Keep Going - có một Masan khát vọng đi tới

TS. Võ Trí Thành ngày càng trở nên “gồ ghề” trong cảm xúc và suy nghĩ. “Gồ ghề” bởi ông đã dành cả cuộc đời bươn trải quan sát và phân tích chính sách. “Gồ ghề” bởi chính những va đập trong trải nghiệm về quá trình đổi mới và cải cách của Việt Nam. Một tâm hồn đa cảm đến khó hiểu, dường như ông phảng phất sự máu lửa của một doanh nhân hơn là một nhà quan sát và tư vấn chính sách.

Tôi đã mất khá nhiều thời gian để lý giải một điều, rằng ông thích gì và ông cần gì. Thì ra, ông thích bàn về doanh nghiệp và doanh nhân, về khát vọng kinh doanh của những doanh nhân dân tộc đích thực. Và ông muốn nói ra những điều thắng thắn, những góc nhìn chưa ai nhìn thấu, kể cả là những điều người khác ngại nói về một doanh nhân.

Cuộc trò chuyện trong những ngày cuối Xuân không định trước bất ngờ rẽ ngang sang câu chuyện của một doanh nhân đặc biệt như thế, về sự lớn mạnh và phát triển của một tập đoàn hôm nay tròn 25 năm tuổi, mà như cách nhìn và quan sát của ông, họ là những doanh nhân dân tộc, những doanh nghiệp dân tộc đang tiếp bước với những khát vọng mới!

Điều thú vị là, TS. Võ Trí Thành chưa một lần gặp mặt vị doanh nhân ấy.

Nguyễn Đăng Quang

 

- Tôi vừa đọc xong cuốn sách “Không Chùn Bước - Keep Going” của Joseph M. Marshall III. Qua đó, tôi nhận ra kho báu quý giá nhất của cuộc sống là một hành trình vượt chướng ngại và nghịch cảnh. Ẩn sau những nghịch cảnh là cơ hội để ta nhận ra sức mạnh vô tận của bản thân.

Con đường ta đi rất dài, việc ta sống như thế nào sẽ ảnh hưởng đến ta sau này. Ta sẽ theo đuổi mơ ước hay chùn bước, để rồi nhẫn tâm cắt bỏ những khát vọng chính đáng thuộc về chính mình. Quả thực, càng ngẫm nghĩ, càng tỉnh thức.

Người khiến tôi tìm đọc cuốn sách này chính là doanh nhân Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan - người cho rằng “Keep Going” là nền tảng giúp Masan vượt lên mọi khó khăn, thử thách để trở thành niềm tự hào Việt Nam.

TS. Võ Trí Thành: Tôi cho rằng, Masan gắn với việc vượt khó đi lên. Giai đoạn đầu gắn với thói quen của người Việt, vốn thích ăn mì gói. Hành trình của Nguyễn Đăng Quang, có cội nguồn, gốc gác từ giai đoạn đầy khó khăn để nhảy lên làm hàng tiêu dùng cho người Việt Nam.

Thứ nhất, ý tưởng đó hay ở chỗ là lựa chọn một lĩnh vực không mới, thiết yếu, bình thường, giá thành nhỏ. Tôi cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào thì đó cũng là sự lựa chọn luôn phù hợp, bởi vì con người luôn cần những đồ dùng thiết yếu.

Trong Covid-19 chúng ta thấy rất rõ, những mặt hàng thiết yếu rất nhỏ trở thành mặt hàng chiến lược như khẩu trang, thực phẩm tiêu dùng. Tại sao đó là sự lựa chọn thích hợp, bởi vì nhu cầu luôn có, dù độ co dãn có thể thấp. Ví dụ khi giàu lên thì không vì thế mà mua thêm 100 khẩu trang, 100 gói mì hay 100 cân thịt. Tức là độ co dãn thu nhập không phải cao. Nhưng bởi luôn luôn có nhu cầu và như vậy tính ổn định, giảm thiểu rủi ro, cú sốc rất thấp.

Masan - Nguyễn Đăng Quang TS Võ Trí Thành

Thứ hai, đối với mặt hàng giá thấp thì người ta thường quan niệm là không đáng quan tâm. Ở Hà Nội xưa có bà Bệu, ai ăn dưa cà cũng mua của bà. Mà dưa cà là món bình dân hơn cả gói mì của Masan nhưng ai sành ăn cũng mua, cũng ăn dưa của bà. Và nhờ đó, bà trở nên rất giàu có.

Đằng sau đó ẩn chứa điều gì? Đó là tỷ suất lợi nhuận rất lớn, đơn giản bán một con gà mà tăng giá 5% thì lợi nhuận rất lớn. Bạn đi gửi xe đạp hay xe máy cũng thế, trước 3 nghìn nhưng giờ đã tăng lên 5 nghìn, tốc độ tăng rất cao, lên tới 60 - 70%. Đó là việc sẵn sàng chi trả và ít tính toán khi mà thu nhập của họ tăng lên.

Điều quan trọng là lĩnh vực mà ông Nguyễn Đăng Quang lựa chọn có tính cạnh tranh lớn, từ thương hiệu cho đến mạng lưới phân phối và giao dịch phải có được lợi thế về quy mô. Bởi nếu bán được ít hàng thì không ăn thua. Tôi cho rằng, đó là đặc điểm của thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu bình dị này. Đặc biệt, tương lai của ngành hàng tiêu dùng sẽ nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại, và Masan đang định hình theo hướng đó. Tôi ước tính việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ hiện đại có thể khiến Masan gia tăng khả năng tiếp cận thị trường - ngân sách tiêu dùng (wallet-share) lên gấp hàng chục lần.

Do đó, mục tiêu là cần xây dựng nhiều hơn hệ thống cửa hàng hiện đại nhằm kết nối toàn bộ các nhu cầu của người tiêu dùng lại với nhau tạo thành nơi "tất cả trong một" (one-stop shop) phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng.

Vingroup

Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, khoảng mươi năm gần đây, nhờ thương hiệu và truyền thông, nhờ quá trình thay đổi lối sống, rất nhiều mặt hàng bình dân, truyền thống lại trở thành mặt hàng đặc biệt, đặc sản, trở thành thương hiệu quốc tế, như nước tương Chinsu chẳng hạn.

Khi văn hóa, truyền thông, lối sống thay đổi thì những mặt hàng bình thường sẽ dần trở thành cao cấp, xa xỉ. Như vậy, biên lợi nhuận, giá cả sẽ tăng cao. Đó là lý do cho thấy sự lựa chọn của Masan có tầm nhìn chiến lược tốt.

Điều tiếp theo, trong trò chơi kinh doanh, khi có mặt hàng thiết yếu dù là bình dân vẫn có thể trở thành tỷ phú, trở thành tập đoàn siêu khổng lồ.

Bắt đầu từ những mặt hàng như mì ăn liền, gia vị, nước chấm, dù ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được, bởi tính cạnh tranh lớn. Nhưng với cách nhìn, cách hiểu, cách làm, sự thay đổi lối sống và cách không chỉ bán những thứ thị trường cần mà biết tạo ra những thứ hấp dẫn để bán cái mình có, đồng thời tạo ra giá trị bổ sung thì sẽ thành công.

