Từ “Thế Giới Di Động” đến “Di động quanh thế giới” và “Bán cả thế giới”

Đằng sau sự phát triển và tăng trưởng thần tốc theo cấp số nhân của Thế Giới Di Động (MWG), một đế chế 5 tỷ USD, “người khổng lồ”, “Thánh Gióng” của ngành bán lẻ Việt Nam là một doanh nhân bản lĩnh với khát vọng không ngừng nghỉ. Đó là khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, cho con người Việt Nam.

***** 

Tất cả những triết lý kinh doanh, tư duy quản trị và văn hóa doanh nghiệp “có một không hai” của Thế Giới Di Động đều ẩn chứa một hoài bão lớn của vị thuyền trưởng Nguyễn Đức Tài. Đó là làm sao để hiện đại hóa ngành bán lẻ Việt Nam, làm sao để khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt, con người Việt trước cuộc cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài thời mở cửa. 

Và rồi, người ta nhìn thấy một Thế Giới Di Động luôn “di động” như tên gọi đầy ấn tượng của nó. “Di động” ở đây là “không muốn mọi thứ cứ yên ổn như thế”, “di động” vì họ liên tiếp đặt ra mục tiêu và quyết tâm thực hiện cho bằng được. “Di động” cũng vì họ luôn luôn sáng tạo và đổi mới, không ngừng thử sức ở những lĩnh vực khác nhau, tạo thành “đế chế” đa ngành, đa kênh, sẵn sàng “giương buồm ra biển lớn”, đối mặt với sóng dữ để chớp thời cơ, kéo những “mẻ cá to”, giành chiến thắng trong mọi cuộc đua mở rộng thị phần. Và cột mốc 10 tỷ USD doanh thu vào năm 2022 - một con số mơ ước của bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào, giờ đây đã nằm trong tầm tay của Thế Giới Di Động. 

Những “điều lớn lao” ấy được tạo ra từ tư duy, tầm vóc và tâm huyết của một doanh nhân “luôn muốn nghĩ lớn và làm lớn”...

“Cá ở ngoài khơi” là vô tận, là rất dồi dào, khó có thể định lượng được. Tiềm năng của ngành bán lẻ cũng vậy. 

Theo Bộ Công Thương, trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới (đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu). Với nền tảng và thế mạnh sẵn có, ngành bán lẻ vẫn tiếp đà tăng trưởng và đang trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam.  

Một trong những cái tên góp phần tạo nên cục diện của ngành bán lẻ hiện tại là Thế Giới Di Động - doanh nghiệp tư nhân điển hình, nhiều năm liền giữ vị trí nhà bán lẻ uy tín số 1 Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, Top 5 nhà bán lẻ vượt trội trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương..., với mạng lưới gần 4.000 cửa hàng “phủ sóng” toàn quốc. MWG đang vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh.

Ngoài ra, MWG còn mở rộng ra thị trường nước ngoài với chuỗi bán lẻ thiết bị di động và điện máy tại Campuchia. Chưa kể, trong năm 2020, thành viên mới của MWG là 4KFarm ra đời với mục tiêu cung cấp cho người tiêu dùng thực phẩm an toàn theo chuẩn 4 không (không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen).

Với tốc độ tăng trưởng thần tốc về doanh thu và lợi nhuận, kể từ năm 2017, Thế Giới Di Động đã giành thế lưỡng cực trong thị trường bán lẻ Việt Nam, ngày càng vượt xa các đối thủ, khiến “cuộc chơi” trên thị trường gần như được chia làm hai: Thế Giới Di Động và phần còn lại. Đến cuối năm 2020, MWG càng khẳng định vị thế là “ngôi sao” của ngành bán lẻ khi chiếm tới 50% thị phần điện thoại và 45% thị phần điện máy, đồng thời đưa Bách Hóa Xanh và Bách Hóa Xanh online trở thành thương hiệu hàng đầu với các bà nội trợ. Và những tham vọng vẫn chưa dừng lại.

Với Thế Giới Di Động, trong khi chờ đợi một sự bứt phá từ những doanh nghiệp khác đang muốn vượt lên, thì họ đã có phương án bứt phá của riêng mình để giữ vững vị thế dẫn đầu cuộc đua, bỏ xa các đối thủ. Thị phần điện thoại di động và điện máy của công ty này có thể tăng lên 50 - 55% và 55 - 60% vào cuối năm 2022, nhờ triển khai chuỗi Điện Máy Xanh Supermini và phân phối cho các cửa hàng nhỏ lẻ.

Chúng tôi tin rằng, MWG sẽ tiếp tục duy trì vị trí nhà bán lẻ số 1 Việt Nam và khoảng cách giữa MWG với các nhà bán lẻ khác tại Việt Nam sẽ ngày càng nới rộng trong tương lai”, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài khẳng định.

Với việc giành chiến thắng áp đảo trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần, “cá ngoài khơi” dường như đang thuộc về “con thuyền lớn” mang tên Thế Giới Di Động. Điều này tiếp tục được khẳng định trong tương lai khi “chiến hạm tỷ đô” MWG vẫn đang “vượt đại dương xanh” với những nỗ lực không ngừng. Đích đến là đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế, sự phồn vinh của xã hội. 

Tôi luôn muốn nghĩ lớn và làm lớn”, Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài nhiều lần bày tỏ. 

Từ ngày khởi nghiệp cho đến lúc trở thành tỷ phú, ông Tài vẫn là một doanh nhân rất đỗi giản dị với trang phục quen thuộc là những chiếc áo thun, để không mất thời gian suy nghĩ “hôm nay mặc gì”, mà dành thời gian đó nghĩ cách giúp công ty phát triển hơn.  

Người ta thường nói, “có chí thì nên”. Chí lớn của doanh nhân Nguyễn Đức Tài được hun đúc từ tấm bé, khi chứng kiến mẹ vất vả bán xôi và bánh cuốn dạo trên các con phố nhỏ của Sài Gòn. Những năm tháng tuổi thơ khó khăn đã khiến ông nung nấu mục tiêu phải nỗ lực không ngừng để có một cuộc sống tốt hơn. Ông tốt nghiệp thạc sĩ tại Pháp, trở về Việt Nam làm giám đốc tài chính cho một tập đoàn nước ngoài, được cấp xe hơi đưa đón. Đó hoàn toàn là “một cuộc sống tốt hơn” như mục tiêu đặt ra thuở thiếu thời. Nhưng với chí lớn và khát vọng tuổi trẻ, ông “không muốn mọi thứ cứ yên ổn như thế”, “chẳng lẽ lại làm công ăn lương suốt cả đời” nên đã từ bỏ “sự ổn định” để quyết định khởi nghiệp. 

