Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.
Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.
Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.
Tại Hà Nội, tình trạng tràn lan những điểm trông giữ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bất chấp các quy định của pháp luật để thu lời bất chính đã tồn tại nhiều năm qua. Những sai phạm này diễn ra một cách công khai nhưng không hề bị xử lý. Đáng nói, các điểm trông giữ xe này ngày càng một “phình to, bành trướng”.
Sự tồn tại của mô hình điểm trông giữ xe trái phép sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về cháy nổ, trật tự, an toàn giao thông; là mầm mống nảy sinh những tiêu cực, lợi ích nhóm và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
“Cơ quan chức năng trên địa bàn đang tiến hành, kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe trái phép. Đồng thời sẽ đề xuất phương án xem xét để giải quyết dứt điểm vấn đề vi phạm, sai phạm…” là câu trả lời, hứa hẹn “chung chung” của nhiều UBND phường, quận, trên địa bàn Hà Nội. Cuối cùng, các điểm trông giữ xe trái phép vẫn tồn tại công khai hoạt động ngay trước mắt các lực lượng chức năng sở tại.
Liên quan đến vấn nạn này, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện kiểm tra, giải tỏa. Theo đó, nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn, chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận, huyện: “Trường hợp để các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí không đúng quy định mà không có biện pháp xử lý dứt điểm, Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND thành phố”.
Thế nhưng, nhiều điểm trông giữ xe trái phép bị “chỉ mặt” vẫn ngang nhiên tồn tại, chưa bị dẹp bỏ. Điều này đã khiến dư luận bức xúc và đặt ra nghi vấn, có hay không sự “đồng thuận” tiếp tay từ các cấp chính quyền địa phương?
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và trật tự đô thị (Ban Chỉ đạo 197) TP Hà Nội, có đến gần 500 điểm trông giữ xe không phép trên địa bàn thành phố. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng để ngăn chặn, nhưng thực trạng các bãi trông giữ ô-tô, xe máy vẫn diễn ra ngang nhiên trước mặt các cơ quan thực thi pháp luật.
Pháp luật đã quy định rõ, vỉa hè là dành cho người đi bộ và cho phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường vào hoạt động phi giao thông sau khi đã dành riêng vị trí cho người đi bộ. Vỉa hè có vai trò quan trọng trong tạo môi trường an toàn, thuận tiện cho người dân tiếp cận với dịch vụ giao thông công cộng cũng như những dịch vụ kinh doanh, văn phòng dọc các tuyến phố.
Thế nhưng, vỉa hè trên địa bàn TP Hà Nội đang bị lấn chiếm vô tội vạ, người tham gia giao thông bị “đẩy” xuống lòng đường để di chuyển.
TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam từng phát biểu: "Đối với Hà Nội bài học về khai thác, lấn chiếm các vỉa hè thì đã có nhiều đợt phải xem xét xử lý. Vỉa hè là nơi sử dụng chung dành cho người đi bộ, sau đó các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý đã phải vào cuộc cũng cho phép nhưng phải có mức độ và bắt buộc phải xử lý vi phạm. Các chủ đầu tư luôn lợi dụng kẽ hở để khai thác sử dụng vỉa hè để trở thành không gian tiếp cận, sở hữu của mình".
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, pháp luật không cho phép lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, chỉ được sử dụng ngoài mục đích giao thông trong một số trường hợp và phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng, bằng cách nào đó tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn xảy ra nhiều, thậm chí phổ biến tại Hà Nội.
Ngày 28/04/2020, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới quy định rõ: Cấm toàn bộ hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh bán hàng dưới bất kỳ hình thức nào. Sở giao thông vận tải Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có công bố hết dịch Covid-19 nên mọi cá nhân, tổ chức vẫn cần thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng VP Luật Kết Nối cho biết: “Cần phải có biện pháp mạnh tay hơn cho những cá nhân, tổ chức cố tình làm trái, cơ quan thiếu trách nhiệm, lỏng lẻo trong quản lý để tiến tới làm giảm và ngăn chặn vấn nạn này” bởi dường như những mức phạt này chưa đủ mạnh để răn đe các cá nhân, đơn vị sai phạm.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang xảy ra rất phổ biến tại Thủ đô Hà Nội. Hàng loạt điểm trông giữ xe trái phép rủ nhau "xâm lược" vỉa hè trên cùng một tuyến phố, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Câu chuyện giải quyết thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã bàn nhiều, đã ra quân bao lần nhưng đều thất bại và vẫn chưa có hồi kết.
