Theo truyền thống, Trung thu là ngày tết đoàn viên được tổ chức vào ngày 15/8 Âm lịch hàng năm. Trong khoảng thời gian trước ngày Rằm Trung thu đến, khắp nơi không khí đã nhộn nhịp từ miền quê cho đến các con phố.
Qua mỗi thời gian, qua từng thời kỳ thì Trung thu lại có những đổi thay gắn liền với sự thay đổi của cuộc sống. Những thay đổi ấy bao trùm từ cách mua sắm cho đến không khí Trung thu. Tất cả hòa quyện và cấu thành những mùa Trung thu hiện đại.
Trước đây không nhiều người bán bánh Trung thu. Bánh Trung thu hầu như chỉ do các doanh nghiệp Nhà nước sản xuất. Loại bánh này được bán ở phố hàng Đường còn bánh của Hoa Kiều được bán ở Hàng Buồm. Cách bán cũng vô cùng đặc biệt, những người thợ đóng bánh dẻo gõ khuôn bánh trên mặt bàn thành những âm thanh rộn ràng đặc trưng trên đường phố. Bởi vậy, cứ thấy bán bánh Trung thu là thấy hội. Trẻ con vui đùa ầm ĩ quanh cửa hàng bánh, ánh mắt háo hức khi được cha mẹ mua cho một cái cầm trên tay khoe khắp cả xóm làng.
Bánh Trung thu ngày trước chỉ được bán tại một số điểm nhất định. Nguồn ảnh: Lịch sử Việt Nam qua ảnh.
Đến thời điểm hiện tại, ai cũng có thể làm ra những chiếc bánh trăng rằm này. Các công ty bánh kẹo, công ty bánh ngọt, cơ sở sản xuất gia truyền tấp nập triển khai... thậm chí đến khách sạn cũng sản xuất bánh trung thu. Hay các chị em nội trợ, bán hàng online cũng bắt tay vào sản xuất bánh. Chính vì ai cũng có thể làm bánh Trung thu cho nên thị trường bắt đầu xuất hiện sự tranh đoạt thị phần.
Thị trường bánh Trung thu hiện nay được phân cấp rõ ràng về giá, loại cao cấp, loại trung bình và loại vô cùng rẻ.
Bánh Trung thu siêu rẻ được bán với giá chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng với đủ các loại nhân như trà sữa, trứng chảy, trứng muối… Thậm chí, nhiều nơi còn bán theo cân như rau củ quả ngoài chợ. Tuy rẻ nhưng lại bán chạy và hầu như chỉ bán qua mạng. Loại bánh này là bánh không thương hiệu.
Phân khúc thứ hai là loại bánh với giá trung bình. Loại này thì lại được phân chia ra thành vô số loại: hàng Việt Nam, hàng ngoại nhập, hàng xách tay… hay những loại bánh tự làm bởi chị em nội trợ. Loại này được bán trên các chợ mạng và những ki-ốt dựng tạm trên vỉa hè.
Phân khúc thứ ba dành cho những khách hàng cao cấp. Người ta còn gọi loại bánh này là bánh sang, bánh “sinh ra để ngắm” và không dành cho những người ít tiền. Thị trường cũng chứng kiến cuộc đua của các “đại gia” trong ngành bánh trung thu khi tung ra đời những sản phẩm lễ hộp “sang chảnh” đến kinh ngạc. Như bánh Trung thu của khách sạn Hilton Hanoi Opera thấp nhất 3 triệu đồng, khách sạn Metropole thấp nhất gần 2 triệu đồng. Bánh của khách sạn Sheraton có mức giá thấp nhất trên 1 triệu đồng, bánh của Hotel des Arts giá hơn 1 triệu đồng. Có khách sạn bán hộp bánh kèm rượu vài chục triệu đồng.
Các thương hiệu bánh kẹo cũng có cho ra sản phẩm bánh Trung thu cao cấp. Hộp bánh trung thu Hoàng Gia của Brodard Bakery có giá 6 triệu đồng; Bánh Trăng Vàng Black & Gold của Kinh Đô giá niêm yết 4.8 triệu đồng. Lễ hộp Minh Hạnh của Đại Phát có giá 2.2 triệu đồng…
Chưa kể năm nay, khi dịch bệnh Covid-19 quét qua mọi ngõ ngách thì thị trường bánh Trung thu có thay đổi không nhỏ. Ngoài việc mặt bằng chung sức mua bánh Trung thu giảm và bánh lên giá do nguồn thực phẩm cao thì một số loại bánh mới cũng ra đời. Đó là các loại bánh Trung thu nông sản Việt để giải cứu hàng hóa cho người dân. Thị phần bánh Trung thu một lần nữa được chia lại với lính mới này.
