Theo kết quả quan trắc chất lượng không khí của Tổng cục Môi trường, từ đầu tháng 11 và đầu tháng 12 chất lượng không khí tại Hà Nội và một số đô thị phía Bắc luôn ở mức trung bình và kém. Riêng thủ đô Hà Nội đã có 11/41 ngày giá trị thông số bụi mịn PM 2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với QCVN 05:2013/BTNMT.

Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP.Hà Nội) cũng cho biết chất lượng không khí tại TP từ ngày 6-12/12 đều ở mức trung bình và kém. Có những thời điểm 30/35 trạm quan trắc có chỉ số AQI ở mức cảnh báo kém. Đặc biệt, từ đêm đến sáng các ngày 6, 7 và 11/12, ở các trạm đo khu vực Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng, Minh Khai, Chi cục Bảo vệ môi trường và Thành Công, chỉ số AQI tăng lên mức báo động đỏ (cảnh báo xấu có chỉ số AQI từ 151 đến 200).

Hà Nội ô nhiễm không khí 'triền miên'

Tuy nhiên, đến ngày 14/12, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, chất lượng không khí tại khu vực nội thành Hà Nội đã được cải thiện. Số liệu quan trắc không khí tại khu vực nội thành Hà Nội đến chiều 14/12 đa phần ở mức tốt và trung bình (báo động xanh và báo động vàng), chỉ còn ba điểm có mức kém (báo động da cam).

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng ô nhiễm không khí không phải vấn đề mới. Tình trạng trong mùa đông có nhiều ngày ô nhiễm hơn so với các mùa khác đã diễn ra nhiều năm. Lý do là nguồn thải không giảm, thậm chí còn tăng, trong khi điều kiện thời tiết mùa đông có nhiều ngày lặng gió, sương mù nhiều, làm cho không khí không bay ra xa, khuếch tán lên cao. Cho nên bụi và ô nhiễm cứ loanh quanh ở tầm thấp của mặt đất. Buổi đêm khi nồng độ ô nhiễm không khí lên cao, một số ngày xảy ra “nghịch nhiệt”, càng làm cho không khí, chất ô nhiễm đông đặc, tích tụ.

Tuy nhiên thời tiết chỉ là lý do, yếu tố tác động làm cho xấu thêm; còn nguyên nhân của ô nhiễm không khí là từ các nguồn thải như: Nguồn thải của sản xuất, khí thải của phương tiện giao thông. Đây là những cái nhiều năm nay chúng ta chưa kiểm soát được.

Hiện số lượng ô tô, xe máy cá nhân ngày càng tăng, trung bình ở TP.HCM tăng 10,15%/năm. Tuy nhiên chúng ta chưa kiểm soát chất lượng khí thải của xe máy. Ô tô có niên hạn, thời hạn đăng kiểm, kiểm tra khí thải, không đạt tiêu chuẩn không được lưu hành, thế nhưng xe máy chạy bao nhiêu năm cũng được, thải nhiều cũng không sao. Nguồn thải không kiểm soát được, trong khi phương tiện cá nhân gia tăng càng làm cho mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn tăng lên.

"Những năm qua chúng ta có triển khai một số biện pháp, có ban hành luật, các nghị định về kiểm soát nguồn thải, rồi Quyết định 985a của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; trong đó đã đưa ra một số chương trình hành động.

Tuy nhiên việc triển khai các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí không mấy hiệu quả. Tôi nói ví dụ kiểm soát khí thải xe máy, Thủ tướng cũng đã có quyết định nhưng cho đến nay vẫn không thực hiện được. Thanh tra xử phạt nhưng vẫn cho tồn tại, việc thực thi pháp luật không nghiêm. Hay đốt rơm rạ, rác đã nói nhiều nhưng không kiểm soát dù chuyện đó đang diễn ra hàng ngày. Các làng nghề tua tủa xả ống khói, mọi người nhìn thấy cả nhưng tại sao nó vẫn cứ ngang nhiên? Tình trạng đó đòi hỏi chúng ta cần có biện pháp quyết liệt. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân", ông Tùng nói.

Theo Kinh Tế Môi Trường