Hà Nội chính thức lên tiếng về đề nghị cấp ‘sổ đỏ’ cho cư dân tại chung cư CT6 Kiến Hưng

UBND TP Hà Nội cho biết, hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP đang điều tra vụ án “Lừa dối khách hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án CT6 Kiến Hưng. Sau khi có kết quả điều tra, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND quận Hà Đông để kiểm tra giải quyết liên quan đến việc cấp sổ đỏ và bàn giao chi phí bảo trì cho cư dân sinh sống tại đây.

Liên quan đến kiến nghị việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cấp sổ và bàn giao chi phí bảo trì cho cư dân sinh sống dự án chung cư CT6C phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) do Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes là chủ đầu tư, UBND TP Hà Nội cho biết, từ tháng 5/2018, Sở Xây dựng đã kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư tại Dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại (CT6) phường Kiến Hưng.

Hà Nội chính thức lên tiếng về đề nghị cấp ‘sổ đỏ’ dự án có hàng trăm căn hộ trái phép

Dự án được đầu tư xây dựng năm 2011, thời điểm thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở năm 2005, Nghị định số 71 (năm 2010) của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, chủ đầu tư phải có trách nhiệm xác định kinh phí bảo trì 2% của người mua nhà theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Tuy nhiên, khi bán nhà, công ty chưa thu kinh phí bảo trì 2% của người mua nhà (trong hợp đồng mua bán không thể hiện nội dung này).

Dự án chung cư CT6 tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông do Công ty Cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes là chủ đầu tư. Theo quy hoạch thiết kế được duyệt, dự án có hai tòa chung cư gồm: CT6A và CT6B với tổng số căn hộ được duyệt là 936 căn hộ chung cư cao tầng và 34 nhà thấp tầng, biệt thự liền kề.

Tuy nhiên, trên thực tế chủ đầu tư đã xây dựng ba tòa nhà gồm CT6A, CT6B và CT6C với tổng số căn hộ lên tới 1.590 căn hộ cao tầng (trong đó tòa CT6A là 693 căn; tòa CT6B là 450 căn; tòa CT6C là 447 căn) và 38 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng.

Như vậy dự án đã xây vượt, xây không phép gần 700 căn hộ và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng. Hiện tất cả số căn hộ và nhà liền kề, biệt thự tại dự án này đã được bán cho khách hàng và đã đưa vào sử dụng.

“Việc chủ đầu tư chưa thu kinh phí bảo trì là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 71 (năm 2010) của Chính phủ. Trường hợp chủ đầu tư không thu được kinh phí bảo trì 2% thì phải trích kinh phí của chủ đầu tư để nộp cho Ban quản trị nhà chung cư theo quy định tại khoản 4 Điều 108 của Luật Nhà ở”, UBND TP Hà Nội cho biết.

UBND TP cũng cho biết, tại buổi kiểm tra đoàn kiểm tra yêu cầu chủ đầu tư thực hiện thu nộp kinh phí bảo trì 2% và bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư theo quy định. Đến nay chủ đầu tư chưa thực hiện việc bàn giao kinh phí bảo trì 2% theo quy định của Luật Nhà ở cho Ban quản trị nhà chung cư.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cho hay, hiện nay Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đang điều tra vụ án “Lừa dối khách hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án CT6 Kiến Hưng. Vì vậy, sau khi có kết quả điều tra, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND quận Hà Đông để kiểm tra giải quyết.

Trước đó, liên quan đến những sai phạm tại dự án chung cư CT6, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người điện pháp luật của Công ty CP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes. Đồng thời cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Uyển (SN 1964), Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng; Vương Đăng Quân - nguyên phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông và Mai Quang Bài - cán bộ Đội quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông để điều tra những sai phạm liên quan. Cả ba bị can bị khởi tố để điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài ra, ông Lê Cường, Bí thư Quận ủy Hà Đông bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do liên quan đến một số sai phạm trật tự xây dựng diễn ra trên địa bàn quận Hà Đông thời điểm ông này đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, trong đó có dự án CT6 Kiến Hưng.

Thí điểm mua lại biệt thự cổ để bảo tồn

Trả lời kiến nghị này, UBND TP Hà Nội cho biết, thực hiện Luật Thủ đô, Sở Xây dựng đã tham mưu báo cáo UBND TP để trình HĐND TP ban hành 05 Nghị quyết về quản lý nhà nhà cổ, phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Theo đó là một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP.

Liên quan đến vấn đề này, UBND TP Hà Nội cũng cho biết, Sở Xây dựng đưa ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, Sở tiếp tục rà soát, phân loại lập danh mục biệt thự để báo cáo UBND TP thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 về danh mục biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954. Đồng thời, thiết lập hồ sơ 3D về quản lý nhà biệt thự làm cơ sở để quản lý, bảo tồn, tôn tạo nhà biệt thự.

