1. Bún ốc Hàng Chai

Phố Hàng Chai rất nhỏ, chỉ vỏn vẹn có dăm ba số nhà nhưng lúc nào xe cộ cũng xếp chật cứng từ đầu đến cuối phố. Lý do thì người sành ăn ai cũng biết, đó chính là hàng bún ốc cô Thêm nổi tiếng nằm khuất bên trong. Bún ốc phố Hàng Chai nấu theo kiểu truyền thống, chỉ thuần nhất có bún, ốc nhồi, ốc vặn và nước dùng. Giá 30 ngàn đồng bát nhưng tô bún ốc ở đây chỉ có khoảng 4 đến 5 con ốc nhồi cỡ vừa, tính ra không hề rẻ.

Chủ nhân của quán ăn này là cô Thêm – người đã có hơn 25 năm kinh nghiệm bán bún ốc ở phố cổ.

Thế nhưng nhiều thực khách vẫn chấp nhận đợi chờ, trả số tiền không rẻ để được thưởng thức tô bún ấy bởi bị chinh phục bởi thứ nước dùng đặc biệt, dậy mùi ốc nhưng không tanh mà lại rất thơm. Húp một thìa nước dùng nóng hổi, người ta dễ nhận thấy nét tròn vị của nó với đầy đủ vị thanh của nước, vị tê tê của ớt, vị chua, thơm của dấm bỗng, chút đậm đà của mắm tôm. Cô Thêm chỉ phục vụ thêm quẩy còn nước uống, thịt bò… khách phải tự bỏ tiền đi mua ở những hàng quán kế bên. Quán bán mỗi ngày từ 7h sáng đến 13h chiều, nghỉ mùng 1, ngày rằm.

  1. Bún Ốc Đặng Dung

Nếu bạn mê thứ bún ốc với nước dùng thanh lại có chút chua cay thì không nên bỏ qua quán bún ốc trên phố Đặng Dung, vốn mới chuyển từ ngõ Nhà Chung sang. Ở hàng bún ốc này, bạn có thể tùy theo sở thích cá nhân mà gọi cho mình bún ốc to, bún ốc nhỏ hay ốc lẫn với từng mức giá từ 20 – 40k. Dù là ốc nhỏ hay ốc to, cô chủ hàng đều đảm bảo từng con ốc được nhể ra đều sạch do được ngâm nước vo gạo nên khi ăn không hề có nhớt cặn, nhai miếng ốc rất giòn.Tô bún ốc to chỉ có khoảng 6 con, nhưng bù lại ốc to, béo, ăn đã miệng.

Bát bún ở đây đơn giản là nắm bún rối, dăm con ốc nhồi hoặc thìa to ốc vặn, chút hành lá tía tô thái nhỏ rồi chan thứ nước dùng nóng hồi có kèm vài miếng cà chua đỏ mềm. Không có đậu rán giòn, không có thịt bò hay giò tai chả miếng nào… ấy vậy mà không ít người mê bún ở đây đến mức có thể húp cạn sạch bát bún ốc. Người quen ăn ở đây nói rằng chính cái thứ nước dùng chan bún chua chua, cay cay đặc trưng ở đây đã gây nghiện cho họ. Tuy nhiên cũng có người cho rằng nước dùng ở đây bị chua gắt quá. Ngoài bún chan, ở đây còn bán cả bún ốc chấm với bún đồng xu chuẩn chính, cũng được thực khách khen là ngon, bắt miệng.

Hàng bún ốc mở cửa từ 6h sáng đến khoảng 14,15h chiều, có thể đóng cửa sớm hơn vì nhanh hết hàng. Cô Huê cũng nghỉ hàng vào ngày rằm và mùng 1 (âm lịch) nên bạn hãy căn ngày để đến thưởng thức nhé.

