Xử phạt hàng loạt công trình nhà ở chia nhỏ căn hộ sai phép

Theo Nhipsongkinhte, hàng loạt công trình nhà ở tại TP HCM vi phạm trật tự xây dựng dưới hình thức chia nhỏ căn bị xử phạt. Đáng nói, những căn nhà này đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng gần 1 năm nay mới bị phát hiện.

Theo đó, liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn các phường, UBND Q.12, TP HCM vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ hàng loạt công trình nhà ở xây dựng sai phép.

Cụ thể, công trình của cá nhân L.N.Đ (P.Thạnh Lộc, Q.12) vi phạm chia nhỏ thành 16 căn, xây thêm cửa đi và cầu thang. Tăng diện tích xây dựng tại ban công lầu 1, lầu 2 và phía trước. Tổng diện tích xây sai phép hơn 300m2. Công trình này đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ tháng 2/2019. UBND Q.12 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 15 triệu đồng đối với chủ công trình.

Xử phạt hàng loạt công trình nhà ở chia nhỏ căn hộ sai phép (Ảnh: Vietnamnet)

Cũng hoàn thiện và đưa vào sử dụng thời gian trên, công trình của ông V.V.T (P.Thạnh Lộc, Q.12) vi phạm khi chia nhỏ thành 13 căn, trổ thêm cửa và cầu thang. Diện tích vi phạm khoảng 120m2, chủ công trình bị xử phạt 15 triệu đồng.

Có diện tích vi phạm lên đến cả nghìn mét vuông là công trình của ông N.T.Q (P.Thạnh Lộc, Q.12). Chủ công trình xây dựng sai kết cấu chịu lực và tăng diện tích xây dựng phần sân sau. Diện tích vi phạm hơn 1.300m2, chủ công trình này bị phạt 30 triệu đồng.

Với hình thức chia nhỏ thành 5 căn tại 2 khu, công trình nhà ở kết cấu một trệt hai lầu của ông Đ.V.T tại P.Thạnh Lộc, Q.12 có hàng loạt vi phạm như trổ thêm cửa đi và cầu thang, dựng nhiều vách ngăn… Được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2019, chủ công trình này bị phạt 15 triệu đồng.

Tại P.Tân Chánh Hiệp, UBND Q.12 cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà N.T.B.P, chủ công trình nhà ở có vi phạm như tăng diện tích xây dựng, chia thành nhiều căn. Hiện cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ công trình ngưng thi công xây dựng.

Trên địa bàn P.Thạnh Xuân, công trình xây sai phép gần 14m2 của bà P.T.Q.T đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2012 nhưng đến tháng 12/2020 mới bị phát hiện.

Liên quan đến vấn đề này, theo một lãnh đạo UBND Q.12, có nhiều khó khăn vì người dân tìm cách đối phó khi xây dựng vào ban đêm hoặc các ngày nghỉ. Một số chủ đầu tư giao khoán công trình cho nhà thầu xây dựng cố tình xây không phép. Ngoài ra, công tác điều chỉnh quy hoạch, thời gian thẩm định, phê duyệt kéo dài gây khó khăn trong việc quản lý đô thị.

Năm 2021, nguồn cung nhà ở Hà Nội cải thiện, sẽ không xuất hiện "bong bóng" 

Cụ thể, về giá bán sơ cấp trung bình năm 2020 tăng khoảng 3-4% theo năm, hiện tượng tăng giá này bị tác động bởi nhiều yếu tố nhưng chủ yếu do phân khúc hạng B. Đây là phân khúc chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 2/3 tổng số căn hộ bán ra của cả thị trường và ghi nhận mức tăng giá khoảng 5-6% so với cùng kỳ năm 2019.

Giá nhà ở tăng được giải thích do các chủ đầu tư hạng B trên thực tế đã phải nghiên cứu và chú trọng đầu tư hơn vào hệ thống tiện ích dịch vụ. Thị trường xuất hiện một số dự án chào bán mới với mức giá được coi là lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường tại phía Đông Hà Nội và phía Tây Hà Nội với mức giá cao hơn trung bình ở khu vực đó, hoặc cao hơn mặt bằng chung của cả phân khúc, tuy nhiên số lượng không nhiều.

