Kỳ 6: Mắc bệnh gan: “Chuốc họa vào thân” khi tự ý bổ sung, lạm dụng TPCN

Thực phẩm chức năng (TPCN) đã không còn là một khái niệm xa lạ trong xã hội hiện đại. Khi điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người cũng gia tăng. Ngày càng có nhiều người tìm đến với các sản phẩm TPCN để bổ sung các dưỡng chất tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người vẫn còn nhầm tưởng TPCN là thuốc và có tác dụng như thuốc chữa bệnh, mặc các khuyến cáo liên quan mà cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành. 

Vượt qua cái tên "thực phẩm", nhiều người đang tìm đến TPCN với mong muốn chữa được bệnh, thậm chí là bệnh nan y càng khiến các sản phẩm này nở rộ, mọc lên như nấm. 

Theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 21% dân số đang sử dụng TPCN, tương đương hơn 20 triệu người ở khắp 63 tỉnh thành. Thị trường khổng lồ này là mảnh đất màu mỡ cho các đơn vị sản xuất TPCN, chính vì vậy không ít đơn vị đã không từ các "thủ đoạn" để quảng cáo, tâng bốc các công dụng của TPCN, cố tình "đánh lận con đen" để người tiêu dùng hiểu lầm. 

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, trên tinh thần nghiên cứu, chúng tôi khởi đăng tuyến bài: Thị trường thực phẩm chức năng: Phức tạp như "ma trận". 

Xin mời quý độc giả đón đọc Kỳ 6: Mắc bệnh gan: “Chuốc họa vào thân” khi tự ý bổ sung, lạm dụng TPCN

Gan là bộ phận có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cơ thể. Khi gan bị tổn thương có thể khiến các hoạt động của cơ thể và các cơ quan khác gặp nhiều bất lợi. Men gan tăng cao là dấu hiệu cho biết cơ thể có thể đang mắc một số bệnh nguy hiểm như: viêm túi mật, viêm thận mãn tính, viêm gan, viêm cơ, ung thư gan, nhồi máu cơ tim... Nếu tình trạng men gan cao không được kiểm soát sớm không chỉ làm chức năng gan suy giảm mà còn dễ dẫn đến xơ gan, u gan, rút ngắn tuổi thọ...

"CÓ BỆNH THÌ VÁI TỨ PHƯƠNG": TIỀM ẨN HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG

Con số thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) cho thấy, số người mắc ung thư gan ở Việt Nam cao thứ 3 trên thế giới. Và số người có các bệnh lý về gan, mắc ung thư gan tại Việt Nam đang ngày một gia tăng.

Nguyên nhân dẫn tới ung thư gan chủ yếu là do xơ gan và do viêm gan virus. Theo đó, viêm gan là tình trạng tế bào gan bị viêm, hư hoại và chết đi. Viêm gan có thể do nhiễm độc (sử dụng thuốc lâu dài, nghiện rượu, dùng bia rượu dài ngày...).

Nguyên nhân thường gặp nhất ở nước ta hiện nay là viêm gan do nhiễm siêu vi (viêm gan siêu vi A, B và C). Khi tế bào gan bị viêm, tổn thương, các men gan như ALT (còn được ghi SGPT) và AST (còn được ghi SGOT) từ gan phóng thích vào máu nhiều hơn so với bình thường. Vì vậy, khi xét nghiệm thấy men gan ALT và AST tăng thì đó là dấu hiệu cho biết tình trạng viêm, tổn thương gan. Những dấu hiệu ban đầu của việc gan bị tổn thương thường được nói đến là da nổi mụn, vàng da, vàng mắt, khó tiêu, táo bón…

Năm 2020, Việt Nam tăng 9 bậc trên bản đồ ung thư thế giới
Năm 2020, Việt Nam tăng 9 bậc trên bản đồ ung thư thế giới (Nguồn: Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR, thuộc WHO) )