Như vậy, khi mở rộng quy mô thì từ những mặt hàng bình thường từ những sáng tạo như của Masan, với sự phát triển như chúng ta đã thấy thì hoàn toàn có thể trở thành tập đoàn khổng lồ. Người ta hiểu chữ sáng tạo không phải là những gì mới tinh, những gì xa xỉ hay những công nghệ cao siêu như tên lửa hay máy bay. 

Nguyễn Đăng Quang

- Nói như vậy cũng có nghĩa là khi chúng ta làm việc tốt thì không nhất thiết nó phải vĩ đại. Mỗi hành động, dù là rất nhỏ, cũng sẽ trở nên vĩ đại khi tốt hơn cho người khác. Cho đến thời điểm hiện tại, triết lý chung mà Masan theo đuổi vẫn là “Keep Going - Tiếp tục đi tới”. Ông bình luận gì về triết lý kinh doanh này của Masan?

TS. Võ Trí Thành: Tôi không biết rõ ông Nguyễn Đăng Quang đưa ra triết lý đó trong bối cảnh nào. Nhưng ở góc độ của mình, tôi quan sát và thấy ở Việt Nam, có một thực tế là khi một người đã lớn lên, biết tiêu tiền, trưởng thành hơn, thì có suy nghĩ: Chẳng lẽ lại vẫn đi bán nước mắm, mì tôm?

Khi nhiều tiền, họ chuyển sang lĩnh vực khác, mà chủ yếu là bất động sản. Ở Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp khi đã thành công lại chuyển sang lĩnh vực bất động sản và thất bại. Có thể là vì không chuyên nghiệp, có thể là vì phong thủy không tốt (cười).

Từ bất động sản chuyển sang lĩnh vực khác, như cách ông Phạm Nhật Vượng lấy nguồn vốn từ bất động sản để nuôi bệnh viện, trường học và bây giờ là công nghiệp ô tô thì đó là sự lựa chọn hợp lý.

Hoặc có người lại đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ. Việc đa dạng hóa cũng khá hay nhưng phải nằm trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Khi đó sẽ tối ưu hóa được chi phí quản lý và tính liền mạch, kết nối, gắn sản phẩm với thị trường tốt hơn. Nhưng đa dạng hóa sang lĩnh vực khác thì không tạo được chuỗi cung ứng, giá trị bổ trợ cho nhau, dù phân tán rủi ro nhưng lại hạn chế về vấn đề quản trị, năng lực, kỹ năng, hiểu biết từ pháp lý đến thị trường… Trong dòng chảy lịch sử kinh tế Việt Nam, không chỉ doanh nghiệp Nhà nước mà doanh nghiệp tư nhân cũng gặp phải vấn đề tương tự.

Khi lớn lên rồi, có những thứ hấp dẫn hơn chào mời, khiến mình từ bỏ đi cái cốt lõi của mình, cái mà cho mình vượt khó, lớn lên, dù là mặt hàng tiêu dùng rất dung dị thì sẽ dễ thất bại.

Masan - Nguyễn Đăng Quang TS Võ Trí Thành

Trong thời Covid, hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn đảm bảo được dòng tiền tốt và sự chống chịu trên thị trường, dù không có những lúc thăng hoa như bất động sản. Tôi cho rằng cần có sự kiên định. Masan đã làm được điều đó. Minh chứng là kết thúc năm 2020, doanh thu đã cán mốc gần 3,5 tỷ USD, lợi nhuận cũng lên đến nửa tỷ USD, dễ gì ai làm được?!

Dư địa phát triển dưới góc độ thị trường khu vực và toàn cầu, dưới mức độ kết nối, hội nhập của Việt Nam là rất lớn. Nếu Masan tiếp tục chiếm lĩnh được trái tim, hành vi tiêu dùng của gần 100 triệu người Việt Nam và hàng triệu triệu người nước ngoài thì sẽ đủ năng lực cạnh tranh với các thương hiệu khác.

Bước tiếp, không phải theo nghĩa tôi kinh doanh mở rộng một cách dàn trải, mà tôi tin Masan sẽ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của mình, kiên định theo đuổi triết lý phía sau việc kinh doanh.

Tôi nghĩ rằng, “keep going” không phải là một chiến dịch marketing nhằm gây dựng niềm tin vào Masan hay là khẩu hiệu tạo động lực lúc gặp khó khăn. Chính xác đó là "Phương cách Masan - Masan Way".

Đằng sau ý nghĩa cổ vũ kinh doanh, “keep going” còn định hình một Masan không phải với mục tiêu trở thành tập đoàn kinh doanh tỷ USD và tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận, mà để theo đuổi lý tưởng trở thành niềm tự hào Việt Nam bằng cách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người Việt.

Tiền bạc không thể mãi mãi là tiền bạc, bởi như vậy tiền bạc sớm muộn sẽ mất đi. Để thành tựu trường tồn, cách tốt nhất là “keep going” – Hướng theo con đường đúng đắn và doanh nghiệp trở nên có ý nghĩa hơn với xã hội.

Thỉnh thoảng có người đồng ý hoặc không đồng ý nhưng dần dần mọi người sẽ nhận ra điều đó.

Nguyễn Đăng Quang

- Hóa ra, người giàu cũng có những nỗi sợ chẳng giống ai. Tôi phát hiện ra tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là người sợ nhân viên. Tôi còn nhớ cách đây vài năm, khi được hỏi về việc đưa nước mắm sang thị trường Thái Lan so với trước đây đưa mì gói, tương ớt sang Nga, nỗi sợ lớn nhất của ông ấy là gì thì nhận được câu trả lời: Trước đây một người làm 5 việc, còn bây giờ 5 người làm một việc.

Tôi cũng hiểu rằng, khi có 5 người nhưng một ông chỉ, một ông nói, một ông giúp việc, một ông kiểm tra, chỉ có mỗi một ông làm thì rắc rối sẽ nảy sinh. Chưa hết, tâm lý lớn mạnh, kẻ cả sẽ khiến người lãnh đạo ngại nói chuyện với khách hàng ở ven đường, vỉa hè để tìm hiểu nhu cầu thì đó là nguy cơ rất lớn…

TS. Võ Trí Thành: Nếu nói điều đó với nhân viên thì có thể thấy, sự quyết liệt của ông Nguyễn Đăng Quang là điều cực kỳ quan trọng, khi đã cùng với Masan bươn trải, trưởng thành để lớn được như ngày hôm nay.

Người Viettel có một câu rất hay: “Không bao giờ nghĩ mình là số 1”. Paul Krugman, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel cũng có hàm ý tương tự: Khi nói đến kinh tế thị trường thì doanh nghiệp nào cũng ủng hộ, nhưng nói đến cạnh tranh thì đa số doanh nghiệp không thích. Chúng ta phải hiểu thị trường là gì? Cốt lõi của thị trường là cạnh tranh. Không có cạnh tranh thì không phải thị trường. Người ta thường không thích cạnh tranh, mà thích độc quyền.

