Giá thép tăng theo ngày: Ngành thép hưởng lợi, doanh nghiệp sử dụng đối mặt nguy cơ phá sản

Thời gian gần đây, giá nhiều vật liệu xây dựng đang có xu hướng tăng cao, trong đó giá thép tăng đột biến. Đặc biệt trong tháng 4, giá thép tăng nhiều lần, lần sau tăng càng "dựng đứng" hơn so với lần trước. Trong vòng 3 ngày từ 14/4/2021 đến 17/4/2021, mỗi tấn thép sản xuất trong nước tăng hơn 700.000 đồng. Nếu so với đầu tháng 3, mỗi tấn thép trong nước hiện đã đắt thêm gần 2 triệu đồng và tăng khoảng 4 triệu so với cùng thời điểm năm ngoái. Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 27/4/2021, hàng loạt thương hiệu thép tại thị trường miền Bắc lại đồng loạt tăng giá sản phẩm, đồng thời thiết lập mức giá mới, cao nhất trong vòng 1 tháng.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá nguyên vật liệu và giá bán thép tiếp tục tăng trong tháng 4 và đến đầu tháng 5. Cụ thể, giá quặng sắt thế giới ngày 7/5 giao dịch ở mức 210 - 212 USD/tấn, tăng khoảng 40 USD/tấn so với đầu tháng 4; thép phế liệu ngày 4/5 nhập khẩu cảng Đông Á khoảng 103,75 USD/tấn, tăng 24 USD/tấn so với đầu tháng 4 và giá chào bán vẫn có xu hướng tiếp tục tăng nhẹ; thép cuộn cán nóng ngày 4/5 ở mức 925 USD/tấn, tăng mạnh khoảng 130 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 4. Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép...) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất. Giá nguyên liệu thép tăng đẩy giá bán thép trong nước tăng vọt lên trên 17,5 - 17,9 triệu đồng/tấn, tăng từ 40 - 45% so với cuối năm 2020. 

Trong thống kê mới nhất của Hiệp hội Thép,  giá bán thép xây dựng tại các nhà máy (chưa tính thuế VAT, trừ chiết khấu) tháng 5/2021 bình quân khoảng 16,3 - 16,5 triệu đồng/tấn tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể, tăng khoảng 1,2 triệu đồng/tấn so với tháng 4. Dự báo nhu cầu đến hết tháng 5 vẫn tốt, song thị trường sẽ có sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Giá bán sẽ có khả năng điều chỉnh để bù đắp đà tăng trong giá nguyên liệu đầu vào. 

Còn theo số liệu của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), bình quân giá thép trong quý I/2021 đã tăng đồng loạt 30 - 40%, tùy loại. Đơn cử, giá thép 6 Việt Mỹ trong quý III/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay, tại Đà Nẵng được bán với giá 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Chi phí mua thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng 1 căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng 1 căn nhà liền kề. Như vậy, việc giá thép tăng đến 40% đã tác động không nhỏ lên giá bán nhà.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, các dự báo trước đó nói giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý II/2021, nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo điều chỉnh giá thép có thể tăng hết quý III/2021. Xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm nay sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008.

Giá thép tiếp tục leo thang khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng thép để sản xuất hay các nhà thầu xây dựng gặp khó khăn. Trong khi đó các đại lý bán hàng cũng rơi vào cảnh "bán cầm chừng để chờ nghe ngóng giá". Họ không dám xuất kho lượng lớn vì có thể vừa xuất hàng là lại có thông báo tăng từ nhà máy. Nhưng, tình trạng giá thép tăng cũng thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất thép. Trong 4 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã nâng công suất lên tới 40% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo VSA, 4 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đã sản xuất khoảng 10,5 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng thép xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất, tăng 11,4% lên 3,7 triệu tấn.  Thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất lên tới 111%, sản lượng đạt gần 2,3 triệu tấn. Thép cán nguội và tôn mạ ghi nhận lần lượt gần 1,8 triệu tấn và 1,9 triệu tấn, đều tăng trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng ống thép đạt gần 820.000 tấn, tăng 30%. Trong 4 tháng đầu năm 2021, lượng thép tiêu thụ đạt gần 9,5 triệu tấn, tăng 40% so với 4 tháng đầu năm 2020. 

