Theo kế hoạch thanh tra năm 2020, Bộ Xây dựng triển khai công tác thanh tra về quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tại nhiều khu vực.
Tại Hà Nội, là tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu. Trục đường Lê Văn Lương và Tố Hữu có tổng chiều dài khoảng 7,5 km, bắt đầu từ điểm giao cắt Ngã tư Láng - Láng Hạ - Lê Văn Lương, tới điểm cuối là ngã tư Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Yên Lộ. Đây là tuyến đường huyết mạch nối vào nội đô và đang trong tình trạng quá tải hạ tầng bởi sự phát triển nhanh chóng của hàng loạt dự án khu đô thị, chung cư cao tầng san sát nhau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung của đô thị, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...
Thống kê sơ bộ cho thấy, kể từ khi tuyến đường này được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2010, đã có khoảng 40 dự án cao ốc mọc chen chúc hai bên đường. Theo ghi nhận thực tế của PV, tuyến đường Lê Văn Lương hiện có tới 33 dự án chung cư cao 25-35 tầng, đa số các dự án đã đưa vào sử dụng; tuyến đường Tố Hữu cũng "gánh" trên dưới cả chục dự án tương tự.
Những con số, hình ảnh cho thấy sự "nghet thở", quá tải hạ tầng tại tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu (Ảnh: Zing)
Cụ thể, từ đầu đường Lê Văn Lương là sự xuất hiện của Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower do Tổng Công ty Thành An và đối tác đầu tư Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Ba Đình là chủ đầu tư (30 tầng nổi, 2 tầng hầm); tòa nhà trung tâm thương mại 32 tầng (Hadinco); Trụ sở Tổng Công ty HUD kết hợp với Văn phòng cho thuê HUD Tower (2 tòa tháp cao 32 tầng và 27 tầng); dự án nhà ở (HACCI cao 25 tầng); dự án nhà ở Tổng công ty Coma (25 tầng); dự án công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng (Công ty TNHH MTV kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội cao 25 tầng); chung cư cao tầng của Công ty Cổ phần dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội cao 32 tầng; tòa chung cư của Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Vneco Hà Nội cao 35 tầng; nhà chung cư của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và đô thị 18; tổ hợp tòa nhà cao tầng Sunrise cao 25 tầng…
Quá tải hạ tầng đô thị không chỉ dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch chung mà còn gây nên sự quá tải giao thông, ô nhiễm môi trường trên toàn khu vực.
Theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt năm 1998, với mật độ xây dựng hơn 34% dự án có 8 toà nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. 3 năm sau đó, quy hoạch đã điều chỉnh tăng gấp đôi về số toà lên 16 toà cao tầng. Chiều cao mỗi toà cũng tăng lên gấp đôi, dao động từ 9-21 tầng.
Sang đến tuyến đường Tố Hữu là tòa Viwaseen, CT14, CT Trung Văn, The Light, The Pride, Roman Plaza... cùng hàng loạt dự án lớn đang trong quá trình triển khai xây dựng. Chính những dự án điều chỉnh tầng cao nhiều lần là nguyên nhân gây nên việc quá tải hệ thống hạ tầng đô thị hiện nay.
Các dự án quy mô lớn trên đường Tố Hữu.
Nếu nhẩm tính sơ bộ sau khi các tòa nhà đang xây dựng được hoàn thiện thì sẽ có khoảng hàng chục nghìn người dân nữa sẽ chuyển về đây sinh sống và làm việc. Mật độ cư dân khu vực sẽ tăng lên nhanh chóng, dẫn đến những tác động nghiêm trọng lên hạ tầng giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng điện nước, giáo dục, y tế, không gian sống, tiện ích, tiện nghi đô thị bị giảm thiểu, ô nhiễm môi trường toàn khu vực cũng sẽ bị đẩy lên.
Một số dự án "khủng" khác đang trong quá trình triển khai xây dựng trên tuyến đường Tố Hữu.
Việc thực trạng liên tiếp “mọc” lên hàng loạt cao ốc, dự án khu đô thị mới dọc trên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu được cho là không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Căn cứ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011:
3. Các chỉ tiêu phát triển đô thị
a) Quy mô dân số
Dự báo dân số đến năm 2020, khoảng 7,3 - 7,9 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 58 - 60%. Dân số đến năm 2030, khoảng 9,0 - 9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65 - 68%. Đến năm 2050, dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70 - 80%.
b) Quy mô đất đai
Đến năm 2020, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 128.900 ha. Trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 73.000 ha (chiếm khoảng 21,8% diện tích tự nhiên), chỉ tiêu khoảng 160 m2/người, bao gồm: Đất dân dụng khoảng 34.200 ha, chỉ tiêu khoảng 70 - 75 m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 38.800 ha.
