Công trình xanh nếu được làm đúng cách thì xứng đáng là hơi thở giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, gắn kết con người và thiên nhiên, mang đến sự thụ hưởng khoái trào ngay trong không gian sống của mình. Tiếc thay, khái niệm đó đang bị nhầm lẫn và ngộ nhận chỉ vì nhìn nhận nó ở một góc độ, khía cạnh nào đó!
Một công trình được gọi là công trình xanh khi có sự kết hợp của kiến trúc thân thiện với môi trường, tận dụng tối đa hóa tài nguyên và vật liệu trong suốt toàn bộ chu kỳ hoàn thành của một tòa nhà, cộng hưởng với lối sống xanh như một phần tất yếu của cuộc sống.
Ít ai biết, cây xanh gần công trình có thể nâng tầm bất động sản, bình quân khoảng 14% ở Anh, 37% ở Mỹ. Đồng thời, nó cũng có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng làm sạch sưởi ấm cho công trình, giảm tiêu thụ điều hòa đến 30% và tiết kiệm sưởi ấm 20-50%, tương đương với hiệu quả làm lạnh của 10 máy điều hòa cục bộ sử dụng 20 giờ/ngày.
Chính bởi công dụng của cây xanh nên Amazon đã chi tới 4 tỷ USD để xây dựng nên một văn phòng xanh “Spheres” tại Seattle, Washington, Mỹ có thiết kế như một khu rừng thu nhỏ với hơn 40.000 cây xanh.
Tại Việt Nam, dần dà cũng có nhiều công trình nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố này và đã kịp thời khéo léo lồng ghép sân vườn ngay trong không gian sống. Có thể nói, tương lai của nghệ thuật kiến trúc đương đại là những ngôi nhà tràn ngập mảng xanh với không gian sống phủ đầy hơi thở thiên nhiên.
Tuy nhiên, trong môi trường đô thị, thách thức lớn nhất đối với cây xanh chính là tính hệ thống và các biện pháp tăng cường tính bền vững của hệ thống, chứ không phải chỉ riêng các giải pháp phủ xanh cho công trình.
Đầu thế kỷ 21, trào lưu kiến trúc xanh phổ biến tại Việt Nam, nhiều công trình đạt giải thưởng quốc tế là động lực để phát triển xu hướng này hơn. Một cách tích cực, xu hướng kiến trúc xanh không chỉ quét qua các đô thị lớn, mà còn len lỏi vào từng ngôi nhà của người dân Việt.
Tuy vậy, nhiều công trình thực tế chỉ là những công trình bình thường, hết sức phổ thông khi chỉ sử dụng vài mảng tường gạch thông gió, gạch trần, vật liệu tre, vật liệu tái chế để khỏa lấp sự thiếu hụt của một công trình xanh cần có.
Nhận định về việc nhầm lẫn từ “xanh” trong công trình, TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng nhận xét: “Hiện nay, người ta mới đi sâu vào mảng xanh theo kiểu như cây xanh, mặt nước, đó là “xanh” theo nghĩa đen chứ chưa đi sâu vào thực chất của cái xanh. Nói là xanh nhưng chưa tính đến tiết kiệm năng lượng, chưa tính đến điều kiện ở, điều kiện sống rồi các tiện nghi đã đảm bảo được tiết kiệm các nguồn năng lượng cũng như tiết kiệm vật liệu lấy từ các nguồn thiên nhiên hay chưa”.
“Kiến trúc xanh còn bao gồm rất nhiều yếu tố, ví dụ như tiết kiệm năng lượng, xây dựng phòng ốc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là yếu tố “xanh”. Công trình có được thiết kế để hòa quyện với thiên nhiên mới là “xanh”.
Dù sớm hay muộn, khi biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường trở thành vấn đề thời đại và mang tính toàn cầu, tác động trực tiếp và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con người thì tất cả những yếu tố trên đều phải tính đến trong xây dựng. Lúc đó, kiến trúc xanh và kiến trúc bền vững mới được ứng dụng hiệu quả và là sự lựa chọn tất yếu.
Để thật sự bắt kịp xu hướng này, có lẽ kiến trúc Việt Nam cần chuyển mình để hòa hợp hơn nữa, để một công trình xanh làm bằng vật liệu bền vững nhưng cũng phải giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong suốt quá trình chế tạo, xây dựng và sử dụng, trong khi vẫn tạo nên sự thoải mái và tiện nghi nhất định đến người sử dụng. Đây cũng chính là yêu cầu của các nhà thiết kế, kiến trúc sư và thi công khi tiến hành thực hiện những dự án xanh.
Không thể phủ nhận sự vặn mình thay đổi của ngành công nghiệp xây dựng khi các vật liệu ngày càng đa dạng hóa, không chỉ phát triển thêm mới mà còn kiến tạo không gian xanh từ những vật liệu “có trăm tre, nhăm nhe làm nhà” từ ngàn đời cha ông để lại.