Loại bánh Trung thu này có các hương vị quen thuộc như thanh long, sầu riêng, dâu tằm, dâu tây, trà xanh, chanh dây, cà phê… Bánh Trung thu nông sản Việt khá sôi động và được đón nhận trong năm nay. Dù xuất hiện chưa nhiều nhưng đã có báo cáo tăng 20-30% so với năm ngoái và nó được xem như sự nhận diện cho sản phẩm của người Việt trong tiềm thức người tiêu dùng.
Thị trường bánh Trung thu phát triển mạnh mang tính chất ồ ạt và không đồng đều. Người tiêu dùng ngập lụt trong các loại bánh, đua nhau thử những loại bánh mới, mua những loại bánh hàng nhập ngoại đắt đỏ. Các loại bánh Trung thu biến tấu đủ loại, lai tây lai tàu hỗn tạp. Đến nỗi hầu như chỉ phân biệt được bánh nướng bánh dẻo chứ những loại bánh vô vàn loại nhân không hề có trong tiềm thức dù đã thử qua.
Bánh Trung thu nhan nhản trên thị trường chẳng ai kiểm định được chất lượng. Chính vì vậy mà chỉ 1 tháng trước khi Trung thu diễn ra đã có hàng loạt những vụ bắt giữ hàng lậu, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc xuất xứ trên khắp các địa bàn. Vô tình, thị trường bánh Việt lại phải chia năm sẻ bảy cho hàng ngoại nhập, cho những loại hàng trôi nổi vô cùng tiếc nuối.
Sự thay đổi của thị trường bánh Trung thu góp phần giúp đáp ứng khẩu vị và thị hiếu của người tiêu dùng; tăng doanh số của những người sản xuất. Ở mặt tích cực nào đó, nó giúp đa dạng hoá bánh Trung thu. Thế nhưng, vô hình chung sự cạnh tranh mạnh mẽ của các loại bánh lại khiến cho văn hóa Trung thu cổ truyền ngày càng mai một.
TS. Nguyễn Ánh Hồng - Giảng viên văn hóa (Học viện Báo chí & Tuyên truyền), một người rất yêu văn hóa truyền thống nhận định, sự thay đổi của thị trường bánh Trung thu hiện nay là tất yếu nhưng cũng có những đáng tiếc: “Hiện nay, thị trường bánh Trung thu phát triển quá mạnh, thậm chí là tràn lan, bị thương mại hóa. Điều này vừa tích cực vừa không tích cực. Tích cực là nó tạo cho người tiêu dùng nhiều cơ hội chọn lựa hơn, từ vị này đến vị nọ, từ hộp bánh chỉ mười mấy ngàn đồng đến hộp bánh hàng triệu đồng. Tuy nhiên, sự phân cấp của bánh Trung thu vô tình làm giảm giá trị văn hóa truyền thống khi những hộp bánh Trung thu đắt tiền vô tình trở thành món hàng sành điệu đẳng cấp đè nặng tâm lý người tiêu dùng. Chẳng ai kiểm nghiệm và chứng nhận được những chiếc bánh đó có chất lượng hay không mà cũng chẳng người tiêu dùng nào quan tâm cả, mua thì cứ ăn mà bán thì cứ bán”.
Rồi phân khúc bánh Trung thu cao cấp sinh ra từ tâm lý biếu tặng. Việc tặng bánh trung thu cho nhau là một hình thức thể hiện sự quý trọng. Nhưng, ở mặt nào đó cũng là một cách lấy lòng. Khi đó bánh trung thu không phải dành cho trẻ con mà thành món quà thể hiện sự “phải có” giữa nhân viên và sếp, cho những mối quan hệ ngoài mặt. Văn hóa biếu xén những hộp bánh cao cấp đã làm cho Trung thu hiện đại sung túc đầy đủ hơn. Tuy nhiên, điều đó ít nhiều giảm đi giá trị của những ngày lễ hội, nhất là những lễ hội truyền thống với ý nghĩa ban đầu rất nhân văn: là dịp sum họp, ngồi lại cùng nhau, sẻ chia, tâm tình, gắn kết tình thân...