Năm 2009, sau khi thất bại ở 3 cửa hàng điện thoại nhỏ tại TP.HCM, ông cùng các cộng sự mở một cửa hàng khác (là tiền thân của Thế giới di động ngày nay) và khẳng khái tuyên bố, sẽ cách mạng hóa ngành điện thoại di động Việt Nam. Tất nhiên không ai tin. “Mọi người cười tôi”, ông Tài nhớ lại. Nhưng từ khi chọn con đường khởi nghiệp bằng cửa hàng điện thoại, ông đã nhìn thấy một tiềm năng rất dồi dào của ngành này và tin tưởng rằng, tương lai của nó hoàn toàn tươi sáng. 

Ngược dòng thời gian, vào những năm đầu thế kỷ 21, điện thoại di động vẫn là một món đồ xa xỉ tại Việt Nam và chuỗi cửa hàng Viễn Thông A là người anh cả tiên phong của ngành này. Ở mảng điện máy, máy tính, thị trường đã xuất hiện các nhà bán lẻ như Nguyễn Kim, Phong Vũ tại miền Nam và Trần Anh ở miền Bắc, nhưng khái niệm bán lẻ hiện đại vẫn còn mới mẻ.

Khi đó, chỉ các giám đốc điều hành hay người giàu mới có thể mua điện thoại di động. Sở hữu một chiếc điện thoại dường như là ngoài tầm với nhiều người, và tôi nghĩ chúng tôi cần phải làm gì đó để thay đổi điều này”, ông Tài kể lại. Và đó là khởi đầu cho nỗ lực hiện đại hóa ngành bán lẻ Việt Nam của doanh nhân Nguyễn Đức Tài. 

Sự gia nhập của Thế Giới Di Động vào năm 2004 đã mở ra một cuộc đua tranh chia lại thị phần ngành bán lẻ hiện đại trên thị trường, và như đã nói, MWG đã giành chiến thắng áp đảo, dần thay thế vị trí của “người anh cả” Viễn Thông A. 

Chiến lược tập trung vào kinh doanh điện thoại di động ở phân khúc trung và thấp cấp để phục vụ số đông là con đường giúp thương hiệu Thế Giới Di Động nhanh chóng trở nên quen thuộc. Điều này cũng phù hợp với xu thế của thị trường bán lẻ công nghệ thời điểm đó, mảng di động lên ngôi với tốc độ tăng trưởng 14,8%/năm, trong khi mảng điện máy và máy tính có phần chững lại. 

Tuy vậy, sau khi có mô hình kinh doanh, trong 3 năm đầu tiên, ông Nguyễn Đức Tài và cộng sự của mình chỉ mở được 5 cửa hàng tại TP.HCM. Một trong những nút thắt là nguồn vốn. 

Năm 2007, Thế Giới Di Động đã có bước đi quyết định khi chia 32,5% cổ phần để hợp tác đầu tư với quỹ Mekong Capital. Ngay trong năm đầu tiên hợp tác, ông Tài cùng đội ngũ của mình đã mở thêm 10 cửa hàng, gấp đôi so với những gì làm được trong 3 năm trước. Từ đó, số lượng cửa hàng của họ không ngừng tăng theo cấp số nhân, tính đến cuối năm 2013, hệ thống Thế Giới Di Động đã có tới 226 cửa hàng trên khắp 64 tỉnh thành.

Từ chỗ chỉ chiếm 3% thị phần điện thoại năm 2007, đến năm 2014, doanh nghiệp ngày đã chiếm 24,7% thị phần và nhanh chóng gia tăng lên 39% vào năm 2015.  Đây được xem là hệ thống bán lẻ duy nhất phát triển rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước. Chiến lược ồ ạt mở rộng quy mô, gia tăng cửa hàng đã giúp Thế Giới Di Động “đánh gục” các đối thủ, đưa hàng nghìn cửa hàng bán lẻ điện thoại di động nhỏ lẻ vào thế phá sản. Thế mạnh của hãng bán lẻ này còn thể hiện ở chỗ kiểm soát chi phí khá tốt dù mở rộng nhanh, khiến lợi nhuận sau thuế luôn tăng đều với doanh thu. 

Từ nguồn vốn chỉ 2 tỷ đồng, sau 10 năm, MWG niêm yết sàn chứng khoán với giá trị doanh nghiệp lên tới 253 triệu USD (năm 2014). Kể từ khi lên sàn, Thế Giới Di Động vẫn luôn dẫn đầu trong Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam. Năm 2018, doanh thu thuần của công ty đạt đến 86.516 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2.880 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 30% so với năm 2017, cao gấp 50 lần so với 10 năm trước. Đến năm 2020, dù chịu tác động của dịch Covid-19, MWG vẫn ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 108.546 tỷ đồng (tăng trưởng 6%) và lợi nhuận sau thuế 3.920 tỷ đồng (tăng trưởng 2% so với năm 2019). MWG là một trong số rất ít doanh nghiệp tại Việt Nam đảm bảo tăng trưởng liên tục kể từ khi công ty thành lập đến nay.

 

Sự tăng trưởng “thần kỳ” với tốc độ 50%/năm khiến Thế Giới Di Động trở thành một “hiện tượng” đáng kinh ngạc và được ví như “Thánh Gióng” của ngành bán lẻ. Đến mức đã có nhiều người hỏi Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, MWG có phải là doanh nghiệp “sân sau” để rửa tiền hay không. Nhưng những con số “thần kỳ” đó không phải ngẫu nhiên mà Thế Giới Di Động có được. Nó bắt nguồn từ những nỗ lực bền bỉ để không ngừng tiến xa hơn của vị lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong bán lẻ mà ổn định là nguy hiểm bởi vì ổn định rất gần với suy tàn. Ở Thế Giới Di Động không có khái niệm ổn định, năm nào cũng phải làm một cái gì đó mới, không có những cái đó thì không thể tăng trưởng được”. Tư duy đó của vị thuyền trưởng Nguyễn Đức Tài đã được thực hiện xuyên suốt hơn 15 năm qua, đó là một hành trình mà Thế Giới Di Động luôn đổi mới, thẳng tiến, vươn xa và cũng không ngại “lùi để tiến”, không ngừng thử nghiệm để nhân rộng những mô hình kinh doanh hiệu quả. 