Từ những loại bệnh lý thường gặp về gan nêu trên, hàng loạt các sản phẩm điều trị, hỗ trợ chức năng gan đã được cho ra đời, tiêu biểu phải nhắc tới các loại thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo giúp bổ gan, làm hạ men gan, giải độc gan. Một số TPCN được cho là có nguồn gốc hợp chất thiên nhiên, chủ yếu bào chế từ các chất lấy từ thảo dược, có một số tác dụng tích cực, đưa đến hiệu quả bồi dưỡng sức khoẻ người sử dụng, đặc biệt khi dùng đúng liều lượng sẽ có tính an toàn cao. Tuy nhiên, TPCN không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Các loại TPCN chỉ được dùng hỗ trợ điều trị viêm gan bằng cách tăng cường chức năng gan, giúp tái tạo nhu mô gan bị tổn thương, trị các rối loạn tiêu hoá (khó tiêu, táo bón) do suy giảm chức năng gan, giúp giải độc gan trong bệnh lý gan. Thế nhưng, thông qua các chiêu trò về quảng cáo, sản phẩm lại được "phù phép" lên như những "thần dược”, thậm chí có loại quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy rõ tác dụng nhưng chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân.

Nhưng trên thực tế, phần đông người bệnh khi có (hoặc tự cho là có) các dấu hiệu bệnh lý đơn giản đã tự bắt bệnh, tự kê thuốc cho mình hoặc thông qua phương thức khám “truyền miệng” rồi mua các loại thuốc không kê đơn, TPCN điều trị, hỗ trợ chức năng gan tại các nhà thuốc. Và tùy theo mức độ chiết khấu của mỗi loại sản phẩm mà có thể mỗi lần tư vấn, tại mỗi nhà thuốc khác nhau lại có lời giới thiệu tốt về một loại sản phẩm khác nhau, chưa cần quan tâm tới chất lượng, hiệu quả thực hư của sản phẩm ra sao.

Theo nhiều bác sĩ, việc quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi lừa dối người dân, người bệnh. GS.TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương từng chia sẻ, có những bệnh nhân mắc bệnh ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm, nếu được điều trị theo đúng phác đồ hoặc phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh hoặc ít ra cũng kéo dài cuộc sống. Tuy nhiên, vì tin vào những TPCN được "thổi phồng" về khả năng trị ung thư nên không đến bệnh viện, bỏ dở điều trị. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi,  quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn nặng, can thiệp cũng không đạt hiệu quả cao.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần cũng xuất phát từ tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", rất nhiều trường hợp vì sốt ruột chờ đợi kết quả theo liệu trình bác sĩ đưa ra nên đã "đánh cược" niềm tin vào những quảng cáo TPCN "hiệu quả tức thì" khi chưa tìm hiểu kĩ để rồi cuối cùng tiền mất mà "tật vẫn mang".

Bàn về câu chuyện này, PGS.TS Tâm lý học Trần Thành Nam phân tích, có bệnh vái tứ phương thường xuất phát từ tâm trạng lo lắng, tính dao động và dễ bị ám thị bởi ý kiến người khác. Đi chữa bệnh, nhiều khi chúng ta thấy bác sĩ giỏi nhất trong mắt người bệnh chưa chắc đã phải là người đưa ra chẩn đoán đúng nhất mà phải là bác sỹ đưa ra chẩn đoán hợp với niềm tin sẵn có của bệnh nhân nhất. Nhiều người sẽ có xu hướng "shopping doctor" từ Đông y đến Tây y, từ thuốc nam đến thuốc bắc như một cách tham khảo về tất cả các giả thuyết dẫn đến căn bệnh của mình.

Nhiều trường hợp tự ý bổ sung TPCN với suy nghĩ "có bệnh thì vái tứ phương"

“Họ có thể có những niềm tin sai lầm rằng uống thuốc tây có tác dụng chính thì cũng có tác dụng phụ. Còn thực phẩm chức năng hay thuốc Đông y thì sẽ không có tác dụng phụ, uống vào không bổ ngang thì cũng bổ dọc nên vẫn tích cực sử dụng, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc”, PGS.TS  Trần Thành Nam nhận định.

Theo khảo sát của PV, có rất nhiều người tự cho mình là bị viêm gan, men gan tăng cao chỉ vì nóng trong người, nổi mụn nhọt, sắc tố da thay đổi, hay uống rượu bia... cũng tự ý mua các loại TPCN bổ gan, giải độc gan về sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ.

Hay như anh Phạm V. Hải (Cầu Giấy) cho biết, thời gian gần đây anh có dấu hiệu vàng da, thay vì đến bệnh viện, anh lại nghe theo lời "thăm khám" của họ hàng, bạn bè là có dấu hiệu của bệnh gan nên đã tự ý ra hiệu thuốc hỏi mua các TPCN, những mong "giải quyết" được các triệu chứng mà anh đang mắc phải. Thậm chí, vì quá tin vào những quảng cáo về công dụng, anh còn không tìm hiểu kĩ các thông tin về sản phẩm. Chỉ đến khi sức khỏe ngày càng đi xuống, anh mới tạm dừng uống để đi khám. “Lúc đó, việc điều trị đã trở nên khó khăn rất nhiều so với thời điểm ban đầu”. 

