Thương vụ lịch sử giữa 2 tỷ phú Việt: Bước đi khôn ngoan và đầy trách nhiệm

Ngày 3/12/2019, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch tập đoàn Masan – hai vị tỷ phú đô la của Việt Nam đã chốt một thương vụ M&A ấn tượng nhất của năm, theo đó, hai bên đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.

Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce là thành viên của Tập đoàn Vingroup, sở hữu hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart+ và trang thương mại điện tử Adayroi. Còn VinEco là đơn vị chuyên đầu tư mảng nông nghiệp của Vingroup. Theo nội dung thỏa thuận, VinCommerce, VinEco của Vingroup và Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (mảng tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ. Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan. Như vậy Masan có được hệ thống phân phối hàng đầu của Vincommerce, trong khi VinEco sẽ có được kinh nghiệm sản xuất tiêu dùng từ đối tác Masan.

Sau 5 năm hình thành và phát triển, VinCommerce và VinEco đã bước đầu hoàn thành sứ mệnh đề ra của Tập đoàn Vingroup. VinCommerce đang dần trở thành hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế, có quy mô lớn nhất Việt Nam. Không chỉ đủ năng lực cạnh tranh và khả năng đối trọng sòng phẳng với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, giành và giữ được thị phần cho người Việt – thông qua kênh phân phối của mình, VinCommerce còn tiên phong hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa cùng phát triển. Công ty này hiện dẫn đầu thị trường với hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng Vinmart, Vinmart+, với mức tăng trưởng doanh thu trung bình 80 - 100% mỗi năm. Quý III/2019, doanh thu từ mảng bán lẻ đạt 7.870 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và chiếm tới 25% tổng doanh thu của tập đoàn, chỉ đứng sau mảng bất động sản. Doanh nghiệp cũng liên tiếp 2 năm dẫn đầu top 10 nhà bán lẻ uy tín nhất Việt Nam.

VinEco cũng đã đạt được mục tiêu thúc đẩy, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ lẻ cùng thúc đẩy nông nghiệp sạch, vì mục tiêu đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho người Việt. Hiện VinEco đã phát triển được 14 nông trường công nghệ cao và đã xác lập được uy tín, vị thế lớn trên thị trường.

Khi những “đứa con” trong mảng bán lẻ và nông nghiệp đã trở nên “cứng cáp”, Vingroup thay đổi chiến lược phát triển với định hướng tối ưu hóa nguồn lực tập trung vào công nghệ - công nghiệp, khởi tạo hai doanh nghiệp VinFast và VinSmart với khát vọng toàn cầu, Vingroup quyết định hợp tác với Masan như một cuộc chuyển giao sứ mệnh. Cú bắt tay đầy ấn tượng này được đánh giá sẽ tối đa hóa năng lực cốt lõi của mỗi bên để phát triển thành một doanh nghiệp mới có giá trị vượt trội, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.

“Với bán lẻ và nông nghiệp, về cơ bản, chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh đặt ra ban đầu. Vingroup đã kiến tạo thành công hệ thống bán lẻ quy mô số 1 thị trường, đối trọng sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua kênh phân phối của mình, VinCommerce cũng hỗ trợ được nhiều nhà sản xuất nội cùng phát triển.

Tương tự, VinEco đã đạt được mục tiêu truyền cảm hứng làm nông nghiệp sạch cho các doanh nghiệp và cộng đồng.

Giờ đây, Vingroup có thể tự tin bàn giao lại 2 hệ thống này cho một doanh nghiệp Việt xứng tầm, có năng lực cốt lõi phụ hợp để tiếp tục phát triển hệ thống này một cách vững mạnh hơn nữa”, ông Nguyễn Việt Quang - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup chia sẻ.

Về phía mình, vị đại diện tập đoàn Masan cũng bày tỏ khát vọng tiếp tục hoàn thành sứ mệnh đưa thị trường bán lẻ, tiêu dùng vươn tầm quốc tế khi bắt tay vào thương vụ này: “Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo một hệ thống bán lẻ và nông nghiệp sạch hiệu quả hàng đầu Việt Nam. Giờ đây, chúng tôi sẽ nhận lại ngọn cờ này để tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt. Đồng thời, sự gia nhập của VinCommerce và VinEco không chỉ cộng hưởng và nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi của Masan mà còn giúp chúng tôi nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành Tập đoàn hàng Tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới”, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết.