“Tết Trung thu không chỉ là của thiếu nhi mà còn là tết đoàn viên, nhắc nhở một triết lý sống của người Việt đề cao giá trị cộng đồng duy tình hiếu nghĩa. Người ta xuất hiện bánh Trung thu để người già trẻ em có thể ngồi quanh bàn thụ hưởng sự tinh túy ngọt ngào của bánh Trung thu. Tôi đánh giá việc tặng bánh Trung thu là phong tục đẹp cần lưu giữ, nó như một nét văn hóa giao tiếp đáng trân quý. Nhưng rất buồn là một số người lợi dụng nét đẹp đó biến thành cơ hội trục lợi hay cầu may. Ý nghĩa của việc biếu tặng nằm ở mục đích của người biếu tặng chứ không phải bản thân của sự việc đó. Thêm nữa cái không ổn là chất lượng của bánh Trung thu. Có những chiếc bánh Trung thu rất đắt, mẫu mã đẹp nhưng không ai đảm bảo được chất lượng” - TS. Nguyễn Ánh Hồng.
Chắc hẳn không ít người vẫn nhớ da diết một thời cắn miếng bánh nướng bánh dẻo bình dị ngang giá mà lòng vẫn hào hứng vui hơn tết. Bởi giá trị của bánh trung thu là chiếc bánh đoàn viên, sum họp của gia đình quây quần bên nhau để thưởng thức và chia sẻ. Đó là nét giao tiếp vô cùng đẹp đẽ của ông cha ta trong mùa trăng tháng Tám, trao truyền những giá trị hàng ngàn năm.
Không hiếm gặp tình trạng có những quầy bánh Trung thu người xếp hàng dài dằng dặc chờ mua bánh như Bảo Phương, Tuyết Lan nhưng cũng có những quầy hàng ế chỏng ế chơ khách hàng vắng ngắt. Rồi tình trạng bánh Trung thu chưa hết ngày Rằm tháng Tám đã giảm giá ồ ạt diễn ra thường xuyên năm nào cũng có. Dù chưa hết Trung thu nhưng khá nhiều cửa hàng đã treo biển giảm giá với nhiều hình thức khuyến mại khác nhau, có quầy khuyến mại mua 1 được 4, có quầy treo bảng mua 1 tặng 3... Tại một số cửa hàng, kiot kinh doanh bánh Trung thu thương hiệu Hữu Nghị, Hà Nội, Kinh Đô… trên đường Láng, Giảng Võ, Nguyễn Thái Học… đều giảm giá bán từ 10 - 15% cho khách hàng.
Trên các sàn thương mại điện tử như: Hotdeal.vn, Tiki, Sendo, Lazada cũng xuất hiện dày đặc các quảng cáo giảm giá bánh Trung thu thương hiệu Kinh Đô, Đồng Khánh, Hữu Nghị, Hà Nội, Thu Hương từ 10 - 30%. Cụ thể hiện bánh Trung thu Đồng Khánh vi cá được rao bán 90.000 đồng/chiếc 250g (trước đó 110.000 đồng/chiếc); Thập cẩm 2 trứng 70.000 đồng/chiếc 250g (trước đó 100.000 đồng/chiếc); Bánh đậu xanh 60.000 đồng/chiếc 250g (trước đó 78.000 đồng/chiếc).
Lượng khách mua hàng giảm sút, trong khi sản phẩm này bán theo mùa vụ, không thể cất trữ lâu dài nên các đại lý kinh doanh buộc phải giảm giá để bán hết hàng trước Rằm tháng Tám.
Một nguyên nhân nữa là nguồn cung vượt quá nguồn cầu khiến năm nào sau ngày lễ Trung thu, các cửa hàng bánh cũng đều phải đổ bỏ không thương tiếc số lượng lớn bánh ế. Năm nay, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sức mua của người dân giảm hẳn thì không biết lượng bánh Trung thu nằm trên thùng rác sẽ còn nhiều hơn bao nhiêu.
Bánh Trung thu hạ giá rầm rộ trước ngày Rằm tháng Tám
Cho tới khi “cuối buổi chợ” trao qua đổi về, chán ngấy ê hề thì chiếc bánh mới có cơ hội tới tay người dùng thực sự với giá cả thuộc dạng “đại hạ”. Ăn bánh trong tâm thế “mua một tặng bốn” sao còn ngon lành, sao còn mang ý nghĩa đoàn viên sum vầy nữa.
