Các thương hiệu đồ uống lớn có bàng quan với môi trường như mọi người vẫn tưởng?

Trong khi toàn thế giới vẫn đang gồng mình trong cuộc chiến với ô nhiễm và biến đổi khí hậu và chung tay cùng hành động hạn chế rác thải nhựa với môi trường thì một số thương hiệu đồ uống lớn của Việt Nam vẫn thờ ơ với việc này.

Các thương hiệu lớn kéo nhau vào cuộc

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advance vào tháng 7/2017 ước tính, có khoảng 175 triệu ống hút được sử dụng và vất đi mỗi ngày. Dù ống hút nhựa chỉ chiếm 0,03 tổng khối lượng rác thải nhựa nhưng những ống hút nhựa nhỏ lại dễ mắc kẹt, ẩn sâu và dễ bị phân rã thành những hạt vi nhựa microplastic dưới tác động của ánh nắng mặt trời.

Do đó, để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần nói chung và ống hút nhựa nói riêng đối với môi trường, cả thế giới đã vào cuộc và đang gồng mình góp sức với nhiều biện pháp thực hiện từ cá nhân đến cộng đồng.


Nhãn hàng Starbucks đã rất nhanh chóng trong phong trào hạn chế rác thải nhựa.

Đơn cử các khách sạn lớn như AccorHotels – tập đoàn khách sạn Fairmont, Raffles, SwissHôtel và Novotel cũng bắt đầu loại bỏ ống hút nhựa tại các khu vực Bắc và Trung Mỹ trong tháng này. Four Seasons Hotels and Resorts trong tháng 4 vừa qua cũng đã công bố kế hoạch tương tự tại 110 khách sạn của họ.

Sau đó là hãng đồ uống Starbucks và hãng hàng không American Airlines, tập đoàn khách sạn Marriott tuyên bố từ bỏ ống hút bằng nhựa trên khắp các chuỗi lớn nhỏ của họ trên toàn thế giới. Khách sạn Hilton Hotels và Hyatt Hotels cũng đi theo chiến dịch này.

Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn sử dụng triệt để chiến dịch này để lan tỏa thông điệp thương hiệu của mình. Cà phê Trung Nguyên là điển hình nhãn hàng đi đầu trong chiến dịch “uống xanh” với khẩu hiệu “Từ giờ chúng tôi chỉ dùng ống hút giấy” ở toàn hệ thống. Động thái này của hãng cà phê Việt đã ghi điểm không ít trong mắt người tiêu dùng.

Rồi tiếp theo là Starbucks, nếu khách hàng cầm theo bình nước cá nhân và không lấy ống hút sẽ được giảm 10.000 đồng khi mua đồ uống. Rồi Allday Coffee, 100% sử dụng ống hút giấy, ống hút tre,... hay Hidden Gem Coffee - xây dựng cả 1 quán cà phê từ việc tái chế đồ nhựa, ống hút được sử dụng ở quán cũng là ống hút tre hoặc inox, trà sữa Gong Cha dùng ống hút mía đường và nắp bằng giấy sinh học mực in soya...

Bất cập trong việc “phổ cập” ống hút thay thế

Nhiều chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng, khuyến khích sử dụng ống hút, túi, bao bì nilon thân thiện với môi trường đã được phát động. Thế nhưng đối với một số nhãn hàng thì đó vẫn là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” khi vẫn đang “cố thủ” với những chiếc ống hút bằng nhựa hay chỉ thực hiện một cách qua loa, được vài hôm lại trở về với ống hút nhựa.

Đó là các nhãn hàng đồ uống quen mặt với giới trẻ như The Alley, Royaltea, KOI Thé vẫn phục vụ khách hàng bằng những ống hút nhựa. Chuỗi cà phê danh tiếng tại Hà Nội là The Coffee House, trước phản ánh của khách hàng đã thay bằng cốc thủy tinh song vẫn còn những chiếc ống hút nhựa. Rồi chuỗi cà phê Highland nổi tiếng với hàng trăm cửa hàng trải rộng khắp Việt Nam cũng vậy, hoàn toàn dùng cốc và ống hút nhựa.

Rất nhiều nhãn hàng đồ uống nổi tiếng vẫn dùng ống hút nhựa, cốc nhựa phục vụ khách

Đại diện thương hiệu trà sữa KOI đang được giới trẻ rất yêu thích cho biết, hiện tại KOI vẫn sử dụng ống hút nhựa để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không ảnh hưởng đến các thức uống. Tuy nhiên, nếu khách hàng muốn vẫn có thể mang ly cá nhân và ống hút cá nhân đến cửa hàng. Và nếu sử dụng ly cá nhân sẽ được giảm giá 5.000 đồng mỗi hóa đơn.

Còn khi được hỏi tại sao không đi theo xu thế bảo vệ môi trường hiện nay bằng cách dùng các loại ống hút có thể phân hủy hữu cơ thì chuyên viên marketing của chuỗi cửa hàng hãng trà sữa Đài Loan The Alley tại Việt Nam cho biết:“Không phải là The Alley không có biện pháp để bảo vệ môi trường mà trong tương lai The Alley cũng sẽ có những hướng đi để cùng chung tay bảo vệ môi trường theo xu hướng của thế giới. The Alley cũng đã có cân nhắc đến vấn đề thay đổi ống hút nhựa bằng vật liệu tự nhiên như ống hút cỏ, ống hút tre, hay inox để khách hàng có thể dùng đi dùng lại nhiều lần. The Alley vẫn đang trong quá trình thay đổi nhưng vẫn còn cần thời gian và cần nguồn nhân lực, cũng như liên quan đến vấn đề chi phí. Đó là quá trình lâu dài chứ không thể hứa hẹn ngay tháng này hay tháng sau được. Chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu để thay đổi một cách từ từ sao cho có lợi nhất đối với khách hàng”.