Trong khi đó, căn hộ hạng C và hạng A gần như không có tác động đến mức tăng giá nhà của cả thị trường.

Năm 2021, nguồn cung nhà ở Hà Nội cải thiện, sẽ không xuất hiện "bong bóng" 
 

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra rằng, các chỉ số cho thấy giá tăng nhẹ ở phân khúc trung cấp, còn phân khúc cao cấp trên thực tế cho thấy đang có áp lực giảm giá, căn hộ bình dân không có biến động. Do tính thanh khoản chậm nên các nhà đầu tư có hiện tượng cắt lỗ và chủ đầu tư gia tăng chính sách hỗ trợ, khuyến mại….

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng giúp làm tăng giá căn hộ. Cụ thể, giá đất (giá tính chi phí đất) để đầu tư phát triển căn hộ cũng có chiều hướng tăng lên và thời gian để một dự án ra hàng trong giai đoạn Covid này cũng rất lâu, dẫn đến tăng chi phí cơ hội và chi phí đầu tư ban đầu. Hệ thống cơ sở hạ tầng của Thủ Đô đã có những cải thiện đáng kể trong năm 2020. Một số dự án ở cận kề những công trình hạ tầng mới cải thiện hoặc sắp hoàn thiện sẽ có mức giá ra hàng cao hơn so với mặt bằng chung thị trường.

Nhận định về thị trường nhà ở năm 2021, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, đánh giá, năm 2021 sẽ khó có biến động lớn cho thị trường căn hộ. Hà Nội sẽ không có tình trạng khan hiếm nguồn cung giống như thành phố Hồ Chí Minh. Có thể thấy sự thay đổi tích cực về chất lượng của nhiều dự án nhà ở khác nhau, ví dụ như nhà ở trong phân khúc tầm trung. Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc “cởi trói” nguồn cung vì đây là điều kiện cần để mở rộng các khu vực dự án ra các quận và thành phố lân cận”.

"Năm 2021, thị trường căn hộ Hà Nội sẽ không xảy ra bong bóng bất động sản khi kinh tế đang tăng trưởng tại mức được ghi nhận tốt, lực cầu vẫn mạnh và giá có thể kiểm soát được. Một số các dự án kỳ vọng mức giá quá cao sẽ phải xét lại về tổng thể, giá bán và điều kiện thực tế của dự án để giảm áp lực cho chính dự án khi tung sản phẩm ra thị trường", vị này nhấn mạnh.

Một con số thống kê thực tế được Hiệp hội bất động sản Việt Nam đưa ra, đó là ngay quý I, quý II của năm 2021 dự kiến sẽ có hàng vạn sản phẩm với đa dạng các phân khúc sẽ chào hàng thị trường. Trong đó khu vực Bắc và Tây Hà Nội sẽ chiếm tỷ trọng nhiều nhất. Giá căn hộ tại Hà Nội có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với 2020 trong khi giá tại TP HCM trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có chiều hướng tăng.

Cảnh giác sốt đất ăn theo quy hoạch sân bay

Theo Diendandoanhnghiep, vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu phản ánh của báo chí liên quan đến việc UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất bổ sung 1 vị trí sân bay tại tỉnh này liệu có là "chiêu trò thổi giá đất".

Liên quan đến nội dung các địa phương liên tục đề xuất bổ sung quy hoạch vị trí sân bay, mới đây trả lời báo chí, một đại diện của Bộ GTVT cho biết bộ này hiện đang tổng hợp các đề xuất của các địa phương về quy hoạch sân bay, sau khi có hội đồng đánh giá và lấy ý kiến các nhà chuyên môn xem xét, đưa ra những đánh giá về hiệu quả thì mới có thể trả lời các tỉnh.

Thực tế cho thấy dù việc quy hoạch sân bay có được xem xét, duyệt hay không thì chưa biết nhưng những đợt sốt đất ăn theo các thông tin quy hoạch sân bay và nguy cơ bong bóng, nhiễu loạn thị trường bất động sản là có thật.

