ tìm hướng đi từ thị trường nội địa.

Là một trong những ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 với mức thiệt hại ban đầu của 124 doanh nghiệp gỗ là 3.066 tỷ đồng, tương đương mỗi doanh nghiệp thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm hướng đi cho mình bằng cách đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước khi thị trường xuất khẩu đóng băng.

Điển hình là Công ty TNHH Hoàng Phát đang nghiên cứu về các mặt hàng như: Cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em… Trước đó, Việt Nam thường nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện công ty có hướng chuyển đổi loại hình sản phẩm để sản xuất các sản phẩm này cung ứng cho thị trường nội địa, đồng thời tạo công việc cho lao động trong bối cảnh này.

Tương tự các cơ sở cung cấp, sản xuất đồ gỗ phục vụ thị trường nội địa như cho các làng nghề tại: Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội hay Đồng Kỵ, Bắc Ninh... vẫn tiếp tục hoạt động bởi một số cơ sở quy mô nhỏ tại các làng nghề như Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội đang chuyển sang sản xuất các dòng sản phẩm tiêu thụ nội địa mà trước đó phải nhập khẩu.

Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ, Bắc Ninh và đại diện một số cơ sở chế biến tại làng Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội cùng đưa ra tổng kết, khoảng 20 - 30% các cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình tại các làng nghề này vẫn đang duy trì hoạt động.

Còn với doanh nghiệp chế biến hải sản, bà Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn (Quảng Bình) cho rằng: "Nhờ được hỗ trợ tham gia hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước, các sản phẩm của HTX đã được nhiều doanh nghiệp, khách hàng quan tâm, tiếp cận các hệ thống phân phối hiện đại. Các sản phẩm hải sản sấy khô, đóng gói của chúng tôi được tiêu thụ tốt không chỉ tại địa bàn tỉnh mà cả các tỉnh phía Bắc".

Tạo ra nhu cầu cho thị trường trong nước

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý 1/2020, mặc dù hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra kém sôi động, người tiêu dùng hạn chế mua sắm, đi du lịch và ăn uống bên ngoài, tuy nhiên doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn ghi nhận tăng 7,7% so với cùng kỳ. Vì vậy, việc khai thác tốt thị trường nội địa sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp hải sản đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, thị trường nội địa có độ ổn định và đặc biệt có "sức chống chịu" đối với đại dịch tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu. Với dân số gần 97 triệu và tầng lớp trung lưu đông đảo ngày càng phát triển, quy mô của thị trường nội địa không hề nhỏ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Thị trường luôn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng như hiện nay và với hơn chục hiệp định thương mại tự do đã, đang và sắp được ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu đó là những cơ hội chứ chưa phải là sự đảm bảo chắc chắn để doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới. Muốn bước ra "sân chơi chung của toàn cầu" với đầy cơ hội song hành cùng không ít cạnh tranh và thách thức, việc thực hiện kế sách "bám sâu rễ, bền gốc" ở thị trường trong nước-thị trường Việt Nam là điều rất cần phải được coi trọng, nhất là vào lúc này".

Theo ông Lộc: "Hơn lúc nào hết, giờ cần đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", vì đây chính là hành động thiết thực nhất để hậu thuẫn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề tồn kho hàng hóa. Từ nay tới cuối năm, Chính phủ và các ban, ngành chức năng nên phát động Tháng cao điểm thực hiện Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" - điều chúng ta đã làm rất tốt trong nhiều năm trước đây."

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng công nghệ số, tác động của dịch bệnh và những ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đang khiến tình hình đầu tư cùng các dòng chảy về vốn, nguồn nhân lực tại các quốc gia trên toàn cầu đang dần dần đảo chiều. Thay vì hướng ngoại, chú trọng vào đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đang có xu hướng quay trở lại sân nhà, kích cầu tiêu dùng từ người dân và cũng thúc đẩy sản xuất kinh doanh những mặt hàng, sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và thuộc tính tiêu dùng của người dân địa phương. Đây sẽ là một xu thế lớn ở thời kỳ sau dịch bệnh Covid-19.

Theo Báo Dân Sinh