Hà Nội sẽ thiết lập hồ sơ 3D về quản lý nhà biệt thự làm cơ sở để quản lý, bảo tồn, tôn tạo nhà biệt thự. (Ảnh: Ninh Phan)

Tiếp tục tổ chức khảo sát, rà soát đánh giá toàn bộ các biệt thự về chất lượng công trình. Đề nghị UBND TP bố trí kinh phí thực hiện việc rà soát, kiểm định đánh giá chất lượng chất lượng công trình (đặc biệt là các biệt thự đã xuống cấp, biến dạng), bảo trì, cải tạo, chỉnh trang và lập hồ sơ quản lý, bảo tồn tôn tạo biệt thự thuộc sở hữu nhà nước.  Đồng thời nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia thực hiện công tác cải tạo, trùng tu nhà biệt thự nhằm phát huy giá trị về vị trí, kiến trúc, nghệ thuật của các nhà biệt thự.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, lập danh mục được 970 nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước do TP đang quản lý, tham mưu cho UBND TP báo cáo HĐND TP thông qua Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP Hà Nội tại Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô, biệt thự cũ của Pháp chủ yếu được xây dựng trước 1954 và ở tại các vị trí đẹp, có diện tích khá lớn trên các tuyến phố chính, thuận lợi giao thông, nhiều biệt thự có giá trị về kiến trúc, có giá trị về mặt kinh tế, tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hà Nội; nhà biệt thự cũ chủ yếu là kiến trúc kiểu Pháp, hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông, mang đặc trưng riêng, cùng với các công trình có giá trị kiến trúc khác tạo nên diện mạo riêng của Thủ đô.

Ngoài ra, sớm xây dựng cơ chế thí điểm mua lại biệt thự, thực hiện việc giải phóng mặt bằng tái định cư các hộ dân để bảo tồn, tôn tạo các biệt thự có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, văn hóa, lịch sử.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có ban hành kết luận của Tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội liên quan đến việc xây dựng danh mục các công trình nhà cổ, công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn. Theo đó, UBND Thành phố giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiếp tục là đơn vị tổ chức triển khai lập danh mục và xây dựng quy chế quản lý các công trình nhà cổ, công trình xây dựng có giá trị trước năm 1954 trên địa bàn.

Giao Sở Xây dựng rà soát lại quá trình triển khai thực hiện, công tác lập và quản lý danh mục nhà biệt thự được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn; báo cáo khó khăn vướng mắc nếu có; Rà soát lập hồ sơ các công trình biệt thự có kiến trúc Pháp phải bảo tồn trên cơ sở đó lập danh mục và đề xuất Chương trình hợp tác với Đại sứ quán Pháp.

Đặc biệt, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu trong thời gian xây dựng danh mục, Sở Xây dựng, UBND các quận huyện tạm dừng xem xét cấp phép phá dỡ, cải tạo, sửa chữa các công trình biệt thự, các công trình nhà cổ, công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

Hà Nội còn nơi nào có giá đất tới 1 tỷ đồng/m2 ngoài phố cổ?

Theo dantri, bên cạnh phố cổ, Hà Nội còn một khu đất "vàng" khác, có giá trị cao không hề thua kém, đó chính là các tuyến đường chạy dọc theo Hồ Tây.

Theo khảo sát, các tuyến đường như đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Lạc Long Quân, Vệ Hồ,... nhà mặt đường có giá trị từ 300 - 700 triệu đồng/m2. Trong đó, đường Quảng An, đường Yên Hoa có giá trị cao nhất, có nhà đang rao bán với giá 850 triệu đồng/m2.

Ngay cả những tuyến đường không giáp hồ như đường Đặng Thai Mai, Xuân Diệu, giá nhà mặt đường cũng dao động trong khoảng 250 - 400 triệu đồng/m2.

Bên cạnh phố cổ, Hà Nội còn một khu đất "vàng" khác, có giá trị cao không hề thua kém, đó chính là các tuyến đường chạy dọc theo Hồ Tây. (Ảnh: Hữu Nghị)

Tương tự, giá nhà mặt ngõ, ô tô có thể đi vào có giá trên khoảng 150 - 200 triệu đồng/m2. Các dãy nhà trong ngõ nhỏ, giá "mềm" hơn đôi chút, khoảng 80 - 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nếu so với các khu vực trung tâm khác của Hà Nội, như Đống Đa, Thanh Xuân hay Cầu Giấy, mức giá nhà này đã cao gấp đôi.

Theo giới đầu tư bất động sản, sở dĩ, giá nhà mặt đường Hồ Tây có giá cao thứ 2, xếp sau phố cổ, phần lớn là nhờ vào chính sự điều tiết không khí của Hồ Tây.

