Kỳ 3: Hoang mang như lạc vào thị trường thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng (TPCN) đã không còn là một khái niệm xa lạ trong xã hội hiện đại. Khi điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người cũng gia tăng. Ngày càng có nhiều người tìm đến với các sản phẩm TPCN để bổ sung các dưỡng chất tăng cường sức khỏe. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người vẫn còn nhầm tưởng TPCN là thuốc và có tác dụng như thuốc chữa bệnh, mặc các khuyến cáo liên quan mà cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành. 

Vượt qua cái tên "thực phẩm", nhiều người đang tìm đến TPCN với mong muốn chữa được bệnh, thậm chí là bệnh nan y càng khiến các sản phẩm này nở rộ, mọc lên như nấm. 

Theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 21% dân số đang sử dụng TPCN, tương đương hơn 20 triệu người ở khắp 63 tỉnh thành. Thị trường khổng lồ này là mảnh đất màu mỡ cho các đơn vị sản xuất TPCN, chính vì vậy không ít đơn vị đã không từ các "thủ đoạn" để quảng cáo, tâng bốc các công dụng của TPCN, cố tình "đánh lận con đen" để người tiêu dùng hiểu lầm. 

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, trên tinh thần nghiên cứu, chúng tôi khởi đăng tuyến bài: Thị trường thực phẩm chức năng: Phức tạp như "ma trận". 

Xin mời quý độc giả đón đọc Kỳ 3: Hoang mang như lạc vào thị trường TPCN

Như đã đề cập trong bài trước, hiện nay, lượng người sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên số những người nhầm tưởng TPCN là thuốc hoặc chỉ hiểu biết mơ hồ về TPCN cũng lớn không kém. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các quảng cáo sản phẩm TPCN xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin, tiếp cận dễ dàng đến người sử dụng nhưng không truyền đạt các thông tin một cách rõ ràng.

Khát khao sống của con người rất mãnh liệt, nhất là khi bị mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh, đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, mọi người thường sẽ tìm đủ mọi cách để cứu vãn tình hình. Chưa kể, nhiều người lại sợ già, sợ xấu, sợ sức khỏe sinh lý giảm dần theo thời gian… Lợi dụng tâm lý này, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã thi nhau bán thuốc, thực phẩm chức năng Biến việc này thành một trào lưu và ngày càng nở rộ, nhất là trên mạng xã hội.

Kịch bản chung là nhắm đến nỗi sợ hãi của người tiêu dùng, đặc biệt những người đang mang bệnh, từ đó “thần thánh hóa” công dụng của sản phẩm, biến chúng thành “thần dược” trị bách bệnh.

Sự biến tướng này khiến người dân rơi vào ma trận thông tin thật – giả lẫn lộn và niềm tin vào sản phẩm, đạo đức nghề nghiệp giảm sút trầm trọng. Tình trạng này diễn ra ở mọi lĩnh vực và ở mọi ngành nghề nhưng điển hình nhất là trong ngành y và cụ thể ở đây là thị trường TPCN – lĩnh vực mà người dân thường dành trọn niềm tin.

Từng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, một bác sĩ của Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an chia sẻ, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được chiết xuất, nghiên cứu nghiêm ngặt, quy trình đoàng hoàng, nhưng thị trường thuốc và thực phẩm chức năng như "trăm hóa đua nở". Nguyên nhân là do quản lý của Nhà nước còn lỏng lẻo nên các đơn vị sản xuất muốn công bố các sản phẩm cũng rất dễ dàng. Về cơ bản, họ chỉ cần xét nghiệm không có chất độc hại là có thể công bố được sản phẩm.

Ngoài ra, nguyên nhân còn có thể do người dân không tìm hiểu kỹ hoặc họ bị chính những người bán sản phẩm đó lừa. Cụ thể như mẹ tôi đây, có một ngày bà ở nhà một mình thì có đối tượng đến làm quen rồi tư vấn mua thuốc viêm màng bồ đào, may mà tôi về kịp can ngăn không thì bà đã mua rồi. Tôi thấy hình thức kinh doanh này giống kiểu đa cấp, đơn vị này sẽ chi một số tiền rất lớn cho những người trực tiếp quảng cáo và bán hàng.