Vật liệu tre nứa, gỗ từ xa xưa đã tạo nên những mái nhà tranh vách nứa mát về mùa hạ ấm về mùa đông... Tuy nhiên, việc khai thác tre gỗ trái phép và quá mức đã khiến chúng ta nhận bao nhiêu thảm họa về môi trường, kéo theo bao nhiêu hệ lụy về sức khỏe, vô tình lấy đi lá phổi xanh của mẹ thiên nhiên. “Gỗ trong xây dựng phải là gỗ xanh, gỗ có nguồn gốc, trồng ở đâu, thu hoạch thế nào, đã đến thời kỳ thu hoạch chưa, có nguồn gốc xuất xứ và yêu cầu đảm bảo vật liệu ấy hoàn toàn có nguồn gốc tự nhiên không. Chứ nếu không cứ phá rừng lấy gỗ thì đã xâm phạm vào thiên nhiên và môi trường thì còn gì là bền vững nữa” - TS.KTS Bích Thuận nhận xét.
Có thể, những quy định hiện hành về vật liệu xây dựng xanh chưa đủ chuyên sâu và cụ thể khiến vật liệu xây dựng chưa được dùng đúng chỗ và đúng cách trong các công trình khiến nhiều người loay hoay với khái niệm vật liệu xanh.
Đúng như TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên - Viện trưởng Viện Kiến trúc Nhiệt đới, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội nhận định: “Có Quy chuẩn 09-2017 nhưng chưa đủ chuyên sâu. Quy chuẩn 09-2017 là quy chuẩn về các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, bao gồm rất nhiều thứ, năng lượng, hướng công trình, tường bao che. Có một số điều khoản về vật liệu nhưng nó cũng chỉ đề cập đến vỏ bao che là chính.
Còn đối với vật liệu thì phải xét theo vòng đời của nó mới thể hiện được có "xanh" hay không. Vòng đời vật liệu cho mình biết vật liệu đó có thân thiện với môi trường hay không, và sử dụng thế nào là đúng chỗ. Kể cả vật liệu thân thiện nhưng dùng không đúng chỗ thì nó lại thành không thân thiện nữa".
“Trong cái khó ló cái khôn” câu truyền đời từ ông bà chưa bao giờ là lỗi mốt. Nếu như không có quy chuẩn cụ thể về bất cứ yếu tố cấu thành nào cho một công trình xanh, người xây một ngôi nhà hoàn toàn có thể tận dụng những lợi thế sẵn có bù đắp cho khiếm khuyết của ngôi nhà để hòa hợp với môi trường xung quanh. Nếu không thể “trồng một cái cây mới vào cây gỗ đã chặt” thì hãy chuyển sang các vật liệu thay thế thân thiện môi trường khác như gạch không nung, gạch từ sợi nấm, thạch cao, xốp cách nhiệt...
Nói về lối sống xanh, dường như người Việt đang hưởng ứng nhiệt tình. Có thể thấy, những công viên trong các khu đô thị đầy ắp người tập thể dục, rác được dọn gọn gàng vào thùng, con người ý thức tiết kiệm hơn, bảo vệ môi trường hơn bằng những giàn hoa nhỏ trên ban công, bằng những chậu cây xinh trên kệ...
Ở không gian an toàn sạch sẽ đó, những thành viên trong gia đình có thể vui chơi, vận động một cách thoải mái như một cách thư giãn tinh thần trong một xã hội phồn hoa chật chội chốn đô thị.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam, đô thị là ngôi nhà lớn của cộng đồng nên cần sự chung tay chăm sóc của cả cộng đồng thì mới có đô thị xanh ở cấp độ Việt Nam, trên nền tảng lối sống, địa hình và khí hậu của Việt Nam.
Do đó, muốn có đô thị xanh phải là sự tổng hòa, sự cố gắng của nhiều bên trong việc dung hòa những va đập xã hội, va đập văn hóa giữa những người mua để họ cùng thấu hiểu và nâng cao nhận thức về phát triển công trình xanh nói riêng, đô thị xanh nói chung.
Điều này đồng nghĩa với việc công trình xanh không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà là của mọi người, những con người "xanh". Trong đó, cần có người đi đầu với tư duy lối sống "xanh" một cách rõ ràng để từ đó có sự đồng thuận và thống nhất cao khi thúc đẩy công trình xanh phát triển tại Việt Nam.
Đó là lý do tại sao việc tăng cường hiểu biết, nhận thức về công trình xanh cần được thực hiện hơn nữa, để phần cứng kiến trúc và phần mềm cuộc sống có mối giao thoa quyện chặt với nhau, để nơi sống trở thành nơi đáng sống, nơi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi thành viên trong gia đình, nơi bắt nguồn cho những kiến tạo thành công.
Xin được kết lại bằng lời của TS.KTS Trần Thanh Bình: “Nơi chốn với tư cách như một địa điểm tạo ra sự cuốn hút... Không gian nơi chốn, như cách nói kiến trúc, vật chất hóa sự cuốn hút đa chiều để trở về không phải chỉ vì khiên cưỡng bởi gia phong và cũng để đi xa không đơn thuần là theo mốt thời thượng”.