Xây dựng, điều chỉnh Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030

Để thực hiện các quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số nội dung liên quan.

Cụ thể, về Chương trình phát triển nhà ở, đối với các địa phương chưa xây dựng, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 thì căn cứ vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (nay là Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội) để xây dựng, trình HĐND thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm (2021 - 2025) hoặc giai đoạn 10 năm (2021 - 2030) trong năm 2022.

Đối với các địa phương đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 hoặc có thời hạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các nội dung trong Chương trình phát triển nhà ở áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2030 để bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về trình tự, thủ tục xây dựng, điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở cần tuân thủ quy định tại Điều 4 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP.

Xây dựng, điều chỉnh Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030
Xây dựng, điều chỉnh Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030

Nội dung Chương trình phát triển nhà ở cần tuân thủ các quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm xây dựng các mục tiêu, nhóm giải pháp phát triển nhà ở của Chương trình phát triển nhà ở tương ứng với các mục tiêu, nhóm nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong Chiến lược....

Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh không xây dựng định hướng hoặc tầm nhìn của Chương trình mà xây dựng nội dung cụ thể của Chương trình để áp dụng cho giai đoạn 5 năm (2021 – 2025) hoặc giai đoạn 10 năm (2021 – 2030).

Về Kế hoạch phát triển nhà ở, đối với các địa phương đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 nhưng chưa xây dựng, phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022 và giai đoạn 5 năm (2021 – 2025) trong 6 tháng đầu năm 2022.

Qua tổng hợp của Bộ Xây dựng, vẫn còn nhiều địa phương chưa kịp thời phê duyệt Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030; một số địa phương chưa phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở mà đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở. Trong khi đó, theo quy định thì Chương trình phát triển nhà ở là căn cứ để xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở.

Đối với các địa phương đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm (2021 – 2025) thì đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 theo đúng yêu cầu của pháp luật nhà ở. Còn đối với địa phương đã phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở nhưng chưa có Chương trình phát triển nhà ở, đề nghị khẩn trương xây dựng, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm (2021 – 2025) hoặc giai đoạn 10 năm (2021 – 2030), sau đó điều chỉnh lại Kế hoạch phát triển nhà ở theo đúng quy định. Thời gian thực hiện đề nghị hoàn thành chậm nhất trong 6 tháng đầu năm 2022.

Trình tự, thủ tục xây dựng, điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở cần tuân thủ quy định tại Điều 4 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP. Nội dung Kế hoạch phát triển nhà ở cần tuân thủ các quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương xây dựng, phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm, trong đó cần xác định cụ thể danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn (bao gồm dự án xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở để phục vụ tái định cư và các vị trí, khu vực dự kiến phát triển dự án nhà ở), làm cơ sở để thẩm định chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án theo quy định; gửi kết quả về Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Trước đó, đóng góp ý kiến tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của ngành Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, trong năm qua, ngành xây dựng TP.Hà Nội đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, với quyết tâm vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm được giao và đạt được những kết quả nhất định. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Sở Xây dựng còn gặp phải một số vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng.

Để tháo gỡ các vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc nêu trên, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị, đề xuất với Bộ Xây dựng nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về cấp nước an toàn, phối hợp bảo vệ nguồn nước giữa các địa phương, vệ sinh môi trường; công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và Giám định tư pháp xây dựng…

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phát triển nhà ở
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phát triển nhà ở

Về phát triển nhà ở, kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại theo nguyên tắc như sau: Đối với các dự án có quy mô ≥2ha phù hợp để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án: Thực hiện việc dành quỹ đất xây dựng theo đúng quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021. Đối với các dự án xây dựng nhà ở thương mại quy mô ≥2ha nhưng không phù hợp để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án: Thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các dự án khác trên phạm vi địa bàn và bổ sung thêm phương thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng tiền.

Cũng tại Hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân tiếp tục nêu các kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý ngành. Theo ông Trần Hoàng Quân, năm 2021, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại do phải tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên Sở Xây dựng TP.HCM đã phấn đấu thực hiện Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Thành phố và Chương trình công tác của UBND Thành phố nhằm thực thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị với Bộ Xây dựng quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý ngành Xây dựng liên quan đến công tác tổ chức bộ máy thanh tra Sở; công tác quản lý trật tự xây dựng; công tác thanh tra, kiểm tra; sửa đổi Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015; phát triển nhà ở xã hội; hồ sơ bán nhà ở hình thành trong tương lai; công tác thẩm định dự án và cấp Giấy phép xây dựng; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở theo quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định 30/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở…

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030

Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, trong đó: Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.

Đến năm 2030, phấn đấu tăng tỉ lệ nhà ở kiên cố trên toàn quốc đạt 85-90%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75-80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn quốc đặc biệt là khu vực đô thị; 90% nhà ở trên toàn quốc có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân thông qua điều chỉnh, bổ sung chính sách nhằm tăng nguồn cung kết hợp hỗ trợ khả năng thanh toán.

Đối với các hộ nghèo tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu sổ và miền núi, hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có khó khăn về nhà ở, hỗ trợ cải thiện nhà ở theo hướng: Hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; tăng mức vay ưu đãi cũng như đề nghị các địa phương hỗ trợ thêm từ các nguồn xã hội hóa và lồng ghép việc hỗ trợ từ các nguồn vốn hợp pháp khác; tăng chất lượng và tăng diện tích tối thiểu của ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030

Đối với các hộ có nhà ở trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu (bão, lũ, sạt lở đất,...), hỗ trợ theo hướng cho vay ưu đãi để xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cao chất lượng căn nhà, tăng khả năng chống chịu của nhà ở; đối với một số khu vực nguy hiểm thực hiện hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại các khu vực an toàn từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhà ở gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở; nhóm giải pháp về quy hoạch, phát triển quỹ đất; nâng cao năng lực phát triển nhà ở theo dự án; giải pháp phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; nhóm giải pháp về nguồn vốn và thuế; nhóm giải pháp phát triển thị trường bất động sản; giải pháp cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; nhóm giải pháp khác.

Trong đó, trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt nhằm đáp ứng phát triển các dự án đô thị, dự án phát triển nhà ở, dự án phát triển nhà xã hội, nhà công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư...

Huy động nguồn vốn xã hội hóa để phát triển nhà ở thông qua nhiều hình thức như: Huy động vốn của doanh nghiệp, huy động từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phát triển địa phương, cổ phiếu, trái phiếu và các nguồn vốn hợp pháp khác, nhằm tạo lập hệ thống tài chính nhà ở vận hành ổn định, dài hạn và giảm phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.

Nghiên cứu sửa đổi pháp luật kinh doanh bất động sản để hoàn thiện chính sách kinh doanh bất động sản nói chung và chính sách liên quan đến giao dịch, kinh doanh nhà ở, dự án nhà ở nói riêng bao gồm: Kinh doanh nhà ở có sẵn, kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở, chuyển nhượng dự án, một phần dự án nhà ở...

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở từ bước lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, đầu tư xây dựng dự án, cấp giấy chứng nhận sở hữu... Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thực hiện chuyển đổi số các thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng nhà ở hộ gia đình, riêng lẻ nhằm tăng cường sự tham gia người dân. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, thực hiện cải cách hành chính tại cấp Trung ương và địa phương.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/xay-dung-dieu-chinh-chuong-trinh-ke-hoach-phat-trien-nha-o-20201231000005689.html