  1. Bún ốc Lương Ngọc Quyến

Bún ốc ở đây về cơ bản công thức cũng giống như các hàng bún ốc cổ truyền, tức là chỉ đơn giản có bún rối, ốc, cà chua, hành lá tía tô và chan nước dùng thơm mùi dấm bỗng. Tuy nhiên điểm đặc biệt đó chính là miếng thịt diềm thăn lợn có nạc có gân, ăn giòn giòn sần sật được chính cô chủ quán lựa chọn cẩn thận và trần cho khách. Quán bún ốc này bán ở vỉa hè số 40 Lương Ngọc Quyến, được giới sành ăn yêu mến gọi là bún ốc cô Giang.

Nhiều người mới nghe đến hàng bún ốc này đã nhăn mặt bởi đã cổ truyền thì cổ truyền hẳn, cách tân thì cách tân hẳn, cớ sao lại ăn kèm diềm thăn, nhưng người đã ăn thì thì lại gật gù bảo bún ốc có thêm vài miếng thịt diềm thăn ăn tuy lạ nhưng rất hợp, khiến món bún có phần ngon hơn. Đặc biệt tuy trần thịt vào nước dùng nhưng nếu có vị khách nào mang thịt bò đến trần thêm ăn cùng, chủ quán sẽ  từ chối với lý do rằng sẽ khiến cho nồi nước dùng bị ám mùi thịt, mất đi hương vị thanh chua đã được nêm nếm đúng vị.

Nếu muốn nếm thử món ăn này, bạn hãy bỏ túi địa chỉ 40 Lương Ngọc Quyến, con phố luôn tấp nập các hoạt động ăn uống giải trí của giới trẻ. Ở đây chỉ là một gánh hàng rong ngồi vỉa hè nên tương đối chật vì thế sẽ có lúc bạn phải kiên nhẫn đợi mới đến lượt thưởng thức đấy. Ngoài bún ốc nóng, ở đây còn rất nổi tiếng với món bún ốc nguội đúng kiểu cổ truyền. Quán bán từ tầm 12h giờ trưa khoảng chiều tối.

  1. Bún ốc tóp mỡ Bạch Mai

Không biển bảng chỉ dẫn, cũng không có một cái tên cụ thể mỹ miều nào, song quán bún ốc trong ngõ Văn Hương lại là điểm đến quen của rất nhiều tín đồ bún ốc. Quán đông đến mức, buổi sáng 4, 5 người xúm vào phục vụ mà có khi vẫn không kịp. Bún ốc ở đây, nếu ăn lần đầu chắc chắn sẽ thấy lạ bởi những miếng tóp mỡ và hành lá phi trong thành phần tô bún. Ấy vậy mà đấy mới lại là thứ ghi điểm của quán bún này.

Nước canh nóng hổi, thơm mùi cà chua, khá ngọt nhưng không lợ, từng miếng tóp mỡ vàng sậm, nho nhỏ, dù đã được giầm trong nước canh nóng hổi bao lâu cũng vẫn giữ được cái vị giòn giòn, thơm phức, béo ngậy. Cảm giác thi thoảng, trong lúc ăn bún ốc, lại nhai được miếng tóp mỡ như vậy quả là thích thú, khiến người ta phải “ghiền”, phải nhớ mãi. Vì thế, khách nào trước khi ăn cũng thường có yêu cầu quen thuộc: “Nhớ cho nhiều hành phi tóp mỡ chị nhé!”.

  1. Bún ốc Khương Thượng

Có lẽ người dân Hà Thành không ai chưa từng nghe tiếng của quán bún ốc trên phố Khương Thượng. Không chỉ vì quán bún ốc đã có hơn 40 năm tuổi mà còn vì hương vị đậm đà còn mãi với thời gian. Quán bán nhiều món như lẩu ốc, nem ốc, chả ốc, chạo ốc… nhưng hầu hết khách tới đây đều không thể bỏ qua món bún ốc ngon có tiếng.

Bún ốc của quán là ốc chuối đậu. Những con ốc to, béo ngậy, chuối thái lát dày vừa phải được nấu rất mềm cùng với nước dùng đặc sánh, chua dịu là những điểm khiến ai cũng ngất ngây. Nước dùng với công thức gia truyền không đâu có ở Hà Nội khiến quán lúc nào cũng đông khách. Một bán bún ốc Khương Thượng có giá 40.000 đồng, mức giá tuy có cao với mặt bằng chung nhưng là khá ổn cho bát bún ngon và đầy đặn.