Công ty CP 901, Công ty TNHH TM DV Tùng Linh, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và thương mại Hoàng Tùng, Công ty Hà Nội Bốn Mùa là 04 công ty vận tải đang “thâu tóm” toàn bộ vỉa hè có vị trí trắc địa tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Không quá khó để ghi nhận những hoạt động trông giữ xe có dấu hiệu vi phạm, sai phạm của 04 công ty này.
Ngày 12/08/2020, PV ghi nhận thực tế tại các tuyến phố: Triệu Quốc Đạt, Phủ Doãn, Tràng Thi (thuộc quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), nhiều đoạn vỉa hè đều bị chiếm dụng 100% diện tích làm điểm trông giữ xe phục vụ cho Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức, Bệnh viện Răng hàm mặt TW…và những cửa hàng mặt đường tại khu vực quanh Hồ Gươm...
Những tấm biển báo điểm trông giữ xe thiếu tính minh bạch được giăng khắp trên hè phố. Như trên biển thông báo giá vé tại điểm trông giữ xe số 1 Triệu Quốc Đạt, số điện thoại đường dây nóng, ngày tháng hết hạn giấy phép đã bị mờ. Duy chỉ có điểm trông giữ xe của Công ty CP 901 có số điện thoại, nhưng khi PV liên hệ thì không có người trả lời.
Các công ty vận tại có các điểm trông giữ xe lấn chiếm toàn bộ vỉa hè của người dân
Tại các điểm trông giữ xe này, dù phần vạch kẻ phân chia đường cho người đi bộ đã được thể hiện rất rõ ràng nhưng chủ các bãi giữ xe vẫn "chiếm giữ" toàn bộ diện tích dành cho người đi bộ đã được thành phố quy định.
Theo người dân tại khu vực cho biết, thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các tuyến phố nêu trên đã diễn ra nhiều năm, tranh nhau từng mét đất vỉa hè. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh trật tự và an toàn giao thông khu vực khiến người đi bộ chỉ còn cách chọn lòng đường để di chuyển.
Các bãi xe trái phép "bóp nghẹt" vỉa hè Hà Nội mà không bị xử lý?
Vấn nạn về vỉa hè bị lấn chiếm đã và đang khiến người dân, người tham gia giao thông vô cùng bức xúc. Chị P.Huyền (sống tại Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Có thể tận dụng vỉa hè để làm điểm trông giữ xe, vì bệnh viện có khi quá tải không đủ diện tích để phục vụ phương tiện gửi. Nhưng không thể vì lý do này mà lấn hết phần đường của người đi bộ. Mỗi lần đi ở tuyến phố này tôi rất lo sợ, xe cộ đi lại đã đông, mà mình còn phải đi bộ dưới lòng đường thì quá nguy hiểm. Vỉa hè có 2m mà để đến mấy hàng xe máy thì người đi bộ biết đi ở đâu?".
Tại khu vực Hồ Gươm, cơ quan chức năng bố trí gần 80 điểm trông giữ xe nhưng vẫn "quá tải" vào các dịp cuối tuần, dẫn đến tình trạng trông xe trái phép, "chiếm dụng" vỉa hè vô tội vạ, khiến người tham gia giao thông chỉ còn cách chọn lòng đường để di chuyển.
Cụ thể, tại hè phố Cầu Gỗ (trước trạm biến áp Bờ hồ 2; đối diện phố Đinh Liệt, phường Hàng Bạc), diện tích được sử dụng trông giữ xe là 12m2. Tuy nhiên, tại các giờ cao điểm, các hàng xe chắn hết toàn bộ vỉa hè, người đi bộ đi qua khu vực này buộc phải đi ra giữa đường. Về phí gửi xe, theo khảo sát thực tế của PV, tại đây thu 20.000 đồng/1 xe, thậm chí, chủ bãi xe còn cho rằng mức phí này vẫn... rẻ so với các điểm trông giữ xe khác gần đó.
Khu vực phố cổ bị tận dụng từng mét đất vỉa hè làm bãi giữ xe
Một điểm trông giữ xe khác trên dải phân cách làn đường tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, vào dịp cuối tuần bãi xe này tận dụng luôn phần lòng đường sát dải phân cách làm nơi trông thêm các phương tiện. Mức phí gửi xe tại đây bị "hét" 10.000 đồng/2 giờ, nếu quá thời gian sẽ thu thêm phí.