Với thành công của thegioididong.com, MWG đã mở ra chuỗi cung ứng thiết bị di động cao cấp đầu tiên, nơi người dùng có thể an tâm về chất lượng và nguồn gốc thiết bị. Mục tiêu hiện đại hóa mảng bán lẻ di động, tạo nên một cuộc cách mạng mà ông tuyên bố nhiều năm trước đã gần như hoàn thành. Và để chuẩn bị hướng đi mới cho “con thuyền” phòng khi bức tranh ngành di động trở nên bão hòa, ngay từ thời điểm năm 2010, ông Tài đã cho thử nghiệm mô hình cửa hàng Điện Máy Xanh, dựa trên kinh nghiệm bán lẻ sẵn có.

Đây là một chiến lược được nhiều chuyên gia đánh giá cao về khả năng nắm bắt thị trường và xu hướng ngành bán lẻ của ông chủ Thế Giới Di Động. Theo chiều gió đang lên, chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh dần trở thành 1 trong 3 công ty dẫn đầu Việt Nam về phân phối thiết bị gia dụng và điện tử, chiếm 22% thị phần với 400 cửa hàng trên cả nước vào năm 2017. 

Điểm nhấn tăng trưởng của chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh bắt đầu từ năm 2018, khi Thế Giới Di Động chính thức mua lại siêu thị điện máy Trần Anh. Động thái này đã giúp MWG gia tăng thị phần và sức ảnh hưởng ở mảng điện máy của mình tại miền Bắc. Bởi trước đó, theo ước tính của Công ty chứng khoán HSC, tại Hà Nội, thị phần của Điện Máy Xanh chiếm khoảng 15%, chỉ ngang chuỗi Media Mart. Bên cạnh đó, việc đi sau đã khiến Điện Máy Xanh không còn nhiều sự lựa chọn về không gian để mở các siêu thị theo đúng tiêu chuẩn của mình.

Chính vì thế, lựa chọn M&A với một doanh nghiệp có sẵn nền tảng và dẫn đầu thị phần điện máy tại miền Bắc như Trần Anh là một bước đi thông minh của ông chủ MWG Nguyễn Đức Tài, để tăng sức cạnh tranh trên một thị trường đang rất khốc liệt. Một khi Thế Giới Di Động đạt tới thị phần cao hơn, công ty này có khả năng đàm phán phân phối độc quyền nhiều dòng sản phẩm hơn, là kênh tiếp cận hiệu quả cho các hãng muốn thâm nhập thị trường Việt Nam. Theo đó, Điện Máy Xanh sẽ không còn là kênh bán lẻ đơn thuần mà là đơn vị cung cấp dịch vụ mở rộng thị trường, có cơ hội tiếp tục mở rộng biên lợi nhuận. 

Mặt khác, việc Trần Anh được “người khổng lồ” Thế Giới Di Động dẫn dắt đã góp phần phát huy thế mạnh của chuỗi này về vị trí, quy mô để gia tăng lợi nhuận, hiệu suất hoạt động vốn đang rất thấp. Đó là chưa kể, nếu để Trần Anh rơi vào tay các doanh nghiệp Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang tích cực M&A để gia tăng thị phần tại Việt Nam thì MWG lại có thêm đối thủ mạnh, phần thắng khó thuộc về mình. 

Thực tế, sau khi thâu tóm Trần Anh, Thế Giới Di Động đã nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu về các điểm bán để từng bước trở thành đế chế bán lẻ công nghệ mạnh nhất Việt Nam.

Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, bước đi này của của ông chủ Thế Giới Di Động cũng cho thấy khát vọng khẳng định mình của doanh nghiệp Việt, “bắt tay” với nhau, không để thị trường bán lẻ liên tục rơi vào tay các đại gia nước ngoài. 

“Trần Anh và Điện Máy Xanh về dưới một mái nhà thì Thế Giới Di Động sẽ trở thành một thế lực lớn có khả năng dẫn đầu thị trường này. Đây sẽ là một đối trọng, đối thủ đáng gờm của Central Group (doanh nghiệp Thái Lan đã mua lại chuỗi BigC, Nguyễn Kim). Doanh nghiệp Việt muốn tiếp tục tồn tại và phát triển thì phải có hướng đi riêng, liên minh, liên kết để mạnh hơn nếu không muốn bị nước ngoài thâu tóm”, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhận định. 

Còn ông Trương Văn Quý, Giám đốc Trường đào tạo Digital marketing EQVN đánh giá, cú bắt tay này cho thấy tham vọng và tầm nhìn của Thế Giới Di Động với thị trường bán lẻ Việt Nam. 

“Bởi thực tế cho thấy, lâu nay, nhiều doanh nghiệp Việt khi đã tốt rồi thường rất dễ hài lòng hay ngủ quên trên chiến thắng, nên thiếu nỗ lực cần thiết để lớn mạnh hơn, vững chắc hơn.

Động thái của Thế Giới Di Động cho thấy họ chưa thỏa mãn với những gì đã đạt được, mà còn muốn phát triển với quy mô lớn hơn, và điều này cũng có thể là kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong nước tham khảo để không ngừng phát triển”, vị chuyên gia nhấn mạnh. 

Quả đúng như vậy. Mặc dù đã là nhà bán lẻ dẫn đầu, nhưng Thế Giới Di Động dường như vẫn đang trong cuộc đua với chính mình để gia tăng cách biệt đáng kể với các doanh nghiệp cùng ngành khác. Cả thegioididong.com và Điện Máy Xanh đều liên tục đưa ra những thử nghiệm và cải tiến mới như triển khai mô hình Shop-in-shop, bán thêm đồng hồ, mắt kính, mang lại hiệu quả cao. Thử nghiệm vào tháng 3/2019, ngay tháng đầu tiên, Thế Giới Di Động đã bán được 300 đồng hồ.

Sau bước đầu thành công, Thế Giới Di Động nhanh chóng mở rộng quy mô thị trường và tới tháng 9/2019, số cửa hàng bán đồng hồ đeo tay của Thế Giới Di Động đã lên tới 100 với doanh số 50.000 sản phẩm trong tháng 9, gấp hơn 166 lần so với cách đó 6 tháng, nhanh chóng chiếm lĩnh 15% thị phần. 