Việc hàng Việt Nam bị đẩy ra khỏi hệ thống BigC khi chuỗi siêu thị này về tay người Thái, Lotte tràn ngập hàng Hàn Quốc và hàng hóa Malaysia chiếm đa số các gian hàng Parkson... là những hệ quả nhãn tiền cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp Việt bị xâm lấn thị phần. Đây cũng là lý do khiến ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng quyết định tham gia lĩnh vực kinh doanh chuỗi bán lẻ với mục đích bảo vệ nhà sản xuất Việt, bảo vệ thị trường trong nước. Cũng vì mục đích cao cả này mà khi cần chuyển giao, ông Phạm Nhật Vượng đã thẳng thắn nói “không” với tất cả những lời đề nghị đến từ đối tác nước ngoài và chỉ chọn doanh nghiệp Việt Nam.

“Ngay từ đầu chúng tôi đã quyết chí chỉ chọn doanh nghiệp Việt Nam nhằm giữ thị trường bán lẻ cho người Việt, đảm bảo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất trong nước.

Yếu tố quan trọng thứ hai là doanh nghiệp được chọn phải có năng lực và nền tảng tốt để tiếp quản và phát triển VinCommerce và VinEco lên một tầm cao mới”, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup khẳng định.

Với những tiêu chí “chọn mặt gửi vàng” rõ ràng như vậy, Vingroup đã tin tưởng và quyết định “gả” những đứa con cưng của mình cho Masan.

Theo đại diện tập đoàn này, với vị thế, tầm nhìn và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu dùng, Masan chính là lựa phù hợp nhất để tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ Việt Nam vươn ra thế giới. Đặc biệt, sau sáp nhập, với các giá trị cộng hưởng rất lớn - Việt Nam sẽ thêm một doanh nghiệp tầm cỡ khu vực trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng, góp phần thêm sức mạnh và vị thế cho nền kinh tế.

Bình luận xoay quanh thương vụ đầy ấn tượng này, các chuyên gia kinh tế nhận định, việc các ông lớn ngồi với nhau để để chia lại thị trường theo hướng chuyên nghiệp hoá, thay vì đua nhau phát triển chồng chéo và cạnh tranh xuống đáy là tín hiệu vô cùng tích cực cho thấy tầm vóc và tư duy của các doanh nhân Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới. Cú bắt tay này cũng thể hiện tinh thần đoàn kết nắm tay nhau cùng phát triển vì một mục tiêu chung là thúc đẩy kinh tế Việt Nam tạo ra vị thế trên trường quốc tế. Đây là tín hiệu vô cùng lạc quan, thậm chí thay đổi cơ bản nhìn nhận của xã hội về doanh nhân doanh nghiệp Việt.

“Hành động của Vingroup là rất đáng trân trọng, thể hiện tầm vóc, tư duy và tinh thần dân tộc của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Vingroup đã chọn doanh nghiệp trong nước để giữ thị trường bán lẻ, tiêu dùng ở trong tay doanh nghiệp Việt, đảm bảo cung cấp hàng Việt chất lượng cao cho người tiêu dùng Việt. Điều này cũng cho thấy một chiến lược phát triển mới rất khôn ngoan của doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam này khi quyết định dồn tâm sức, tập trung nguồn lực vào một vài mảng chính để tạo sự bứt phá lớn hơn, nâng cao vị thế và tầm vóc của mình”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia này, thời gian qua, mảng kinh doanh bán lẻ của chúng ta đã bị các doanh nhân nước ngoài thâm nhập và nắm giữ một thị phần tương đối lớn. Rất nhiều các chuyên gia kinh tế cũng đã bày tỏ sự lo lắng về việc thị trường bán lẻ ở Việt Nam có thể rơi vào tay các tập đoàn "cá mập" nước ngoài. Từ đó sẽ có những tác động không tốt đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam và sau nữa là tác động không tốt đến hướng dẫn tiêu dùng cũng như lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam .

“Do vậy, việc có thể hình thành một tập đoàn bán lẻ lớn mạnh, có thị phần đáng kể, có tiếng nói tốt trên thị trường, tránh được sự chồng chéo, cạnh tranh không đáng có giữa các doanh nghiệp trong nước là một điều rất đáng mừng. Cú bắt tay này sẽ mở ra cơ hội phát triển tốt hơn rất nhiều khi có một mạng lưới thống nhất, chung một sự điều hành, dưới một sự chỉ huy của một nhạc trưởng, làm cho thị trường tiêu dùng bán lẻ Việt Nam khởi sắc, thay hình đổi dạng”, ông Thịnh nêu quan điểm.

“Sự kết hợp giữa những thương hiệu Việt lớn sẽ tạo nên những thương hiệu Việt lớn hơn nữa. Doanh nghiệp nội sẽ có thể thắng trên sân nhà. Hai “ông lớn” không vì chuyện hơn thua mà hỗ trợ nhau cùng phát triển, điều này thể hiện tâm huyết của họ đối với đất nước, với người tiêu dùng và cũng vì một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn”, một chuyên gia kinh tế khác nhận định.

