Không ít thách thức, bất cập

Hiện, Hà Nội hiện có khoảng 70 cụm công nghiệp hoạt động, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Các cụm công nghiệp này hoạt động tại 17 quận, huyện và thị xã với tổng diện tích theo quy hoạch là hơn 1,6 nghìn ha, trong đó, có hơn 1,3 nghìn ha được đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định.

TP tiếp tục khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019-2020; thành lập, mở rộng 15-20 cụm công nghiệp mới; bổ sung 4 cụm công nghiệp mới
TP tiếp tục khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019-2020; thành lập, mở rộng 15-20 cụm công nghiệp mới; bổ sung 4 cụm công nghiệp mới

Các cụm công nghiệp đã thu hút khoảng hơn 3,8 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60 nghìn lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Sự hình thành các cụm công nghiệp đã giúp di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm trong khu dân cư như trước đây.

Tuy nhiên, theo đánh giá, quá trình phát triển các cụm công nghiệp tại Hà Nội còn tồn tại không ít những thách thức, bất cập.

Theo số liệu báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, năm 2021, TP Hà Nội giao kế hoạch khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, mới có cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên) được khởi công, còn lại hầu hết đều chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Tháo gỡ từng “nút thắt”

Nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại, lãnh đạo TP Hà Nội đã đưa ra những giải pháp cụ thể giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệp.

Cụ thể, ngày 16/3/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022. Mục tiêu đặt ra là tạo bứt phá mạnh mẽ trong phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP, từ đó hoàn thành các chỉ tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Cùng với đó, ngày 17/3/2022, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn.

Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo để tháo gỡ từng “nút thắt” đang ảnh hưởng đến tiến độ khởi công xây dựng các dự án cụm công nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế.

Một số cụm công nghiệp có tính đặc thù, còn khó khăn, vướng mắc có thể được xem xét xác định thời gian khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, yêu cầu lãnh đạo các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước TP về triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính…

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, các chủ đầu tư đã khởi công xây dựng 6 cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng; Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên); Cụm công nghiệp Dị Nậu (huyện Thạch Thất); Cụm công nghiệp Thắng lợi, Cụm công nghiệp Tiền phong - giai đoạn 2 (huyện Thường Tín); Cụm công nghiệp Đan Phượng - giai đoạn 2 (huyện Đan Phượng). Hiện nay, Sở Công thương đang đôn đốc, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ khởi công 38 cụm công nghiệp trên địa bàn TP, gồm: 37 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020 và Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên (huyện Thanh Oai) có quyết định thành lập trước năm 2017. Cùng với đó, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thẩm định dự án đầu tư mới, mở rộng 21 cụm công nghiệp; họp hội đồng lựa chọn chủ đầu tư 8 cụm công nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn TP, trước hết, ngành công thương phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, bám sát chỉ đạo của TP. Cố gắng trong tuần tới, ban hành quy chế quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn. Các Sở, ngành cần kiên định trong vấn đề thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khuyến khích công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; thúc đẩy thêm các khu công nghiệp có quy mô lớn theo hướng sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao như vi mạch, thiết bị điện tử… để phục vụ xuất khẩu, tạo sự bứt phá cho công nghiệp Thủ đô.

Thời gian tới TP tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nhà đầu tư, DN giải quyết các khó khăn trong quá trình triển khai dự án… Qua đó phát huy tối đa hiệu quả của các dự án, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của TP.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu lãnh đạo các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước TP về triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định…

Với các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, TP yêu cầu bảo đảm khởi công xây dựng theo đúng tiến độ, chuẩn bị các nguồn lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ; chủ động kêu gọi, thu hút, tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trên cơ sở quy hoạch chi tiết và ngành nghề đã được phê duyệt; ưu tiên các nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.

Theo kế hoạch, năm 2022 Hà Nội quyết tâm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp như: Cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên, cụm công nghiệp làng nghề Yên Từ tại huyện Phú Xuyên; Cụm công nghiệp Đình Xuyên, cụm công nghiệp Phú Thị (giai đoạn 2) huyện Gia Lâm. Ngoài ra tại các huyện Thạch Thất, Đan Phượng, Ứng Hòa, Đông Anh… cũng tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cụ thể và đốc thúc để các địa phương này hoàn thành.

Theo Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-thao-go-vuong-mac-trong-phat-trien-cac-cum-cong-nghiep-299420.html