Bên cạnh đó, mô hình cửa hàng siêu nhỏ, Điện Máy Xanh Suprermini được đưa vào thử nghiệm năm 2020 và phát triển thần tốc, với chuỗi 302 cửa hàng tại 61/63 tỉnh thành phục vụ người dân khu vực nông thôn, cũng đem lại một nguồn thu lớn cho MWG. 

Không ngừng phát triển, đó cũng là lý do khiến Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài không chỉ “đốt nhiên liệu” ở mảng bán lẻ công nghệ. Xuất phát từ tham vọng hiện đại hóa ngành bán lẻ Việt Nam, khi thời cơ đến, doanh nhân Nguyễn Đức Tài còn mong muốn thay thế các chợ truyền thống của Việt Nam bằng các cửa hàng tạp hóa, nhằm cung ứng nguồn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng đến tay người dùng Việt. Đó là lý do để chuỗi Bách Hóa Xanh ra đời.

Cửa hàng thử nghiệm đầu tiên được mở tại TP.HCM vào cuối năm 2015, bán rau sạch, thịt và cá tươi ngon, đa dạng về chủng loại và các nhu yếu phẩm khác, với giá cả hợp lý so với chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ; trong một không gian sạch sẽ, thân thiện và tại những địa điểm dễ tiếp cận đối với người nội trợ. 

Tương lai của cửa hàng tạp hóa rất rõ ràng. Không phải là câu hỏi liệu tôi có thành công hay không, mà là câu hỏi liệu việc này sẽ mất bao lâu”, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài bày tỏ sự tin tưởng vào chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh khi tiềm năng của mảng này còn rất lớn, đặc biệt là ở vùng nông thôn, nơi các cửa hàng bách hóa hiện đại mới chỉ chiếm 15 - 20%. 

Chỉ 4 năm kể từ ngày ra mắt, với 1.008 cửa hàng hoạt động tại 21 tỉnh thành, Bách Hóa Xanh đã đóng góp hơn 10.000 tỷ đồng cho MWG, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của tập đoàn trong năm 2019. Năm 2020, số cửa hàng đã tăng lên 1.719, doanh thu tăng gấp đôi, lên mức 21.260 tỷ đồng, tập trung tại TP.HCM và 24 tỉnh thành khác tại khu vực Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ, lọt Top 3 chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam. Sau 4 năm gia nhập thị trường, doanh thu của Bách Hóa Xanh tăng đến 85 lần, đạt 204%/năm. Năm 2021, công ty dự kiến mở thêm 500 - 600 cửa hàng và vẫn chưa tính đến việc thâm nhập thị trường miền Bắc. 

Không dừng lại ở đó, trong năm 2020, MWG tiếp tục cho thử nghiệm một mô hình mới gắn liền với Bách Hóa Xanh, đó là nông nghiệp công nghệ cao 4KFarm. Với sứ mệnh cung cấp cho khách hàng thực phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe và mang lại cuộc sống thịnh vượng hơn cho người nông dân thông qua chuyển giao công nghệ, 4KFarm cam kết thu mua 100% sản lượng rau an toàn này và cung cấp độc quyền cho chuỗi Bách Hóa Xanh. 

 

Chuỗi Bách Hóa Xanh với quy mô đủ lớn sẽ quay lại tác động đến người nông dân để chuyển giao cho họ những cách thức trồng và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đây là ước mơ của tôi”, Chủ tịch Thế Giới Di Động tâm sự. 

Trước đó, vào năm 2018, Thế Giới Di Động đã mua chuỗi nhà thuốc An Khang, đặt một chân vào ngành dược phẩm, và theo Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, “chỉ cần đúng lúc thị trường đủ lớn, chúng tôi sẽ tiến hành mở rộng mạnh mẽ”. 

Không ngừng thử nghiệm để tìm ra động lực tăng trưởng mới cho tương lai, coi sáng tạo là sự sống còn của doanh nghiệp, đó là cách để Thế Giới Di Động không ngừng lớn mạnh trong những năm qua, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận gần như theo chiều thẳng đứng. Từ hơn 5 nghìn tỷ đồng doanh thu năm 2011, đến năm 2020, con số này đã tăng lên hơn 108 nghìn tỷ đồng. Và mục tiêu năm 2021 là 125 nghìn tỷ đồng.   

Khởi đầu từ 6 cộng sự, đến nay Thế Giới Di Động đã có tới 70.000 nhân viên và còn tiếp tục gia tăng. Điều gì khiến một doanh nghiệp thương mại quy mô hàng đầu Việt Nam có thể vận hành trơn tru một bộ máy “khổng lồ” như vậy? Tất cả xuất phát từ tư duy quản trị, triết lý kinh doanh “có một không hai” của ông Tài. Ở góc độ này, có thể đánh giá vị lãnh đạo doanh nghiệp gần như là một chuyên gia tâm lý, khi có thể phân tích và thấu hiểu cả khách hàng và nhân viên của mình một cách chuẩn xác nhất, để đưa ra những chiến lược đi vào lòng người. Điều này cũng xuất phát từ ba chữ: Tài - Tâm - Đức của một doanh nhân, như chính tên gọi của ông. 

Vì sao Thế Giới Di Động có được những thành quả khác thường như vậy? Vì người thuyền trưởng đã làm được điều mà nhiều doanh nghiệp khác không dám làm, đó là chia sẻ lợi nhuận với nhân viên mà ông Nguyễn Đức Tài gọi là “chia cá cho thủy thủ đoàn”. 

Với ông Tài, một đội ngũ có động lực mạnh mẽ và sự tử tế là yếu tố tạo nên tất cả, từ doanh thu, lợi nhuận, nguồn vốn và cả niềm tin của khách hàng. Vị doanh nhân có một niềm tin mãnh liệt rằng, khi làm điều gì tốt cho ai đó thì không bao giờ họ quay lưng với mình. Ông chia sẻ điều này ở rất nhiều buổi hội thảo, talkshow nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp trẻ. 

“Chính sách ra biển lớn” được đưa ra từ năm 2009. Theo đó, một con tàu không thể ra khơi nếu không có đoàn thủy thủ và càng không thể vươn ra biển lớn nếu không có người cầm lái. Nhưng, điều quan trọng hơn là ông chủ và mọi thành viên trong tập đoàn phải là những người bạn đồng hành trên cùng một con tàu, cùng một chí hướng, cùng một quyết tâm tiến ra đại dương, cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận. 