Ông Đỗ Trung An, đại diện công ty địa ốc F.L chia sẻ: "Hiếm có thành phố nào, hoặc thủ đô nào có mặt hồ rộng như Hồ Tây. Xét về vị trí địa lý, Hồ Tây giống như lá phổi của Hà Nội, giúp điều tiết không khí, môi trường xung quanh hồ cũng thoáng mát hơn. Do đó, giá nhà tại Hồ Tây đắt đỏ là hiển nhiên. Hầu hết người có thu nhập cao, chuyên gia nước ngoài lựa chọn sống tại Hồ Tây, thay vì lựa chọn phố cổ".

Trên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến, không hiếm chủ nhà đang rao bán đất tại Hồ Tây với giá trị giao dịch từ vài chục tỷ đồng, cho tới vài trăm tỷ đồng. Cũng vì giá trị đất tại đây rất cao, nên không khí giao dịch mua - bán diễn ra trầm lắng.

Hà Nội "thúc tiến độ" các dự án tại Khu liên hợp XLCT Sóc Sơn

Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội về tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự liên quan đến Khu liên hợp XLCT Sóc Sơn, tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án tại Khu liên hợp còn rất chậm, không bảo đảm tiến độ và chỉ đạo của thành phố.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc ngày 03/01/2020.

Đồng thời, căn cứ các quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hiện hành, các chính sách đặc thù đã được UBND thành phố chấp thuận, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án tại Khu liên hợp XLCT Sóc Sơn.

Bãi rác Nam Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (Ảnh IT.)

Cụ thể, cần xử lý ngay các tồn tại về mặt bằng và hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với ô chôn lấp 1.1 trước ngày 31/12/2020.

Theo UBND TP Hà Nội, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương tổng hợp, báo cáo cụ thể, kèm theo hồ sơ số liệu chi tiết, đầy đủ.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính tích cực, chủ động phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn, kịp thời hướng dẫn UBND huyện Sóc Sơn thực hiện đúng, đầy đủ các cơ chế, chính sách đã được chấp thuận tại dự án, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Giao Công an thành phố tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình nội bộ địa phương, chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định, bảo đảm an ninh trật tự tại Khu liên hợp XLCT Sóc Sơn và trên địa bàn huyện.

Kinh doanh khách sạn tiếp tục "lao dốc"

Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cũng chỉ rõ, thị trường du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam đang cho thấy sự phục hồi khá chậm, khi công suất lấp đầy toàn thị trường chỉ ở ngưỡng 25% do nguồn cầu du lịch nội địa chưa đủ để có thể tác động rõ rệt đến hoạt động của phân khúc này.

Tại TP HCM, kể từ đợt giãn cách xã hội vào tháng 04/2020, công suất phòng vẫn đang nằm dưới mức 20% và thấp hơn hầu hết các thành phố khác ở khu vực châu Á. Con số này giảm mạnh so với công suất 72% đạt được vào năm 2019.

Còn tại Hà Nội, trong 2 tháng vừa qua, thành phố ghi nhận công suất thuê phòng gần 35% nhờ vào các doanh nghiệp địa phương đang dần phục hồi hoạt động kinh doanh, nhu cầu lưu trú dài hạn tăng lên, cũng như các cơ sở lưu trú đăng ký cung cấp dịch vụ cách ly.

Kinh doanh khách sạn tiếp tục "lao dốc"

Trong tháng 10/2020, Hà Nội và TP HCM cũng có mức công suất phòng cải thiện so với đợt giãn cách xã hội đầu tiên vào tháng 04/2020. Việc phát triển vắc-xin và những kết quả đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống Covid -19 đã củng cố niềm tin cho Việt Nam trong quá trình hồi phục thị trường du lịch nghỉ dưỡng.

Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, nhu cầu du lịch trong nước giảm mạnh và khách du lịch nội địa - vốn là lối thoát của thị trường trở nên trầm lắng.

Theo các chuyên gia, diễn biến phòng chống Covid-19 tích cực là một điểm cộng lớn, nhưng sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú và khách sạn sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới.

Nhận định về thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc Công ty CBRE Hotels Việt Nam đưa ra dự báo, năm 2021, thị trường khách sạn sẽ luôn trong tư thế phòng thủ. Ông Thức cũng cho rằng, hoạt động kinh doanh của thị trường có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Hiện nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư vào cuộc săn đón những tài sản bị áp lực nợ với mức định giá thấp. Tài sản bị định giá thấp chủ yếu tập trung ở những khách sạn thuộc phân khúc bình dân, còn các khách sạn 4 - 5 sao chưa ghi nhận nhiều tài sản rơi vào tình thế này. Nhiều cơ hội cũng mở ra khi những chủ sở hữu các chuỗi khách sạn đang tìm cách thoái vốn tại một số tài sản kém hiệu quả.

Theo Hải Miên (tổng hợp)/Đô Thị Mới