  1. Bún ốc ngõ chợ Đồng Xuân

Nhắc tới ngõ chợ Đồng Xuân, chúng ta nghĩ ngay đến một thiên đường ẩm thực giữa phố cổ Hà Nội với phở tíu, bún chả que tre, bún đậu, bánh cuốn, chè… hết sức đa dạng và ngon miệng. Tuy nhiên một trong những món ăn được nhiều người phải thử khi đến đây chính là bún ốc chuối đậu. Quả thật chỉ cần đi qua hàng bún này, nhìn nồi nước dùng sôi sục với hương thơm chua dịu đưa lên đã khiến người ta thấy khó kìm chế.

Nguyên liệu của bát bún ở đây được tuyển chọn kĩ, ốc là ốc nhồi to, làm sạch, chuối ninh riêng, đậu rán vàng, rau ăn kèm xanh mướt, nước dùng nêm sẵn chút chua, cay rất ngon. Nếu bạn muốn thêm chua hoặc cay nữa có thể cho thêm chút cốt me hoặc ớt chưng. Tuy nhiên nếu ai không quen ăn chua, cay có thể sẽ không thấy hợp vị. Giá bún khá bình dân từ 25.000 – 30.000 đồng/ bát.

  1. Bún ốc bà Sáu (73A Mai Hắc Đế)

Quán ốc bà Sáu này nhỏ tin hin, chỉ khoảng 20 m2, chỉ bán từ sáng tới buổi trưa. Quán thu hút thực khách bởi nước dùng có vị thơm tự nhiên, thanh mát. Ốc làm bún ở đây không có loại ốc nhỏ mà chỉ có ốc mít, ốc nhồi, ăn giòn giòn, thơm thơm.

Vì quán quá bé, nên thực khách ăn tại đây ngồi hơi chật chội, có khi vừa ăn, vừa phải nhấp nhổm vì người đằng sau đang chờ đợi mình. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá bực mình, cố gắng chờ đợi tới lượt, đôi khi chen chúc để được thưởng thức một tô bún ngon ngày đầu xuân cũng rất thú vị.

  1. Quán ốc nguội Ô Quan Chưởng

Nhiều người lại thích cái vị thanh tao mát mẻ của những bát bún ốc nguội. Món ăn này cũng làm nên một phần văn hóa ẩm thực của chốn Kinh Kỳ.

Có rất nhiều địa chỉ để bạn có thể tới thưởng thức một tô ốc nguội như ở phố Mai Hắc Đế, phố Khương Thượng. Nhưng nếu muốn cảm nhận được trọn vẹn hương vị cổ truyền của món ăn này, xin mời bạn ghé qua cửa ô nổi tiếng nhất đất Hà Thành: bún ốc nguội Ô Quan Chưởng.

Quán ốc nằm ở một góc gần cửa ô, nhỏ bé, đơn sơ lại bị "che chắn" bởi quán nước và vài cái cột điện. Đó là hàng bún theo kiểu bán rong, chỉ chứa tối đa được 7 người. Nhưng chắc hiểu sao lúc nào hàng cũng ở trong tình trạng quá tải như vậy bởi cái sự ngon lành và cũng bởi cái không khí xung quanh.

Ốc ở đây giòn thơm, sạch tuyệt đối và nước chấm thì ngon ngọt khó tả, vừa có vị thanh nhẹ của dấm bỗng, hơi chua, ngọt lại vừa có vị đậm đà thơm ngát của nước mắm... Người ăn ít cũng có thể ăn được 2 suất còn những ai ăn khoẻ thì “đả” chứ 3 suất vẫn còn thòm thèm. Nghe nói là dấm bỗng ở đây được chế biến rất cầu kỳ để đảm bảo ăn nguội mà khách không bị đau bụng./.

Theo Nhật Linh (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam