Theo WHO, các căn bệnh không lây nhiễm trên đã gây ra gần một nửa số ca tử vong trong năm ngoái, một phần nguyên nhân là do lối sống và môi trường không lành mạnh

Các bệnh không lây nhiễm như ung thư và tiểu đường hiện đang là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, con số này thay đổi đáng kể so với hai thập kỷ trước.

Giờ đây, chúng chiếm 7 trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, tăng từ 4/10 nguyên nhân vào năm 2000, với bệnh tim là kẻ giết người nguy hiểm nhất - chiếm 16% tổng số ca tử vong.

Theo ước tính được WHO công bố hôm thứ Năm, bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác hiện nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trong khi tử vong do bệnh tiểu đường tăng 70% trên toàn cầu từ năm 2000 đến 2019.

WHO chỉ ra 3 'sát thủ vô hình' của năm 2019

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các số liệu mới cho thấy sự cần thiết phải tăng cường tập trung vào việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh tim mạch và hô hấp mãn tính.

“Những ước tính mới này là một lời nhắc nhở khác rằng chúng ta cần nhanh chóng đẩy mạnh công tác phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm", ông Tedros chỉ ra.

Các căn bệnh được nêu bật trong báo cáo chiếm 24,4 triệu ca tử vong, tương đương 44% tổng số ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2019. Sau bệnh tim, vốn giết chết gần 9 triệu người vào năm 2019, đột quỵ và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 và thứ 3 trong danh sách. Số ca tử vong do ung thư khí quản, phế quản, phổi và bệnh thận cũng đang ngày càng gia tăng.

Sa sút trí tuệ được xếp hạng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7, với 65% tổng số ca tử vong phụ nữ. Bệnh tiểu đường, xếp thứ 9 trong danh sách, chứng kiến ​​tỷ lệ tử vong ở nam giới tăng nhiều nhất, tới 80% kể từ năm 2000.

Báo cáo cho biết tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm đã giảm trong 20 năm qua, nhưng vẫn là một thách thức ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. HIV / AIDS giảm từ vị trí thứ 8 vào năm 2000 xuống thứ 19 vào năm 2019, trong khi bệnh lao giảm từ vị trí thứ 7 xuống thứ 13, nhưng vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở châu Phi và Đông Nam Á.

WHO nhấn mạnh các trường hợp tử vong do thương tích như tai nạn giao thông, đặc biệt là ở châu Phi và sử dụng ma túy ở châu Mỹ, nơi có số ca tử vong liên quan đến ma túy tăng 300% từ năm 2000 đến năm 2019.

Theo Ngày nay