Lời tòa soạn: Ngành du lịch Việt Nam là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước “cơn bão” Covid-19. Hiện, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang bị khủng hoảng và phải chịu thiệt hại vô cùng lớn.
Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nghiệp, chúng tôi khởi đăng tuyến bài liên quan đến tình hình thực tiễn, những chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, giải pháp phục hồi du lịch hậu Covid-19 cũng như những chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ca bệnh 416 ở Đà Nẵng bùng phát, tạo ra hiệu ứng domino khiến rất đông khách du lịch không chỉ hủy tour Đà Nẵng mà còn cả những tour truyền thống đến các tỉnh, thành phố khác trên khắp cả nước do tâm lý lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Những thông tin dồn dập về ca bệnh 416 - sau 99 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng đã khiến người dân cả nước hoang mang, lo lắng, liên tục hủy các tour du lịch trong nước.
Sự quay trở lại của Covid-19 một lần nữa “giáng thêm đòn mạnh” đến ngành du lịch cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Đại dịch Covid-19 khiến 1/3 dân số thế giới đang trong tình trạng phong toả, cách ly. 93% số người dân đang sống tại các quốc gia áp dụng quy định hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội. Tình trạng đó đã và đang tác động tiêu cực tới nhiều ngành công nghiệp, trong đó du lịch bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Theo thống kê trong vòng 3 - 4 năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng ngoạn mục thuộc hàng cao nhất thế giới với mức trung bình trên 20%/năm. Cụ thể, năm 2019 Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao kỷ lục từ trước đến nay là hơn 18 triệu lượt khách và đang đặt ra mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách năm 2020.
Covid-19 ảnh hưởng đến ngành kinh tế toàn cầu, trong đó du lịch – một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 “quét qua” thực sự là một cú sốc với ngành du lịch Việt Nam ngay từ những ngày đầu năm 2020 và kéo dài đến thời điểm hiện tại. Toàn bộ các tour du lịch từ Việt Nam đi Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á lân cận bị hủy; du khách lo sợ không dám đi các tour trong nước khiến các công ty lữ hành, các chủ khách sạn và hàng không đứng trước nguy cơ mất trắng nhiều tỷ đồng, thậm chí là phá sản. Hàng triệu lao động trong ngành du lịch có nguy cơ bị giảm thu nhập, thậm chí bị cắt giảm do thiếu việc.
Du lịch với đặc thù là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác, như: Vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống... vì vậy, tác động của dịch Covid-19 khiến doanh thu tất cả những nhóm ngành này cũng đồng thời sụt giảm. Điều này sẽ dẫn đến những tổn thất kéo dài cho ngành du lịch ngay cả sau khi dịch Covid-19 kết thúc.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2020, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 3.686,8 nghìn lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2.991,6 nghìn lượt người - chiếm 81,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 14,9%; bằng đường bộ đạt 551,1 nghìn lượt người - chiếm 15% và giảm 39,4%; bằng đường biển đạt 144,1 nghìn lượt người - chiếm 3,9% và tăng 92,1%.
Trong 3 tháng đầu năm, khách đến từ châu Á đạt 2.674,4 nghìn lượt người - chiếm 72,5% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt 871,8 nghìn lượt người - giảm 31,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc: 819,1 nghìn lượt người - giảm 26,1%; Nhật Bản: 200,3 nghìn lượt người - giảm 14,1%; Đài Loan: 192,2 nghìn lượt người - giảm 7,2%; Malaysia: 116,2 nghìn lượt người - giảm 19,1%. Bên cạnh đó, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có số khách đến Việt Nam vẫn tăng trong quý I như Thái Lan: 125,7 nghìn lượt người - tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; Cam-pu-chia đạt 120,4 nghìn lượt người - tăng 254,3%; Lào đạt 36,8 nghìn lượt người - tăng 38,5%.
Khách đến từ châu Âu trong quý I ước tính đạt 664,3 nghìn lượt người - giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Vương quốc Anh đạt 81,4 nghìn lượt người - giảm 9,4%; Pháp 74,5 nghìn lượt người - giảm 14,7%; Đức 61,5 nghìn lượt người - giảm 14,9%; riêng khách đến từ Liên bang Nga tăng 13,6% với 245 nghìn lượt người. Khách đến từ châu Mỹ ước tính đạt 234 nghìn lượt người - giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ, đạt 172,7 nghìn lượt người - giảm 21,4%. Khách đến từ châu Úc đạt 102,2 nghìn lượt người - giảm 14,4%, trong đó khách đến từ Australia đạt 92,2 nghìn lượt người - giảm 15%. Khách đến từ châu Phi đạt 11,9 nghìn lượt người - tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Do diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của dịch Covid-19 không chỉ tác động trực tiếp lên số lượng khách đi du lịch mà còn tác động đến các cơ sở lưu trú. Công suất hoạt động các cơ sở lưu trú giai đoạn này chỉ đạt 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu thống kê, số lượng khách hủy phòng tại các cơ sở lưu trú tại Hà Nội là hơn 80.613 lượt, số ngày bị hủy phòng khoảng 57.652 ngày.