Theo người dân tại khu vực cho biết: "Không chỉ các điểm trông giữ xe, mà nhiều quán trà đá, hàng ăn, quán uống cũng tranh nhau lấn chiếm vỉa hè, ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh trật tự và an toàn giao thông khu vực khiến người đi bộ chỉ còn cách chọn lòng đường để di chuyển. Cơ quan chức năng có ra quân xử lý nhưng rất ít, phạt xong lại tiếp diễn".
Những trường hợp trên tuy chỉ là một phần nhỏ của thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thế nhưng, việc sai phạm này xảy ra như cơm bữa ngay tại quận Hoàn Kiếm – nơi có rất đông cư dân, du khách thì sẽ dần “phá nát” bộ mặt đô thị của TP Hà Nội.
Trước những thông tin về vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, PV đã liên hệ đến UBND quận. Tuy nhiên, đã gần 01 tháng qua, UBND quận Hoàn Kiếm chưa có bất cứ phản hồi chính thức nào.
Thực trạng hoạt động có dấu hiệu vi phạm, sai phạm tồn tại ở các điểm trông giữ xe nêu trên vẫn ung dung. Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng đã và đang làm gì khi vỉa hè lòng đường bị xâm lấn bất chấp quy định pháp luật? Có chăng sai phạm tồn tại nên bàn đi bàn lại không ai đủ năng lực xử lý?.
TP Hà Nội hiện có hơn 600.000 xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chưa kể một lượng lớn phương tiện từ các tỉnh/thành phố khác đến. Thế nhưng, theo ông Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, các điểm đỗ xe hợp pháp mới đáp ứng được 10% nhu cầu của người dân. Điều đó đặt ra câu hỏi, gần 90% số xe còn lại đỗ ở đâu, số tiền thu được rơi vào tay ai? Tính trung bình, nếu nhân với khoảng 500.000 xe thì mỗi tháng ngân sách TP Hà Nội thất thu hàng chục tỷ đồng. Đáng chú ý, kể từ khi UBND TP Hà Nội tăng giá trông, giữ ô tô, xe máy thì lượng xe gửi tại các điểm trông giữ xe hợp pháp giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, hệ lụy xã hội phải gánh từ các bãi trông giữ xe trái phép này là rất lớn. Nếu xảy ra sự cố hỏa hoạn ngoài ý muốn, rủi ro sẽ thuộc về người dân bởi các điểm trông, giữ xe không phép không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào với Nhà nước, xã hội.
Một số ý kiến cho rằng, các cán bộ thanh tra xây dựng tại các phường, quận chắc chắn phải biết về việc các bãi xe này được hình thành và đi vào hoạt động từ bao giờ. Tuy nhiên, những cán bộ này lại “nhắm mắt làm ngơ” trước sai phạm, phải chăng có dấu hiệu “bảo kê” cho các bãi xe trái phép được hoạt động công khai?
Khi có vấn đề thì các bãi xe “chỉ” bị xử phạt tối đa 40.000.000 đồng đối với việc làm bãi xe không phép. Cho nên nhiều cá nhân sẵn sàng chấp nhận chịu phạt để tiếp tục kinh doanh bãi giữ xe trái phép, khi mức thu về lớn hơn hàng nghìn lần.
Trước những “nhức nhối” do các điểm trông, giữ xe không phép gây ra, lãnh đạo thành phố đã nhiều lần chỉ đạo quyết liệt nhưng do công tác quản lý còn nhiều bất cập, nhu cầu gửi xe của người dân cao nên TP Hà Nội vẫn còn nhiều điểm trông, giữ xe ô tô không phép tồn tại, vấn nạn này vẫn “đâu vào đấy”.
Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND TP Hà Nội cần có những biện pháp hành động cứng rắn, mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn, dẹp bỏ các bãi trông giữ xe trái quy định pháp luật, tránh những hệ lụy mà xã hội phải gánh chịu, đồng thời giúp Nhà nước không bị thất thu thuế.
Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giảm sức ép về nhu cầu gửi xe của người dân nhưng các bãi đỗ xe nói chung trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu. Nhiều khu vực được quy hoạch làm điểm, bãi gửi xe nhưng chậm triển khai hoặc sử dụng sai mục đích; nhiều khu vực bãi gửi xe khác thì tự ý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu.
Chuyên gia nghiên cứu về giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy từng chia sẻ: "Do không tính toán, cân đối được lượng xe đi và xe đỗ khiến các quy hoạch đã bị “vỡ” và đó chính là chỗ hở, yếu kém của quy hoạch Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố khác nói chung. Mặt khác, nhiều bãi đỗ xe được lập ra theo đúng mục đích, tên gọi của nó, nhưng sau đó lại bị biến tướng thành các dịch vụ khác.