Các bạn hãy hình dung nó như một con tàu đánh cá lênh đênh ngoài khơi suốt 3 tháng trời. Khi tàu cập bến với cá đầy khoang, lúc ấy phải chia cá sao cho công bằng giữa người bỏ tiền mua tàu và 100 thủy thủ ròng rã suốt 3 tháng trời trên biển để đánh bắt cá”, Chủ tịch Thế Giới Di Động phân tích. 

Đó là nét sáng tạo mà đến tận hôm nay, ông Tài cho rằng không có nhiều doanh nghiệp dám theo đuổi. Bởi nếu nhìn vào sự chia sẻ đó thì sẽ thấy số tiền phải chi ra lớn đến mức nào. Đơn cử như trong một năm, MWG phát hành cổ phiếu thưởng 5%. Với một doanh nghiệp tỷ đô thì 5% là 50 triệu USD, tức là chia sẻ cả ngàn tỷ đồng với nhân viên của mình. Nhưng đó là sáng tạo và cũng là nét riêng quan trọng nhất để từ đó tạo ra những đột phá trong doanh nghiệp này.   

Rất nhiều lần, ông Tài khẳng định chiến lược của ông là giữ người tài với chi phí cao nhất, nhưng không để quan hệ giữa ông chủ và nhân viên thành quan hệ người mua - kẻ bán. Khi quan hệ giữa ông chủ và nhân viên là quan hệ mua bán - một người mua sức lao động, một người bán sức lao động, thì tất yếu một bên muốn mua rẻ và một bên muốn bán đắt.

Kẻ muốn mua thật rẻ thì phải giở thủ đoạn, người muốn bán đắt cũng phải có chiêu trò, và doanh nghiệp đó trở thành một tổ hợp những người giở chiêu trò để mua rẻ và bán đắt cho nhau. Trong khi, người lao động là những người thực sự rất nhạy cảm. Họ biết đâu là chiêu trò giữ người, đâu là tấm lòng chia sẻ.  

Chừng nào các bạn thay đổi quan hệ mua - bán đó thành quan hệ đồng hành, chúng ta cùng đồng hành và khi có thành quả thì cùng nhau chia sẻ, khi đó doanh nghiệp sẽ đi rất nhanh”, ông Tài tâm sự. Theo quan điểm của vị doanh nhân này, một đội ngũ cùng một quyết tâm, cùng một chí hướng sẽ làm được những việc lớn, xây dựng nên những thứ “không giống ai”. 

Chủ tịch Thế Giới Di Động cho rằng, đằng sau bất kỳ công việc nào cũng đều có hai động lực là kiếm tiền và tìm niềm vui. Nếu doanh nghiệp kết hợp được cả hai yếu tố này một cách nhuần nhuyễn, hài hòa thì chắc chắn sẽ có đội ngũ mạnh.

Ông Tài có một niềm tin mãnh liệt, rằng số đông các nhân viên đều tử tế, muốn “làm thật để ăn thật”, người ta sẽ không lừa mình, vì bản chất con người là hướng thiện. Ai cũng muốn ngẩng cao đầu, ai cũng muốn được tôn trọng. Vì vậy, đội ngũ của Thế Giới Di Động được trao niềm tin rằng, họ là những người làm tốt, họ được ghi nhận và đãi ngộ tốt. Những nhân viên muốn ăn thật, làm dối thì sẽ bị chính số đông loại trừ, bởi về thực chất người này đang lấy tiền của số đông những người còn lại, chứ không phải lấy của công ty. Mà đục khoét thành quả của số đông cũng đồng nghĩa với việc số đông phải trả giá. Đó cũng là cách mà Thế Giới Di Động loại bỏ được nạn tham nhũng vặt trong nội bộ. 

Đã không ít lần ông Tài khẳng định, Thế Giới Di Động tin rằng mọi thứ chi ra trong cuộc đời là đều lãng phí, ngoại trừ chi cho khách hàng và chi cho nhân viên. Ông không coi đó là chi phí mà là một khoản đầu tư. Ví như năm 2019, doanh nghiệp này dự kiến tổng kết với lợi nhuận tăng trưởng trên 30%, công ty chuyển khoản ngay cho nhân viên mỗi người một tháng lương mà không cần lý do, không cần đánh giá. 

Theo ông Tài, với nhân viên ở các doanh nghiệp, vào một ngày đẹp trời mà tiếng chuông tin nhắn báo tài khoản vừa được cộng mấy triệu đồng tiền thưởng vì công ty làm ăn tốt, ngày đó doanh nghiệp sẽ có một đội ngũ khác thường. Còn ngày nào vẫn còn suy nghĩ trong đầu rằng, cho đi mới nhận lại thì bản chất vẫn là quan hệ mua - bán.

Ông Tài cho rằng, niềm tin phải vững và phải xuất phát từ lòng biết ơn đối với nhân viên thì mới đưa ra được những quyết định “không giống ai” như ở Thế Giới Di Động. Vị doanh nhân cho biết, có những ngày ông tham gia các buổi chia sẻ một cách thoải mái và bình an vì có hàng chục nghìn con người đang nỗ lực đem lại sự hài lòng và niềm vui cho khách hàng. 

Với ông Tài, hàng chục nghìn con người ở Thế Giới Di Động là những người tạo nên công ty bây giờ, không có họ, công ty chỉ là “một con số 0 tròn trĩnh”. Ông Tài tuyệt đối trân trọng từ các cộng sự của mình đến những nhân viên bảo vệ, ông không gọi là “bác bảo vệ” mà gọi là “người tiếp đón khách hàng”. Sự niềm nở của họ trong tiếp xúc đầu tiên sẽ tạo ấn tượng tốt để góp phần giữ chân khách hàng. Và ông luôn trăn trở, làm sao để trả ơn những đóng góp dù rất nhỏ bé đó.  

“Để ai đó làm cho mình 5 năm, 10 năm mà không mua được cái xe, đó là nỗi đau, nặng nề hơn là nỗi nhục của người lãnh đạo. Với tôi, làm 20 năm là quá nhiều. Không tạo được điều tử tế thì không làm được gì cho cuộc đời”, ông Tài tâm sự.

Khi còn làm cho một tập đoàn đa quốc gia, ông Tài được cho vay 700 triệu đồng để mua nhà nhưng phải ký vào hợp đồng làm việc trong 5 năm, theo ông đó là kỹ thuật giữ người. Nhưng ở Thế Giới Di Động, khi doanh nghiệp chưa lên sàn, nhân viên đã được cho vay tiền mua nhà, mua xe mà không cần trả lãi, cũng không hề có ràng buộc. Đó chính là sự khác biệt của Thế Giới Di Động. 