Các khách sạn trên khắp các tỉnh, thành cả nước lần lượt tuyên bố đóng cửa. Chính điều này khiến nhân lực ngành du lịch bị mất việc làm, các công ty, khách sạn, nhà hàng lần lượt phải cắt giảm biên chế đến 60%. Đối với các công ty đa quốc gia thậm chí còn giảm 4/5 số lượng nhân viên. Ít nhất cho đến hết tháng 6/2020, hơn 80% nhân sự không có việc làm. Nếu tình hình khó khăn hơn thì tình trạng thất nghiệp chắc chắc cũng kéo dài hơn.
Hàng loạt các công ty lữ hành tại phố cổ đều trong tình trạng "cửa đóng then cài"
Theo số liệu của ngành du lịch, cả nước có khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch (chiếm 2,5% tổng số lao động). Ước tính ban đầu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách lưu trú tại các khách sạn giảm 60%; ngành du lịch thiệt hại khoảng 7 tỷ USD.
Thống kê sơ bộ từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy, trong 2 tháng qua, đã có trên 9.000 lao động Việt Nam bị ảnh hưởng, mất việc làm vì doanh nghiệp thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có trên 1.000 lao động (13%) thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch. Có thể nói, thiệt hại đối với ngành du lịch Việt Nam đang hiển hiện.
Tại thời điểm này, việc khách hủy tour rất nhiều đang tác động trực tiếp đến người lao động và chi phí của các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần tính toán hợp lý để giãn ngày nghỉ bù, nghỉ phép của lao động.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2020 ước tính đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,3%). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn không hoạt động, dẫn đến sụt giảm doanh thu ở các địa phương, trong đó Khánh Hòa giảm 38,2%; TP HCM giảm 30,3%; Đà Nẵng giảm 23,7%; Thanh Hóa giảm 20,4%; Hà Nội giảm 20,2%; Cần Thơ giảm 17%; Lâm Đồng giảm 16,8%; Quảng Bình giảm 14,5%; Quảng Ninh giảm 12,4%; Hải Phòng giảm 8,9%.
Doanh thu du lịch lữ hành quý I ước tính đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,2%). Lý do là bởi nhiều địa điểm tham quan du lịch phải ngừng hoạt động, một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour du lịch do lo ngại dịch bệnh. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành quý I giảm so với cùng kỳ năm trước như: Thanh Hóa giảm 49,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 48,3%; Quảng Ninh giảm 47,1%; Khánh Hòa giảm 43,9%; TP HCM giảm 39,9%; Bình Định giảm 24,4%; Đà Nẵng giảm 19,5%; Hà Nội giảm 18,7%; Hải Phòng giảm 14,9%.
Về phía khách sạn, kết thúc quý I/2020, thị trường khách sạn 4-5 sao ở Hà Nội có tổng cộng 7.882 phòng với 35 dự án. Giá phòng bình quân đạt 115,2USD, giảm 6,6% so với quý I/2019. Công suất phòng bình quân đạt 51,2%, giảm 28,9 điểm phần trăm (đpt) so với cùng kỳ 2019. Hầu hết các khách sạn trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong đại dịch.
Khi Việt Nam “thắng” được cuộc chiến Covid-19 đầu tiên, ngành du lịch, khách sạn vừa bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc khi lượng người dân du lịch nội địa tăng nhẹ thì “cơn bão” Covid-19 lại bất ngờ quay trở lại, đặt ngành du lịch vào tình thế “không thể căng thẳng hơn”.
Dịch Covid-19 gây ra đã làm thiệt hại và dự báo một tương lai ảm đạm cho du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo ghi nhận thực tế của PV, khu vực phố cổ - điểm đến du lịch ưa thích nay đang rơi vào tình cảnh đìu hiu ế khách. Các công ty lữ hành, khách sạn phố cổ rơi vào cảnh ế ẩm, thậm chí, nhiều cơ sở đã đóng cửa gần nửa năm.
Quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), trên khu đất “kim cương” của Thủ đô, nhiều khách sạn phố cổ vẫn đóng cửa từ khi có Covid-19 và chưa thấy dấu hiệu hoạt động trở lại. Sau cánh cửa kính phủ bụi, khó có thể nhận ra những khách sạn 2 - 3 sao từng tấp nập du khách nước ngoài. Có khách sạn ở sảnh đón khách bàn ghế chất đống, lộn xộn đồ đạc còn sót lại. Một số địa điểm đã gỡ biển hiệu, chờ sang nhượng, trả mặt bằng.
Vừa bước đầu phục hồi, làn sóng Covid-19 lần thứ 2 đã "giáng thêm một đòn mạnh" vào ngành du lịch nói chung và hệ thống các khách sạn trên phố cổ nói riêng.
Theo khảo sát của Savills Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã khiến gần 50% số lượng khách thuê trả lại mặt bằng tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ. Báo cáo thị trường bất động sản của Savills nhận định, dịch bệnh Covid-19 "tàn phá" mạnh thị trường bán lẻ. Dễ nhận thấy là sự đóng cửa của hàng loạt khách sạn, các công ty du lịch…
Đại diện một công ty lữ hành có tiếng tại Hà Nội cho biết, trong ngày 26/7, phía Công ty có 63 đoàn tour ở Đà Nẵng và đều đã được thu xếp để về sớm nhất có thể. Hiện Công ty đã buộc phải tạm dừng toàn bộ tour có điểm đến là Đà Nẵng trong 15 ngày. Được biết, số lượng khách phải hủy tour Đà Nẵng của công ty từ ngày 26 - 31/7 là 110 đoàn với khoảng 4.500 khách: “Sự ảnh hưởng của Covid-19 lần này còn nghiêm trọng hơn đợt trước bởi phía doanh nghiệp “trở tay không kịp”” – phía công ty lữ hành chia sẻ.
Dọc các phố Hàng Bồ, Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bè… hàng loạt khách sạn 2 - 3 sao “rủ nhau cửa đóng then cài”, các công ty chuyên về lữ hành, đặt tour cũng trong tình trạng tương tự do không có khách. Người dân sống gần đây cho biết, có khách sạn đã dừng hoạt động từ khoảng tháng 3/2020, có khách sạn cố duy trì, mới bắt đầu “lác đác” có khách thì “nỗi ám ảnh” Covid-19 quay trở lại khiến mọi sự gắng gượng quay trở về con số 0.
Khách sạn phố cổ ế ẩm, nhiều nơi còn rao bán... cả mặt bằng
Ghi nhận trong khung giờ nhận/trả phòng phổ biến, (từ 10h - 14h), lác đác một vài khách sạn có người ra vào. Quanh phố Tây, các khách sạn khu vực Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây… đặc biệt vắng vẻ. Trên các trang đặt phòng trực tuyến, chỉ với 200 – 300 nghìn đồng/đêm kèm bữa sáng, có tới hàng chục lựa chọn cho khách hàng. Trong đó, nhiều khách sạn trước kia được rao giá hơn 1 triệu đồng/ đêm. Thế nhưng, lượng khách vẫn không cải thiện.
Khung cảnh đìu hiu chưa từng có ở phố cổ
Thật khó để tưởng tượng ngành du lịch sẽ hồi phục như thế nào sau khi đại dịch này kết thúc.
Theo bà Lê Thị Kim Dung – chủ một khách sạn cho biết: “Trong Quý I và Quý II năm 2020, doanh thu của khách sạn chúng tôi sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt trong giai đoạn cách ly toàn xã hội từ 01/04 đến 22/04, toàn bộ các dịch vụ không cần thiết đều bị cấm hoàn toàn. Từ lúc chính phủ tuyên bố đóng cửa biên giới với người nước ngoài, khách sạn hầu như không có khách. Đặc biệt trong tháng 4 toàn bộ khách đặt phòng đều huỷ hết. Doanh thu chỉ đạt 30% so với dự tính (bởi vẫn có một số khách ở dài hạn hoặc bị kẹt lại). Tổng thiệt hại lên tới vài trăm triệu đồng mỗi tháng.