Quay trở lại câu chuyện bạn kể, tôi nhận ra rằng, không bao giờ Masan đặt ra khẩu hiệu trở thành số 1. Bởi vì như vậy thì tính cạnh tranh sẽ bị thui chột, bằng lòng với hiện tại, không còn áp lực, dễ buông xuôi… Bởi khi công ty còn nhỏ, nhuệ khí hừng hực, ai cũng nhiệt tình không nề hà việc gì nên sẵn sàng làm mọi thứ để có thể thành công. Năng lượng lớn, sáng tạo và không ngừng tiến bước. Nhưng khi đã trở thành công ty lớn mạnh, người ta dễ sinh bệnh thích hoành tráng, quan liêu, cầu kỳ nhưng lại không hiệu quả.

Cũng có thể hiểu theo nghĩa, ông Nguyễn Đăng Quang đang nhắc nhở nhân viên không được nghĩ mình đã lớn, mình trên đỉnh vinh quang hay khi mình là số 1 thì mình bắt đầu dừng lại.

TS Võ Trí Thành Masan

- Nhưng chuyện một người làm 5 việc, còn bây giờ 5 người làm một việc thì sao?

TS. Võ Trí Thành: Khi doanh nghiệp lớn lên thì mức độ chuyên môn hóa cao hơn. Khi tôi làm việc với một doanh nhân nữ ở Hà Nội cách đây vài năm, chị ấy bộc bạch: Khi chúng tôi càng thành công, càng có vị trí cao thì lại càng cô đơn. Cái cô đơn này có hai lý do, khách quan theo nghĩa là khi lớn hơn thì công việc phân tầng, phân lớp chuyên môn hóa và không cần làm việc trực tiếp, không còn giao diện gần gũi và đó là lúc mà những khoảng trống sẽ nhiều hơn.

Thứ hai, khi phân tầng thì bản thân nhân viên các cấp cũng ngại thổ lộ, bộc bạch. Bởi khi người ngoài nhìn vào sẽ thấy giống như nịnh bợ.

Khi tôi viết lời tựa cuốn Cẩm nang lãnh đạo có nhấn mạnh, dù tử tế, tài giỏi nhưng lãnh đạo phải rèn luyện. Anh cần phải tạo uy chứ không thể “cá mè một lứa” với nhân viên. Đây là lựa chọn không dễ cho lãnh đạo, phải làm sao để thu hút, quan tâm tới nhân viên mà lại không phải buông thả, “cá mè một lứa” đời thường với nhân viên thì phân tầng cấu trúc quyền lực, quản trị sẽ không tốt.

Quản lý cấp dưới và cấp trên có khoảng cách, dễ tạo sự cô đơn. Khi những con người làm việc bằng trí óc nhiều và nhìn vào những khoảng lặng đó sẽ thấy lẻ bóng.

Đó là những điều mà ông Nguyễn Đăng Quang đã nhìn ra và cảnh báo nhân viên mình. Tôi cho rằng khi đã nhìn ra điều đó và có phương cách thì sẽ chẳng còn nỗi sợ nào nữa!

Tập đoàn Masan - Nguyễn Đăng Quang

- "Ông trùm" nước mắm, mì gói dẫn thêm lời khuyên của một nhà quản lý rất nổi tiếng tại Việt Nam khi nói về nỗi lo sợ dành cho Masan cũng như các tập đoàn lớn nói chung: "Lúc bạn nghèo, thấy đồng 5 hào bạn sẽ cúi xuống nhặt. Thế nhưng, lúc giàu rồi thì bạn lấy chân đá bụp một phát và nghĩ ‘chẳng đáng công tao cúi xuống’. Con người trở nên trịnh trọng, quan cách và xa rời thực tế chính là thảm họa của tổ chức".

Để giải bài toán này, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cho biết mình luôn cố gắng để những người bạn đồng hành thấm nhuần tôn chỉ: "Tôi có năng lực làm điều đấy, tôi rất muốn điều đó xảy ra và tôi sẽ làm điều đó".

TS. Võ Trí Thành: Trước khi nói về ham muốn, tôi muốn nhắc tới triết lý về học thuật. Có một câu chuyện đồn đại về Bill Gates được nhiều người biết đến: Nếu Bill Gates đang bước đi trên đường và trông thấy tờ 100 USD ai đó đánh rơi, ông sẽ không cúi xuống nhặt lên. Bởi với thời gian đó, Bill có thể làm ra số tiền gấp nhiều lần giá trị của tờ tiền 100 USD này.

Masan - Nguyễn Đăng Quang TS Võ Trí Thành
Đây là một trong những nguyên lý cơ bản nhất của kinh tế học là vấn đề chi phí cơ hội. Chi phí cơ hội là cái có thể mất đi khi không thể dành nguồn lực (thời gian, công sức, tiền bạc…) để làm được việc tốt nhất. 

Ví dụ, với thời gian cúi xuống nhặt 1 đồng, bạn có thể làm được 10 đồng, thì chi phí cơ hội là 9 đồng – bạn đã đánh mất. Theo đó, bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng phải đảm bảo nguyên lý về chi phí cơ hội. Chúng ta cần phải tranh thủ nguồn lực và luôn luôn so sánh, đối chiếu cách thức làm thế nào để đạt hiệu quả nhất. Đó là một khía cạnh tốt, ta có thể hiểu theo nghĩa của Bill Gates - Không hề cúi xuống nhặt nhưng lại rất tôn trọng 100 USD đó.

Còn một ý nghĩa quan trọng hơn, là mối quan hệ giữa con người và tiền bạc - Thuần túy hiệu quả kinh tế và xúc cảm của con người. Tôi tin ông Nguyễn Đăng Quang đang hàm chứa triết lý đó trong câu nói của mình. 

Nếu như lấy chân đá bụp một phát thì khác. Bill Gates có thể không nhặt nhưng không đá chân hoặc chỉ cho người khác nhặt. Ở đây, ông Nguyễn Đăng Quang muốn nhắc nhở nhân viên của mình, vấn đề không phải là tiền bạc mà là thái độ ứng xử thể hiện giá trị con người.

Kinh tế thị trường nhưng đừng bao giờ quên giá trị cốt lõi của con người là xúc cảm. Cái chân, thiện làm nên một con người, vì mình có trí tuệ, sức mạnh, xúc cảm. Nếu như không có ba cái đó thì nguy hiểm, nói vui là hiện tại người máy có sức khỏe hơn, có thể thông minh tính toán nhanh hơn con người, nhưng không có xúc cảm. Nếu giả sử người máy có xúc cảm thì hoàn toàn có thể thay thế con người.

Tôi cho rằng, triết lý “rèn quân” của Nguyễn Đăng Quang hay ở chỗ: Tiền bạc quan trọng, nhưng không bao giờ được quên chúng ta vẫn có xúc cảm của con người và một trong những sự phát triển bền vững là gắn được những xúc cảm tốt đẹp của con người vào cách thức tổ chức quản lý và đường hướng kinh doanh.

Chỉ khi nhận diện được điều ấy, người Masan mới có năng lực để làm, mới muốn làm, và sẽ làm. Điều đó sẽ hun đúc nên những khát vọng lớn hơn, không chỉ cho mình mà cho chính đất nước, cho dân tộc Việt Nam.

Doanh nhân phải có khát vọng hơn ai hết. Phải thẳng thắn nhìn vào năng lực, giá trị của mình và dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhưng tôi muốn nói thêm, lãnh đạo là cả quá trình rèn luyện và học hỏi, không chỉ do gen tốt. Những người thiên tài 99% là do lao động (cười). Người ta thường nhấn mạnh những câu rất hay, đó là: “Tốc độ hơn quy mô” và “Học để biết cách học”.