Mặc dù Việt Nam là nước trong top tỷ lệ đô thị thấp nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, chỉ 35% trong khi Phillipines và Thái Lan tương ứng 44% và 53% nhưng lại là nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất, dự đoán hơn 2,6%/năm cho giai đoạn từ 2015 - 2020. Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với cơ cấu dân số vàng là mảnh đất màu mỡ cho ngành bán lẻ Việt Nam tăng trưởng.

Báo cáo của MBS từng đưa ra nhận định: Với tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ luôn cao từ gấp rưỡi đến gấp đôi tăng trưởng GDP cả nước và tỷ trọng lớn trên tổng GDP, thì đầu tư vào bán lẻ chính là đầu tư vào tương lai nền kinh tế tại Việt Nam.

Trong bối cảnh ấy, VinCommerce được mệnh danh là một “con gà đẻ trứng vàng” trong tương lai, rõ ràng đã và sẽ “lọt vào tầm mắt” của doanh nghiệp ngoại muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

VinCommerce dẫn đầu thương hiệu bán lẻ uy tín nhất năm 2019. Nguồn: Vietnam Report.

Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen người tiêu dùng Việt Nam để điều chỉnh các hướng chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa. Do đó, các doanh nghiệp dẫn đầu về ngành tiêu dùng - bán lẻ đã chuẩn bị ở thế “tự vệ” trước làn sóng tấn công của doanh nghiệp nước ngoài thông qua các thương vụ M&A.

“Không chỉ riêng Masan, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không cẩn thận có khi chỉ 3 - 5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu có thể vẫn còn, khả năng sản xuất có thể vẫn còn, nhưng khả năng bán hàng sẽ mất”, ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Giám đốc phụ trách công nghệ của Tập đoàn Masan nói, nhất là khi Amazon thực sự vào Việt Nam.

Do vậy, việc bắt tay hợp tác giữa Masan và Vingroup được đánh giá là bước đi thông minh, thể hiện phản ứng “tự vệ” của doanh nghiệp này. Đây cũng là một trong 3 xu hướng M&A hàng tiêu dùng - bán lẻ mà KPMG từng chỉ ra trong thời gian gần đây.

Cụ thể, tại báo cáo “Xu hướng M&A Hàng tiêu dùng - Bán lẻ: Cuộc đua chuyển đổi chiến lược và tăng trưởng chiến lược năm 2019", KPMG đánh giá, M&A trong lĩnh vực này đang tập trung vào 3 xu hướng chính:

Thứ nhất là chuyển đổi số. Thứ hai là hướng tới sự lành mạnh, có đạo đức và tính xác thực, các doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi khi người tiêu dùng đang tập trung vào mục tiêu ăn uống lành mạnh hơn, tiêu dùng bền vững và thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Thứ ba là tối ưu hóa danh mục đầu tư, tạo ra sự kết hợp phù hợp khi các doanh nghiệp định hình lại danh mục đầu tư để đáp ứng với việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Thương vụ sáp nhập giữa các công ty con của Vingroup và Tập đoàn Masan là để tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một Tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam, là xu hướng tối ưu hóa danh mục đầu tư, đồng thời hướng tới sự lành mạnh có đạo đức như nhận định nêu trên của KPMG.

Ngoài ra, ý tưởng bắt tay với “gã khổng lồ” trong nước để cạnh tranh với các “gã khổng lồ” nước ngoài đã được chính vị Phó giám đốc Tập đoàn Masan từng nhắc tới trước đây: "Làn sóng thứ 3 của Masan là bắt đầu bắt tay với các đối tác lớn ở Việt Nam để tự vệ với làn sóng tấn công từ bên ngoài về thương mại. Chúng tôi sẽ làm thế nào? Chúng tôi chưa biết. Nhưng ít nhất chúng tôi có ý tưởng về việc đó. Hãy chúc chúng tôi may mắn! Hãy chúc Việt Nam may mắn!”.

Trong báo cáo thường niên 2018, ban lãnh đạo Masan nhấn mạnh chiến lược tiếp theo là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng. Định hướng của chiến lược này là triển khai cửa hàng một điểm đến "a one-stop shop" - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khoẻ. Với hệ thống quy mô lớn của Vinmart, thương vụ này có thể giúp tham vọng của Masan được đẩy nhanh hơn, sớm trở thành một “gã khổng lồ” trong ngành tiêu dùng – bán lẻ vươn tầm khu vực và thế giới.