Liên quan đến việc giá mặt hàng thép xây dựng trong nước tăng mạnh lên đến 45%, Bộ Công Thương chỉ ra nguyên nhân chính khiến giá thép tăng cao thực chất là do giá nguyên liệu đầu vào cao. Hiện nay nguyên liệu đầu vào của ngành thép chiếm đến 90% là nhập khẩu, nhiều nhất là quặng sắt, ngoài ra còn có thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... Tổng công suất của các nhà máy trong nước khoảng 14 triệu tấn, trong đó, thép sản xuất từ quặng chiếm 60% nhưng cơ bản đều phải nhập. Cùng kỳ năm ngoái, giá quặng là 90 USD/tấn, nhưng hiện nay giá quặng đã lên 193 - 195 USD/tấn, tăng bình quân hơn gấp đôi. Khoảng 40% còn lại là thép phế liệu, cùng kỳ năm 2020 có giá 180 - 200 USD/tấn nhưng hiện nay lên 450 USD/tấn, gần như tăng gấp đôi. 

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…

Trong khi đó, dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc... vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. Cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021 (trong năm 2020 thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD).

Cục Công nghiệp cho biết, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân như khác khiến giá thép tăng nóng như việc Trung Quốc áp thuế, logistics khó khăn cũng làm giá thép Việt Nam tăng lên.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACE) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ khẩn thiết kiến nghị cơ quan này có giải pháp tháo gỡ trước tình trạng giá thép xây dựng tăng đột biến. Nội dung trong công văn này của VACE đặt ra nghi vấn liệu có sự “bắt tay” của các công ty thép nhằm tăng giá thép lên cao. Về nghi vấn này, Bộ Công Thương khẳng định không có cơ sở. Theo Bộ Công Thương giá thép tăng cao nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Bộ Công Thương khẳng định, năng lực nguồn cung thép trong nước đến thời điểm hiện tại là thừa, nhưng cân đối cung ứng lại là chuyện khác vì dịch COVID-19 khiến các nhà máy đóng cửa trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu.

Cụ thể, theo khẳng định của Bộ Công thương, về nguồn cung thép xây dựng, với việc một số dự án thép đã đi vào hoạt động như Dự án Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát, Dự án Nhà máy luyện thép Nghi Sơn năm 2020 vừa qua nên năng lực sản xuất của thép xây dựng (khoảng 14 triệu tấn) bảo đảm 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Về thép cuộn cán nóng (HRC), hiện tại công suất trong nước đạt khoảng từ 5-6 triệu tấn. Tuy nhiên, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn, trong đó, nhập khẩu 10 triệu tấn, xuất khẩu 0,7 triệu tấn. Do vậy, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.

Trước nghi vấn về tình trạng đầu cơ, "găm hàng" nhằm tăng giá thép, ông Phạm Chí Cường - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sẽ không có một doanh nghiệp, đơn vị nào dám đầu cơ, tích trữ bởi vấn đề này sẽ bị xử phạt rất nặng. Trong khi đó, thực tế, một số các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất họ chủ động được nguồn nguyên vật liệu đầu vào từ trước thời điểm giá thép tăng nên “thuyền lên, nước lên”, không thể gọi là đầu cơ, tích trữ được.

Bày tỏ quan điểm về khả năng "can thiệp" vào giá thép, đại diện Cục Công nghiệp khẳng định: "Thép không phải là hàng hoá điều chỉnh giá, tuy nhiên Bộ Công Thương sẽ có các giải pháp như chống buôn lậu, xây dựng hàng rào kỹ thuật, tăng cường công tác quản lý thị trường". 

Các chuyên gia ngành thép dự báo nhu cầu thép năm 2021 sẽ tăng từ 3 - 5% so với năm 2020. Động lực tăng đến từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như: Cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành; và đặc biệt việc thị trường bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ "nóng" trở lại trong năm nay.

Hơn nữa, một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực... được thực thi, kỳ vọng có thêm thị trường xuất khẩu mới. Nhu cầu tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm sẽ càng đẩy giá thép tăng cao thời gian tới.

Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam cho biết: "Chu kỳ tăng giá thép sẽ còn tiếp diễn đến nửa cuối năm 2021 nhờ vào những diễn biến đang diễn ra tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và EU. Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến triển vọng ngành thép toàn cầu nhờ giá bán tăng cao sẽ cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp". 

Theo đó, ngành thép Việt Nam được hưởng lợi từ giá bán tăng, nhất là thép cuộn cán nóng, và nhu cầu từ thị trường xuất khẩu lớn khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng.