PHẦN LỚN TPCN ĐỀU KHÔNG CÓ CÔNG DỤNG 100% NHƯ QUẢNG CÁO

Về TPCN liên quan đến gan, trên thị trường hiện nay được bày bán rất đa dạng, từ chủng loại cho đến giá thành. Có thể kể đến Hoàng Mộc Can, Detox gan, giải độc gan Nam Dược, Kim Đởm Khang, Giải độc Gan Tuệ Linh, Cà Gai Leo,... Nhằm thu hút khách hàng, các nội dung quảng cáo sản phẩm thường nhấn mạnh tới hệ quả của các loại bệnh lý về gan và qua đó quảng bá “ngút trời” về chất lượng, hiệu quả của sản phẩm.

Có đến hàng triệu kết quả liên quan đến TPCN...điều trị bệnh gan
Có đến hàng triệu kết quả về sản phẩm TPCN liên quan đến bệnh gan

Được biết, tại Mỹ, các sản phẩm TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ gói gọn trong các loại vitamin, khoáng chất, glucosamin (dành cho khớp), các loại khác như hỗ trợ bổ gan, bổ thận… thì trên sản phẩm ghi rất rõ, thuốc này chưa được FDA của Mỹ đánh giá và không chịu trách nhiệm về việc sử dụng sản phẩm. Điều này như một lời khuyến cáo cho khách hàng trước khi quyết định chọn lựa sản phẩm.

Tại Việt Nam, các sản phẩm TPCN khi quảng cáo cần tuân thủ theo những quy định pháp luật về quảng cáo TPCN như Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm, Thông tư 09/2015/TT-BYT Quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm đều tuân thủ nghiêm túc quy định này, không ít sản phẩm đã “lách luật” bằng nhiều cách để quảng cáo quá đà về hiệu quả sản phẩm.

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP, Điều 7 Thông tư 09/2015/TT-BYT, nội dung quảng cáo phải có nội dung: Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Nhưng trên thực tế, nhiều đoạn nội dung quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc các kênh mạng xã hội đã "tua" nhanh phần nội dung này, hoặc có những quảng cáo mà dòng chữ khuyến cáo rất bé khiến người xem không thể nhìn rõ.

Viên giải độc gan Nuturenz lập lờ thông tin quảng cáo
Viên giải độc gan Nuturenz lập lờ thông tin quảng cáo

Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP cũng quy định "Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm".

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã liên tục cảnh báo người tiêu dùng trên nhiều kênh thông tin, rằng người tiêu dùng nên cảnh giác với các quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế. 

Thế nhưng phớt lờ quy định này, Viên nang cứng giải độc gan Naturenz không những sử dụng hình ảnh người mặc trang phục y bác sĩ trên quảng cáo mà còn cung cấp thông tin không rõ ràng rằng: “Được nghiên cứu tại 1 bệnh viện lớn tại Hà Nội cho kết quả: Giúp bào mòn sỏi, giảm tỷ lệ tái phát sau điều trị, cải thiện triệu chứng đau tức hạ sườn phải, vàng da, giúp hạ men gan,...” 

Một sản phẩm thực sự hiệu quả, uy tín, có cần bất chấp vi phạm quy định để viện dẫn hình ảnh y bác sĩ, bệnh viện nhằm bảo chứng cho uy tín của mình như vậy? Đây là câu hỏi mà người tiêu dùng luôn cần đặt ra trước khi quyết định mua một sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Bởi việc quá cả tin cũng có thể sẽ phải trả giá đắt. 

Một hình thức cũng không quá mới nhưng được nhiều nhãn hàng sử dụng là làm đơn vị tài trợ cho các chương trình tư vấn sức khỏe, và đăng tải hình ảnh sản phẩm ngay trên nền giới thiệu chương trình. Đây được đánh giá là một hình thức quảng cáo “trá hình”, gián tiếp vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo TPCN khi sử dụng hình ảnh y bác sĩ, dược sĩ đi cùng với hình ảnh sản phẩm để từ đó nâng mức độ tin tưởng chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng.