Cảnh giác sốt đất ăn theo quy hoạch sân bay (Ảnh: Diendandoanhnghiep)

Cụ thể, khi mà sân bay quốc tế thứ 2 của Vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa mới dừng ở mức đề xuất nhưng nhiều người đã mơ về chuyện giá đất sẽ "cất cánh" như trường hợp sân bay Long Thành. Về việc này, TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng đang có nguy cơ bong bóng và sốt ảo đất Ứng Hòa ăn theo thông tin xây sân bay thứ 2 tại Hà Nội.

Việc đề xuất quy hoạch sân bay là câu chuyện dài hạn, từ việc địa phương đề xuất, các bộ ngành, Chính phủ có đồng ý hay không rồi còn phải trình ra Quốc hội xem xét,… có thể phải mất tới hàng chục năm mới trở thành hiện thực. Do đó, khi một địa phương mới chỉ có thông tin đề xuất xin bổ sung quy hoạch sân bay thì theo ông Đính, các nhà đầu tư không nên "cầm đèn chạy trước ô tô" bởi rủi ro quá lớn đối với một đề xuất chưa được nằm trên giấy.

Liên quan đến vấn đề trên, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng đối với thông tin đề xuất quy hoạch sân bay thì các nhà đầu tư không nên "cầm đèn chạy trước sân bay" mà cần tỉnh táo, nghiên cứu kỹ tính thanh khoản và đầu tư phù hợp với khả năng tài chính của mình khi đầu tư đất nền gần các dự án sân bay.

Hà Nội nhà ở giá thấp sẽ bị đẩy lên phân khúc trung cấp trong năm 2021?

Theo Kinhtedothi, số liệu thống kê từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, năm 2020 trên địa bàn Hà Nội, tổng nguồn cung các sản phẩm BĐS nhà ở ra thị trường đạt trên 28.800 sản phẩm (bao gồm cả hàng tồn kho), tỷ lệ hấp thụ bình quân đạt 48%. Cơ cấu nguồn cung được chào bán, gồm: 30,8% thuộc phân khúc cao cấp; 56,7% thuộc phân khúc trung cấp và 12,5% thuộc phân khúc bình dân. Trong khi đó, tỷ lệ giao dịch thành công theo các phân khúc, gồm: 14,6% cao cấp; 56,3% trung cấp và 29,1% bình dân.

Cụ thể, thị trường Hà Nội cũng ghi nhận sự biến động về biên độ giá, từ quý IV/2018 so với quý IV/2020. Cụ thể, sản phẩm cao cấp biến động ít nhất, giá bình quân dao động từ 36,5 – 36,9 triệu đồng/m2; sản phẩm trung cấp dao động từ 29 – 31,2 triệu đồng/m2; riêng phân khúc bình dân có biên độ biến động giá cao nhất, nếu như quý IV/2018 có giá bình quân 20,5 triệu đồng/m2, thì đến quý IV/2020 tăng lên 24,8 triệu đồng/m2 (theo quy ước của Hiệp hội BĐS, sản phẩm trung cấp có giá bán từ 25 triệu đồng/m2 trở lên).

“Căn hộ bình dân, giá thấp ngày càng chiếm tỉ trọng thấp. Căn hộ chỉ hấp thụ tốt ở phân khúc bình dân và rất chậm ở phân khúc cao cấp. Kể cả những dự án được đánh giá là chất lượng tốt cũng có tỉ lệ hấp thụ không cao. Hàng tồn trên thị trường chủ yếu nằm ở căn hộ có giá trên 35 triệu/m2, nhà đất có giá trên 100 triệu đồng/m2” - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.

Hà Nội nhà ở giá thấp sẽ bị đẩy lên phân khúc trung cấp trong năm 2021?
 

Trong năm 2020, thị trường BĐS Hà Nội cũng ghi nhận một kỷ lục mới về giá bán, như: Giá đất tại các vùng Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30% so với năm 2019. Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Chí Thanh cho rằng, giá nhà đất tại các tỉnh, thành đều tăng, nhưng sau khi tăng lên đều sụt giảm về giá trị thật. Đây chính là hệ quả của việc nguồn hàng trên toàn thị trường không được bổ sung mà nhu cầu đầu tư đang giữ lực tốt.

Theo Hải Miên (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ban-tin-bds-24h-xu-phat-hang-loat-cong-trinh-nha-o-chia-nho-20201231000000772.html