Sau phiên giao dịch có phần hưng phấn hôm qua, thị trường chứng khoán đã có sự điều chỉnh nhất định ở phiên giao dịch hôm nay (14/4). Áp lực rung lắc mạnh đã xảy ra trong phiên hôm nay với việc nhiều mã vốn hóa lớn quay đầu giảm giá. Tâm lý nhà đầu tư thận trọng và có lẽ họ đang chờ đợi những động thái tiếp theo của Chính phủ sau khi kết thúc 15 ngày cách ly xã hội.

VN-Index may mắn giữ được sắc xanh vào cuối phiên nhờ động lực ở một số cổ phiếu lớn như VPB, FPT, MSN, HPG… Chốt phiên, VN-Index tăng 1,62 điểm (0,21%) lên 767,41 điểm. Toàn sàn có 167 mã tăng, 191 mã giảm và 68 mã đứng giá. HNX-Index giảm nhẹ 0,01 điểm (-0,01%) xuống 107,15 điểm. Toàn sàn có 57 mã tăng, 79 mã giảm và 61 mã đứng giá.

Do những áp lực của thị trường chung diễn ra mạnh nên nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có sự phân hóa trở lại. Dù vậy, khá nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn giao dịch tích cực bất chấp sự thận trọng của nhà đầu tư. Trong đó, VRE tiếp tục tăng 2,9% lên 26.200 đồng/cp. VHM tăng 1% lên 68.000 đồng/cp. Cả VRE và VHM vẫn lọt vào top ảnh hưởng đến VN-Index, trong đó, VHM đóng góp cho chỉ số này 0,67 điểm còn VRE là 0,5 điểm. 

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, các cổ phiếu như PPI, DRH, DTA hay ASM vẫn được kéo lên mức giá trần. LGL tăng 6,5%, SGR tăng 6,4%, DIG tăng 3,2%, TDH tăng 3,1%, HDG tăng 2,9%.

Các cổ phiếu có tác động lớn nhất lên VN-Index phiên 14/4. Nguồn: VDSC.

Chiều ngược lại, VIC vẫn giảm nhẹ 0,4% xuống 95.600 đồng/cp. Theo thông tin từ VOV, báo cáo về các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại phiên họp Thường trực Chính phủ diễn ra vào chiều 13/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Tập đoàn Vingroup báo cáo đã sản xuất được máy thở không xâm nhập đầu tiên và đã chuyển đến Bộ Y tế trong sáng nay. Bộ Y tế đang phối hợp kiểm định máy thở để sản xuất và sử dụng trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.

Trong khi đó, các cổ phiếu như CLG hay NVT đều bị kéo xuống mức giá sàn. LDG giảm sâu 4,3% và khớp lệnh 3,8 triệu cổ phiếu. IDJ giảm 4,3%, VRC giảm 3,9%, NLG giảm 3,3%.

Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm với tổng khối lượng giao dịch đạt 341 triệu cổ phiếu, trị giá 4.895 tỷ đồng. Phiên hôm nay chỉ có duy nhất FLC lọt vào top 10 cổ phiếu khớp lệnh nhiều nhất với gần 6,6 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại vẫn bán ròng khá mạnh cổ phiếu VIC với giá trị 46 tỷ đồng. Một cổ phiếu bất động sản khác cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh là KBC với 8,5 tỷ đồng. Tính chung cả sàn HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 153 tỷ đồng. Đây là phiên bán ròng thứ 11 liên tiếp của khối ngoại trên sàn HoSE với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ đồng.

Tại thị trường chứng khoán châu Á phiên 14/4, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 3,1%. Kospi của Hàn Quốc tăng 1,7%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 1,6% và 2,2%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,5%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 1,8% và 1,9%. Straits Times của Singapore tăng mạnh 2,3%. SET 50 của Thái Lan tăng 1,3%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 1,8% và KLCI của Malaysia tăng 1,1%.

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), nhịp rung lắc của chỉ số diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ cũng ghi nhận nhịp điều chỉnh trong phiên hôm qua. Trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp sẽ được công bố trong tuần này, nhà đầu tư có thể cân nhắc các cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh tốt và đã điều chỉnh sâu trong thời gian qua.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong phiên tới, tin tức quan trọng về việc có tiếp tục cách ly toàn xã hội cho đến hết tháng 4 hay không có thể ảnh hưởng đến diễn biến trong phiên, nhà đầu tư cần lưu ý. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo ngày 15/4, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc và giằng co với biên độ trong khoảng 750 - 780 điểm (target mô hình 2 đáy trước đó - fibonacci retracement 38,2% nhịp giảm từ đầu năm). 

Nhà đầu tư sau khi đã giảm tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường vượt ngưỡng 750 điểm vào cuối tuần trước nên tiếp tục theo dõi thị trường và có thể bán ra nếu như VN-Index có nhịp tăng lên gần ngưỡng 780 điểm. Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao nên hạn chế giải ngân trong giai đoạn này do rủi ro thị trường giảm trở lại là hiện hữu.

Theo Tuấn Hào/Reatimes