Tập đoàn Masan - Nguyễn Đăng Quang

- Từ câu chuyện của ông Nguyễn Đăng Quang, ông có thể miêu tả xúc cảm và khát vọng của các doanh nhân Việt Nam hiện nay?

TS. Võ Trí Thành: Tôi cảm giác đó là cái thật. Cũng có thể khi các doanh nhân nói về khát vọng, có một chút ý nghĩa chính trị mang tính cổ vũ, xong ẩn sau đó là trái tim, là sự chân thành.

Lý do là khi đủ lớn, đủ trưởng thành, đủ giàu có, từ Nguyễn Đăng Quang cho đến Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Thái Hương, Trần Bá Dương, Trương Gia Bình…, đều muốn làm cái gì đó vượt lên chữ nhiều tiền. Dù hành động đó là vì cá nhân thì cũng phải gắn với sự phát triển của đất nước thì mới thực sự có ý nghĩa. 

Masan - Nguyễn Đăng Quang TS Võ Trí Thành

Cái thật thứ hai là giai đoạn đầu khi có tiền thì hay trưởng giả. Nhưng khi có rất nhiều tiền và bươn trải, dù tiền vẫn rất quan trọng, nhưng những doanh nhân đó sẽ nhìn nhận giá trị cuộc sống khác hơn.

Cái thật thứ ba là giai đoạn vừa rồi, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân chuyển giao thế hệ. Những người ngoài 60 tuổi bắt đầu lùi lại phía sau. Nhưng có một thực tế, một trăn trở là sự chuyển giao đó, để đảm bảo sự thành công thì thời gian chưa đủ để kiểm nghiệm. Xong những thất bại là có.

Mặc dù thế hệ sau có thể học hành rất bài bản. Có rất nhiều nhân tố và nếu chỉ chuyển giao tài sản, thậm chí cả công nghệ quản lý là chưa đủ. Doanh nghiệp phải chuyển giao được giá trị cốt lõi trong kinh doanh. 

Nhưng khi thế hệ kế tiếp cảm nhận được sự thôi thúc phải sống đàng hoàng hơn của thế hệ đi trước - Những người đã phải mất nhiều thời gian, sức lực để sống, để đủ ăn, đủ mặc... trước khi gây dựng được sự nghiệp như hiện tại, thì kinh doanh có thể không chỉ là một nghề, mà sẽ trở thành đam mê, thành hoài bão.

Khi đó, câu chuyện về khát vọng bắt kịp, đi cùng và có thể vượt lên ở một vài điểm nào đó sẽ không là giấc mơ hay ước vọng hão huyền…

Ngay cả những người có triết lý hào sảng, bay bổng quá trời với “thánh địa cà phê” như Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng phải thốt lên: Nhiều tiền để làm gì? Câu cảm thán này đầy cay nghiệt. Làm gì có ai chê tiền?

Ngay cả một người có triết lý như Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng vẫn đang rất đau đáu, trăn trở và tiếp tục định hình được giá trị cốt lõi trong kinh doanh của mình. Điều đó có ý nghĩa gì?

Chỉ có cái thật trọng giá trị cốt lõi kinh doanh mới định hình và làm nên những doanh nhân tiêu biểu như bây giờ.

Dù có người cho là ngôn từ, là cách nói, nhưng tôi cảm nhận phần chân thật rất rõ khi được nghe, được thấy các doanh nghiệp nói với nhau về khát vọng muốn lớn lên, muốn mạnh hơn, muốn sánh vai với các cường quốc.

Masan - Nguyễn Đăng Quang TS Võ Trí Thành

- Trong điều kiện thông thường, để một công ty Việt Nam nghiên cứu và phát triển một sản phẩm dành riêng cho người Thái (còn là thủ phủ của nước mắm) thì thời gian phải mất vài năm. Tuy nhiên, trường hợp Masan khá kỳ diệu. Trong buổi trả lời phỏng vấn vào đúng ngày Chin-Su Yod Thong được bán ra trên khắp Thái Lan (4/10/2016 – sau 9 tháng triển khai), ông Nguyễn Đăng Quang cho biết, đó là một ví dụ điển hình về "gen Masan" – Một tập hợp của những tính cách "Lì" (Không bao giờ từ bỏ) – "Liều" (Nói được là phải làm cho bằng được) – "Tham" (Khát vọng, hoài bão) và Chia sẻ.

Thực ra, ở khu vực này, thực phẩm, đồ uống đúng là lãnh địa của người Nhật và người Thái. Nhiều bài học đã cho thấy khi đặt chân vào, cơ hội rút chân về gần như là không có. 

TS. Võ Trí Thành: Triết lý về “gen Masan” rất thú vị.

Tôi hay dùng hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam có “lớn” nhưng chưa đủ “lớn mạnh”. Một số doanh nghiệp ít nhiều đã có nguồn lực, có điều kiện hơn để “đi tắt đón đầu” và có thể bắt kịp xu hướng thời đại. Song để thực sự “lớn mạnh” là cả một câu chuyện đầy thách thức.

Lớn mạnh theo nghĩa là phải làm chủ công nghệ và có năng lực sáng tạo cao; là phải có thương hiệu đầy sức cuốn hút, dần được thế giới ghi nhận. Lớn mạnh là phải tạo ra những sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của cuộc cách mạng tiêu dùng mới (xanh, thuận tiện/thông minh, nhân văn, và cá tính/biểu tượng người dùng). Lớn mạnh hơn nữa là chi phối hệ thống phân phối cùng tạo được hiệu ứng lan tỏa cao.

Để trở nên “lớn mạnh”, những người đứng đầu doanh nghiệp lớn phải thực sự có khát vọng, sự dấn thân, phải có tầm nhìn toàn cầu, bản lĩnh, sự chuyên nghiệp và khôn khéo. Đó chính là chữ “Tham” như cách nói của ông Nguyễn Đăng Quang. 

Cạnh tranh là cạnh tranh thật bằng sản phẩm, thành quả thật. Lớn mạnh còn là sự tiên phong trong đột phá phát triển và đầu đàn trong tạo dựng mạng liên kết sản xuất, kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và chính vì vậy, họ phải tạo được khả năng thu hút những người tài/những kỹ năng tốt nhất trên toàn cầu. Khi đó, giá trị, đóng góp và hình ảnh, thương hiệu của họ sẽ tăng lên nhiều lần. Đó chính là “Lì” và “Liều”.

Một doanh nghiệp lớn mạnh trong thời đại ngày nay có hai điều quan trọng: Thương hiệu toàn cầu và giá trị sáng tạo (theo nghĩa rộng).

Trước đây, khi viết một bài báo về EVFTA, tôi có nhấn mạnh: Đã chơi thì phải tự tin. 

Phải dám chơi và đã chơi là phải tự tin. Tất nhiên, cái chính đáng là học, là trải nghiệm. Chứ không phải cứ liều là không học.

Nhưng điều đó không có nghĩa là anh biết tất cả rồi anh mới dám chơi. Trong tiếng Anh vẫn có từ: Learning by doing – Học qua bươn trải, học qua trải nghiệm.