Đến năm 2030, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 159.600ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 94.700 ha (chiếm khoảng 28,3% diện tích tự nhiên), chỉ tiêu khoảng 150 m2/người, bao gồm đất dân dụng khoảng 48.100 ha, chỉ tiêu khoảng 80 m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 46.600 ha.
Từ thực trạng trên, các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 có phù hợp với các chỉ tiêu quy quy định tại khu vực trên theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để trả lời, làm rõ các ý kiến của người dân về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch tại một khu vực trọng tâm phát triển của Thủ đô.
Hình ảnh không còn xa lạ vào các giờ cao điểm trên các tuyến đường khu vực phía Tây Nam Thủ đô như Lê Văn Lương, Tố Hữu… là các dòng phương tiện luôn tắc nghẽn bên cạnh các tòa nhà cao tầng. Điều này cho thấy thực tế giao thông ở Hà Nội đang là một dẫn chứng "đắt" cho sự bất hợp lý trong quy hoạch xây dựng đô thị gắn với quy hoạch giao thông và quy hoạch sử dụng đất. Và chính sự bất hợp lý trong quy hoạch là nguyên nhân chính dẫn tới sự quá tải hạ tầng tại nhiều khu vực nói chung và tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu nói riêng.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội chỉ ra rằng, giữa giao thông và quy hoạch luôn cần có sự kết hợp chặt chẽ. Hà Nội có đồ án Quy hoạch chung xây dựng từ tháng 4/2011 nhưng phải đến tháng 3/2016 mới phê duyệt Quy hoạch GTVT. Ngay từ khâu làm quy hoạch đã bất cập như vậy nên đương nhiên quá trình phát triển đô thị của Hà Nội sinh ra nhiều hệ lụy.
"Đơn cử, đối với tuyến đường Lê Văn Lương dự kiến mở rộng từ năm 2003 nhằm kết nối với hai tuyến đường vành đai để giảm tải giao thông tại khu vực này nhưng việc bố trí ngân sách rất chậm. Trong khi đó, do thiếu chính sách quản lý, từ 2011 đến nay có trên 20 dự án cao tầng được xây dựng, dẫn tới những ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng hơn… Như vậy để thấy rằng, bất cập giữa quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt là thiếu nguồn lực để làm hạ tầng kỹ thuật khung" - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm.
Nói về sự gia tăng chóng mặt số lượng chung cư trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, không thể nói việc xây dựng ở khu vực này không có quy hoạch. Từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, Hà Nội đều đã có, vấn đề ở đây là quy hoạch có được thực hiện đúng hay không.
"Mật độ xây dựng ở mỗi khu đô thị, mỗi tuyến phố là bao nhiêu, chiều cao thế nào, bao nhiêu % dùng để ở, bao nhiêu % dùng cho các loại hình dịch vụ khác... đều đã có trong quy hoạch. Chính vì thế, câu hỏi đặt ra là: với quy mô cao tầng như vậy, hạ tầng cho khu vực Lê Văn Lương, Tố Hữu như điện, nước, giao thông đã được thực hiện đúng quy hoạch chưa hay mới chỉ xây nhà mà hạ tầng chưa thực hiện đầy đủ? Và thanh tra có trách nhiệm xem xét vấn đề giao thông, vấn đề điện, nước phải xem xét đã đảm bảo cho nhu cầu phát triển của dân số chưa" - ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, cũng liên quan đến việc thanh tra quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, một chuyên gia quy hoạch cho rằng, việc thanh tra là cần thiết, giúp cho chủ đầu tư và người dân thực thi theo luật pháp. Tuy nhiên, thanh tra xây dựng phải bắt đầu từ lúc thực hiện triển khai theo quy hoạch, nếu để công trình xuất hiện rồi mới đi thanh tra, kiểm tra thì đó chỉ là xử lý phần ngọn. Vị chuyên gia này khẳng định: "Muốn chất lượng đô thị tốt, các cơ quan chức năng phải kiểm tra ngay từ ban đầu, chứ không phải triển khai xây dựng xong rồi mới thanh tra”.
Về giải pháp, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội - Tô Anh Tuấn từng chia sẻ, vấn đề lớn nhất đối với Hà Nội hiện nay là việc thực hiện quy hoạch chưa tốt dẫn đến quá tải giao thông, ô nhiễm môi trường. Nếu thực hiện được đúng theo quy hoạch thì sẽ giải quyết được các vấn đề đô thị mà Hà Nội đang phải đối mặt.
Ngoài ra, trong việc tổ chức thực hiện xây dựng đô thị theo quy hoạch, cần xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng, tiện ích tại các khu đô thị mới nhằm thu hút dân cư, giảm sự tập trung vào khu vực trung tâm. Đặc biệt, Nhà nước cần giữ vai trò chủ động trong tổ chức phát triển đô thị theo quy hoạch, không vì thiếu nguồn lực mà chạy theo nhà đầu tư.