Ở thành phố lớn thì vậy, ở những vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa lại trái ngược hoàn toàn. Với các em nhỏ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tết Trung thu vẫn còn là một điều gì đó lạ lẫm và có phần xa xỉ. Khi cái ăn cái mặc hàng ngày vẫn còn là nỗi lo lớn, sách bút còn chưa đủ thì lấy đâu ra bánh nướng, bánh dẻo. Với cha mẹ chúng, trong cuộc sống còn bao nỗi lo toan, vất vả thì những đồ chơi đắt tiền, những hộp bánh Trung thu bình thường bán ngoài chợ cũng trở nên xa xỉ chẳng bao giờ dám mơ tới.
Chiếc bánh Trung thu không có lỗi mà lỗi ở những người tạo ra nó, để nó chẳng còn là sản vật văn hóa khi chỗ thừa chỗ thừa chỗ thiếu, chỗ có chỗ không.
Có lẽ, để bánh Trung thu là một sản vật văn hóa thì người tiêu dùng phải làm thế nào để chiếc bánh này xứng với ý nghĩa sum vầy, đoàn viên của nó. Trước tiên, như TS. Ánh Hồng nói, đừng biến những chiếc bánh Trung thu thành một mặt hàng: “Tôi nghĩ yếu tố đầu tiên đừng vật chất hóa Trung thu. Yếu tố thứ hai cần phục dựng văn hóa truyền thống. Một Trung thu ý nghĩa là ở những thứ hết sức đơn giản như trà đạo, hay chỉ một hương sen đã tạo ra sự tinh khiết trong văn hóa tinh thần, rồi thì một chút hoa quả, một chút hương cốm tinh túy của văn minh nông nghiệp lúa nước. Đây chính là dịp để cấu kết cộng đồng, kết nối mối dây thâm tình và trao truyền các giá trị. Chứ không phải những chiếc bánh Trung thu hiện đại, sặc sỡ sắc màu và đắt đỏ”
Trong thời kỳ dịch bệnh, mọi chi tiêu đều phải cân nhắc kỹ lưỡng như hiện nay thì việc lựa chọn món quà trung thu tiết kiệm chi phí mới là điều ý nghĩa. Các năm trước, thị trường luôn sôi động với hàng loạt thương hiệu bánh trung thu nhập khẩu có mức giá tương đối cao đến từ Đài Loan, Malaysia, HongKong… Nhưng mùa trăng 2020, bánh nội địa nên được chú trọng hơn. Bánh nội địa có thương hiệu có thể đảm bảo chất lượng và được chứng nhận ATVSTP. Hiện nay, bánh nội địa với những loại tầm trung có rất nhiều mẫu mã kiểu dáng để người tiêu dùng chọn lựa cho biếu tặng, hay cho người thân trong gia đình.
Nếu như mua về để ăn thì có thể lựa chọn loại không bao bì hoặc bao bì đơn giấy thay vì chọn các lễ hộp tinh xảo. Bao bì thường chiếm từ 15 - 35% giá thành cho nên đây cũng là chi phí đầu tiên có thể cắt giảm trong giai đoạn kinh tế khó khăn này. Nếu đi biếu tặng có thể mua theo combo thay vì mua cả hộp. Mua combo giá lúc nào cũng rẻ hơn mua lẻ từng chiếc, một số hãng còn tặng kèm hộp và túi xách tiện lợi để khách hàng có thể linh động làm quà tặng. Đây cũng là một cách mua sắm tiết kiệm giảm ngân sách.
Theo Cục An toàn thực phẩm, bánh Trung thu ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn. Nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh phải ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Bánh Trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn. Không mua, không sử dụng bánh trung thu không nhãn mác.
Chọn được chiếc bánh Trung thu ngon, hợp túi tiền cũng là cách tăng thêm phần giá trị và ý nghĩa cho ngày Lễ đoàn viên, dù cho chiếc bánh qua bao thời kỳ có thay đổi đến thế nào đi chăng nữa.
“Trăng rằm tháng Tám bây giờ không còn sáng như trước đây nữa do nhiều yếu tố từ môi trường đến con người. Những yếu tố đó làm thay đổi cách thức đón Trung thu của mọi người. Tôi hy vọng, dù cuộc sống hiện đại có đổi thay theo hướng nào đi chăng nữa, thì một cái tết Trung thu đoàn viên, sum họp vẫn nên được giữ mãi trong truyền thống người Việt từ những điều nhỏ nhất chứ không phải cứ đắt tiền mới có giá trị cao sang” - TS. Nguyễn Ánh Hồng.