Với một thế giới thay đổi chóng mặt như hiện nay, đầy cơ hội và rủi ro, anh không thể chờ cho đến khi anh biết tất cả rồi anh mới lăn vào. Mà "muốn ăn thì phải lăn vào bếp". 

Masan - Nguyễn Đăng Quang TS Võ Trí Thành

Tôi nghĩ đó là hàm ý của ông Nguyễn Đăng Quang. Tất nhiên, con người ta không có khát vọng thì không thể làm được điều đó. Nhưng từ khát vọng, anh có dám làm không thì là chuyện khác.

Bài học của nền kinh tế này đã cho thấy điều đó. Cần nhớ rằng khi chuẩn bị tham gia vào ASEAN, chúng ta có hiểu Hiệp định Thương mại tự do là gì đâu? 

Khi đàm phán BTA với Hoa Kỳ, có rất nhiều nội hàm chúng ta chưa hiểu đủ sâu, thậm chí là chưa hiểu. Nhưng rồi chúng ta vẫn chơi và vẫn thắng theo một nghĩa nào đó.

Khi chưa hiểu thì nghe, rồi dần dần nghe và hiểu, hiểu rồi làm, làm rồi trở thành thành viên chủ động, tích cực. Chứ cứ chờ đến khi nào hiểu mới vào ASEAN hay ký hiệp định với Hoa Kỳ thì sẽ chỉ luôn đi sau.

Cách chơi của ông Nguyễn Đăng Quang là minh chứng cho nhận định đó.

- Nhưng dường như ông đang hàm chứa một điều tôi cho là có ý nghĩa hơn, từ câu chuyện của Masan, gợi lên câu chuyện khởi nghiệp ngoài chữ S?

TS. Võ Trí Thành: Hội nhập mang lại giá trị gì cho Việt Nam?

Thứ nhất, sân chơi rộng lớn hơn, sự lựa chọn phong phú hơn. 

Nhưng hãy nhớ rằng, nước khác cũng sẽ có sân chơi và sự lựa chọn lớn hơn. Như vậy, phải chấp nhận cạnh tranh hơn.

Thứ hai, biết người ta làm cái gì để mình làm tốt hơn. Như vậy, sẽ học được những chuẩn mực, thông lệ, cách thức kinh doanh tốt nhất. Đó là quá trình cải cách thể chế, công nghệ. 

Cùng với gắn kết, học hỏi, sẽ biết được giá trị của mình và tự tin hơn. 

Ngoài Vingroup, Viettel, FPT, TH, Masan…, bắt đầu đang nhen nhóm hình ảnh thương hiệu toàn cầu chứ doanh nghiệp Việt Nam đã có mấy thương hiệu thực sự lớn mạnh theo nghĩa đó đâu!

Còn nói về công nghệ, có bốn cấp: Tiếp thu - Làm chủ - Cải tiến - Sáng tạo. Bước bốn, ở Việt Nam không có nhiều và chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở một vài doanh nghiệp như tôi vừa kể tên.

- Quay trở lại câu chuyện trong nước, khi công bố thương vụ mua lại VinCommerce, ông có tin vào bước đi chiến lược này của Masan không? 

TS. Võ Trí Thành: Tôi tin. Nhưng tôi nghĩ bạn nên đặt câu hỏi: Nếu như ông Nguyễn Đăng Quang bỏ lỡ thương vụ ấy, Masan sẽ ra sao? Liệu có đủ sức để hiện thực hoá tham vọng trở thành tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ hùng mạnh của Việt Nam và có vị thế lớn trên thế giới hay không?

Tôi nghĩ nếu như không hành động như vậy, Masan sẽ lâm nguy.

Nhưng tôi tin là có nhiều người không tin, thậm chí là nhân viên, các nhà đầu tư cũng sẽ có sự lung lay nhất định. Sau cú bắt tay, Masan đã tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ VinCommerce, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ. Thực ra với lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ, nhiều khi phải chấp nhận lùi một bước để tiến nhiều bước. Phải đánh đổi tốc độ tăng trưởng để xây dựng nền móng của một doanh nghiệp có quy mô khổng lồ và lợi nhuận vượt trội.

Để làm được điều đó, cần đến tinh thần hành động. Và ngay lập tức, ông Nguyễn Đăng Quang đã "xắn tay áo", quyết liệt đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả quy trình logistics và luân chuyển hàng hóa, cũng như tinh gọn danh mục hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặt trọng tâm vào người tiêu dùng thay vì thúc đẩy doanh số. Đến hết năm 2020, VinCommerce đạt EBITDA hòa vốn, dự kiến dương vào quý I/2021.

Tập đoàn Masan - Nguyễn Đăng Quang

- Khi tiếp xúc với người của Masan, tôi được nghe một câu chuyện do ông Nguyễn Đăng Quang kể với nhân viên của mình. Đó là chuyện về 2 người cùng được giao nhiệm vụ đi tìm thị trường cho giày da tại một nước rất lạc hậu ở châu Phi.

Một người đi về rất thất vọng và báo cáo: Ở đó chẳng có cơ hội nào cả bởi người dân ở đó không quen đi giày. Người còn lại về thì hồ hởi thông báo: Đó là một thị trường khổng lồ, tất cả mọi người đều có 2 chân và chưa ai bán được một đôi giày nào cho họ cả. Những người ở Masan thuộc mẫu thứ 2.

Câu chuyện này gợi cho ông suy nghĩ gì về tư duy kinh doanh của Nguyễn Đăng Quang?

TS. Võ Trí Thành: Tôi rất tâm đắc với triết lý đó. 

Trước đây, trên thị trường, doanh nghiệp, doanh nhân vẫn thường nói: Hãy bán thứ thị trường cần, chứ không phải bán thứ mình có.

Nhưng với thế giới ngày nay, từ truyền thông sáng tạo, hiểu biết lối sống, thúc đẩy cách sống mới, thì hoàn toàn có thể tạo ra thị trường để bán những thứ mình có, như cách Masan đang làm.

Như vậy có hai vế: Từ việc bán cái thị trường cần, xem thị trường cần gì thì ta làm cái đó tốt lên, giảm giá thành, tăng chất lượng, mẫu mã đẹp.

Nhưng bây giờ, một trong những người giỏi nhất là Steve Jobs, với triết lý: Tạo ra một sản phẩm thật hấp dẫn và khác biệt, sau đó nói với thị trường đó chính là cái họ cần.

Steve Jobs phủ nhận lý thuyết "Hãy phục vụ thị trường cái họ cần" mà cho rằng "Người tiêu dùng còn chẳng biết họ muốn cái gì cho đến khi chúng ta tạo ra nó!". 

Masan cũng đã làm tương tự, tạo ra thứ gì đó thật hấp dẫn và khác biệt đến mức không thể cưỡng lại được và sau đó nói với thị trường đó là cái họ cần.

Bây giờ là thời đại phải biết tạo ra thị trường để bán thứ mình có. Chính thời đại cho phép chúng ta làm điều đó. Tinh thần thời đại của Nguyễn Đăng Quang hay Steve Jobs là ở chỗ đó.

- Những người thông thái là biết tự tạo ra cho chính mình chứ không phải chờ đến khi có cơ hội thì mới bắt đầu?