Hay như sản phẩm Cà gai leo Tuệ Linh với thành phần chính là chiết xuất cà gai leo và giảo cổ lam, được quảng cáo có tác dụng trong việc điều trị viêm gan virus và xơ gan. Tại nhiều website đăng tải hình ảnh quảng cáo về loại TPCN này, đơn vị quảng cáo đã đính kèm các lời nhận xét của giới chuyên môn là y, bác sĩ về công dụng của cà gai leo, ngoài ra nhiều website còn đính kèm các video tư vấn nhằm tăng tính sinh động và thiết thực.

Cà gai leo Tuệ Linh thổi phồng chất lượng sản phẩm
Cà gai leo Tuệ Linh "thổi phồng" chất lượng sản phẩm?

Tuy nhiên, trả lời tại một buổi chia sẻ, PGS.TS.TTND. Nguyễn Xuân Thành - Cố vấn chuyên môn, bác sĩ khoa khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho hay, cà gai leo chỉ góp phần hỗ trợ giải độc, còn tác động lên virus thì không có.

Nhưng quảng cáo TPCN Giải độc gan Tuệ Linh thì nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt của cà gai leo: “Giải độc gan Tuệ Linh với cà gai leo và mật nhân giúp hỗ trợ điều trị viêm gan virus, hạ men gan, giải độc gan, ngăn ngừa xơ gan…”.

Không phải người tiêu dùng nào cũng biết được công dụng thực sự của cà gai leo, không phải ai cũng có thể phân biệt được việc "góp phần hỗ trợ giải độc" với "hỗ trợ điều trị viêm gan virus"  và có lẽ để khẳng định rằng cà gai leo có công dụng, hiệu quả như quảng cáo là điều không chắc chắn.

Phân tích về vấn đề này, GS.TS.BS Nguyễn Khánh Trạch cho rằng đa phần các sản phẩm hỗ trợ chức năng gan không có hiệu quả 100% như quảng cáo. Theo đó, nhiều sản phẩm đã quảng cáo, nói quá, đánh vào tâm lý của người tiêu dùng.

“Nói cho cùng thì hầu hết các quảng cáo đều là nói quá. Nhiều sản phẩm thực ra không có tác dụng gì hoặc tác dụng rất ít, nhưng quảng cáo thổi phồng lên. Bệnh nhân cứ dùng sản phẩm xong một thời gian thấy có vẻ có hiệu quả thì cho rằng là nhờ công dụng của sản phẩm TPCN, nhưng đâu biết rằng có một số biểu hiện bệnh nó có thể tự biến mất sau 1 thời gian. Đôi khi, đó chỉ là hiệu quả về mặt tâm lý của người bệnh, à tôi đang uống loại thực phẩm chức năng này, nhà sản xuất quảng cáo như thế nên tôi thấy bệnh tình cũng tiến triển tốt như họ nói…”, GS. TS. BS Nguyễn Khánh Trạch cho hay.

Đáng chú ý, theo vị chuyên gia này, rất khó để kiểm soát thành phần cũng như chất lượng của các sản phẩm TPCN, bởi thị trường này không những đa dạng về chủng loại mà mỗi loại sản phẩm lại được giới thiệu với từ 3 - 5, có khi là trên 10 thành phần tạo thành khác nhau.

“Đấy là tôi chưa nói đến chuyện sản phẩm lại còn trộn một số loại thuốc, thành phần khác ngoài danh mục vào... thì có khi lại gây hại cho gan hơn. Đặc biệt, nhiều loại sản phẩm đã lấy ‘mác’ nguồn gốc thảo dược, dựa vào đó để lừa người tiêu dùng, nói là thiên nhiên, dược liệu thì sẽ đỡ có hại. Đủ các kiểu quảng cáo, đủ cách để lừa”, GS. TS. BS Nguyễn Khánh Trạch nhấn mạnh và cho biết thêm rằng thành phần của các sản phẩm có thật như giới thiệu hay không thì... “ai mà kiểm tra được!”.

