TP. HCM có thể “chìm trong biển nước” vào năm 2030

Nghiên cứu mới của nhóm khoa học môi trường Indonesia cho rằng 80% diện tích khu vực Đông Nam Á bao phủ bởi nước. Do đó, khu vực này thường xuyên phải đối mặt với các thảm họa liên quan đến nước như lũ lụt, lốc xoáy và bão. Những thảm họa thiên tai trên ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu.

Trong đó, Thủ đô Jakarta (Indonesia) đang là một trong những đô thị chìm nhanh nhất trên thế giới. Mỗi năm thành phố này bị chìm từ 1-15 cm. Nếu tình trạng này không được kiểm soát, Jakarta có thể bị ngập hoàn toàn vào năm 2050, theo cảnh báo của các nhà khoa học.

Ông Nirwono Joga, chuyên gia quy hoạch đô thị tại Đại học Trisakti, Indonesia, cho biết: "Hơn 40% khu vực phía Bắc Jakarta đang bị ngập trong nước. Tuy nhiên, gánh nặng phát triển các tòa nhà mới, cảng biển, khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng cho giao thông cũng như việc khai thác nguồn nước ngầm không được kiểm soát khiến việc sụt lún diễn ra nhanh hơn".

Thủ đô Jakarta đang chìm dần xuống biển. (Ảnh: cntraveller.in)
Thủ đô Jakarta đang chìm dần xuống biển. (Ảnh: cntraveller.in)

Hiện tại, vấn đề của Jakarta càng trở nên trầm trọng khi các trận lũ lụt xảy thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Điều này đang đặt ra thách thức với bất kỳ công trình xây dựng nào của thành phố để thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Trong khi đó, Bangkok được xây dựng trên vùng đầm lầy với cao độ chỉ khoảng 1,5 m so với mực nước biển. Hiện thành phố này cũng đang chìm xuống khoảng 2 cm mỗi năm, theo cảnh báo của Tổ chức Hòa bình xanh Thái Lan. Uớc tính 40% thành phố Bangkok sẽ chìm trong nước vào năm 2030 nếu không có kế hoạch nào được thực hiện để ngăn chặn việc sụt lún đất.

Manila, thủ đô của Philippines đang trong tình trạng tương tự, chìm xuống với tốc độ 10 cm mỗi năm, đa phần là do sử dụng mạch nước ngầm ồ ạt. Theo kịch bản tồi tệ nhất, Manila có thể đối mặt với 2 m triều dâng vào năm 2100 nếu hiệu ứng khí nhà kính vẫn chưa được kiểm soát. Điều này ảnh hưởng đến 62% dân số Philippines, những người cư ngụ ở vùng đất thấp ven biển.

Việt Nam cũng nằm trong danh sách các nước có nguy cơ sụt lún cao. Đáng lo ngại là theo nghiên cứu mới nhất của tổ chức Climate Central có trụ sở tại Mỹ, TP.HCM có thể bị nhấn chìm trước năm 2030, ít nhất là hầu hết các khu vực phía đông nằm cạnh sông Mê Kông và dọc theo vùng đầm lầy trũng thấp của Thủ Thiêm.

Trao đổi với báo chí, TS Tô Văn Trường - nhà nghiên cứu độc lập về tài nguyên nước, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam nhận định, đối với TP.HCM, nếu căn cứ vào các cơ sở dữ liệu được sử dụng trong các công bố quốc tế thì độ cao trung bình của thành phố hiện nay xấp xỉ mực nước biển trung bình.

Do đó, những lúc triều cường, mực nước sẽ cao hơn địa hình thành phố. Hiện tại người ta cũng chỉ ước tính trung bình mực nước biển dâng khoảng 2-4 mm/năm. Điều này đồng nghĩa với việc từ nay đến 2030 mực nước biển tăng khoảng 2-4 cm, chỉ tương đương bậc đại lượng của mức độ sụt lún (2-4 cm/năm). Nghĩa là tốc độ dâng của mực nước biển có thể nhanh hơn dự tính trước đây, nhưng không nhanh đến mức “trở tay không kịp”.

Nước biển dâng - hệ lụy của biến đổi khí hậu

Số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20 cm kể từ năm 1900. Cho đến gần đây, mực nước biển gia tăng là do thể tích nước tăng lên bởi nền nhiệt cao hơn.

Mực nước biển tăng cao sẽ có tác động “hủy diệt” trên toàn thế giới khi làm gia tăng sức tàn phá của tình trạng nước dâng do bão và khiến nhiều vùng đất liên tục chìm trong những trận lũ lụt.

Các nhà nghiên cứu khí hậu cho rằng mực nước biển sẽ tiếp tục tăng trong nhiều thập kỷ. Hệ lụy là thảm họa tự nhiên như bão, lũ lụt và lốc xoáy xảy ra thường xuyên hơn.

Chỉ trong thập kỷ vừa qua, tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng gần gấp 3 lần so với thế kỷ trước. (Ảnh minh họa)
Chỉ trong thập kỷ vừa qua, tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng gần gấp 3 lần so với thế kỷ trước. (Ảnh minh họa)

Ngày nay, hiện tượng băng tan, đặc biệt các tảng băng ở đỉnh Greenland ở Bắc Đại Tây Dương và Nam Cực tan chảy đã trở thành nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng nhanh. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phải cảnh báo về hiện tượng nước biển dâng hoặc người dân phải tản cư vì nước biển nhấn chìm các khu vực ven biển.

Theo dự thảo báo cáo của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu con người kiểm soát được tốc độ ấm dần lên toàn cầu ở mức tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - như mục tiêu đặt ra của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - mực nước biển sẽ dâng khoảng 0,5 m.

Trong trường hợp nhiệt độ Trái Đất tăng 3-4 độ C với nỗ lực kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính không hiệu quả, mực nước biển có thể sẽ tăng cao gần 1m, đủ để phá hủy hàng chục đại đô thị ven biển, thậm chí có thể nhấn chìm nhiều quốc đảo.

Thảm họa hơn nữa, nếu mực nước biển tăng cao hơn 1,2 m thì không chỉ là các thành phố, mà nhiều quốc gia ven biển hoàn toàn có thể bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/muc-nuoc-bien-dang-cao-nhieu-thanh-pho-dong-nam-a-co-nguy-co-bi-nhan-chim-61091.html