TS. Võ Trí Thành: Đúng vậy. Giỏi nữa là với một doanh nhân, nếu nghĩ ra được trò chơi gắn với cơ hội mà chỉ 20% người làm được thì cố để làm. Nếu nghĩ ra trò chơi mà 80% người ta nghĩ ra được thì phải cân nhắc bởi vì cạnh tranh lớn. Tất nhiên, thị trường là cạnh tranh. Người tiên phong, khởi đầu thì bao giờ cũng có lợi thế trong trò chơi đó.

- Câu chuyện khởi nghiệp tại Nga của ông Nguyễn Đăng Quang – Bán thứ mà thị trường chưa cần là mì và tương ớt cho 150 triệu người Nga – Những người chưa có thói quen sử dụng mặt hàng này, và Masan đã rất thành công tại Nga với kim ngạch xuất khẩu lúc cao điểm nhất lên tới 100 triệu USD mỗi năm dường như đã thể hiện một khát vọng không hề bình thường. Tôi nhớ đến quyển sách “Nghĩ lớn để thành công”, ông Donald Trump khi ấy còn là doanh nhân đã nói: “Kinh nghiệm đã chứng minh cho tôi thấy rõ rằng khi dám nghĩ lớn, nhất định ta sẽ thành công”. Vị tổng thống đương nhiệm thứ 45 của nước Mỹ cũng từng cho rằng: “Đã mất công nghĩ, tại sao bạn không nghĩ lớn?”.

TS. Võ Trí Thành: Tôi nghĩ đó là triết lý kinh doanh của của một doanh nhân có khát vọng lớn. Khát vọng ấy gắn với sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp. Nhưng đằng sau đó, cũng là khát vọng của người Việt Nam, của đất nước Việt Nam. Thành công phải được thể hiện qua con người cụ thể, qua doanh nghiệp, việc làm cụ thể. Chỉ đơn thuần là đạt được ít thành tựu với một trăm triệu dân là chưa đủ. 

Điều quan trọng hơn như tôi nói từ đầu, có thể là mặt hàng quen thuộc, bình dân, nhưng đằng sau đó là sự sáng tạo vô tận.

Masan - Nguyễn Đăng Quang TS Võ Trí Thành

- Lúc trước, ông có nhắc đến thông điệp, học để biết cách học. Thực ra trong kinh doanh, cũng phải tử tế bằng cách tử tế hơn?

TS. Võ Trí Thành: Tôi biết ông Nguyễn Đăng Quang tin vào triết lý: "Doing well by doing good". Có thể hiểu theo nghĩa, làm tốt để trở nên vĩ đại hơn hoặc cũng có thể hiểu theo nghĩa, tử tế bằng cách tử tế hơn. Thực ra, chúng ta làm việc tốt thì không nhất thiết nó phải vĩ đại. Việc bạn làm sẽ trở nên vĩ đại khi nó tốt cho tất cả mọi người. Điều đó càng đúng với cách lựa chọn lĩnh vực kinh doanh của Masan.

Trong quản trị chiến lược thì nền tảng phải là văn hóa và công nghệ. Tôi nghĩ, hàm chứa phía sau triết lý “Doing well by doing good” chính là văn hóa. Văn hóa là gen của doanh nghiệp, là thương hiệu của Masan. Văn hóa theo nghĩa lớn nhất chỉ gồm có hai khía cạnh, xúc cảm nhân văn và sáng tạo. Chính văn hóa tạo nên gen của người Việt. Văn hóa quy định quá trình lãnh đạo, ứng xử nội bộ, ứng xử với bên ngoài, ứng xử với chính quá trình sản xuất, với sản phẩm của mình, ứng xử với lịch sử của mình, ứng xử với hiện tại, ứng xử với khát vọng của mình trong tương lai…

Khi có văn hóa, mỗi doanh nghiệp sẽ luôn “Keep Going” – Không ngừng bước tới. 

TS Võ Trí Thành Masan đăng quang


- Nó cũng giống với tinh thần người Viettel hay Vingroup: Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp.

TS. Võ Trí Thành: Khởi nghiệp là gì? Khởi nghiệp là cái đột phá, cái thay đổi, là khát vọng, là dám làm!

- Người Masan cũng có 1 tinh thần, Masan startup!

TS. Võ Trí Thành: Nghĩa là họ không bao giờ ngừng sáng tạo. Khát vọng là vô biên.

Tập đoàn Masan - Nguyễn Đăng Quang

- Tại sao gần 30 năm trước, từ Nguyễn Đăng Quang, Trương Gia Bình… những nhà khoa học được đào tạo bài bản lại lựa chọn kinh doanh trong bối cảnh ấy?

TS. Võ Trí Thành: Từ FPT cho đến Masan hay bất cứ doanh nhân nào trở về từ Đông Âu thời bấy giờ, đều có hai ý thức, hai suy nghĩ:

Một là, vượt khổ, vượt nghèo. Hình ảnh của quốc gia, của gia đình và của từng cá nhân đều phải vượt khó. Điều đó gắn với một câu chuyện, vừa rất nhỏ xong cũng rất lớn, đó là cho thế giới phải nhìn nhận lại tầm vóc của người Việt Nam. Ngày xưa, nhiều người nước ngoài ứng xử không đẹp, thậm chí là rất tệ với người Việt. Có điều gì đó hơi nhục nhã, ở cả góc độ con người và góc độ dân tộc.

Trong khi đó, những doanh nhân kia đều là những người thông minh, máu lửa làm giàu. Phần lớn thời bấy giờ là học về khoa học công nghệ. Thực ra, sự hiểu biết về kinh tế thị trường, về kinh doanh không nhiều. Cho nên, khát vọng, máu liều nguyên sơ là rất lớn và chi phối.

Tuy nhiên, cũng bởi liều nên cùng từ Đông Âu về, một lứa trở thành đại gia, một lứa cứ tằng tằng âm thầm đủ sống, còn một lứa thì cũng tù tội, chật vật. Như vậy, cũng có doanh nhân nói với tôi, thời đó liều là thắng chứ có biết gì về quản trị, thị trường đâu.

Còn đến khi đằm lại, bươn chải, học hỏi, hiểu biết hơn thì đã thua hết. Chứ không phải ai cũng thành công. Vậy nên có người phải thốt lên: Giá như nhiều tiền nhưng lại hiểu biết thị trường hơn bây giờ thì đã khác. 

- Được đào tạo trong lĩnh vực khoa học cơ bản, có lợi gì cho kinh doanh?

TS. Võ Trí Thành: Đó là cái nền tốt. Bởi vì họ rất nhanh nhạy, có đầu óc tính toán logic.

- Nhưng họ xuất thân từ cơ quan Nhà nước, có phải do cơ chế của Nhà nước không đủ để họ bứt phá?

TS. Võ Trí Thành: Tôi nghĩ là trong cái rủi có cái may. Nhà nước bấy giờ nghèo, dù ai cũng biết cần hướng đến một quốc gia dân tộc.

Tức là khi Nguyễn Đăng Quang hay Trương Gia Bình làm việc trong Nhà nước, có cái rủi đó là môi trường làm việc nghèo khổ, lương ba cọc ba đồng và cơ chế không phải dành cho những người làm khoa học, sáng tạo. Bởi hồi đó, họ bị trói buộc trí tuệ và sự sáng tạo. Từ góc nhìn họ bị coi thường và đất nước bắt đầu cải cách, dần dần mở cửa đã tạo ra môi trường kinh doanh tự do hơn.

