Trong thời công nghệ 4.0 đang phủ khắp mọi ngóc ngách, bắt buộc các lĩnh vực phải chạy đua đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới. Lúc này Sandbox ra đời, cơ chế này cho phép các doanh nghiệp công nghệ thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh liên quan đến công nghệ trong điều kiện quy định pháp lý hiện tại chưa kịp điều chỉnh các loại hình kinh doanh mới chưa có tiền lệ.

Việc ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một sự kiện lớn đối với ngành thông tin truyền thông nói riêng cũng như đất nước nói chung. “Tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế mang tính chất đột phá nhằm khuyến khích nghiên cứu khoa học và cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất lao động và gia tăng giá trị của sản phẩm”.

Đối với lĩnh vực vận tải công nghệ hay thanh toán trung gian như Grab, Sandbox cho phép các công ty công nghệ dễ thở hơn với cơ chế quản lý riêng phù hợp với đặc thù của các công ty đó.

Sandbox phù hợp với các công ty công nghệ mới

Sandbox cho phép chúng ta thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo khi chưa có các quy định chính thức được ban hành, khi chưa rõ quy định cụ thể nào sẽ áp dụng. Việc thử nghiệm nhăm giúp tìm hiểu cần xây dựng quy định gì và áp dụng đối với đối tượng nào để phù hợp với thực tiễn phát triển và hỗ trợ cho sự sáng tạo, đổi mới. Điều này giúp các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, cạnh tranh để dẫn dẳt trong lĩnh vực kinh doanh nghiệp vụ của mình.

Kể từ khi vào Việt Nam (2014), cho đến nay, Grab đã trở thành siêu ứng dụng trên thị trường phục vụ đa lĩnh vực như giao nhận đồ ăn, kết nối di chuyển.

Nửa đầu năm 2019, tổng giá trị giao dịch của nền tảng giao nhận thức ăn GrabFood tăng đến 400% trong nửa đầu năm 2019, với 300.000 đơn hàng trung bình mỗi ngày. Riêng GrabBike, theo Hãng nghiên cứu ABI, tính đến ngày 11/9/2019, Grab đang chiếm 73% thị phần gọi xe tại Việt Nam với 146 triệu chuyến, trung bình đạt hơn 800.000 chuyến xe mỗi ngày.

Đối tác chiến lược của Grab – Moca cũng đang là công ty dẫn đầu thị trường thanh toán điện tử. Nửa đầu 2019, tổng giá trị giao dịch qua ví Moca trên ứng dụng Grab tăng đến 150%.

Những bước đi của Grab là ví dụ điển hình cho thấy, nền kinh tế chia sẻ đang tạo ra mô hình kinh doanh mới mà luật pháp không thể theo kịp.

“Với những mô hình kinh doanh đó, nếu cấm thì có khả năng phí một cơ hội lớn, nếu thả thì có khả năng mất kiểm soát vì dùng công nghệ để tăng trưởng thì sẽ rất nhanh, nhưng khi có tác động tiêu cực thì sẽ vô cùng tai hại”, ông Trần Việt Hùng, Sáng lập GotIt! tại Silicon Valley (Mỹ) nhận định.

Sandbox được gọi là cơ chế mở rộng và tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài như Grab và Moca. Bởi việc không vượt qua được rào cản của các quy định cũ có thể làm hạn chế những ưu điểm mà công nghệ mới do các doanh nghiệp sáng tạo mang lại. Ví dụ điển hình nhất thời gian vừa qua là quy định về gắn mào để quản lý xe taxi công nghệ (khái niệm tạm dùng). Nếu không được điều chỉnh phù hợp thì quy định xe taxi dù công nghệ hay truyền thống đều phải gắn mào sẽ làm mất đi lợi ích mà công nghệ số mang lại đó là cho phép chia sẻ tài nguyên.

Vậy nên, việc Việt Nam cần nhanh chóng có tư duy “phá rào” cho thí điểm cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox) để tạo không gian, thời gian cho những nền tảng công nghệ, mô hình kinh doanh mới chứng minh khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đang được giới start-up công nghệ, cộng đồng fintech, nhà đầu tư ủng hộ.

Theo Mi Trần/Đô Thị Mới