Ngược lại, về phía các doanh nghiệp sử dụng thép, việc giá thép tăng 40 - 50% từ đầu năm đến nay khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng loại vật liệu này "đứng ngồi không yên". Không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả thương hiệu thép cũng đồng loạt tăng giá từ 30 - 40% so với giá cuối quý IV/2020. Theo khảo sát, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thép trong nước như Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Thép miền Nam, Việt Đức, Tungho hay Kyoei... đều tăng giá bán thép các loại từ tháng 3 và dồn dập báo giá tăng theo ngày từ đầu tháng 4 đến nay. Thực tế này đang khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản. Rất dễ để nhìn thấy, ở một dự án xây dựng dân dụng, tỷ lệ thép chiếm khoảng 10 - 30% tổng giá trị dự án. Vì vậy khi giá loại vật liệu này tăng cao, ngay lập tức sẽ tác động đến các nhà thầu. Ngoài khả năng thua lỗ ở các hợp đồng đã ký, với những hợp đồng mới, khả năng nhận thầu cũng "hẹp cửa" hơn. 

"Hiện các nhà thầu cạnh tranh rất quyết liệt bằng giá chào thầu, nên hiệu quả kỳ vọng thường rất thấp, chỉ đủ chi phí để duy trì sản xuất, lấy dòng tiền nuôi bộ máy. Mỗi đợt tăng giá thép như vậy nhà thầu lại càng thua lỗ và khó khăn thêm", Báo VnExpress dẫn lời Phó giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng nền móng Long Giang. 

Bảng giá thép thời điểm đầu tháng 5/2021
Bảng giá thép thời điểm đầu tháng 5/2021

Với ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ, sắt thép là nguyên vật liệu chính. Giá mặt hàng này tăng gần 50% từ đầu năm khiến các doanh nghiệp lĩnh vực này tự thừa nhận “cầm chắc lỗ". Nguyên nhân được đưa ra, với các hợp đồng đã ký công ty không thể tăng giá thành sản phẩm, còn với các đơn hàng tương lai, chắc chắn giá sẽ tăng 20 - 30%.

Lo ngại giá thép sẽ tăng tiếp, nhiều doanh nghiệp đã phải ứng số tiền lớn để mua thép, trữ sẵn trong kho nhưng không phải cứ muốn mua là có sẵn hàng. Theo đó, doanh nghiệp muốn lấy hàng phải báo trước vài ngày hoặc cả tuần vì hiện thép khá khan hiếm, thậm chí doanh nghiệp thanh toán trước đơn hàng mà vẫn không chắc chắn có.

"Chúng tôi đã nỗ lực bình ổn giá thị trường, song giá phôi, nguyên liệu tăng liên tục buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán các chủng loại hàng thép", đại diện Thép Việt Đức chia sẻ trong thông báo gửi tới khách hàng.

Theo chia sẻ của một chủ doanh nghiệp kinh doanh thép, bảng giá thép liên tục thay đổi, nên các đại lý báo giá với khách hàng theo ngày thay vì theo tuần như trước và không quên nhắn nhủ "báo giá chỉ có tính chất tham khảo tại thời điểm được lập, giá có thể thay đổi".

Khó khăn vì Covid-19 khiến đơn hàng "trồi sụt", không nhiều dự án xây dựng khởi công, song vì mức độ biến động quá lớn của thép - loại vật liệu chính của sản xuất, xây dựng, các nhà thầu xây dựng, doanh nghiệp phụ trợ cho biết có lúc họ phải từ chối không dám nhận dự án, đơn hàng.

Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng, cụ thể là giá thép tăng cao cũng ảnh hưởng đến giá bán nhà ở, căn hộ khi các chủ đầu tư bất động sản cũng buộc phải điều chỉnh giá. Theo đó, từ đầu năm tới nay, giá trị bất động sản nhà ở, căn hộ tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM tăng không ngừng, bình quân đạt 10 - 20%, tùy nơi.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát từng cho biết, giá nhà ở, chung cư tăng mạnh trong thời gian tới, do tác động của giá vật liệu leo thang là điều hiển nhiên. Việc giá vật liệu tăng đột biến cũng khiến doanh nghiệp phải xem xét việc điều chỉnh giá nhà và phải giải trình cho khách hàng hiểu. Tùy từng kết cấu công trình, giá nhà có thể tăng quanh mức 20%.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, giá thép chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành xây dựng. Cho nên khi giá thép tăng các nhà thầu đều vấp phải khó khăn, do các chủ đầu tư vốn tư nhân đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định, không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Còn đối với chủ đầu tư vốn nhà nước lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng, trong khi các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.

Giá thép lập đỉnh trong năm 2021?
Giá thép lập đỉnh trong năm 2021

Theo ông Hiệp, nếu chủ đầu tư không có cách giải quyết thì sẽ khiến cả công trình xây dựng tê liệt. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng tăng sẽ đẩy giá tất cả các chi phí đều tăng, điều này buộc các chủ đầu tư cũng phải tăng giá thành bất động sản.

