Cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh

Việt Nam được đánh giá là một thị trường mới nổi, nằm trong số các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Trải qua nhiều thập kỷ cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã lớn mạnh về số lượng, hiện đại về chất lượng. Song để vững mạnh, cần xây dựng được sức mạnh nội lực bên trong của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nội địa phải phát triển và có những doanh nghiệp “đầu đàn” không phân biệt Nhà nước hay tư nhân nhằm dẫn dắt nền kinh tế.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến 31/12/2021, Việt Nam đã có gần 860.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hàng triệu người.

Việt Nam đã có 6 doanh nhân lọt vào top tỷ phú USD toàn cầu năm 2021, có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới như: Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH True Milk, gạo ST25…

Doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ngoài ra, chất lượng doanh nhân cũng ngày càng được cải thiện. Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của VCCI về tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân, trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, có đến 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và chỉ có khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học.

Phát biểu tại buổi làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ: Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp…

“Doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định.

Phát triển doanh nghiệp bền vững gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp

Trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội. Về vai trò và định hướng phát triển các loại hình doanh nghiệp, Đại hội XI nhấn mạnh: “Cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước để doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành nòng cốt của kinh tế nhà nước”, các loại hình doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác như kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Đến Đại hội XII, Đảng tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xác định đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, bên cạnh việc khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, văn kiện xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây là một bước phát triển quan trọng góp phần khơi gợi tiềm năng to lớn trong nhân dân để phát triển đất nước.

Thực tế, phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Các mô hình tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường đang ngày càng được nhiều quốc gia lựa chọn. Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm phát triển tổng quát đã được Đảng ta xác định. Để đất nước phát triển nhanh và bền vững thì mỗi doanh nghiệp phải phát triển bền vững, nghĩa là doanh nghiệp cũng cần hài hòa 3 mục tiêu của tam giác phát triển là kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong đó, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch, định hướng của Nhà nước, tuân thủ pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, đóng góp nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tích cực thể hiện trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước hết là bảo đảm phúc lợi ngày một tốt hơn cho những người lao động của mình, đồng thời tham gia tích cực vào công tác xã hội ở địa phương, nơi doanh nghiệp hoạt động cũng như toàn xã hội nói chung.

Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, công nghệ và phương thức, mô hình kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ thì doanh nghiệp cần tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của nó vào thực tiễn, đổi mới công nghệ, áp dụng các mô hình kinh doanh mới, thân thiện với môi trường để phát triển bền vững. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam để không chỉ sẵn sàng tham gia vào chuyển giao công nghệ mà còn có khả năng đổi mới, sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ mới. Qua đó, khẳng định vai trò, vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu và có khả năng cung cấp những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, giá trị gia tăng cao. 

Với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp để trở thành một lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu; thúc đẩy văn hóa học hỏi, sáng tạo, học ngoại ngữ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới, thay đổi mô hình quản trị, phương thức điều hành; chú trọng công tác nghiên cứu và phát triển, hoạt động đầu tư nghiên cứu, phân tích và dự báo nhằm chủ động thích ứng với các thay đổi bên ngoài. 

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/phat-trien-doi-ngu-doanh-nghiep-tro-thanh-luc-luong-nong-cot-cua-nen-kinh-te-71959.html