Sau đó, khi tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam có dấu hiệu tích cực hơn (tôi nhớ là hơn 100 ngày không công bố ca nhiễm nào trong cộng đồng) thì vận hành khách sạn có chiều hướng tích cực hơn. Chủ yếu khách nội địa đặt phòng, doanh thu có phục hổi nhưng mức tăng chậm. Ước tính doanh thu trong quý III vẫn hụt khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách sạn Bảo Hưng vắng khách mùa dịch
Thế nhưng, khi dịch Covid-19 lại có dấu hiệu bùng phát, tôi nhận thấy xu hướng huỷ phòng bắt đầu tăng lên. Tôi cho rằng tâm lý người dân sẽ e ngại hơn ở giai đoạn hiện nay khi các kế hoạch đặt phòng từ trước có thể bị gián đoạn hoặc huỷ bởi những diễn biến tiếp theo của đại dịch”.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội đầu tiên vào tháng 4/2020, các khách sạn đã cố gắng không cắt giảm nhân viên mà chỉ giảm giờ làm bởi vì họ cũng gặp khó khăn nếu bị mất việc. Nếu nếu tình trạng này lặp lại một lần nữa, sẽ rất khó để tìm ra biện pháp hiệu quả nhất để cải thiện.
“Chúng tôi có làm đề nghị xin ngân hàng cho vay giảm lãi suất khoản nợ đầu tư căn cứ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 13/3/2020. Tuy nhiên, thủ tục làm việc với mỗi ngân hàng một khác bởi chưa có hướng dẫn cụ thể hơn cách thức thi hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiệt hại bởi Covid-19.
Trước mắt, chúng tôi vẫn sẽ làm theo các khuyến cáo của Chính phủ về ứng phó dịch bệnh, khai báo y tế, tránh việc hình thành ổ dịch trong khách sạn. Còn về thiệt hại, hiện chủ yếu vẫn chủ doanh nghiệp gánh chịu toàn bộ thiệt hại. Mặc dù báo đài, truyền thông phản ánh nhiều về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19 tuy nhiên tôi cho rằng bản thân doanh nghiệp vẫn phải phát huy tinh thần “tự cứu trước khi được cứu”” – Bà Dung bày tỏ.
Theo kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, như dịch SARS năm 2003, những tác động của dịch bệnh lên ngành du lịch là điều dễ thấy với sự sụt giảm mạnh lượng khách. Về lâu dài còn ảnh hưởng và phụ thuộc vào thời gian dịch lần này kéo dài hay không. Sau dịch bệnh, để hồi phục ngành du lịch cũng cần có thời gian nhất định.
Trong khi đó, chính các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động đưa ra các giải pháp hợp lý, tránh rơi vào tình trạng mất kiểm soát như cắt giảm giá phòng không theo kế hoạch hoặc giảm giá vé máy bay, vì điều này sẽ không mang lại thêm lợi nhuận khi mọi người chưa được phép đi du lịch hoặc bản thân khách du lịch cũng chưa cảm thấy yên tâm vì lo sợ dịch bệnh.
Về phía doanh nghiệp, đề xuất giải pháp hỗ trợ, bà Dung chia sẻ thêm: “Đây là giai đoạn khó khăn của chung toàn xã hội, phía doanh nghiệp đều mong muốn nhận được sự quan tâm hơn của các Bộ, Ban, Ngành. Đầu tiên, về áp lực tài chính, chúng tôi mong muốn sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hơn của các cơ quan chức năng về việc thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất, cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn để khắc phục khó khăn; triển khai các chương trình kích cầu du lịch sau dịch bệnh để có thể phối hợp nhanh chóng và triển khai các chương trình ưu đãi kịp thời”.
Theo Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, trong thời gian dịch đang diễn ra, việc cần làm để xây dựng được hình ảnh của ngành du lịch là bảo vệ được du khách khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh và giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, người tham gia làm du lịch. “Đối với các doanh nghiệp đang có khách phải tập trung vào phòng chống dịch và đảm bảo an toàn cho nhân viên tại doanh nghiệp đó; đồng thời triển khai giải pháp ứng phó với dịch bệnh phù hợp với hoàn cảnh của từng doanh nghiệp.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần xem xét những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khi dịch bệnh đi qua, như chính sách đối với các nhà đầu tư hạ tầng du lịch, các khoản vay, thuế..., thậm chí đối với các ngành liên quan như miễn giảm phí visa cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam trong thời hạn nào đó cũng như tăng thêm gói xúc tiến cho du lịch Việt nhằm giúp ngành du lịch và các doanh nghiệp phục hồi khi dịch đi qua”.
“Giải pháp để tháo gỡ khó khăn lúc này là đẩy mạnh du lịch nội địa, chú trọng khai thác các thị trường du lịch không nằm trong vùng dịch. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần có kế hoạch giữ gìn lực lượng thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, dành thời gian này để chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới công tác quản lý và kinh doanh trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0. Các doanh nghiệp nên tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, mở lớp đào tạo cho cán bộ, nhân viên... để nâng cao chất lượng phục vụ, sẵn sàng cho mùa du lịch sau khi hết dịch’’ - ông Thắng chia sẻ.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Du lịch thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch, các khu, điểm du lịch thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hủy hoặc chuyển đổi đặt phòng vào thời gian phù hợp, hỗ trợ khách hủy hoặc chuyển đổi đặt dịch vụ vào thời gian phù hợp.