- Nếu họ vẫn làm trong cơ quan Nhà nước thì sao? 

TS. Võ Trí Thành: Tôi nghĩ nếu như môi trường tốt hơn, thúc đẩy được sự sáng tạo, điều kiện sống tạm ổn thì tất cả những doanh nhân ấy chắc chắn trở thành những nhà khoa học (cười). Có thể là Việt Nam sẽ có những ông Nguyễn Văn Hiệu, Ngô Bảo Châu mới (cười). Nhưng rõ ràng, trong rủi có may vì môi trường như vậy nên họ rẽ hướng sang kinh doanh.

Sự thực là 100% bạn bè cùng chang lứa với tôi đều chuyển sang con đường kinh doanh, trừ tôi (cười). Có lẽ, bản năng tôi sinh ra không phải để kinh doanh. Và tất nhiên, tôi không có máu liều kinh doanh.

Thời đại đó mà không như vậy thì sẽ không có những doanh nghiệp như ngày nay. Cái “Liều” mà ông Nguyễn Đăng Quang nói, cũng phải nhắc lại là ở chỗ đó.

- Nhưng đất nước ta đã bỏ lỡ một cơ hội để người tài phát huy vai trò của họ trong chính những điều người ta được học?

TS. Võ Trí Thành: Nói đến cơ hội, chúng ta lỡ mất 10 - 15 năm do chậm cải cách, đó là từ sau năm 1975 thống nhất đất nước cho tới cuối những năm 80, khi bắt đầu đổi mới. Tất nhiên, có những cải cách bộc phát như Chỉ thị 100, khoán 10, nhưng nhìn chung là dai dẳng, âm ỉ kéo dài. Từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa quá nhiều gian nan và mất nhiều thời gian.

Cơ chế đó tạo ra những người mà hôm nay có thể là anh hùng, ngày hôm sau lại phạm luật. Cơ chế như thế tạo ra những con người liều. Vậy nên mới sinh ra câu: “Tự cứu lấy mình” khi bắt đầu cải cách. Trước khi chờ trời cứu thì hãy tự cứu lấy mình!

- Tuần trước, tôi có đọc trên Vnexpress bài báo dẫn nhận định của ông, rằng di sản của nhiệm kỳ cũ là khát vọng về sự thay đổi. Khát vọng đó, khi nhìn vào các doanh nhân hiện nay, Nhà nước cần thay đổi những gì?

TS. Võ Trí Thành: Tôi tin rằng, doanh nhân là những người trụ cột, đưa Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Masan - Nguyễn Đăng Quang TS Võ Trí Thành


Tôi nghĩ, Nhà nước cần tập trung cải cách thị trường, thúc đẩy mở cửa hội nhập. Trong góc nhìn tổng thể ấy, cần thừa nhận, đánh giá đúng vai trò của tư nhân. Kinh tế thị trường là cạnh tranh, là tư nhân, là sở hữu tư nhân và doanh nghiệp tư nhân. Mà tư nhân là ai? Là CHÚNG TA cơ mà!

Nói tới kinh tế thị trường thì “trái tim” là cạnh tranh, người chơi – doanh nhân chính là thực thể. Nếu nhìn cả quá trình cải cách chuyển sang kinh tế thị trường, nhìn nhận vai trò của khu vực tư nhân thì đó là cả một hành trình dài, nhiều trắc trở.

Từ chỗ thừa nhận kinh tế nhiều thành phần trong đó có lĩnh vực kinh tế tư nhân, thì dần dần mãi tới Đại hội XII mới chính thức thừa nhận kinh tế tư nhân có vai trò, động lực quan trọng trong nền kinh tế. Đó là cả một hành trình dài để chúng ta dám chơi với kinh tế thị trường, hiểu kinh tế thị trường.

Mặc dù có những nỗ lực đổi mới và cải cách nhưng nói dân gian một chút thì cả một thời kỳ dài người ta truyền tai nhau có câu “Xanh cỏ đỏ ngực” với những năm 80, sang đầu những năm 90 là “Vỗ béo rồi thịt” và cho đến bây giờ vẫn còn rơi rớt một chút.

Dù xây nền, đắp móng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup hay tập đoàn thì tư nhân chính là CHÚNG TA, là người Việt Nam, là hàng triệu doanh nghiệp và hàng triệu hộ gia đình Việt Nam. 

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, ở Việt Nam manh nha xuất hiện khái niệm và ý tưởng vun đắp các doanh nghiệp dân tộc. Ý tưởng là xây dựng những doanh nghiệp người Việt Nam làm chủ ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, không phân biệt thành phần.

Thời gian gần đây đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong góc nhìn và thái độ ứng xử với doanh nhân, nhờ những bước tiến kỳ diệu của kinh tế tư nhân. 

Thế nhưng, xã hội vẫn còn lăn tăn về người giàu và đại gia, vẫn có cái gì đó chưa chính đáng, chưa đẹp đẽ.

 

 

 

 

 

Tập đoàn Masan - Nguyễn Đăng Quang

- Quay trở lại câu chuyện của ông Nguyễn Đăng Quang. Khi phát triển với tốc độ quá nhanh, Masan bị gắn với khá nhiều tin đồn. Khi bắt đầu đình đám tại Việt Nam, người ta đồn đây là công ty do các Việt kiều ở Nga về thành lập và đứng phía sau là những "ông trùm" đến từ nước Nga xa xôi. 

TS. Võ Trí Thành: Cần hiểu rằng trong thế giới tài chính thì ủy quyền rất phổ biến và chính sự phổ biến ấy trong thế giới dịch chuyển tài chính tinh xảo thì mọi điều đều có thể.

Trên cơ sở đó, nếu như vấn đề tài chính minh bạch, pháp lý đầy đủ thì dù là vốn nước ngoài cũng nên khuyến khích, bởi suy cho cùng vẫn là làm cho doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt lớn mạnh hơn.

Nhưng còn một góc nhìn khác quan trọng hơn, hãy nhìn sự phát triển của doanh nghiệp do người Việt làm chủ - Masan.

Hãy nhìn dưới hai góc độ: Thứ nhất là giá trị mà họ mang lại. Đó là giá trị cho thị trường, cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng, cho những doanh nghiệp liên kết trong chuỗi giá trị. Nếu nói hào sảng là giá trị phát triển cho đất nước.

Còn góc độ thứ hai là ứng xử, hành động kinh doanh thực tế của họ. Những giá trị, cốt cách của họ.

Phải nhìn được những điều đó, hiểu được những điều đó rồi mới phán xét cũng chưa muộn.

- Tôi thấy việc đánh giá Masan hay bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào như vậy cũng là do tâm lý tự ti, nhược tiểu, luôn nghĩ chỉ người nước ngoài hay Việt kiều mới làm được những điều to lớn. 