Điều này thể hiện sự yếu kém trong tổ chức quản lý, thực hiện của Hà Nội và các sở ngành, đồng thời có khả năng xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực đằng sau. Để giải quyết bài toán về điểm đỗ xe, cần khuyến khích triển khai xây dựng những bãi xe ngầm, trên cao. Đồng thời, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp xây dựng kế hoạch, quy hoạch để các cơ quan, công trình,... đều có bãi trông xe, hay khuyến khích, đẩy mạnh triển khai áp dụng các mô hình đỗ xe thông minh, qua đó mới làm giảm căng thẳng về các điểm đỗ xe".
Trong quy hoạch hiện nay, tại các đô thị lớn đã bắt đầu có thêm các bãi đỗ xe công cộng. Tại Hà Nội, các bãi đỗ xe nổi đã xuất hiện nhưng mới chỉ là những bãi đỗ xe tập trung lớn, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong đời sống hàng ngày của người dân nên tình trạng để xe trên vỉa hè lòng đường vẫn tràn lan mà chưa có sự kiểm soát.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, các địa phương phải thực hiện việc chống lấn chiếm vỉa hè một cách thường xuyên hơn chứ không phải mang tính chất sự kiện. Mặt khác, công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, công tác ra quân kiểm tra, giám sát và xử phạt phải được nghiêm minh.
Về việc sử dụng vỉa hè của các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh có nhà tiếp giáp với vỉa hè là trách nhiệm của người dân và của cả cơ quan quản lý. Có những vấn đề kinh doanh cần có chỗ đỗ xe nhưng mà lại không xem xét điều kiện đỗ xe như quán karaoke, cửa hàng ăn… Do vậy, khi xem xét điều kiện kinh doanh cần phải tính toán cả những yếu tố trên.
“Chủ trương “đường thông, hè thoáng” đã có từ cách đây nhiều năm. Điều đáng nói là cách thực hiện sao cho hiệu quả, người đi bộ có được vỉa hè, đô thị được văn minh thì chưa được. Việc thực hiện “trả lại” vỉa hè cho người đi bộ cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi. Nhất là quy đầu mối và trách nhiệm quản lý vỉa hè cần được xác định rõ. Với các trường hợp cố tình vi phạm thì phải xử phạt thật nghiêm”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Năm 2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh Điều 1, mục 3 của Thông tư 35/2017/TT-BGTVT, cho phép thành phố được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn đến hết năm 2023. Nhưng tại thời điểm đó, đề xuất này không được chấp thuận.
Mới đây, Hà Nội tiếp tục có ý kiến kiến nghị Bộ GTVT cho phép tổ chức một số điểm trông, giữ xe dưới gầm cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần giảm tải hạ tầng giao thông tĩnh của thành phố và đề xuất này đã được chấp thuận, nhưng việc thực hiện không được quá 2 năm. Về lâu dài, đây cũng không phải là giải pháp căn cơ, hiệu quả.
Với sự phát triển kinh tế hiện nay, việc sở hữu xe ô tô không còn xa vời, khó khăn đối với người dân. Vì vậy, sự gia tăng các loại phương tiện giao thông đang dần trở thành gánh nặng, quá tải và sẽ càng khó giải quyết nếu thành phố không có những giải pháp đồng bộ, lâu dài để xóa bỏ tình trạng giao thông quá tải như hiện nay.
Tóm lại, để chấm dứt vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thành nơi trông giữ xe, thu phí trái quy định, UBND quận Hoàn Kiếm nói riêng và TP Hà Nội nói chung cần làm rõ các hoạt động kinh doanh với các đơn vị trong công tác quản lý địa điểm trông giữ xe. Đồng thời UBND các phường quản lý trực tiếp cũng cần xử lý triệt để các đối tượng vi phạm bằng các biện pháp mạnh, tăng cường lực lượng tuần tra, lực lượng an ninh, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, cho người tham gia giao thông.
Mặt khác duy trì, thúc đẩy các mô hình khai thác điểm trông giữ xe đảm bảo chất lượng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật nhằm phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Chỉ khi vấn nạn “lấn chiếm vỉa hè, lòng đường” được xử lý dứt điểm thì Thủ đô nghìn năm văn hiến mới thật sự là thành phố đáng sống.
Căn cứ Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ; mức phạt thấp nhất là: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng”; và cao nhất là "phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.