Ngoài ra, để tạo nên sự hấp dẫn du lịch nội địa, cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
Các công ty du lịch cũng cần nghiên cứu thay đổi định hướng thị trường khủng hoảng với tâm điểm từ thị trường Trung Quốc đã cho thấy hầu như của việc quá dựa vào 1 đến 2 thị trường lớn của du lịch Việt Nam (Trung Quốc chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm quá nửa tổng số khách quốc tế đến Việt Nam). Khi dịch bệnh qua đi thì thị trường Trung Quốc sẽ cần thêm thời gian để hồi phục. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần nghiên cứu thu hút những thị trường mục tiêu tiềm năng khác.
Theo lãnh đạo một Công ty truyền thông Du lịch, kích cầu nội địa là một chủ trương đúng và cần thiết để khởi động lại thị trường và giúp du lịch phục hồi lại. Đây cũng là giải pháp để Việt Nam đón cơ hội khi dịch COVID-19 hoàn toàn được kiểm soát và du lịch quốc tế phục hồi, trỗi dậy. Tuy nhiên, việc khuyến mại giảm giá phải đi đôi với đảm bảo chất lượng chứ không phải giảm giá, làm giảm chất lượng.
Trước đó, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới ra thông cáo kêu gọi Chính phủ các nước hành động ngay để hỗ trợ ngành Du lịch. Trong đó, đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm bảo vệ hàng triệu người mà sinh kế dựa vào ngành Du lịch trong thời gian này gồm: Trợ cấp tài chính nhằm đảm bảo thu nhập cho những lao động trong các ngành nghề đang thiệt hại nghiêm trọng nhất; cung cấp những gói vay miễn lãi và dài hạn cho những doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tránh phá sản; áp dụng chính sách miễn các loại thuế, phí và những yêu cầu tài chính khác cho ngành Du lịch, ít nhất trong 12 tháng sắp tới.
Từ những khó khăn này, Việt Nam cũng có thể coi là cơ hội để nhìn lại chính mình và chuẩn bị cho tương lai trong việc giới thiệu nhiều sản phẩm mới và đa dạng hơn, xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh trực tiếp và sâu rộng ra thế giới để khẳng định, Việt Nam là một trong những nước tiềm năng, giàu bản sắc của khu vực châu Á.
Các Công ty du lịch cần phải đồng lòng liên kết với hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng... để xây dựng những gói kích cầu du lịch nhằm giúp cho du lịch hồi phục nhanh sau giai đoạn khủng hoảng. Các doanh nghiệp có thể tổ chức mời các đối tác, khách hàng lớn tham dự các chuyến FAM trip để giới thiệu các sản phẩm.
Khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh chấm dứt, khách sẽ quay trở lại, đây cũng là lúc doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông tiếp thị và bán hàng. “Việt Nam điểm đến an toàn”, các gói du lịch khuyến mại kích cầu có thể tung ra để kích thích khách sớm đăng kí đi tour.
Ở khía cạnh Nhà nước, các cơ quan quản lý có thể đóng vai trò nhạc trưởng để gắn kết các thành phần du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, khu vui chơi giải trí… cùng giảm giá để có để có các sản phẩm tour trọn gói kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên miễn lệ phí visa cho những thị trường trọng điểm, tiềm năng và có mức chi trả cao để thu hút khách từ những thị trường này.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Tổng cục Du lịch cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất các chính sách hỗ trợ đồng bộ, cấp bách, thiết thực cho doanh nghiệp. Trong đó có các ưu đãi về thuế, phí, lãi suất vay, giá điện, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, chính sách về thị thực nhằm thu hút khách du lịch quốc tế cũng như các chính sách truyền thông, xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch sau khi chấm dứt dịch bệnh.
Khi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn bị tổn thương, không chỉ dịch bệnh mà các cuộc khủng hoảng khác liên quan đến khủng bố, xung đột chính trị, suy thoái kinh tế, thiên tai… đều sẽ ảnh hưởng lớn. Nếu như doanh nghiệp du lịch không đồng hành và ứng phó ngay từ trong cuộc khủng hoảng thì sẽ hạn chế khả năng phục hồi và đón sóng tương lai của chính doanh nghiệp mình.