Bác sĩ của Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an cho rằng, thực phẩm chức năng không phải là thuốc để điều trị bệnh, nó chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, vì những lời quảng cáo thái quá, lại đánh vào nỗi sợ hãi của con người nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để mua bằng được chúng.

Dưới góc nhìn của PGS.TS. Trần Thị Oanh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, truyền thông là một thông điệp mà người sản xuất ra sản phẩm đó muốn người tiêu dùng hiểu được sản phẩm đó có tác dụng như thế nào. Với người sản xuất ra sản phẩm thì đương nhiên họ phải rất tin tưởng vào thành quả của mình nên họ truyền tinh thần vào sản phẩm, truyền sang ngôn ngữ của người sử dụng, cho nên đôi khi nói đi quá giới hạn cho phép, trong đó đặc biệt là sản phẩm liên quan đến sức khoẻ con người.

Ngoài những cách truyền thông “nói quá” so với sự thật, thì truyền thông đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng cũng đang bị biến tướng theo nhiều hình thức khiến người dân bị tung hỏa mù rơi vào ma trận thông tin thật – giả không lối thoát. Doanh nghiệp lợi dụng nỗi đau và niềm tin của người tiêu dùng để vụ lợi cho bản thân.

Và đây là những hành vi, câu chuyện đáng bị lên án và tẩy chay!

Theo Ths.BS Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - trong số hơn 3.000 loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc ngoại nhập hoặc sản xuất nội địa, khó có thể kể hết những sản phẩm mà công dụng của nó đã bị thổi phồng một cách quá đáng không đúng với hồ sơ đăng ký, “quảng cáo một đằng, đăng ký một nẻo”, thậm chí nhiều loại được quảng cáo như một thứ “thần dược” có khả năng khiến cho “bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ”. Điều này hết sức nguy hại, bởi lẽ nó khiến cho không ít người tiêu dùng do trình độ nhận thức có hạn đã tự ý từ bỏ thuốc đặc trị đang dùng để chỉ sử dụng thực phẩm chức năng một cách đơn thuần khiến cho bệnh tình trở nên nặng hơn, thậm chí gây ra những tai biến không đáng có.

Các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý các vi phạm về quảng cáo TPCN
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý các vi phạm về quảng cáo TPCN (ảnh chụp màn hình)

Đáng nói, việc vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng diễn ra ngày càng “tinh vi” hơn dù đã có những quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Nhưng lợi nhuận “siêu cao” của sản phẩm khiến những vi phạm về quảng cáo loại thực phẩm này vẫn tiếp diễn và ngày càng phổ biến. Từ các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh, báo giấy, báo mạng đến các phương tiện phi truyền thống như mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo... Trong thời buổi bùng nổ thông tin, rất dễ dàng để bắt gặp các quảng cáo về TPCN trên các kênh thông tin này.

Trong đó, các vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng thường gặp là quảng cáo không rõ ràng khiến nhiều người nhầm tưởng TPCN như một loại thuốc chữa bệnh, thậm chí là "bách bệnh", có công dụng toàn năng...

Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng (cả lén lút lẫn công khai) khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận đảm bảo nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; quảng cáo công dụng không đúng với hồ sơ đã công bố.

Sử dụng tràn lan mạng xã hội, sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo nhiều nội dung không đúng sự thật.

Ví dụ: Sản phẩm ghi là dược sỹ, bác sỹ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, những người đó không hề có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ là các sinh viên, thực tập sinh mới ra trường. Hoặc cá biệt có những chuyên gia lại là những: bảo vệ, lao công… không hề có chuyên môn.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, khi bị cơ quan chức năng mời lên làm việc, lại không thừa nhận sản phẩm quảng cáo trên các website đó là của mình.

Vì lợi nhuận siêu cao, mà rất nhiều doanh nghiệp đã quảng cáo sản phẩm nhưng không ghi đầy đủ các nội dung chuẩn theo quy định, các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng thường xuyên phóng đại thành phần, công dụng, chức năng của sản phẩm so với nội dung đã được cấp phép nhằm thu hút người tiêu dùng; gây nhầm lẫn cho người sử dụng về công dụng sản phẩm.

Thậm chí, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, hình thức quảng cáo còn ngày càng tinh vi hơn. Đơn cử, có doanh nghiệp mở tên miền để quảng cáo nhưng nếu vi phạm và bị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện, yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông hỗ trợ đóng tên miền, thì ngay lập tức sẽ mở tên miền khác. Hoặc đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng nếu bị phát hiện vi phạm sẽ chuyển máy chủ sang nước ngoài.