TS. Võ Trí Thành: Tôi vừa đồng tình, vừa bổ sung một chút. Trong thế giới ngày nay, không chỉ trong kinh doanh, tại sao chúng ta không dựa vào những người khổng lồ để mình vươn lên, học hỏi. Chúng ta hội nhập cũng là điều kiện để chúng ta chơi với những đối tác mạnh và giỏi, với thị trường cao cấp. Những tập đoàn lớn trên thế giới trước đây có thể là túp lều tranh nhưng họ lớn hơn khi học hỏi, biết vươn lên, có khát vọng, dám làm, dám liều. Biết đứng trên vai người khổng lồ không có gì là xấu hổ cả. Trong xã hội kết nối, quan trọng là ở mình, tự tin và dám vươn lên. Thay vì nói mình giống người nước ngoài, sao không nói người nước ngoài giống mình (?!)

Đặt tên doanh nghiệp là Masan, ông Nguyễn Đăng Quang muốn gửi gắm thông điệp: Mạnh và Sáng trên dải đất hình chữ S. Nhưng dường như để “Masan” trên dải đất hình chữ S, phải thu hút được nhiều nhân tài trên thế giới. Tôi biết, ông Nguyễn Đăng Quang cũng nhiều lần tự nhắc nhở Masan không phải hoàn hảo, không thật sự giỏi nhất, cho nên cần phải “keep going” với nhiều người tài năng và tâm huyết trên toàn cầu.

Masan - Nguyễn Đăng Quang TS Võ Trí Thành

Tôi tin ông Nguyễn Đăng Quang đã tạo ra được một động lực quan trọng, để kéo người tài về với Masan. Đó là tạo ra môi trường đủ thử thách xem ngưỡng năng lực của mình đến đâu và theo đuổi được đam mê. Đây là sân chơi như một dự án khởi nghiệp của chính họ.

Tập đoàn Masan - Nguyễn Đăng Quang

- Tôi thấy công thức để thành công ở Masan khá rõ ràng. Mọi người làm việc có thành quả đều được tham gia chương trình ESOP với số lượng không nhỏ và trở thành các nhà đầu tư. Nếu công ty tăng trưởng và phát triển, anh trở thành triệu phú, còn ngược lại thì cùng nhau đi xuyên qua khó khăn. Điều này cũng giống hệt như làm startup và bạn thắng, thua như một chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cùng nhau. Dường như ở Masan không có chủ nghĩa anh hùng cá nhân mà là kết hợp của nhiều Paven Coocsaghin?

TS. Võ Trí Thành: Paven Coocsaghin là hình ảnh dẫn dắt những người khác cùng mang lại giá trị tốt đẹp hơn cho mọi người, có sức truyền cảm, lôi cuốn và hội tụ đầy đủ ý nghĩa của một người lãnh đạo, thủ lĩnh.

Có nhiều yếu tố để làm nên anh hùng, nhưng nhìn chung, không cần phải làm những việc kinh thiên động địa mới là anh hùng mà tôi cho rằng, những người tử tế thì xứng đáng là anh hùng.

Còn anh hùng mà gắn với phẩm chất của người lãnh đạo, thủ lĩnh thì sẽ có ý nghĩa truyền cảm hứng tích cực. Paven Coocsaghin, là hình ảnh mà ông Nguyễn Đăng Quang muốn nhấn mạnh để thể hiện vai trò thủ lĩnh, dẫn dắt truyền cảm hứng, lôi cuốn mọi người đạt được khát vọng của mình.

Tôi muốn nhấn mạnh chất thủ lĩnh, bởi thủ lĩnh và lãnh đạo khác nhau. Lãnh đạo đôi khi không đủ tố chất nhưng có ghế thì ngồi, còn thủ lĩnh phải có tố chất là gen, rèn luyện, ứng xử văn hóa, cốt cách của mình tạo ra sức lôi cuốn, truyền cảm hứng.

Masan - Nguyễn Đăng Quang TS Võ Trí Thành

- Có lẽ cũng vì thế mà Masan đã dám đặt cược vào nhóm khách hàng tiềm năng tương lai và nắm bắt các xu hướng của ngành, để rồi tạo được tệp khách hàng rất rộng, đi được vào từng bếp ăn của mỗi gia đình?

TS. Võ Trí Thành: Tôi nghĩ có hai yếu tố rất quan trọng mà chúng ta đã nói từ đầu. Thứ nhất, mặt hàng rất thiết yếu, đậm truyền thống văn hóa.

Thứ hai, chất đồng hương, chất gia đình của người Việt rất tốt. Cho nên, người quen, họ hàng, gia đình, người thân… tạo ra sự truyền cảm hứng và lòng tin vào các sản phẩm của Masan.

Tập đoàn Masan - Nguyễn Đăng Quang

- Tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nhân, tri thức vừa qua, ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội. Đây phải chăng là tính cạnh tranh như ông phân tích ở trên?

TS. Võ Trí Thành: Tôi thấy nhận định đó hoàn toàn đúng dưới góc độ cải cách. Trong nền kinh tế Việt Nam, bản chất là cải cách thị trường và như tôi đã nói, trong thị trường thì trái tim chính là cạnh tranh. Chỉ có cạnh tranh mới có thể vươn lên. Trong thời đại này thì cạnh tranh không loại trừ hợp tác và học hỏi.

Masan - Nguyễn Đăng Quang TS Võ Trí Thành
Vấn đề quan trọng mà như ông Nguyễn Đăng Quang đã bàn khá nhiều lần, là chuỗi cung ứng và tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Đơn cử như câu chuyện xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Rồi đến câu chuyện nền tảng công nghệ khi Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa. Chỉ khi nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ mới tạo động lực cho phát triển.

- Có nên thiết kế những gói chính sách dành cho các doanh nghiệp, doanh nhân dẫn đầu không, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Làm sao để doanh nhân Việt Nam lớn mạnh?

Thứ nhất, tạo dựng nền tảng cạnh tranh. Phải có sân chơi tốt, chi phí giảm, môi trường kinh doanh tốt và thúc đẩy sự sáng tạo. Thông qua thị trường, khơi dậy khát vọng sáng tạo của doanh nghiệp để cạnh tranh.

Thứ hai, tạo dựng các cột kèo. Các doanh nghiệp lớn nhưng vì sao ít doanh nghiệp lớn mạnh? Bởi họ vẫn dựa vào nguồn lực truyền thống: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, sức lao động… mà đâu đó vẫn chưa thực sự minh bạch.

Bên cạnh việc hỗ trợ startup thì đều phải dựa trên nguyên tắc: Tôn trọng thị trường cạnh tranh; Tuân thủ cam kết hội nhập (Các hiệp định thương mại tự do); Không độc quyền (Độc quyền thì không có cạnh tranh). Tôi nghĩ câu chuyện và suy tư của ông Nguyễn Đăng Quang đã gợi ra nhiều suy nghĩ cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.

Nguyễn Đăng Quang Masan 2021

Và cuối cùng, để doanh nghiệp có “cột kèo” tốt thì đừng chọn người thắng cuộc mà Nhà nước nên hỗ trợ những người thắng, khuyến khích người thắng cuộc.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện đầy thú vị này!
 

Nguồn: https://reatimes.vn/keep-going-co-mot-masan-khat-vong-di-toi-20201224000002424.html?fbclid=IwAR0WdqT_m8cYZx6cpaG24sndgdSey_Bu-zXwrM2vp424BIQomVUJOxHisVQ