Hàng loạt video phóng sự về phản hồi của khách hàng Heposal về công dụng của sản phẩm được đăng tải trên website của nhãn hàng này

Mạnh dạn khẳng định có thể trị được men gan cao, thậm chí tự nhận là "Thuốc chữa trị gan hiệu quả" trên các quảng cáo trả tiền, sản phẩm Heposal của CTCP Dược Mỹ phẩm CVI được quảng cáo rầm rộ trên các kênh thông tin và internet. 
Và có lẽ bởi quy định không cho các đơn vị sử dụng thư cảm ơn của khách hàng để quảng cáo đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nên Heposal đã thực hiện hẳn 1 bài phóng sự về nhân vật khách hàng của mình - người đã mạnh dạn "quyết tâm không uống" thuốc tây điều trị men gan cao và tìm đến Heposal, để rồi có được giấc ngủ ngon chỉ sau 2 tuần sử dụng. Rất dễ dàng tìm thấy những phóng sự, bài viết, video tương tự về các khách hàng của Heposal trên website bán hàng của sản phẩm này. Bên cạnh đó, hình ảnh của hàng loạt bác sĩ, chuyên gia hàng đầu cũng được đăng tải cùng những dòng thông tin về dược liệu, thành phần của sản phẩm. Thật khó để nghi ngờ tính an toàn, hiệu quả của sản phẩm khi nhìn vào những thông tin này. Nhưng với việc bất chấp các quy định của cơ quan quản lý nhà nước để quảng cáo, liệu sản phẩm Heposal có xứng đáng với niềm tin của người tiêu dùng? 

Việc các quảng cáo xuất hiện dồn dập, liên tiếp, “tấn công” người tiêu dùng trên mọi “mặt trận” thông tin được PGS.TS Trần Thành Nam nhận định là hành động nhằm mục đích hình thành một niềm tin tự động ở người tiêu dùng. “Nó giống như việc 1 người chỉ màu đỏ và nói rằng đó là màu xanh. Ban đầu ta không tin. Nhưng 1.000 lần tiếp theo những người khác vẫn chỉ màu đỏ nói đó là màu xanh. Lúc này không những ta tin mà ta còn hoảng loạn lên vì không biết mình bị bệnh gì. Tiếp cận với quá nhiều thông tin quảng cáo trên mạng cũng như vậy. Lặp lại nhiều lần sẽ làm bạn hoang mang hơn, mất khả năng đánh giá và thẩm định các nguồn tin. Và bạn có thể tin những điều mà ban đầu bạn tưởng rằng rất vô lý”.

Bản chất TPCN không xấu nhưng việc nhiều đơn vị sản xuất lạm dụng đánh tráo khái niệm đã khiến thị trường này ngày càng mất điểm trong mắt NTD
Bản chất TPCN không xấu nhưng việc nhiều đơn vị sản xuất lạm dụng "đánh tráo khái niệm" đã khiến thị trường này ngày càng "mất điểm" trong mắt người tiêu dùng

Thực tế, bản chất của TPCN không xấu, nhưng việc nhà sản xuất “đánh tráo khái niệm”, quảng cáo với nội dung “lập lờ”, cố ý gây hiểu nhầm đã khiến không ít người tiêu dùng vì tin lời quảng cáo mà đã bỏ tiền ra mua TPCN nhằm trị bệnh, bỏ lỡ quy trình điều trị, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Nhìn sâu xa hơn về hệ quả của các quảng cáo TPCN quá đà còn là những tác động tới tâm lý người tiêu dùng, người bệnh khi nhấn mạnh tới hậu quả của các căn bệnh khi không sử dụng thực phẩm hỗ trợ kịp thời, trong khi, tâm lý cũng góp phần không nhỏ vào quá trình điều trị bệnh. Một tâm lý tốt, tinh thần tích cực sẽ là động lực to lớn cho người bệnh vượt qua khó khăn, điều trị bệnh tật.

Nhưng, các loại sản phẩm TPCN với vai trò chỉ hỗ trợ sức khỏe, hoàn toàn không có công dụng trong việc điều trị bệnh như một loại thuốc, thay vì dừng lại ở việc quảng cáo công dụng thì đã tìm cách đánh vào tâm lý người bệnh, để “có bệnh thì vái tứ phương”, và để rồi “tiền mất tật mang”. Đặc biệt, có những loại TPCN có giá thành không hề rẻ, và có khi là đắt so với thuốc chữa bệnh hoặc các phương thức điều trị bệnh khác như tập luyện, rèn luyện sức khỏe và có một chế độ ăn uống hợp lý.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật./.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/chuoc-hoa-vao-than-khi-tu-y-bo-sung-lam-dung-tpcn-20201231000002196.html