Với ông Tài, một doanh nghiệp thực lòng muốn làm những điều tốt đẹp cho nhân viên sẽ khác hẳn những doanh nghiệp làm những điều đó nhằm mục đích giữ người. Sự thực tâm sẽ khiến doanh nghiệp có vô vàn cách làm tốt, nhưng nếu doanh nghiệp chỉ chăm chăm đi “học cách làm” mà không xuất phát từ cái tâm sẽ có thể được ví như “một gã sở khanh chuyên nghiệp”.

Có nhiều chiêu trò để giữ người nhưng chúng tôi đơn giản muốn làm điều tốt đẹp đối với nhân viên”, ông Tài khẳng định. 

Xây dựng đội ngũ, theo ông Tài, cần xuất phát từ cái tâm, phải xuất phát từ suy nghĩ “chính đội ngũ là những người đã dành tuổi xuân cho ước mơ của bạn, từ đó sẽ giúp xây dựng nền pháp trị từ tâm đầy tình người, thay vì pháp trị để cai trị”.

Mặt khác, ở Thế Giới Di Động, những người quản lý cấp trên được tạo “đất dụng võ”, dành không gian rộng để thể hiện năng lực bản thân: “Rộng như Bao Công cũng chỉ đến mức được tiền trảm hậu tấu, còn quản lý ở Thế Giới Di Động triển khai xong không cần tấu”.

Khi nhiều người có quyền quyết định thì hiệu quả công việc sẽ ngày càng cao, nhưng điều mấu chốt là người cao nhất có tin đội ngũ của mình hay không. Ông Tài cho biết, một người phụ trách về cơ sở hạ tầng trong một tháng có thể nâng cấp sửa chữa tổng cộng 400 cửa hàng nhờ có toàn quyền quyết định. Và một khi đã trao quyền thì ông sẽ không bao giờ can thiệp, vì sự can thiệp dẫn đến mất niềm tin.

Việc trao quyền là một trong những yếu tố giúp Thế Giới Di Động đi nhanh. Thời còn làm Tổng giám đốc, ông Tài thường xuyên phải ký hàng trăm giấy uỷ quyền để công chứng hợp đồng thuê đất, mà thực ra nếu không phải là quy định pháp lý bắt buộc thì ông cũng không ký. Người của ông Tài đi đâu cũng có thể hành xử như ông đang có mặt ở đó, đó là lý do nhiều cửa hàng được mở ở những vùng xa xôi mà ông không hề biết. 

Ông Tài cho rằng, muốn làm việc lớn cần nhiều người có cùng chí hướng, tâm huyết, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, bởi bản chất ngành dịch vụ là tương tác giữa con người với con người.

Càng ngày, ông Tài càng nhận ra, con đường để lớn mạnh là chuẩn chỉ doanh nghiệp bằng nhân, đức chứ không chỉ có quy định và công nghệ, vì luật lệ và công nghệ không tạo được nụ cười chân thành của nhân viên, máy móc không thể phân biệt được nụ cười từ tâm và nụ cười gượng gạo. Đó cũng là nền móng cho triết lý nhân trị của Thế Giới Di Động.

Tôi có niềm tin là những gì xuất phát từ trái tim thì chắc chắn sẽ thành công. Dù doanh nghiệp nhỏ, vừa hay lớn. Tấm lòng dành cho đội ngũ cực kỳ quan trọng, không có đội ngũ thì không làm được gì”, ông Tài nhấn mạnh thêm. 

Đồng thời, vị thuyền trưởng cũng truyền tầm nhìn, niềm tin về tương lai của công ty cho cộng sự của mình. Ông Tài cho rằng, cần chỉ cho họ nhìn rõ về tương lai của công ty, công ty sẽ đi đâu về đâu, họ sẽ là gì trong bức tranh của tương lai, họ phải tin vào điều hoành tráng, vĩ đại của tương lai thì mới có thể ngồi cùng thuyền với mình lâu dài. 

Thế Giới Di Động lên sàn năm 2014, từ lúc lên sàn chưa bao giờ kêu gọi nhà đầu tư bỏ vốn. Nhiều người khuyên nên tách ra thành nhiều mảng để đẩy giá lên, ông Tài trả lời, rằng Thế Giới Di Động không phải tạo ra cho nhà đầu tư, mà là cho hàng chục nghìn con người ở đây. “Nhiều người không thích, nói tôi để nhân viên “đè” lên nhà đầu tư! Tôi nói chính nhờ vậy họ mới làm ra tiền cho nhà đầu tư. Ngày nào mà mình để cho nhà đầu tư “đè” lên nhân viên là nhà đầu tư sẽ mất đi khoản tiền đó”, ông Tài nhấn mạnh.  

Tất cả những điều đó đã tạo nên đội ngũ nhân viên giàu tri thức, kỷ luật cao, có tinh thần đoàn kết - nhất trí, năng động - sáng tạo trong tư duy và hành động của MWG. Đó còn là một đội ngũ hùng mạnh, sẵn sàng đạp bão giông để vươn ra biển lớn. Theo một khảo sát năm 2020, có tới hơn 96% nhân viên của Thế Giới Di Động cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được làm việc tại công ty này. 

Từ năm 2019, ông Nguyễn Đức Tài đã rời khỏi vị trí điều hành và lui về phía sau, chỉ còn giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ông nói, sứ mệnh lịch sử của mình đã hoàn thành, giờ đây, ở Thế Giới Di Động ông chỉ là giá trị tinh thần, nhưng ông hoàn toàn tin vào đội ngũ của mình cũng như nền móng mà ông và cộng sự đã xây dựng vững chắc trong 15 năm “trường kỳ kháng chiến”. Ngay từ lúc “nghĩ lớn”, ông Tài đã ý thức được rằng, muốn làm cái gì lớn lao thì phải xây móng thật chắc. Bên cạnh mô hình kinh doanh, công nghệ bán lẻ và đội ngũ có động lực mạnh mẽ, một yếu tố quan trọng hơn cả tạo nên nền móng vững chắc cho Thế Giới Di Động, đó chính là khách hàng. 