Hay có đơn vị từng bị "tuýt còi" sản phẩm này thì lại thay tên, đổi nhãn mác và tiếp tục quảng cáo tiếp và bán tràn lan trên mạng xã hội.

Một trong những hành vi khác sẽ rất khó khăn cho cơ quan quản lý là quảng cáo xuyên biên giới, tức những công ty nước ngoài mua “đất quảng cáo” trên các trang thương mại, sàn giao dịch, website của các cơ quan truyền thông, và họ toàn quyền sử dụng để quảng cáo sản phẩm mà chủ cho thuê không hay biết.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) từng cho biết, rất nhiều đơn vị kinh doanh lợi dụng việc "nhập nhèm" trong ghi nhãn mác quảng cáo để khiến người tiêu dùng khó phân biệt được thuốc và thực phẩm chức năng. Để rồi khi có sự cố xảy ra, họ lách luật, "phủi trách nhiệm" bằng cách phủ nhận với các lý do như "sản phẩm này không phải là thuốc, sản phẩm kia không phải là thực phẩm chức năng". Đây chính là kẽ hở được các đối tượng này lợi dụng để quảng cáo nhập nhèm, lừa bán sản phẩm qua mạng.

 

Cuối tháng 4/2020 đến ngày 8/5/2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát hiện và xử lý vi phạm gần 10 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo “nhập nhèm” như thuốc chữa bệnh “thần dược” khi có thể điều trị khỏi một số bệnh: Đái tháo đường, tim mạch, xương khớp, thậm chí tiêu diệt được cả vi rút SARS-CoV-2, tăng sức đề kháng của cơ thể…Tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 25/9/2020, Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định xử phạt 36 cơ sở vi phạm về quảng cáo với tổng số 40 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt khoảng 1,6 tỷ đồng.

Hàng loạt trường hợp vi phạm liên quan đến quảng cáo TPCN bị "khui" ra trong một thời gian ngắn
 

Chỉ trong hơn 2 tuần (từ ngày 18/3 đến 5/4/2019), Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 8 doanh nghiệp vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền gần 600 triệu đồng.

Ngay trong tháng 6 và tháng 7/2019, một loạt thực phẩm chức năng đã có "chỗ đứng" trên thị trường, như: Giảm béo An nhiên New; cao tỏi đen mật ong; xương khớp MH; bổ gan Sao Thiên Y; chống loãng xương thoái hóa khớp... cũng bị "thổi còi" vì vi phạm nội dung quảng cáo trên một số trang mạng. Cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc các đơn vị tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.

Bên cạnh đó, chỉ cần gõ cụm từ khóa “thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị sức khỏe” (TPCN), Google lập tức cung cấp cho người dùng 35,1 triệu kết quả. Gõ bất cứ tên sản phẩm nào đó, sẽ có ngay mọi thông tin quảng cáo từ thành phần, công dụng đến giá cả và phương thức mua hàng. Nhấp chuột vào đường link nào cũng thấy những từ ngữ quảng cáo như “thần dược”, “đánh bật ung thư”, “tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư”... Giữa ma trận sản phẩm hỗ trợ điều trị bất phân thật giả, công dụng khó lường, bệnh nhân ung thư là đối tượng đang phải gánh chịu mọi hậu quả, đa phần rất đau xót, khi tiền vẫn mất mà tật vẫn mang.

Chỉ cần gõ từ khóa "Thực phẩm chức năng", Google sẽ cho ra hàng triệu kết quả trong một thời gian rất ngắn

Những con số trên cho thấy, đến thời điểm hiện tại, tình trạng quảng cáo sai sự thật, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn đang diễn ra “rầm rộ”, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong đó có những thông tin gây hiểu lầm như trên, tiềm ẩn những hệ quả nghiêm trọng đối với người  tiêu dùng.

Thực phẩm chức năng bản chất không xấu, việc quảng cáo thực phẩm chức năng cũng không sai. Tuy nhiên các sản phẩm này khi đã có “chất xúc tác” là quảng cáo thì lại được “nâng cấp” và “thần thánh hóa” quá mức, khiến nhiều người coi chúng như những “thần dược” với tác dụng “vạn năng”, trị bách bệnh như đã kể trên.

Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp: ngoài xử lý theo quy định của Nhà nước, Bộ còn công khai vi phạm trên website của Cục An toàn thực phẩm, trên trang của Bộ Y tế và thông tin cho các cơ quan báo chí, xử lý các chủ tài khoản mạng bán sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật. Xử lý hình sự trong trường hợp tái vi phạm nghiêm trọng gây nguy hại tới sức khỏe, tính mạng hoặc gây tử vong cho người sử dụng.

Thế nhưng, trên thực tế, hành vi gian dối trong quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng vẫn rất phức tạp, nhức nhối, “đâu vẫn hoàn đó” gây bức xúc dư luận xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hoan (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, trước đây vợ ông khi đi khám phát hiện một khối u ở ngực song thay vì đến bệnh viện điều trị, phẫu thuật, lại nghe và tin những quảng cáo dùng TPCN “tự ức chế mầm bệnh, tan được u”. Kết quả, bệnh không những không thuyên giảm mà giờ quá trình điều trị bệnh còn trở nên phức tạp hơn.

Hỏi một số bệnh nhân khác, vì sao không nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn trước khi sử dụng TPCN, họ đều lắc đầu. “Hỏi loại gì bác sĩ cũng đều bảo không nên dùng, vì chưa được kiểm nghiệm, vì chưa chứng minh được tác dụng, vì không có bất cứ một loại TPCN nào điều trị được ung thư. Nhưng có bệnh thì phải “vái tứ phương”, “còn nước còn tát” với “niềm tin” sản phẩm phải có hiệu quả thì nhà sản xuất và phân phối mới dám mạnh miệng quảng cáo đến thế”.

Một bác sĩ có 30 năm kinh nghiệm trong nghề chia sẻ, chỉ có rất ít bệnh nhân tham kháo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng một loại sản phẩm TPCN hỗ trợ điều trị nào đó.

“Về nguyên tắc, tôi không thể tư vấn không dùng bởi như thế là đi ngược với mong muốn của chính họ. Tôi chỉ cố gắng đưa ra thông tin trung thực, chính xác nhất. Quyền lựa chọn luôn thuộc về người bệnh. Tuy nhiên, thông thường, chỉ có thể thuyết phục được khoảng 30% bệnh nhân, 70% còn lại vẫn quyết định bấu víu vào niềm hy vọng mà họ cho là duy nhất”.

Bác sĩ cũng cho hay, bệnh nhân thường luôn có xu hướng giấu nhẹm những sản phẩm mình đang sử dụng. Chỉ tới khi chúng gây ra những tác dụng phụ không thể cứu vãn mà bác sĩ điều trị dễ dàng phát hiện ra nhờ các chỉ số xét nghiệm, 15 - 20% người bệnh mới chịu khai thật. Điều này rất có hại, cho chính bản thân người sử dụng cũng như quá trình điều trị sau đó.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội TPCN, trên thị trường TPCN hiện nay, hơn 70% số thực phẩm chức năng được tiêu thụ ở nước ta là hàng sản xuất trong nước, hơn 20% còn lại là hàng nhập khẩu. Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng. Số sản phẩm được lưu hành trên thị trường là 63 sản phẩm. Đến năm 2017, có tới gần 4.190 công ty đăng ký sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng. Số lượng sản phẩm được lưu hành cũng lên tới hơn 10.930 sản phẩm. Nếu không có sự quản lý tốt trong việc quảng cáo loại sản phẩm này, hệ lụy sẽ vô cùng lớn.

Để tiếp tục xử lý nghiêm tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng trên thị trường, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong -  Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, thời gian tới, cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra với tần suất lớn kết hợp với việc thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới người tiêu dùng.

Cùng với đó, khi phát hiện sai phạm sẽ tiến hành xử phạt với khung cao nhất để răn đe. Cục An toàn thực phẩm cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên thị trường nhằm đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.

Căn cứ theo khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm:

“Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;

b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;”

Ngoài ra, có trách nhiệm phải tháo gỡ; tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; và buộc phải cải chính thông tin bị sai.

Xử lý hình sự

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật hình sự 2015:

"Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trúc An/Doanhnhanvn.vn
04/19/2021 06:47

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/hoang-mang-nhu-lac-vao-thi-truong-thuc-pham-chuc-nang-20201231000001542.html