Đại diện nhãn hàng này cũng cho biết thêm, dù chưa sử dụng hoàn toàn ống hút hay cốc làm từ vật liệu tự nhiên nhưng hiện tại The Alley cũng có sử dụng ly giấy song song với ly nhựa. The Alley có chính sách khuyến khích khách hàng mang ly cá nhân đến thay vì dùng ly nhựa của quán. Bên cạnh đó thì The Alley vẫn đang dùng túi giấy cho khách hàng, nhưng chưa triển khai cho toàn hệ thống.

Với hàng trăm cơ sở và hàng trăm nghìn cốc nước uống được tiêu thụ mỗi ngày, các khách hàng của nhiều hãng đồ uống lớn hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi rằng lượng rác thải nhựa như ống hút, thìa nhựa hay cốc nhựa khổng lồ của hãng đồ uống này sẽ được xử lý như thế nào hay chỉ đơn giản là "cho vào thùng rác" mỗi cuối ngày?

Khảo sát trên thị trường thì giá trung bình của các loại ống hút thân thiện với môi trường hiện nay khá cao, cao gấp 3 - 4 lần số với ống hút nhựa. Cụ thể, ống hút inox có giá 15.000 - 25.000/cái, tuỳ kích cỡ, nếu mua theo bộ gồm cả cọ rửa ống hút inox giá sẽ dao động từ 45.000 - 60.000 đồng/bộ. Với ống hút tre, giá từ 10.000 - 12.000 đồng/cái, ống hút gạo giá 79.000 đồng/kg gồm 260 cái, tương đương hơn 300 đồng/cái; ống hút giấy có giá từ 15.000 - 80.000 đồng/bịch, tuỳ số lượng mỗi bịch và chất lượng…

Vì vậy, nhiều hãng trà sữa cũng cho rằng, để thay đổi sang dùng ống hút nhựa không phải là giải pháp dễ dàng. Vì các loại ống hút thay thế cho ống hút nhựa như gỗ, tre, cỏ, giấy,... chi phí đều đội giá lên rất nhiều. Lúc này, mỗi ly trà sữa hay cà phê sẽ phải tăng thêm khoảng 20% giá bán thì khách hàng lại không chấp nhận được và nguy cơ lỗ rất cao. Do đó rất nhiều thương hiệu trà sữa cũng chỉ đi theo trào lưu được một thời gian đầu và lại quay về với ống hút nhựa.

Như vậy, giải pháp thay thế ống hút nhựa còn rất nhiều bất cập khi vấn đề về giá đang được cân nhắc kỹ đối với các nhãn hàng. “Một ống hút giấy đắt hơn một ống hút nhựa. Với các tập đoàn lớn, điều đó tương đương hàng trăm triệu USD. Nhưng tổn hại cho môi trường biển thì không thể tính được”, ông David Rhodes, Giám đốc của tập đoàn sản xuất dụng cụ ăn uống có thể phân hủy Aardvark cho biết.

Thói quen của người dùng cũng khiến các nhãn hàng đồ uống phải đau đầu khi tìm loại ống hút thay thế

Nhưng cũng có đôi khi, việc hạn chế ống hút nhựa cũng khó khăn khi chính khách hàng cũng không muốn thay đổi thói quen về sự tiện lợi của mình. 

Bạn Thanh Vân (Đại học Hà Nội) cho rằng bản thân bạn cũng có biết rác thải nhựa ra môi trường ảnh hưởng thế nào và đã thử order đồ uống không dùng ống hút, nhưng quá khó. Bởi việc uống nước không dùng ống hút chưa thành thói quen, đối với các bạn gái lại càng bất tiện khi dính son môi lên thành cốc, hoặc “mình không thể húp sùm sụp trà sữa mà không cần dùng ống hút để khuấy kem cheese hay mứt được. Hơn nữa, mình cảm thấy ống hút nhựa cũng rất mềm, mỏng dễ dùng chứ mấy cái ống hút cỏ hay tre nứa ngậm vào miệng cứ có cảm giác không vệ sinh”.

Bạn Thùy Trang (Đại học Kinh doanh Công nghệ) cũng bày tỏ ý kiến, bạn đã thử chuyển sang các loại ống hút khác nhưng cảm thấy không thật sự dễ dùng như ống hút nhựa. 

“Mình dùng ống hút tre nhưng lại rất khó hút trân châu so với ống hút nhựa. Ống hút giấy cũng vậy, khó hút được trân châu lên mà lại còn hay bị nhão giấy rất mất vệ sinh. Cho nên mình vẫn thích ống hút nhựa nhất”, Thùy Trang chia sẻ.

Câu chuyện loại bỏ ống hút nhựa không chỉ là chuyện một sớm một chiều mà là cả một quá trình. Người tiêu dùng cũng nên chủ động ý thức được thói quen của chính mình chứ không chỉ trông chờ động thái của các nhãn hàng lớn. Trước mắt là việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một cách cần thiết, khoa học và đúng đắn, tập thói quen không dùng ống hút cũng là một cách để bạn có thể hạn chế rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi ngày.

Thanh Vân/Đô Thị Mới
Mộc Anh