Dù trải qua nhiều thay đổi trong suốt hơn 15 năm hoạt động, Thế Giới Di Động vẫn luôn giữ lại bí quyết cốt lõi làm nên thành công, đó là khách hàng. Doanh nghiệp luôn tôn thờ văn hóa “Khách hàng là trên hết” trong mọi suy nghĩ và hành động của mình. Theo đó, văn hóa phục vụ thấm nhuần trong mọi nhân viên, khiến họ trở thành những người tư vấn đem lại sự hài lòng cho khách, tư vấn cho khách như với người thân của mình thay vì là những người luôn cố gắng để bán được hàng. Đây chính là chìa khóa để Thế Giới Di Động chinh phục thành công bất cứ thị phần nào trong lĩnh vực bán lẻ.

Ông Tài chia sẻ, mất 3 năm để ông có thể xây dựng được cho nhân viên của mình niềm tin mãnh liệt rằng, khách hàng vô cùng quan trọng với sự sống còn của doanh nghiệp. Từ khi xác định vị trí trung tâm này, văn hóa của Công ty được xây dựng quanh trục chính là khách hàng. Một hình ảnh dễ nhận thấy khi khách hàng tới các cửa hàng của Thế Giới Di Động, họ được tiếp đón tận tình, tạo thiện cảm ngay từ đội ngũ bảo vệ.  

Tương tự, dù khách hàng đến đổi, trả sản phẩm, ngoài việc hỏi khách hàng có cần hỗ trợ gì thêm không, nhân viên cửa hàng tuyệt đối không được tìm hiểu thêm thông tin, tôn trọng quyết định của khách hàng một cách tuyệt đối. Đây là giá trị cốt lõi giúp Thế Giới Di Động tự tin vượt lên những nhà bán lẻ khác.

Thực sự đó không phải là bí mật kinh doanh và nhiều đơn vị khác cũng ứng dụng nhưng thành công hay không lại là chuyện khác. Phải tin khách hàng và phải rất kiên trì với niềm tin này thì mới có thể thực hành đạo kinh doanh trên”, doanh nhân Nguyễn Đức Tài chia sẻ. 

Theo nhìn nhận của chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, đối với một doanh nghiệp kinh doanh thương mại, nền tảng khách hàng là yếu tố số 1, cực kỳ quan trọng. Bởi nếu không có nền tảng khách hàng thì doanh nhiệp không có lý do để tồn tại. Nhưng giữa việc hô khẩu hiệu và hành động thực tâm lại là cả một khoảng cách không dễ vượt qua. Từ cổ chí kim, đã kinh doanh là phải có lãi, và muốn có lãi cao thì phải có thủ đoạn. Nhưng không ít người lại quên mất một điều đơn giản, rằng lãi cao không bằng lãi thấp nhưng có nhiều khách hàng và lãi bền vững. 

“Giả sử mỗi khách hàng đến, chỉ cần đem lại 1 đô la lợi nhuận, nhưng hàng triệu người đến thì đã có hàng triệu đô tiền lãi. Còn muốn lấy lãi 10 đô khi có 1 khách đến, đúng là mức lãi hấp dẫn hơn nhưng số lượng khách chắc chắn sẽ ít hơn. 

Phải hiểu rằng, chỉ khi có được nền tảng khách hàng bền vững thì lợi nhuận mới cao. Nếu cứ nhăm nhăm chặt chém khách, moi túi tiền của khách thì họ sẽ chọn nơi khác ngay. Chính vì Thế Giới Di Động làm rất tốt phương châm “bán sự hài lòng, không nhìn vào túi tiền của khách” nên mới có sự phát triển bùng nổ một cách nhanh chóng như vậy”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá. 

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, dù doanh nghiệp có mong muốn lấy khách hàng làm trung tâm, thì phần lớn các quyết định kinh doanh cuối cùng cũng dựa trên những con số như doanh thu, lợi nhuận. Các doanh nghiệp hiện nay thường rơi vào tình trạng: Doanh số các bộ phận tăng, nhưng khách hàng vẫn rời bỏ công ty. Bởi mỗi bộ phận đều làm tốt nhiệm vụ của mình, nhưng không tạo nên cho khách hàng một sự trải nghiệm mang tính tổng thể của hành trình. Quản trị trải nghiệm dựa trên hành trình khách hàng là một quá trình cần được thống nhất, chứ không chỉ là cố gắng tối ưu tại mỗi điểm tiếp xúc.

Muốn đi đúng hướng, doanh nghiệp phải đứng ở góc độ khách hàng để cảm nhận, đây chính là bước đầu tiên của quy trình “lấy khách hàng làm trung tâm”, dựa vào đó để đưa ra các quyết định kinh doanh. Điều này đã được thực hiện một cách bài bản ở Thế Giới Di Động. 

Cụ thể, ở giai đoạn trước mua hàng, website của Thế Giới Di Động là một trong nhưng website mang lại trải nghiệm tốt nhất. Nhanh, đơn giản và thuận tiện. Một điểm đặc biệt là website Thế Giới Di Động đi theo mô hình tư vấn thay vì bán hàng online nhờ tính năng so sánh bất kỳ các dòng sản phẩm. Đây chính là sự thấu hiểu khách hàng. Để khách hàng chi trả cho một chiếc smartphone, họ cần xem xét từ tính năng, thời trang, công nghệ và cần được tư vấn.

Ở giai đoạn mua hàng, nhờ quá trình tư vấn của giai đoạn trước cũng như trải nghiệm sản phẩm tại các cửa hàng. Khách hàng dễ dàng đưa ra chọn lựa. Giai đoạn sau mua hàng, khi điện thoại đến Call Center, hệ thống sẽ thể hiện toàn bộ lịch sử để tư vấn viên hỗ trợ được nhiều nhất có thể. Hay quá trình bảo hành được thực hiện rất nhanh chóng tại bất kỳ một cửa hàng nào của hệ thống Thế Giới Di Động. 

Quản trị trải nghiệm khách hàng ở Việt Nam tuy còn ít được áp dụng, nhưng Thế Giới Di Động là một doanh nghiệp tiên phong tạo lợi thế kinh doanh và thành công trên thị trường. Đây cũng là bài học cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thị trường cạnh tranh quyết liệt từ trong đến ngoài nước.  

Chưa hết, để đánh giá nhân viên, ở các doanh nghiệp khác thường nhìn vào doanh số, còn ở Thế Giới Di Động lại nhìn vào sự hài lòng của khách hàng. 

“Ngày nào bạn sẵn sàng nói với khách hàng rằng: “Điện thoại này phức tạp lắm, không hợp với anh đâu. Em có cái này rẻ hơn mà anh xài rất thích”, thì khách hàng không bao giờ bỏ bạn. Đó chính là một trong những yếu tố cấu thành nên giá trị tận tâm với khách hàng của Thế Giới Di động”.