Đánh giá về những tác động của việc giá thép tăng “phi mã” trong thời gian vừa qua, ông Phạm Chí Cường - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Đúc, luyện kim Việt Nam cho biết: “Giá thép tăng ảnh hưởng đến kinh tế thị trường là rất rõ bởi nó là một trong những mắt xích quan trọng trong quá trình xây dựng cũng như trong những ngành kinh tế khác. Đối với thị trường thép nói riêng, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thế giới, đặc biệt là xuất khẩu thép sang Trung Quốc thì việc giá thép tăng lại trở thành cơ hội cho các nhà sản xuất thép trong nước. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất có lãi thì thị trường thép sẽ được “hưởng lợi” theo. Thêm nữa, giá thép tăng sẽ tạo thành một phản ứng dây chuyền. Nguyên liệu đầu vào tăng, giá thép tăng thì doanh nghiệp muốn tái sản xuất bắt buộc phải tăng giá bán để mua được lại nguyên liệu sản xuất. Nếu giữ ở mức giá cố định thì bán 1 tấn thép không mua đc 1 tấn nguyên liệu”.

Đối với những doanh nghiệp xây dựng không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như giá bán, vị chuyên gia cho rằng, đây là một trong những rủi ro kinh doanh mà các doanh nghiệp phải xác định và chấp nhận bởi “lời ăn, lỗ chịu”, Nhà nước sẽ không thể bù cho các công trình, dự án xây dựng bị ảnh hưởng do giá thép tăng.

Trong phiên họp về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và bình ổn giá mặt hàng này. 

Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát thận trọng. Cần tập trung vào thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về giá thép tăng đột biến trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, với mức tăng cao nhất đến 45%, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép trong nước; hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Trước đó, Bộ Công thương cho biết đã chủ động dự báo tình hình cung - cầu sản phẩm thép và biến động giá cả các phẩm thép trên thế giới và tại Việt Nam, đề ra giải pháp nhằm đảm bảo cân đối nhu cầu thép, ổn định giá thép.

Cụ thể, về giải pháp dài hạn ổn định cung - cầu, đối với thép xây dựng, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, do giá thành sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (quặng, thép phế liệu, điện cực..) nên sẽ chịu ảnh hưởng của giá thế giới.

Đối với thép cuộn cán nóng, Bộ Công Thương dự báo, thép cuộn cán nóng sẽ vẫn mất cân đối cung - cầu (sẽ càng tăng mạnh) trong thời gian tới do nhu cầu thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng.

Do đó, để tăng nguồn cung các loại thép phục vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ có những chính sách thuế, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư sản xuất mở rộng sản xuất hoặc thu hút các nhà đầu tư mới có tiềm năng phát triển các dự án sản xuất thép cán nóng. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng phôi thép cuộn cán nóng và thép xây dựng khi nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.

Đồng thời, chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp quy định, theo dõi kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước. Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Bộ Công thương cũng có văn bản 2612/BCT-CN gửi Hiệp hội thép Việt Nam và một số doanh nghiệp ngành thép về việc thúc đẩy sản xuất thép thành phẩm cung ứng ra thị trường. Cụ thể, để đảm bảo việc đáp ứng nhu cầu sản phẩm thép trong nước, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khẩn trương rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu. Bên cạnh đó, cần thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh.

Về phía Bộ Xây dựng, để có giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến động giá vật liệu xây dựng và ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ đã đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng. Kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Chính phủ yêu cầu nhanh chóng có biện pháp chặn đà tăng
Chính phủ yêu cầu nhanh chóng có biện pháp chặn đà tăng giá thép

Đặc biệt, các bộ có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, địa phương cần chỉ đạo đơn vị liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, đây là những công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP (đối tác công tư) thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các vấn đề phát sinh liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng. 

Đồng thời, cần có đánh giá về số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng có phân định theo từng hình thức giá hợp đồng và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, hợp đồng xây dựng. Cần dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án. Việc đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là những hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói cần được thực hiện sớm.

Bộ Xây dựng đề nghị Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam tổng hợp, cung cấp thông tin và kiến nghị của các nhà thầu xây dựng thuộc nhóm các danh mục dự án nêu trên và tiếp tục đề xuất giải pháp tháo gỡ...

Hiệp hội thép Việt Nam cũng đã kiến nghị đối với các doanh nghiệp nhằm ứng phó với diễn biến khó khăn hiện nay đó là cần đẩy mạnh sản xuất, phát huy tối đa công suất để cung ứng cho thị trường, cắt giảm chi phí, phối hợp trong chuỗi cung ứng để giảm giá thành, ổn định thị trường trong thời gian tới.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/gia-thep-tang-theo-ngay-dn-dung-truoc-nguy-co-pha-san-20201231000002086.html