Dù bạn có bán được một món hàng mà khách hàng không hài lòng thì cũng hỏng. Đã có những nhân viên bán được rất nhiều, doanh số rất cao. Lẽ ra những nhân viên đó ở doanh nghiệp khác sẽ được tôn vinh, đề bạt, nhưng ở Thế Giới Di Động, bạn này lại bị nhắc nhở. Và sau vài lần nhắc nhở, nếu mọi thứ không thay đổi bạn sẽ được mời sang một doanh nghiệp khác - nơi tôn thờ doanh số chứ không tôn thờ sự hài lòng của khách hàng”, ông Tài chia sẻ và cho rằng, nếu hàng chục nghìn nhân viên của MWG không sống đúng với giá trị tận tâm với khách hàng, thay vào đó là chèn ép, dụ dỗ khách hàng… thì chuyện lớn sẽ xảy ra, và cũng không thể có một hệ thống các chuỗi cửa hàng quy mô lớn như hiện nay. 

Cũng chính vì lẽ đó mà ông chủ Thế Giới Di Động cho rằng, làm hài lòng nhân viên chính là làm hài lòng khách hàng. Bởi họ là những người trực tiếp giao dịch, chuyển tải các sản phẩm - dịch vụ, nâng cao hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp với khách hàng. Họ là mấu chốt quyết định sự hài lòng và tạo dựng quan hệ bền vững giữa khách hàng với doanh nghiệp. Và khi nhân viên thực sự “hài lòng” với công ty, họ đều coi khách hàng của Thế Giới Di Động là “ông chủ”, là người sẽ trả lương, trả thưởng cho họ, để phục vụ một cách tốt nhất. Mỗi nhân viên là một đại sứ thiện chí của thegioididong.com đối với thế giới bên ngoài. Họ không bao giờ tự mãn với những thành công đã có. Họ luôn nhìn lại mình để tu dưỡng đạo đức và thu nạp kiến thức chuyên môn. 

Tôi chẳng bao giờ bị áp lực với cổ đông mà bị áp lực với chính đội ngũ gần trăm ngàn con người, nếu không nỗ lực làm sao họ tiếp tục phát triển, đi tới tương lai, đó là động lực khiến mình không thấy mệt mỏi”.

Chúng tôi mở thêm siêu thị nhằm mục tiêu phục vụ khách hàng tốt hơn và thuận tiện hơn. Việc đặt khách hàng làm trọng tâm đòi hỏi chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa, từ việc tính toán mật độ siêu thị hợp lý, đưa ra các chính sách bán hàng, thiết kế các chương trình ưu đãi phù hợp tới việc lựa chọn hàng hóa chất lượng cao để phục vụ người tiêu dùng”.

Thế Giới Di Động thành công hôm nay là câu chuyện rất dài, chính vì thế tôi bắt đầu chia sẻ những trải nghiệm xương máu của mình, mong muốn duy nhất là các bạn có cảm hứng để làm tốt hơn cho doanh nghiệp của mình. Nếu mỗi doanh nghiệp làm tốt, sau lưng họ là hàng ngàn nhân viên, hàng ngàn gia đình tốt, đất nước sẽ tốt hơn nhiều. Niềm vui của người cho là có người nhận, đất nước chỉ phồn vinh khi có nhiều doanh nghiệp phồn vinh”, doanh nhân Nguyễn Đức Tài chia sẻ trong những buổi diễn thuyết của mình. 

Có thể nói, việc xây dựng thành công hệ thống quản trị doanh nghiệp và mô hình bán lẻ được chuẩn mực hóa đã mang lại những lợi thế cạnh tranh cho Thế Giới Di Động, giúp họ vượt lên dẫn đầu và tiếp tục nỗ lực vươn xa trong thị trường bán lẻ đang còn rất nhiều tiềm năng, khi nhiều đối thủ khác vẫn đang loay hoay với chiến lược phát triển của mình. Và cũng chính khát vọng muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội của người thuyền trưởng đã giúp Thế Giới Di Động không ngừng tiến xa hơn, vượt ra khỏi ranh giới Việt Nam, đồng thời hướng tới những mục tiêu nhân văn, vì con người. 

Theo đánh giá của PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, các đại diện như Thế Giới Di Động đang tạo ra xung lực mới cho khối kinh tế tư nhân - được coi là động lực quan trọng để phát triển đất nước với đóng góp trên 40% GDP và có xu hướng ngày càng tăng. Phải có những doanh nhân dám nghĩ lớn, làm lớn, chinh phục mọi giới hạn như ông Nguyễn Đức Tài thì mới có một Việt Nam lớn mạnh, hùng cường…

Vị chuyên gia cho biết thêm, thị trường bán lẻ Việt Nam trong một số năm tới dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 2 con số. Những thành tựu mới của Công nghiệp 4.0 và công nghệ thông tin sẽ giúp thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh hơn, chất lượng hơn và giảm chi phí hơn. Bán lẻ Việt với định hướng xuyên suốt “lấy khách hàng làm trung tâm, nhân tố quyết định sự tồn tại của mỗi thương hiệu bán lẻ”, người tiêu dùng sẽ luôn đặt niềm tin thực sự vào những doanh nghiệp bán lẻ chân chính, phục vụ văn minh, có thương hiệu. Và Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục giữ thế thượng phong khi đã làm rất tốt điều này. 

Mặt khác, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành bán lẻ Việt Nam. Nhưng những thách thức, áp lực đặt ra với các doanh nghiệp bán lẻ Việt cũng ngày thêm chất chồng, đòi hỏi sự nỗ lực lớn nếu không muốn bị “nhấn chìm” trong cạnh tranh khốc liệt với sự “đổ bộ” của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Khát vọng và những nỗ lực không ngừng nghỉ của Thế Giới Di Động sẽ là một bệ phóng vững chắc để đưa ngành bán lẻ Việt Nam vươn xa hơn, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và tiến ra thế giới như khẳng định của doanh nhân Nguyễn Đức Tài: “Hai mươi năm tới, MWG sẽ là một đế chế bán lẻ. Chúng tôi không chỉ ngồi đây mà còn đi ra thế giới”. Từ Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài, những lãnh đạo trẻ của công ty này có thể chuyển thành “Di Động Quanh Thế giới” để có thể tạo ra năng lực “bán cả thế giới”.

 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/tu-the-gioi-di-dong-den-di-dong-quanh-the-gioi--20201231000001932.html